Sự cần thiết ban hành một đạo luật và việc ghi nhận quyền tự do tôn giáo cho các nhóm chưa đủ điều kiện để được đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo
Ngày đăng: 27/10/2021
Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016. Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 01/12/2016.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Cho đến nay, đã hơn 03 năm triển khai thực hiện các quy định của Luật ở nhiều cấp độ cho nhiều chủ thế khác nhau nhưng vẫn còn nhiều người băn khoăn đặt các câu hỏi trong đó có thắc mắc tại sao lại phải ban hành Luật này để thay thế cho các văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện có? Việc ghi nhận quyền tự do tôn giáo cho các nhóm chưa đủ điều kiện để được đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo được ghi nhận thế nào? ... trong giới hạn của bài viết này xin được tập trung làm rõ một trong các băn khoăn, thắc mắc nêu trên.

1. Sự cần thiết ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo

Ngày 18/6/2004, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, tạo hành lang pháp lý để ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân cũng như chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với tín ngưỡng, tôn giáo, quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, tổ chức tôn giáo. Nội dung của Pháp lệnh đã quán triệt, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước được ghi nhận qua các kỳ Đại hội đảng. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo cũng thể hiện chính sách dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tham mưu công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc những việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo do các tổ chức tự giải quyết theo hiến chương, điều lệ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Tuy nhiên, qua tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy định chi tiết thi hành cho Pháp lệnh có thể nhận thấy vẫn còn những bất cập trong các quy định của Pháp lệnh như một số quy định của Pháp lệnh còn thiếu cụ thể, khó thực hiện; một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong Pháp lệnh; một số nội dung liên quan đến pháp luật chuyên ngành (quy định cụ thể một số nội dung về hồ sơ cấp giấy phép xây dựng,...) ở thời điểm ban hành Pháp lệnh và các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết cho Pháp lệnh rất phù hợp, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, nhưng sau một thời gian thực hiện do quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật các quy định ấy đã trở thành tồn tại, trái quy định và cần huỷ bỏ. Những hạn chế, bất cập này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn vừa giải quyết được các tồn tại của Pháp lệnh, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo cũng như công tác quản lý nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo và đó chính là lý do đầu tiên cho sự ra đời của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Cùng với đó, năm 2013, Quốc hội nước ta đã thông qua Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (thường gọi là Hiến pháp năm 2013) đã có những sửa đổi quan trọng ở nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, trong đó có các nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Một trong những điểm nhấn, sự thay đổi của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đó là về chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu như bản Hiến pháp năm 1992 quy định chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là “công dân” Việt Nam  (“Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”[1]) thì bản Hiến pháp năm 2013 đã quy định chủ thể của quyền này là “mọi người” (“Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”[2]). Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản, được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật[3]; bổ sung nguyên tắc về việc hạn chế quyền con người chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Hiến pháp cũng đã phân định thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định chính sách tôn giáo của Nhà nước, vì vậy việc ban hành luật để cụ thể hoá đầy đủ nội dung, quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo càng trở nên cần thiết và cấp bách.

Trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động tôn giáo trên thế giới ngày càng đa dạng, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tôn giáo cũng như công tác tôn giáo ở Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam đã trở thành thành viên thực hiện tích cực, tin cậy của nhiều điều ước quốc tế về quyền con người vì vậy việc thiết lập, tạo ra các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với các quốc gia, cộng đồng quốc tế còn là trách nhiệm, nghĩa vụ mà bất cứ thành viên nào cũng phải thực hiện. Sự ra đời của Luật tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ giải quyết các bất cập, tồn tại mà chính các quy định của nó đang vướng phải (do sự thay đổi của văn bản gốc là Hiến pháp, do lạc hậu theo thời gian và do xu hướng hội nhập) mà còn để thực hiện sứ mệnh của một quốc gia thành viên của các điều ước quốc tế như đã nêu.

Bên cạnh những tôn giáo hoạt động ổn định, có đủ điều kiện theo Luật định đã được Nhà nước cấp đăng ký hoạt động, công nhận về tổ chức thì còn  nhiều hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện trong đó có hiện tượng phản văn hóa thể hiện lối sống lệch chuẩn trái với các giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc, với truyền thống của các tôn giáo, ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc và vi phạm pháp luật;...  cũng đặt ra yêu cầu cần sớm sửa đổi, bổ sung và ban hành Luật mới để hoàn thiện cơ sở pháp lý, giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Từ những căn cứ nêu trên, yêu cầu phải có một đạo luật để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với Hiến pháp năm 2013; khắc phục những tồn tại, bất cập của pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành (Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bảnquy định, hướng dẫn chi tiết); tương thích với các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo là yêu cầu cấp thiết.

2. Quyền tự do tôn giáo cho các nhóm chưa đủ điều kiện để được đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo hiện nay

Tổ chức tôn giáo theo cách giải thích của Luật tín ngưỡng, tôn giáo là “Tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo[4]. Cách giải thích này trên cơ sở kế thừa có chọn lọc cách giải thích trong Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo “Tổ chức tôn giáo là tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận”[5] nhưng Luật đã bổ sung những điểm nhấn để nhận diện cụ thể hơn về tổ chức tôn giáo có sự khác biệt với các tổ chức không phải là tổ chức tôn giáo đó là “nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo”.để trở thành một tổ chức tôn giáo[6] theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã có sự thay đối rất lớn so với quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trước đây. Sự thay đổi này là theo hướng tích cực, tiến bộ và đáng ghi nhận. Trong thực tế thì không phải tổ chức, nhóm nào khi ra đời cũng có đủ các khả năng, điều kiện để trở thành tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hay được công nhận là tổ chức tôn giáo với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trước pháp luật. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng như nhiều người Việt Nam quan tâm đến tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta thường đặt câu hỏi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có quy định quyền gì dành cho các nhóm, các tổ chức chưa đủ điều kiện để được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo hay không? Câu hỏi này đã được trả lời bằng các quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

2.1. Đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung dành cho các nhóm công dân Việt Nam

Vấn đề đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung không phải đến Luật tín ngưỡng, tôn giáo mới được quy định. Nội dung này lần đầu tiên được nhắc đến trong Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành (Chỉ thị số 01). Chỉ thị số 01 quy định Đối với những nơi chưa đủ điều kiện để được công nhận lập Chi hội, nếu đồng bào theo đạo ở đó có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần túy, cam kết chấp hành các quy định của pháp luật, không hoạt động cho bọn phản động Fulrô, không dính líu đến ''Tin lành Đê Ga'' (thực chất là tổ chức của bọn phản động Fulrô) thì chính quyền xã, phường tạo điều kiện cho đồng bào thực hiện các sinh hoạt tôn giáo bình thường tại gia đình hoặc chấp thuận cho đồng bào đăng ký sinh hoạt đạo tại địa điểm thích hợp trong buôn, làng”[7]. Và “Đối với các tổ chức hệ phái Tin lành chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để công nhận tư cách pháp nhân, nếu xét thấy thực sự có nhu cầu tín ngưỡng thì hướng dẫn cho họ thực hiện việc đăng ký sinh hoạt đạo với chính quyền xã, phường”[8].

Văn bản tiếp theo quy định về sinh hoạt tôn giáo tập trung chính là Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 92). Nghị định số 92 quy định: Công dân có nhu cầu tập trung để thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện, bày tỏ đức tin về tôn giáo mà mình tin theo thì người đại diện gửi hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo đến Ủy ban nhân dân cấp xã”.

Về hồ sơ đăng ký cần có đầy đủ các loại giấy tờ như văn bản đăng ký sinh hoạt tôn giáo trong đó nêu rõ tên tôn giáo, tôn chỉ, mục đích, họ và tên người đại diện, nơi cư trú, nội dung, hình thức tổ chức sinh hoạt, địa điểm, thời gian, số lượng người sinh hoạt tại thời điểm đăng ký. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do. Bên cạnh đó Nghị định số 92 cũng quy định các điều kiện để nhóm công dân được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, đó là: “Tôn chỉ, mục đích, nội dung sinh hoạt không vi phạm các quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Điều 15 của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo; người đại diện phải là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần đoàn kết, hoà hợp dân tộc”[9].

Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định về sinh hoạt tôn giáo tập trung của Chỉ thị số 01 và Nghị định số 92, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định: “1. Tổ chức tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ tại những nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho những người thuộc tổ chức” nhưng phải đáp ứng các điều kiện “Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo; nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có người đại diện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; nội dung sinh hoạt tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại Điều 5 của Luật này”.

Đối với những người theo tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, ngoài ra còn phải đáp ứng các điều kiện“Có giáo lý, giáo luật; tên của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc”[10].

Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng quy định đó là tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc người đại diện của nhóm người theo tôn giáo trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật gửi hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo.

Hồ sơ đăng ký cần có đầy đủ các loại giấy tờ như: Văn bản đăng ký; giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để làm nơi sinh hoạt tôn giáo; sơ yếu lý lịch của người đại diện nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung; bản tóm tắt giáo lý, giáo luật đối với việc đăng ký quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ, Ủy ban  nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lỹ do. Bên cạnh đó Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo còn quy định về việc thay đổi tên người đại diện, thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của nhóm.

Từ các quy định nêu trên có thể nhận thấy Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã có nhiều quy định mới, tích cực, tiến bộ về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung so với Chỉ thị số 01 và Nghị định số 92. Các điểm mới này có thể kể đến như sau:

Điểm mới đầu tiên đó là về chủ thể được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung: Chỉ thị số 01, chủ thể thực hiện quyền này bao gồm cả nhóm tín đồ thuộc tổ chức tôn giáo và nhóm người theo tôn giáo nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để công nhận tư cách pháp nhân. Nghị định số 92 quy định chủ thể thực hiện quyền này là công dân có nhu cầu tập trung để sinh hoạt tôn giáo nhưng chưa có tổ chức được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc công nhận về tổ chức. Kế thừa có bổ sung các quy định này, Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định chủ thể thực hiện các quyền này bao gồm tín đồ của tổ chức tôn giáo tại những nơi chưa đủ điều kiện để thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; người theo tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo và cả những người theo tôn giáo nhưng chưa thuộc tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo (bao gồm cả chủ thể quy định tại Chỉ thị số 01, Nghị định số 92). Đặc biệt điểm mới nổi bật trong nội dung này của Luật là nếu Chỉ thị số 01 chỉ dành quyền này cho các tổ chức, hệ phái Tin lành; Nghị định số 92 dành cho công dân chưa có tổ chức thì Luật tín ngưỡng, tôn giáo còn dành quyền này cho tất cả các tổ chức tôn giáo và tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo thuộc các tôn giáo.

Điểm mới thứ hai, việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo không xem là mốc khởi điểm để hình thành về tổ chức, trong khi đó Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 92 quy định đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là điểm khởi đầu, mốc đầu tiên đánh dấu sự hình thành của tổ chức, để sau đó nếu có đủ điều kiện theo quy định sẽ tiến tới đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận về tổ chức.

Điểm mới thứ ba, về điều kiện để được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Chỉ thị số 01 không đưa ra các điều kiện cụ thể, chỉ quy định các nhu cầu và cam kết “… có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần túy, cam kết chấp hành các quy định của pháp luật, không hoạt động cho bọn phản động Fulrô, không dính líu đến ''Tin lành Đê Ga'',  “… nếu xét thấy thực sự có nhu cầu tín ngưỡng thì hướng dẫn cho họ thực hiện việc đăng ký sinh hoạt đạo với chính quyền xã, phường”. Nghị định số 92 đã bước đầu đưa ra các điều kiện để trên cơ sở này Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã chọn lọc, giữ lại và có bổ sung những điều kiện phù hợp với thực tiễn.

Điểm mới thứ tư, cả Chỉ thị số 01 và Nghị định số 92 đều không có quy định về việc các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung được thay đổi người đại diện, thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo trong trường hợp cần thiết. Nội dung này đã được khắc phục tại Nghị định số 162 là văn bản quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành cho Luật.

Như vậy, có thể nhận thấy Luật tín ngưỡng, tôn giáo bên cạnh việc quy định đảm bảo cho các tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo còn dành một số quy định để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho những nhóm nhỏ, những tổ chức của công dân Việt Nam chưa đủ điều kiện để được cấp chứng nhận, được công nhận là tổ chức tôn giáo.

2.2. Sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam

Bên cạnh việc dành các quy định về sinh hoạt tôn giáo tập trung cho công dân Việt Nam, Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã có những điều khoản quy định về sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Điều 47 của Luật quy định “1. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác gửi hồ sơ đề nghị đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm dự kiến sinh hoạt tôn giáo tập trung”.

Nếu như Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo như tín đồ tôn giáo Việt Nam và thông qua người đại diện của cơ sở tôn giáo thì hiện nay Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định ngoài quyền này, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung còn được thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo cùng nhau và được bầu, cử người đại diện của nhóm mình. Đây là quy định mới, được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là điểm sáng, tiến bộ của Luật.

Về hồ sơ đề nghị đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cần có các giấy tờ như văn bản đề nghị; bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh việc cư trú hợp pháp tại Việt Nam của người đại diện; văn bản đồng ý của người đại diện cơ sở tôn giáo hoặc giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Đối với người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, ngoài quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung nêu trên, Luật tín ngưỡng, tôn giáo còn quy định Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với các quyền cụ thể về sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo; vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam; người nước ngoài có thể được tổ chức tôn giáo ở Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị. Đối với chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam.

Như vậy, việc ban hành một đạo Luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng; cơ cấu tổ chức và hoạt động của các tổ chức tôn giáo; vấn đề tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo;… ở thời điểm năm 2016 là thật sự cần thiết. Mặt khác, trên cơ sở kế thừa nhiều nội dung còn phù hợp của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung nhiều quy định hợp lý, đặc biệt là các quyền cho tổ chức, cá nhân tôn giáo trong đó có vấn đề đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho các nhóm của công dân Việt Nam và các nhóm cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam đã đem lại cho Luật tín ngưỡng, tôn giáo nhiều điểm tiến bộ, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước đón nhận; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Với sự chủ động, tích cực đón nhận, thực hiện của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong và ngoài nước, thời gian tới chắc chắn nhiều quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo sẽ tiếp tục được hiện thực hoá đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận hơn nữa./.

TS. Nguyễn Thị Định, CN. Bùi Kim Ngân

*Tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp năm 1992.

2. Hiến Pháp năm 2013.

3. Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

5. Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

6. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

7. Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành.

 

[1] Điều 70 Hiến pháp năm 1992.

[2] Điều 24 Hiến pháp năm 2013.

[3] Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

[4] Điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

[5] Điều 3 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

[6] Khi nói đến “Tổ chức tôn giáo” có nghĩa là tổ chức này đã được Nhà nước công nhận hoặc thừa nhận.

[7] Điểm 4 Chỉ thị số 01.

[8] Điểm 7 Chỉ thị số 01.

[9] Điều 5 Nghị định số 92.

[10] Điều 16 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.