Nội dung chủ yếu liên quan công tác bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Ngày đăng: 15/10/2021
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII tại điểm cầu Bộ TN&MT, ngày 30/6/2021
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trên cơ sở tổng kết 35 năm công cuộc đổi mới đất nước và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) và xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn phát triển cũng như tầm nhìn, định hướng phát triển đến năm 2045.

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết nêu rõ “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường” (điểm 6 của Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030).

Về mục tiêu cụ thể liên quan đến môi trường; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030: Tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%; Tỉ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; Giảm ít nhất 8% lượng phát thải khí nhà kính (71); 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên và tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội 2021 – 2030, Phần Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Kinh tế - xã hội, đã đề ra cụ thể như sau:

Quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, nhất là đất, nước, khoáng sản, theo nguyên tắc thị trường. Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách bảo đảm đồng bộ, minh bạch các yếu tố thị trường để có khả năng vốn hoá các nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả. Phát triển thị trường, đẩy mạnh thương mại hoá quyền sử dụng đất, tăng cường đăng ký quyền sử dụng đất và áp dụng định giá đất theo thị trường bảo đảm công khai, minh bạch. Bảo đảm an ninh và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; tăng cường tích nước, điều tiết, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng nguồn và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước ở lưu vực các dòng sông xuyên biên giới, nhất là sông Mê Công và Sông Hồng. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, tái sử dụng, tái chế chất thải tương đương với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN.

Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm và nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, môi trường chiến lược. Kiểm soát an toàn, xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh. Tăng cường giám sát, công khai đầy đủ, kịp thời thông tin và nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông, khu vực nông thôn.

Phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát tốt các tác động đến môi trường của các dự án khai thác tài nguyên, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt quan tâm đến những dự án lớn, công nghệ phức tạp và có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao). Ngăn chặn suy thoái, tối ưu hoá các mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Bảo vệ, phát triển và tăng độ che phủ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Đến năm 2030, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 3 triệu ha. Tăng cường và thực thi nghiêm chế tài xử phạt vi phạm về môi trường. Thực hiện nguyên tắc đối tượng gây ô nhiễm môi trường phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; đối tượng được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.

Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp thông minh để thích ứng trong nông nghiệp, thuỷ sản và phát triển rừng. Giảm thiểu những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, nhất là khô hạn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn, sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long.

Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; tỉ lệ chất thải nguy hại được tiêu huỷ, xử lý đạt 98%, trong đó riêng tỉ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỉ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%.

Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 đã đề ra các chỉ tiêu về môi trường, bao gồm: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt ở mức 42%.

Ngoài ra, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong các đột phá chiến lược trong phần Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, cũng như trong Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội 2021 – 2030./.

 

Bùi Quang Nhượng