Tôn giáo và môi trường: phát huy nguồn lực tôn giáo trong giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam hiện nay
Ngày đăng: 16/09/2021
(Ảnh: www.unep.org)
Các vấn đề liên quan đến môi trường sống hiện nay đã và đang thu hút sự quan tâm ứng phó và giải quyết ở các cấp độ quốc gia, quốc tế và cộng đồng địa phương.

Ở Việt Nam, Nhà nước Việt Nam từng bước quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường. Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định dành tối thiểu 1% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) để chi cho bảo vệ môi trường, đặc biệt, tỷ lệ chi cho bảo vệ môi trường được xác định tăng dần cùng với tăng tưởng kinh tế. Luật về bảo vệ môi trường được ban hành lần đầu tiên vào năm 1993, và đến nay đã qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2014 và 2020. Giải thưởng Môi trường Việt Nam cũng đã được thành lập theo Thông tư của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (số 62/2015/TT-BTNMT ngày 16/12/2015).    

Trong khuôn khổ Liên hiệp quốc, chương trình môi trường Liên hiệp quốc (United Nation Enviromental Program – UNEP) đã được thành lập từ năm 1972.  Đây là cơ quan môi trường hàng đầu của LHQ, đặt ra chương trình nghị sự về môi trường toàn cầu, thúc đẩy việc thực hiện nhất quán khía cạnh môi trường của phát triển bền vững trong hệ thống Liên hợp quốc và đóng vai trò là thực thể ủng hộ có thẩm quyền cho môi trường toàn cầu. Chương trình môi trường Liên liên hiệp quốc đã đặt ra bảy lĩnh vực chủ đề rộng lớn, bao gồm: biến đổi khí hậu, thiên tai và xung đột, quản lý hệ sinh thái, quản trị nhà nước về vấn đề môi trường, hóa chất và chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và đánh giá hiện trạng môi trường.   

Nói đến tôn giáo là nói đến đức tin của không chỉ một mà rất nhiều tôn giáo không hoàn toàn giống nhau và các tổ chức được thành lập dựa trên đức tin tôn giáo vì các mục đích tôn giáo và các mục đích phụng sự xã hội khác.

Cuộc đời của các lãnh đạo sáng lập tôn giáo, các lời răn dạy của họ được ghi lại trong kinh điển, các tổ chức kế thừa, phát triển chúng và đông đảo quần chúng tin theo chứa đựng các giá trị và tiềm năng to lớn cho việc giải quyết các vấn đề môi trường. Các giá trị và tiềm năng này đang được Liên hiệp quốc và Việt Nam nhìn nhận và huy động như là một nguồn lực quan trọng cho việc giải quyết các vấn đề môi trường thực tiễn hiện nay.   

Là một phần quan trọng của chương trình môi trường Liên liên hiệp quốc, Sáng kết Đức tin vì Trái đất (Faith for Earth Initiative) được khởi động vào tháng 11/2017. Sáng kết Đức tin vì Trái đất đã đặt ra sứ mệnh “Khuyến khích, trao quyền và tham gia với các tổ chức dựa trên niềm tin với tư cách là đối tác, ở tất cả các cấp, nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững và hoàn thành chương trình Nghị sự 2030” với ba mục tiêu chính là truyền cảm hứng và trao quyền cho các tổ chức được thành lập dựa trên đức tin tín ngưỡng và các nhà lãnh đạo của họ để vận động bảo vệ môi trường, các đầu tư và tài sản của các tổ chức được dựa trên niềm tin xanh để hỗ trợ việc đạt mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời cung cấp cho họ kiến thức và mạng lưới cho phép các nhà lãnh đạo của họ giao tiếp hiệu quả với những người ra quyết định và công chúng. Năm 2020 chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Nghị viện Tôn giáo Thế giới đã phát hành cuốn sách "Đức tin vì Trái đất - Lời Kêu gọi Hành động", mang đến một cái nhìn bao quát về lịch sử và sự đa dạng của các giáo lý đức tin và sự cổ vũ bảo vệ môi trường của các giáo lý đức tin này.      

Ở Việt Nam, từ năm 2016 Ủy ban MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết và triển khai chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức NAV – một tổ chức phi chính phủ dựa trên đức tin tôn giáo ở Bắc Âu. Đầu năm 2021 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu trong cả nước để tổng kết chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020 và ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo hội nghị, từ 3 mô hình điểm do Ban chỉ đạo chương trình xây dựng vào năm 2016, đến nay, cả nước đã có gần 2.000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Mỗi năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tiêu chuẩn cứu trợ nhân đạo cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và cán bộ Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố. 

Ở Việt Nam đây là sự phối hợp mang tính khởi điểm với các tôn giáo trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, với một số kết quả nhất định, đáng khích lệ. Dưới đây là một số khuyến nghị để nâng cao hiệu quả việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong công tác bảo vệ và giải quyết các thách thức về môi trường ở Việt Nam hiện nay.

Nâng cao hiểu biết căn bản và thực tiễn về mỗi tôn giáo ở Việt Nam để phát huy các giá trị tích cực và tiềm năng của các tôn giáo theo cách phù hợp với đặc thù tôn giáo nói chung và từng tôn giáo nói riêng.

Trong hợp tác, phối hợp để giải quyết các vấn đề môi trường giữa một bên thuộc nhà nước thế tục với các nhìn nhận và tiếp cận thế tục và một bên thuộc hệ thống các quan niệm, mục tiêu và khuôn phép chi phối bởi các đức tin thiêng liêng khác nhau, hiểu biết căn bản về mỗi tôn giáo và đời sống thực tiễn của tôn giáo đó là cần thiết để phát huy các điểm tương đồng và thế mạnh nhằm thúc đẩy lợi ích chung về vấn đề môi trường, đồng thời tránh các hành xử nhạy cảm, không phù hợp hoặc phản cảm đối với mỗi tôn giáo.

Như Sáng kiến Đức tin vì Trái đất đã chỉ ra, kinh điển các tôn giáo sẵn có các răn dạy sâu sắc và ý nghĩa tích cực cho việc gìn giữ môi trường sống. Do đó, một khi được đề cập trong công tác tuyên truyền, công tác chỉ đạo hay hoạt động thực tiễn, các răn dạy kinh điển này sẽ củng cố tính thích hợp, thúc đẩy các đóng góp thực tiễn của quần chúng tín đồ tôn giáo cho công tác bảo vệ và giải quyết các vấn đề về môi trường.

Với Công giáo, là tôn giáo có hệ thống tổ chức chặt chẽ và toàn cầu, Thông điệp Laudato Si – “Chăm sóc Ngôi nhà Chung” của Giáo hoàng Francise là một văn kiện riêng về vấn đề môi trường có tính chất thẩm quyền cao nhất của một vị giáo hoàng. Thông điệp là một công trình đầy tính nhân văn, chạm đến trái tim và gây xúc động mạnh mẽ đến những người quan tâm đến vấn đề môi trường.   Thông điệp đã phản ánh sâu sắc quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống, cũng như thực trạng, nguyên nhân và hậu quả của sự suy thoái và hiểm họa môi trường và biến đổi khí hậu đang diễn ra. Thông điệp chỉ ra rằng nguyên nhân chính của các vấn đề môi trường không chỉ là từ lòng tham của một bộ phận giàu có và quyền lực mà còn từ thói quen tiêu thụ quá mức và sự ích kỷ, dửng dưng trước vấn đề môi trường sống thiết yếu của tất cả mọi người hiện nay và các thế hệ tương lai; người nghèo là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đồng thời lại có rất ít nguồn lực tài chính để thích ứng với việc biến đổi khí hậu,… Vì vậy, việc đề cập đến Thông điệp Laudato Si của Giáo hội Công giáo và các nội dung phản ảnh một cách thực tiễn, căn bản và sâu sắc của Thông điệp không chỉ là sự ghi nhận khách quan mà còn góp phần khích lệ người Công giáo nói riêng, tín đồ các tôn giáo và người dân nói chung chú ý đến và có hành động thực tiễn nhằm gìn giữ và giải quyết các thách thức về môi trường hiện nay.

Liên quan đến Phật giáo, thực hành đốt vàng mã là tương đối phổ biến ở nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo trong nhiều thập kỷ gần đây. Thực hành này không chỉ tác động xấu đến môi trường mà còn không đúng với nghi lễ Phật giáo thuần túy. Vì vậy, như đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các cơ sở Phật giáo chấn chỉnh trong những năm vừa qua, có thể lồng ghép nội dung xóa bỏ dần việc đốt vàng mã tại tất cả các cơ sở thờ tự Phật giáo ở Việt Nam vào nội dung tuyên truyền cũng như hoạt động thực tiễn nhằm bảo vệ môi trường và chống biến đối khí hậu ở Việt Nam.

Ở một số khía cạnh khác, một số nội dung hoạt động hoặc biểu đạt là bình thường đối với cộng đồng thế tục nhưng có thể trở thành nhạy cảm, không phù hợp với một tôn giáo nào đó hoặc các tôn giáo nói chung. Ví dụ, đối với Phật giáo, phóng sinh là một thực hành tránh sát sinh truyền thống, góp phần để tăng trưởng phước đức, tiêu trừ nghiệp bất thiện. Vì vậy, việc phóng sinh của các cơ sở Phật giáo chỉ nên kết hợp với cơ quan chức năng của nhà nước để bảo tồn đa dạng sinh học, thay vì kết hợp với nhằm tái tạo nguồn lợi để khai thác, kiểu như “thả cá phóng sinh để tái tạo nguồn lợi thủy sản” ở một số địa phương trong thời gian qua. 

Thực tiễn là đại đa số, nếu không phải là tất cả, các cơ sở thờ tự tôn giáo đã luôn sạch và đẹp, hoặc ít nhất cũng chưa bao giờ trở thành vấn đề về môi trường phải giải quyết. Thế thì, trong tuyên truyền, xây dựng các mô hình hay chương trình hành động cụ thể về môi trường liên quan cơ sở thờ tự tôn giáo cũng cần lưu ý đặc điểm tôn giáo thực tiễn này. Với địa bàn dân cư nói chung chúng ta có thể sử dụng mô hình hay tiêu chí ‘xanh, sạch, đẹp’ làm mục tiêu phấn đấu, nhưng với cơ sở tôn giáo có thể chỉ nên sử dụng tiêu chí ‘xanh’ hay ‘cơ sở thờ tự xanh’,…

Do đó, hiểu biết cơ bản về các tôn giáo khác nhau và thực tiễn đời sống của mỗi tôn giáo có ý nghĩa thực tiễn quan trọng để phát huy các điểm tương đồng, thế mạnh của các tôn giáo vào việc thúc đẩy lợi ích chung liên quan đến môi trường sống, đồng thời bảo đảm sự tôn trọng và phù hợp với đặc điểm mỗi tôn giáo.

Chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, tích cực và chủ động phối hợp với cộng đồng tôn giáo và cơ sở tôn giáo địa phương để phát huy nguồn lực tôn giáo vào công tác môi trường

Ở Việt Nam, tín đồ tôn giáo mới chiếm tỷ lệ khoảng 27%, do đó ở đa số các xã phường hoặc khu dân cư, cộng đồng tín đồ tôn giáo không dễ tác động hoặc tạo chuyển biến, ảnh hưởng có tính quyết định đến các vấn đề xã hội nói chung, các vấn đề liên quan môi trường nói riêng. Vì vậy vai trò của chính quyền cơ sở là không thể thiếu và hết sức quan trọng để có thể tạo ra chuyển biển rõ rệt, toàn diện về ý thức, trách nhiệm bảo môi trường trong mỗi cộng đồng dân cư hay đơn vị hành chính. Khi chính quyền cơ sở làm tốt vai trò này, sự phối hợp tham gia của quần chúng tín đồ và tổ chức tôn giáo cơ sở có thể được phát huy hiệu quả tối ưu: họ sẽ luôn tích cực hưởng ứng và đóng góp thiết thực có thể; và có thể trở thành một lực lượng gương mẫu hay đi đầu trong các vấn đề môi trường ở địa phương.

Nói cách khác, quần chúng tín đồ và tổ chức tôn giáo có thể tích cực hưởng ứng các chủ trương hay phong trào xã hội nói chung, chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường nói riêng. Tuy nhiên, chính quyền nhà nước các cấp là tổ chức pháp lý duy nhất có thể phát động và triển khai triệt để các chủ trương, kế hoạch nhằm giải quyết động bộ, hiệu quả các vấn đề thuộc lĩnh vực môi trường. 

Một ví dụ thực tiễn về vai trò này của hệ thống chính quyền liên quan đến vấn đề xử lý rác thải: nếu chính quyền chưa thực hiện được việc thu gom rác theo sự phân loại rác tái chế, rác độc hại (đặc biệt là pin cũ, thủy tinh vỡ và các vật sắc, nhọn,…) và rác hữu cơ, thì không thể khích lệ, thậm chí phát huy được ý thức của người dân nói chung, tín đồ tôn giáo nói riêng trong việc phân loại rác thải như vậy.

Đối với các tổ chức tôn giáo cấp trung ương, quy định trong hiến chương, điều lệ của các tổ chức về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với môi trường sống phù hợp không chỉ với đức tin tôn giáo cơ bản mà pháp luật luật bảo vệ môi trường của nhà nước, và đang được Ban Tôn giáo Chính phủ và các ban, ngành liên quan quan tâm khi xem xét, chấp thuận hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo. Điều này có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong việc chỉ đạo, hướng tổ chức tôn giáo cơ sở và quần chúng tín đồ tích cực, chủ động tham gia bảo vệ và giải quyết các vấn đề về môi trường.   

Ngoài ra, chính quyền các cấp có thể làm tốt vai trò trung tâm hoặc trung gian để kết nối, thúc đẩy trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm hoạt động bảo vệ môi trường thực tiễn giữa các tổ chức tôn giáo khác nhau, nhất là ở cấp cơ sở.

 Nâng cao hiệu quả việc phát huy nguồn lực tôn giáo để bảo vệ giải quyết các vấn đề môi trường thông qua các hoạt động hợp tác, phối hợp toàn diện, thiết thực, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm

Nếu như mục đích cuối cùng là tạo thói quen lối sống thân thiện môi trường, đồng thời tích cực tham gia vào việc giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề môi trường, thì thực tiễn việc phát huy vai trò tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay phát huy vai trò chức sắc lãnh đạo các tổ chức tôn giáo thông qua tập huấn về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu và từng bước nhân rộng một số mô hình về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.  

Tại mỗi xã phường nơi có tổ chức tôn giáo cơ sở, chính quyền địa phương đều có thể kết nối và phối hợp thường xuyên với các tổ chức tôn giáo cơ sở này để phát huy nguồn lực tôn giáo cho việc gìn giữ và giải quyết các vấn đề môi trường. Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 30.000 cơ sở thờ tự phân bố rộng rãi trên cả nước. Trên thực tiễn, không thể trông cậy hoàn toàn vào các cộng đồng tôn giáo cơ sở để giải quyết các vấn đề môi trường, vì các tổ chức tôn giáo cơ sở không phải là cơ quan nhà nước và cộng đồng tôn giáo ít khi chiếm đa số cư dân tại các địa bàn hành chính. Mặt khác, chắc chắn rằng các cộng đồng tôn giáo cơ sở luôn tích cực ủng hộ và đóng góp thiết thực có thể cho việc giải quyết các vấn đề môi trường nói riêng, các vấn đề xã hội nói chung tại địa phương.       

Đối với các cơ sở thờ tự, có thể đề ra danh hiệu hoặc khẩu hiệu “Cơ sở thờ tự xanh” gắn với các tiêu chí về việc phủ xanh đất trống và sử dụng năng lượng sạch,…để trao cho các tổ chức tôn giáo cơ sở đã đáp ứng tiêu chí này, góp phần thiết thực vào việc bảo vệ môi trường. Ngoài chủ đề phân loại rác thải, hạn chế sử dụng chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp và trồng cây xanh, có thể bổ sung vào nội dung tuyên truyền, tập huấn hay hoạt động thực tiễn các nội dung như khuyến khích hỏa táng người đã mất, tích cực hưởng ứng Tết trồng cây hàng năm, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, không lãng phí khi sử dụng điện nước sinh hoạt, không đốt vàng mã,…

Để góp phần tạo thói quen, lối sống thân thiện môi trường và giải quyết các vấn đề môi trường một cách bền vững, chính quyền và ngành môi trường các cấp cần lồng ghép với nghĩa vụ thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường, cụ thể là Luật Bảo vệ môi trường 2020 từ cấp cơ sở. Chính quyền địa phương liên quan quan tâm sâu sát để đề xuất trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam cho cá nhân, tổ chức tôn giáo có đóng góp tích cực, thiết thực và hiệu quả cho công tác môi trường… Ngoài ra, chính quyền cấp tỉnh cũng có thể đưa ra hình thức khen thưởng thích hợp để ghi nhận kịp thời, qua đó khích lệ sự tham gia tích cực, hiệu quả vào việc bảo vệ và giải quyết các thách thức về môi trường tại các địa phương.

Cần có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả nguồn lực tôn giáo góp phần bảo vệ và giải quyết các vấn đề môi trường bằng cách ưu tiên, trú trọng các địa bàn gần với nguồn tài nguyên thiên nhiên như nguồn nước, vùng bảo tồn thiên nhiên, vùng rừng nguyên sinh; vùng có nhiều vấn đề về môi trường như ô nhiễm bởi rác thải, sử dụng chất độc hại trong chăn nuôi và sản xuất, chế biến nông sản; và vùng có đông quần chúng tín đồ tôn giáo để khai thác hiệu quả các tiềm năng to lớn của họ cho công tác môi trường ở địa phương)./.

 

Bùi Quang Nhượng

 

Tài liệu tham khảo:

Số chi ngân sách cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam đã vượt quá số thu (tapchitaichinh.vn)

Thông điệp 'Laudato Si' về Môi trường: Những nét đặc trưng (mtgthuduc.net)

Ủy ban MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổng kết chương trình phối hợp về lĩnh vực môi trường giai đoạn 2016-2020 (baovinhphuc.com.vn)

www.unep.org/about-un-environment/faith-earth-initiative