Lễ hội kết chạ Phú Mỹ-Kiều Mai, Hà Nội trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Ngày đăng: 01/06/2021
Hình ảnh kiệu Long Đình tại lễ hội Kiều Mai – Phú Mỹ năm 2020
Ngày 31/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định đưa 10 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó có Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai, TP.Hà Nội chính thức được ghi danh trong đợt này.

Phú Mỹ và Kiều Mai là hai làng giáp nhau, có sông Nhuệ là điểm phân giới. Xưa, hai làng đều thuộc huyện Từ Liêm (Hà Nội). Hiện nay, làng Phú Mỹ là Tổ dân phố Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), còn làng Kiều Mai là Tổ dân phố Kiều Mai (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm).

Theo tục truyền, tục kết chạ giữa hai thôn Phú Mỹ - Kiều Mai đã được xác lập và duy trì từ xa xưa, từng có Khoán ước được ký kết ngày 10 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745), phục dựng lại ngày 01 tháng 6 năm Quý Dậu (1933), niên hiệu Bảo Đại. Hiện Khoán ước này còn được lưu giữ tại hai tổ dân phố (Phú Mỹ - Kiều Mai). Nội dung khoán ước ghi rõ: Hằng năm, vào ngày 7 tháng Giêng, thôn Kiều Mai sửa lễ hoặc rước Thánh vị đến Phú Mỹ để dự Lễ khánh hội tại thôn Phú Mỹ; Và ngày 10 tháng Hai, thôn Phú Mỹ sửa lễ hoặc rước Thánh vị đến Kiều Mai để dự Lễ khánh hội tại thôn Kiều Mai. Ngoài ra, còn quy ước cụ thể về lễ và các nghi thức hành lễ liên quan. Đến nay, dân Phú Mỹ - Kiều Mai vẫn duy trì Khoán ước này. Trong Hương ước của thôn Kiều Mai cũng quy định cụ thể về việc thực hiện Lễ hội giao hiếu này theo các quy định của Khoán ước đã giao kết. Trong đó, có những quy định cụ thể về việc ai được tham gia lễ hội và đoàn rước.

Hội giao hiếu giữa Phú Mỹ - Kiều Mai gắn với việc phụng thờ Thành hoàng của 2 làng. Theo thông lệ xưa, năm nào “Hòa cốc phong đăng (được mùa), hai bên cùng tổ chức lễ hội và có rước lớn, việc này do hai bên bàn bạc thống nhất. Hiện nay, Lễ hội giao hiếu Phú Mỹ - Kiều Mai được tổ chức với quy mô lớn 5 năm một lần, còn lại,các năm khác, được tổ chức với quy mô nhỏ. Với những năm tổ chức lễ hội quy mô nhỏ, thôn này chỉ rước đến dự lễ với thôn kia một kiệu long đình, có tự khí đầy đủ, không rước kiệu Thánh (bát cống), không tuyển Quân kiệu nam và Quân kiệu nữ.Với năm tổ chức lễ hội quy mô lớn, sẽ rước 2 kiệu, gồm: 1 long đình và 1 kiệu bát cống và đầy đủ tự khí, đầy đủ Quân kiệu nam và Quân kiệu nữ.

Giao hiếu, tức kết chạ là một phong tục tốt đẹp trong mối quan hệ liên kết các làng xã trong xã hội Việt cổ truyền, có tác dụng củng cố khối đại đoàn kết cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Lễ hội giao hiếu Phú Mỹ - Kiều Mai đã được ghi lại trong Khoán ước giao kết giữa 2 thôn từ thời Cảnh Hưng còn được duy trì đến tận ngày nay là một biểu hiện sinh động về mối quan hệ độc đáo này.

Ngoài Lễ hội kết chạ Phú Mỹ-Kiều Mai, cùng đợt này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký ghi danh 9 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia:

1. Lễ hội đua ngựa Bắc Hà huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

2. Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín, huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai.

3. Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

4. Lễ hội Năm làng Mọc, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.

5. Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

6. Nghề làm nước mắm Phú Quốc, phường Dương Đông, phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

7. Lễ “Ét đông” của nhóm Giơ Lâng (Ba Na) huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum.

8. Lễ hội xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

9. Nghề thêu ren Thanh Hà, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các di sản được ghi danh trong đợt này thuộc các loại hình nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia đợt này trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa./.

Lan Anh tổng hợp