Một vài ý kiến liên quan đến dự thảo Thông tư “Hướng dẫn, quản lý thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”
Ngày đăng: 04/05/2022
Trong những ngày gần đây, câu chuyện "có nên quản lí tiền công đức hay không?" đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận, đặc biệt là chức sắc, tín đồ trong các tổ chức tôn giáo. Sự việc này bắt nguồn từ việc Bộ Tài chính lấy ý kiến lần 2 các bộ, ngành và các bên liên quan cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc quản lý tiền "công đức". Hiểu như thế nào về tiền "công đức" và việc sử dụng thuật ngữ tiền "công đức" có phù hợp với tất cả các tổ chức tôn giáo hay chỉ phù hợp với Phật Giáo? Và còn nhiều nội dung khác mà trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trước khi Dự thảo này có thể thông qua.

Tuy nhiên, không phủ nhận một điều rằng, việc sử dụng hòm "công đức" hay các hình thức khác tương tự ở một số địa điểm có hoạt động tôn giáo hoặc mang màu sắc tín ngưỡng, tôn giáo đang có dấu hiệu biến tướng, trở thành công cụ để số đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt… Do đó, vấn đề mấu chốt trong sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận nêu trên có lẽ chính là câu chuyện minh bạch, công khai nguồn tiền để những người đóng góp biết được nguồn tiền đó phục vụ đúng mục đích hay không và biện pháp quản lý nguồn tiền như thế nào để đảm bảo an toàn, tránh những tình huống xấu có thể xảy ra[i].

Xã hội luôn vận động và phát triển kéo theo đó là những đòi hỏi, những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống đã, đang và tiếp tục tác động, đặt ra yêu cầu đối với các tổ chức tôn giáo trong việc tự chủ về nguồn thu tài chính để duy trì các hoạt động, duy trì cuộc sống cho chức sắc, nhà tu hành. Vì vậy, các địa điểm có hoạt động tôn giáo nói chung và các "di tích là cơ sở tôn giáo"[ii] nói riêng hiện nay sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm có thêm các nguồn thu. Có thể kể đến như: Thu nhập từ việc bán vé các di tích, địa điểm có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; thu nhập từ các khoản tài trợ của các nhân, tổ chức trong và ngoài nước đóng góp theo quy định của pháp luật có liên quan; thu nhập từ việc phân phối các vật phẩm tôn giáo, ấn phẩm tôn giáo, tác phẩm nghệ thuật tôn giáo… Như vậy, nguồn thu của các địa điểm có hoạt động tôn giáo hay các "di tích là tôn giáo" không chỉ đến từ nguồn tiền "công đức" hay các hình thức tương tự mà còn đến từ nhiều nguồn khác. Do đó, Dự thảo Thông tư cần tiếp tục có những sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Theo tác giả, cùng với sự phát triển của xã hội thì xu hướng thế tục hóa tôn giáo trong các tổ chức tôn giáo hiện nay đã, đang mang "hơi thở của thời đại" chứ không dừng lại ở các hoạt động tôn giáo truyền thống. Vì vậy, các tổ chức tôn giáo, người đứng đầu các địa điểm có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, "di tích là cơ sở tôn giáo" cần có những thiết chế pháp luật đầy đủ, hiệu quả để có hành lang pháp lý nhằm thực hiện các biện pháp quản lý tài chính, quản lý các nguồn tiền thu chi nội bộ của mình theo hướng "hiện đại", không thể duy trì theo "nếp cũ". Trên cơ sở những nội dung nêu trên, liên quan đến Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội tác giả có một số đề xuất như sau:

Một là, cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định về các biện pháp quản lý tài chính nội bộ các tổ chức tôn giáo, các địa điểm hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, các "di tích là cơ sở tôn giáo". Quy định rõ các địa điểm có hoạt động tôn giáo, "di tích là cơ sở tôn giáo" cần có ban quản lý tài chính, có sổ sách thu chi, có kế toán và hoạt động kế toán theo sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật hiện hành như đối với một tổ chức phi lợi nhuận khác (theo quy định của Luật Kế toán…). Với quy định này, nội bộ các tổ chức tôn giáo, "di tích là cơ sở tôn giáo" sẽ thực hiện việc quản lý tài sản, quản lý "nguồn tiền vào, ra" trong nội bộ một cách chặt chẽ, hiệu quả. Các cơ quan chức năng chỉ thực hiện việc kiểm tra, xử lý khi phát sinh các tình huống mà phía tổ chức tôn giáo yêu cầu hỗ trợ như: bị mất cắp, bị đối tượng xấu chiếm dụng, bị sử dụng sai mục đích, làm giả giấy tờ, mạo danh người đứng đầu để chiếm đoạt tài sản… Hoặc khi các cơ quan chức năng có căn cứ phát hiện các nguồn tiền này bị sử dụng sai mục đích…

Hai là, trước những dư luận vừa qua liên quan đến Dự thảo Thông tư nêu trên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề khác nhau đối với các cơ quan có thẩm quyền. Về phía cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo nói riêng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó hoàn thiện các quy định liên quan đến việc quản lý tài chính trong nội bộ các tôn giáo, tổ chức tôn giáo. Hoàn thiện một cơ chế mang tính pháp lý đầy đủ để hỗ trợ và đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo quản lý tài chính thu - chi một cách tự chủ, độc lập, hiệu quả và đảm bảo vai trò của các cơ quan chức năng khi phát sinh các tình huống ngoài ý muốn có thể tham gia phối hợp với các tổ chức tôn giáo xử lý hiệu quả. Đảm bảo được tính minh bạch, không làm ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức tôn giáo, đến niềm tin của quần chúng tín đồ.

Ba là, cần sớm tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo và ban hành kết hợp với đó là thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ nội dung của Dự thảo cho đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm. Bởi hiện nay trên không gian mạng đã có những luồng ý kiến tiêu cực, xuyên tạc của số đối tượng xấu, chống phá về nội dung, tinh thần, ý nghĩa tốt đẹp mà Dự thảo đang hướng đến. Mục đích của chúng là lợi dụng sự việc này để tung tin giả, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, gây hiểu lầm về chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đang thực hiện.

Trên đây là một số quan điểm cá nhân liên quan đến Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, đây là một vấn đề mới, còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau thậm chí là mâu thuẫn, xung đột. Với tinh thần xây dựng, tác giả xin được trao đổi đến quý độc giả quan tâm./.

 

[i] Thời gian qua đã xảy rất nhiều vụ trộm cắp tài sản tại các di tích, có không ít nhà chùa trình báo mất trộm hàng tỷ đồng; Nguồn các báo điện tử: Chùa Phước Nguyên ở Tam Phước, Châu Thành, Bến Tre (tháng 5/2020 bị kẻ gian đột nhập vào phòng nghỉ của trụ trì chùa, lấy trộm gần 20 lượng vàng, trị giá hơn 1 tỷ đồng). Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác ở Thạnh Tân, Tân Phước, Tiền Giang (tháng 11/2015 mất trộm khoảng 170 triệu đồng). Chùa Quảng Phước ở Tân Xuân, Hàm Tân, Bình Thuận (tháng 6/2018 bị kẻ gian đột nhập lấy trộm hơn 60 triệu đồng tiền cúng dường trong lễ Phật Đản). Chùa Đậu ở xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội (tháng 9 và 10/2018, kẻ trộm 3 lần đột nhập vào phòng của trụ trì chùa lấy trộm tổng số 410 triệu đồng) …

[ii] "Di tích là cơ sở tôn giáo" theo Dự thảo Thông tư được hiểu là: do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

 

Lại Kim Khánh

Khoa Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự - Học viện An ninh nhân dân