Đề nghị đưa Lễ hội Dinh Thầy Thím vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày đăng: 12/10/2021
Múa Lân Sư Rồng chào mừng Lễ nghinh thần, rước sắc phong và bằng công nhận di tích từ mộ Thầy Thím về dinh Thầy Thím
Từ lâu, lễ hội dinh Thầy Thím ở tỉnh Bình Thuận đã trở thành nơi hội tụ tín ngưỡng, văn hóa tôn giáo của đông đảo người dân. Lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, ghi khắc công đức của các bậc tiền nhân khoảng hơn 130 năm qua.

Để bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của lễ hội này, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định đưa Lễ hội dinh Thầy Thím vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội về sự tích Thầy Thím là tài sản vô giá của nhân dân làng Tam Tân, thị xã La Gi nói riêng và Bình Thuận nói chung.

Dinh Thầy Thím có từ năm 1879 (năm Tự Đức thứ 32) xuất phát từ sự tín ngưỡng của người dân phố biển Hàm Tân, La Gi. Lễ hội dinh Thầy Thím đã trở thành nơi hội tụ tín ngưỡng, văn hóa tôn giáo của đông đảo người dân. Tương truyền rằng, đây là nơi thờ hai vị thần huyền thoại là Thầy và Thím có nhiều công đức giúp dân nghèo, từng được ngư dân ngưỡng mộ. Người dân đến lễ hội dinh Thầy Thím mong muốn tìm được sự bình an, ban phúc lộc của Thầy - Thím, nên từ hàng trăm năm nay đã trở thành truyền thống văn hóa rất đặc trưng của tỉnh. Năm 1997, dinh Thầy Thím được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Ngày nay, Lễ hội Dinh thầy Thím đã trở thành nét văn hóa truyền thống của không chỉ riêng người dân địa phương mà còn thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách khắp nơi về tham gia lễ hội. Lễ hội thường được tổ chức vào rằm tháng 9 hàng năm. Ngoài các nghi thức truyền thống như: lễ nghinh Thần, rước sắc phong, lễ nhập điện an vị, thỉnh thực, giỗ Tiền Hiền và cúng binh gia…Lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian đậm nét xứ biển như: khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới, kéo co, đánh cờ người…

Với những giá tri ̣về kiến trúc nghê ̣thuật và tín ngưỡng, tâm linh, dinh Thầy Thím có điểm mạnh trên cả hai phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể và cần phải có các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị Lễ hội trong giai đoạn hiện nay.

 Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong tỉnh nói chung và Lễ hội dinh Thầy Thím nói riêng; góp phần phục vụ phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương phát triển. Đồng thời góp phần nâng cao ý thức ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của cộng đồng; từ đó làm phong phú kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

 

Lan Anh TH