MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Lễ hội Phá Bàu trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày đăng: 01/04/2021Ngày 31/3, tại huyện Lộc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức công bố Lễ hội Dua Tpeng (Lễ hội Phá bàu) của dân tộc Khmer là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Phá bàu là một trong những lễ hội độc đáo của người Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Lễ thường được tổ chức vào mùa xuân hằng năm với ý nghĩa cầu mưa thuận, gió hòa, bà con sản xuất thuận lợi, dân làng đoàn kết, yên vui. Lễ hội còn có ý nghĩa tuyên truyền giữ gìn và bảo vệ bàu nước, để cá tôm sinh sôi phát triển, cuộc sống dân làng ngày càng no đủ.
Người dân địa phương tham gia lễ hội Phá Bàu
Theo tục lệ, sau khi Hội đồng già làng thực hiện các nghi lễ truyền thống và nghi thức cúng các thần linh cầu mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng bội thu, cầu cho buổi Phá Bàu được thuận lợi, bà con thu hoạch được nhiều cá, tôm…Sau đó, đông đảo bà con đồng bào dân tộc Khmer với các dụng cụ truyền thống thô sơ như: Nơm, rút, sneng, giỏ, đồ xúc…thi nhau bắt cá. Những con cá bắt được đầu tiên được dâng lên cho già làng.
Các sản phẩm bắt được trong lễ hội được chế biến thành những món ăn truyền thống như: Mắm chua được làm từ cá nhỏ và tép, cá hấp lá chuối, cá nướng, cua nướng…Hầu hết các loại cá đều được làm bằng cách thông qua nướng trên lửa. Sau đó, được chấm với muối ớt tươi, ăn kèm với các loại rau rừng.
Niềm vui của người dân sau khi bắt được cá ở lễ hội Phá Bàu
Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết xã có 50% dân số người dân tộc Khmer. Lễ hội Phá bàu tồn tại và phát triển từ bao đời nay, mang bản sắc văn hóa truyền thống của bà con đồng bào Khmer. Đồng thời thể hiện tính giáo dục, văn hóa ứng xử cộng đồng, tôn trọng quy tắc ứng xử, lòng tôn kính bề trên và tính liên kết cộng đồng. Đặc biệt, những người có công lao to lớn đối với dân làng.
Với nhiều nét đặc sắc, ý nghĩa đó, lễ hội Phá bàu của cộng đồng người Khmer ở Lộc Khánh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4615/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.
Nguyễn Ngọc Huấn (t/h)