Vai trò của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam nhìn từ đại dịch Covid-19 và lũ lụt ở miền Trung
Ngày đăng: 16/12/2020
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, Trang Thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo

 

          Đại dịch Covid-19 ở Việt Nam và lũ lụt diễn ra ở miền Trung trong thời gian vừa qua đã tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống người dân. Trong bối cảnh đó, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam nói riêng đã có những hoạt động ý nghĩa, thiết thực để góp phần cùng với các cơ quan ban ngành chức năng chung tay khắc phục hậu quả của thiên tai, lũ lụt cũng như đóng góp công sức vào cuộc chiến với “giặc Covid-19”. Theo dõi những hoạt động của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam xuyên suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 và lũ lụt xảy ra ở miền Trung, tác giả thấy rằng vai trò của các tổ chức tôn giáo trong những sự cố (hay thảm họa) về dịch bệnh, thiên tai không chỉ dừng lại ở góc độ là một tổ chức tham gia cứu trợ từ thiện, nhân đạo mà còn có những đóng góp tích cực nhiều hơn thế đồng thời cũng bộc lộ ra những điểm tiêu cực (mặc dù không nhiều). Thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, vai trò điều chỉnh tâm lý của tôn giáo trong giai đoạn diễn ra thảm họa về thiên tai ở miền Trung và dịch bệnh Covid-19.

Vai trò to lớn của tôn giáo trong ứng phó với thảm họa về thiên tai, dịch bệnh xảy ra trong thời gian vừa qua là điều chỉnh tâm lý và tạo sự an tâm về tinh thần cho người dân. Trong thời gian diễn ra lũ lụt ở miền Trung cũng như trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, trật tự xã hội bình thường bị thay đổi. Mặc dù, Nhà nước đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau trong đó có những biện pháp nhằm tạo sự ổn định về mặt tâm lý, giảm đi những tâm lý tiêu cực như: hoang mang, lo sợ, bất an… Tuy nhiên, để những thông tin của Nhà nước truyền tải đến tất cả người dân sẽ có những “độ trễ” nhất định bởi trong thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận được thông tin một cách nhanh chóng. Vì vậy, đối với người dân nói chung và đặc biệt là những tín đồ tôn giáo nói riêng điều họ cần nhất trong những thời điểm này chính là sự cứu rỗi của những vị thần mà họ tin tưởng. Lúc này chức năng điều chỉnh tâm lý của tôn giáo trở nên đặc biệt quan trọng.

Niềm tin tôn giáo trong những thời điểm diễn ra các sự cố về thiên tai hay dịch bệnh thời gian qua có một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm lý của các tín đồ tại các khu vực xảy ra sự cố, giúp tín đồ có thể ổn định được tinh thần cũng như mang lại cho tín đồ những cảm giác an toàn, được sự che chở. Điều này xuất phát từ các giáo lý, giáo lễ, giáo luật khác nhau của các tôn giáo đều khuyên nhủ các tín đồ sống yêu thương, đùm bọc nhau, “tất cả các tín đồ đều là anh em”. Những đức tin tôn giáo tạo cho các cá nhân thoát khỏi cảm giác cô đơn, xa lánh, gắn kết các tín đồ lại với nhau hơn, từ đó họ tìm thấy được niềm tin vào cuộc sống, vượt qua được những giai đoạn khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến xấu hay tình hình lũ lụt thêm phức tạp.  Ngoài ra, đức tin tôn giáo còn giúp cho tín đồ một khoảng không gian cũng như thời gian để giải tỏa nỗi đau cũng như cùng nhau chia sẻ những mất mát đã xảy ra. Cụ thể, trong thời gian xảy ra lũ lụt ở miền trung, tín đồ của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam (và cả ở nước ngoài) đã tổ chức những buổi cầu nguyện, các thánh lễ cầu nguyện cho nạn nhân lũ lụt miền Trung, tổ chức các nghi lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì lũ lụt xảy ra ở miền Trung…

Thứ hai, vai trò cứu trợ của tôn giáo trong thảm họa về thiên tai, dịch bệnh Covid-19 xảy ra vừa qua.

Trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, lũ lụt ở miền Trung các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, xã hội thiết thực để góp phần cùng Đảng, Nhà nước Việt Nam tham gia vào công tác phòng chống dịch cũng như hỗ trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. Theo Báo cáo kết quả phối hợp trong công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2020, trong diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch Covid-19, 43 tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh với nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể, như: hủy hoặc tạm dừng các hoạt động lễ hội, các buổi hội họp, thuyết giảng, khóa tu tập trung đông người và nhiều hoạt động tôn giáo ở cộng đồng,  cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng… Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo tham gia đóng góp, ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Cũng theo Báo cáo này, các tổ chức tôn giáo đã tham gia ủng hộ tiền và hiện vật, thiết bị y tế để phòng, chống dịch Covid-19 ước đạt 200 tỷ đồng[1]. Ngoài ra, trong giai đoạn miền Trung xảy ra thiên tai, lũ lụt, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực phát động các đợt quyên góp cứu trợ nạn nhân lũ lụt miền Trung thu hút được đông đảo quần chúng tín đồ cũng như người dân tham gia.

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, một trong những lợi thế của các tổ chức tôn giáo trong ứng phó với thiên tai, dịch bệnh chính là có thể huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện các hoạt động cứu trợ ban đầu hiệu quả. Các tổ chức tôn giáo không chỉ gây quỹ, vận chuyển vật tư, nhu yếu phẩm, giúp cứu trợ thiên tai và trong một phạm vi ảnh hưởng nhất định, các tổ chức tôn giáo còn có thể duy trì được sự ổn định và chăm sóc cho người dân bị ảnh hưởng rất hiệu quả. Nhiều tổ chức tôn giáo không chỉ có kinh nghiệm thực tiễn phong phú mà còn có đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong công tác xã hội, từ thiện vì vậy, trong những thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã có những đóng góp được đông đảo người dân cũng như các cơ quan chức năng ghi nhận, đánh giá cao.

Thứ ba, vai trò gắn kết xã hội của các tổ chức tôn giáo trong ứng phó với các thảm họa về dịch bệnh và thiên tai

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và lũ lụt xảy ra ở khu vực miền Trung, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã thể hiện vai trò gắn kết xã hội rất rõ nét. Điều này xuất phát từ việc các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đều có một số lượng lớn người dân tin theo. Bên cạnh đó với những chủ trương, đường hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng tín đồ trong thời gian diễn ra thiên tai, dịch bệnh đã thống nhất được những nhóm lợi ích cũng như những tâm tư, nguyện vọng khác nhau để trở thành những lợi ích chung của xã hội và tạo nên sự gắn kết. Có thể nói, tôn giáo với những đặc tính riêng về sự “thiêng liêng” đã giải quyết hài hòa các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội và tạo thành chuẩn mực cho mọi tín đồ tuân theo, từ đó tạo nên sự gắn kết trong xã hội và góp phần tăng cường sự ổn định xã hội trong những thời điểm khó khăn.

Thứ tư, yếu tố tiêu cực của các tổ chức tôn giáo trong ứng phó với các thảm họa về dịch bệnh và thiên tai.

Bên cạnh việc thực hiện nhiều chức năng tích cực trong ứng phó với các thảm họa về dịch bệnh và thiên tai. Các tổ chức tôn giáo cũng bộc lộ một số yếu tố tiêu cực gây ra những trở ngại nhất định (mặc dù không nhiều). Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận ở một số phương diện sau:

- Liên quan đến vai trò điều chỉnh tâm lý của tôn giáo, tôn giáo nói về “kiếp trước”, “sự sắp đặt của Thượng đế”, “số phận”… điều này có thể tác động đến tín đồ có những suy nghĩ về “số mệnh”, thụ động dựa vào sức mạnh siêu nhiên và để số phận thương xót hoặc đặt hy vọng và hạnh phúc ở thế giới bên kia hay ở thiên đường… Trong thời điểm diễn ra những thảm họa về dịch bệnh, thiên tai thì đây là một trong những mặt tiêu cực của các tôn giáo. Bởi khi tín đồ bị những suy nghĩ tiêu cực này chi phối có thể ảnh hưởng sự an toàn của cá nhân tín đồ cũng như của gia đình, đến tập thể và thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động ứng phó của Chính phủ. Từ đó, dẫn đến hậu quả là khủng hoảng có thể lan rộng và khó có thể xử lý trong thời gian ngắn.

- Về chức năng giao tiếp của tôn giáo, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sự phát triển của thông tin truyền thông đã đặt ra cho các tổ chức tôn giáo những cơ hội cũng như những thác thức mới trong việc thế hiện chức năng giao tiếp trên không gian mạng. Dịch bệnh Covid-19 và lũ lụt ở miền Trung vừa qua, chúng ta thấy đã xuất hiện rất nhiều tin giả phát tán trên mạng xã hội. Đây không chỉ là yếu tố tác động tiêu cực đến các tổ chức tôn giáo mà cả các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Đặc biệt, khi xã hội trong “tình trạng khẩn cấp” hoặc “tiền khẩn cấp”[2], nếu các tổ chức tôn giáo không có được sự hướng dẫn kịp thời hoặc cảnh giác trước vấn nạn tin giả thì có thể bị những người có động cơ không tốt âm thầm lợi dụng để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật hoặc phục vụ cho những lợi ích cá nhân.

Trong thời gian xảy ra các thảm họa về dịch bệnh, thiên tai… Chính phủ có vai trò quan trọng nhất trong việc tổ chức công tác ứng phó, phòng ngừa, tuy nhiên nếu bỏ qua vai trò của các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội trong đó có tổ chức tôn giáo thì công tác phòng ngừa của Chính phủ chắc chắn sẽ không đạt được những hiệu quả như mong muốn. Do đó, trong việc ứng phó với các thảm họa về dịch bệnh, thiên tai… đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 và lũ lụt ở miền Trung, có thể thấy Chính phủ Việt Nam đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của quần chúng nhân dân cũng như các nguồn lực tư khác trong đó có sự tham gia của các tổ chức tôn giáo. Xuất phát từ những vai trò của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19 và cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền Trung vừa qua, thời gian tới, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những yếu tố tiêu cực (mặc dù không nhiều) để có những biện pháp phù hợp cùng với các tổ chức tôn giáo phối hợp nhằm hạn chế, khắc phục. Thực hiện công tác tôn giáo hiệu quả, phát huy tối đa điểm mạnh và tránh điểm yếu, tìm kiếm ưu điểm và tránh nhược điểm của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò của các tổ chức tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Lại Kim Khánh

 

[1] Các tôn giáo ủng hộ tiền, hiện vật trị giá 200 tỷ đồng phòng, chống Covid-19: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cac-ton-giao-ung-ho-tien-hien-vat-tri-gia-200-ty-dong-phong-chong-covid-19-607747/

[2] Thủ tướng: Các giải pháp mới nhất mang tính 'tiền khẩn cấp': https://zingnews.vn/thu-tuong-cac-giai-phap-moi-nhat-mang-tinh-tien-khan-cap-post1066870.html