Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Ngày đăng: 20/04/2021
Ngày 19/4, tại di tích cấp quốc gia đình làng An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Ban khánh tiết đình làng An Hải phối hợp các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Đây là nghi lễ gắn liền với tâm thức của người dân địa phương nhằm tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân có công giong thuyền, đạp sóng ra khơi, dựng bia, cắm mốc, xác lập bảo vệ chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Ngay từ sáng, hàng trăm người dân địa phương đã có mặt tại Đình làng An Hải để tham dự lễ. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức với nhiều nghi lễ như Lễ cung nghinh, lễ yết, lễ rước thần và linh vị binh phu Hoàng Sa, lễ tế cổ truyền, lễ thả hình nhân.

Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn: "Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như gươm, tiền bạc, vòng bạc... Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp".

Đội Hoàng Sa chính thức được thành lập từ năm nào chưa rõ, sử liệu cũ chỉ ghi “hồi đầu bản triều”, “hồi đầu dựng nước” và chấm dứt hoạt động vào những năm thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đội Hoàng Sa sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản “đội Bắc Hải”, có nhiệm vụ khai thác vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa).

Trong suốt 3 thế kỷ hoạt động, đã có hàng vạn người lính thủy quân Hoàng Sa vượt qua biết bao sóng gió, bão tố để thực thi nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền lãnh thổ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do tính chất nguy hiểm của những chuyến đi biển, không phải người lính nào cũng có may mắn trở về đất liền an toàn. Theo ghi chép trong gia phả của các tộc họ có người đi lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, có rất nhiều người lính ra đi không trở về. Hình ảnh những khu mộ chiêu hồn không xác người (mộ gió) của các tộc họ Phạm Quang, Phạm Văn, Võ Văn... trên đảo Lý Sơn là một minh chứng bi hùng.

Để tưởng nhớ những người lính đã hy sinh khi làm nhiệm vụ và ý nguyện cầu bình an cho những lính mới, hằng năm, vào tháng hai – tháng ba âm lịch, người dân đảo Lý Sơn lại tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. “Khao lề” là lệ khao định kỳ hằng năm, còn “thế lính” là nghi lễ cúng thế mạng cho những người lính thủy quân Hoàng Sa. Ngày nay, cứ vào ngày 15-16 tháng 3 âm lịch hằng năm, người dân trên đảo Lý Sơn lại tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, cầu cho những linh hồn được siêu thoát, nhằm tri ân những anh hùng đã vì Tổ quốc hy sinh trên vùng biển đảo.

Hiện nay, ở đảo Lý Sơn vẫn còn các mộ của cai đội Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật và một số "mã liếp" (mộ chiêu hồn) của các đội Hoàng Sa đã bỏ mình trên biển cả. Đó là những ngôi mộ được làm bằng đất sét giả cốt người để con cháu tưởng niệm thờ cúng. Ngoài ra, người dân Lý Sơn còn phối thờ Cai đội Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Chánh Thuỷ quân Suất đội Phạm Hữu Nhật và những hùng binh trong đội Hoàng Sa xưa tại di tích Âm linh tự, đình làng An Vĩnh và một số dinh, miếu thờ khác để ngàn đời nhớ đến công lao của họ.

Nghi thức thả thuyền

Năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Vinh dự, tự hào với giá trị di sản, chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn đang tiếp tục nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đình làng An Vĩnh và Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau về lòng yêu nước, ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

PV