Khoảng lặng cần thiết để chấn chỉnh lại văn hóa đi lễ của người dân
Ngày đăng: 02/03/2021
Chùa Phúc Khánh tổ chức cầu an trực tuyến, người dân vái vọng ngoài cổng chùa
Mùa lễ hội Xuân Tân Sửu, những ngày vốn tưng bừng trong mùa lễ hội hằng năm đã qua đi trong lặng lẽ. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), khi không thể đi lễ hội, đến với các cơ sở thờ tự chắc chắn sẽ khiến một số không ít người bị ảnh hưởng tâm lý. Thế nhưng, đây lại có thể là khoảng lặng cần thiết để chấn chỉnh lại văn hoá đi lễ của người dân.

Pv: Mùa xuân vốn là mùa của lễ hội, nhưng năm nay do dịch bệnh các lễ hội đã gần như không diễn ra. Hoàn cảnh này có ảnh hưởng nhiều đến đời sống tinh thần của người dân hay không, thưa ông?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chắc chắn việc không đi lễ đầu năm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tinh thần của Nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà đầu năm là dịp người dân mong muốn đi lễ ở các cơ sở thờ tự. Sau một năm lao động vất vả, đầu năm mới là dịp để nhiều người mong muốn nghỉ ngơi và tìm động lực tinh thần mới để đối phó với một năm có thể có nhiều bất trắc. Tôn giáo, tín ngưỡng cung cấp cho chúng ta một điểm tựa tinh thần, một niềm tin về những gì những ta dự định, hy vọng thực hiện, giúp cho chúng ta có thêm quyết tâm. Chính vì thế, khi không thể đi lễ hội, đến với các cơ sở thờ tự chắc chắn sẽ khiến một số không ít người bị ảnh hưởng tâm lý.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Pv: Liệu hoàn cảnh này có mặt nào tích cực hay không?

- Thực ra, điều gì cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Chúng ta cũng có thể thấy một số điểm tích cực ở đây khi trong nhiều năm qua, việc đi lễ đầu năm đã gây ra một số phàn nàn khi nhiều người bỏ bê công việc, tốn kém tiền bạc, tụ tập say sưa, là điều kiện để phát sinh các hoạt động mê tín dị đoan. Một số ít cơ sở thờ tự lợi dụng đức tin của người dân để trục lợi. Bởi thế, khoảng lặng này là cần thiết để chúng ta chấn chỉnh lại văn hoá đi lễ của người dân.

Đại lễ cầu an trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội

 

Pv: Có nhất thiết cứ đầu năm là đi lễ hội, hay chúng ta cần quan niệm lại cách thực hành các tín ngưỡng tâm linh sao cho thực sự có ý nghĩa?

- Về nguyên tắc thì không có gì bắt buộc chúng ta phải đi lễ đầu năm. Tất cả đều phụ thuộc vào niềm tin mang tính chủ quan của mỗi người. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc đi lễ đầu năm cũng là một phong tục tốt đẹp vì nó giúp cho chúng ta có tâm an, hướng con người đến chân – thiện – mỹ, giúp giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, có ích cho sự phát triển văn hoá chung của đất nước. Dù vậy, do tất cả đều là niềm tin tâm linh, tín ngưỡng, mang tính chủ quan và trải nghiệm cá nhân nên nếu chúng ta có thể thay đổi những hình thức thực hành tín ngưỡng sao cho phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại. Ví dụ, chúng ta đang trong giai đoạn chống dịch Covid-19, khi cả nước đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống sớm trở lại bình thường thì hành vi đi lễ của người dân cũng cần thể hiện trách nhiệm đạo đức với xã hội. Như vậy, những nguyên tắc 5K của ngành y tế phải được tuyệt đối chấp hành khi tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh.

Pv: Dịp Rằm Tháng Giêng vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã triển khai hình thức cầu an online, thử nghiệm cúng dường online tại một số ngôi chùa. Ông thấy hình thức này có tích cực không?

- Tôi cho rằng những sáng kiến cầu an online, cúng dường online của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dù là thử nghiệm, nhưng rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, là một cách để Giáo hội Phật giáo chung tay cùng cả nước chống lại dịch bệnh Covid-19. Thực ra, hình thức này không phải là mới trên thế giới khi mà Trung Quốc, Singapore cũng đã tiên phong thử nghiệm. Điều này thích hợp trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển. Chúng ta đang sống trong xã hội số, có một nền kinh tế số, với những công dân số, và thực hành văn hoá số. Chính vì vậy, việc cầu an, cúng dường online chắc chắn sẽ xảy ra vào lúc này hay lúc khác. Dịch bệnh Covid-19 khiến chúng ta nghĩ nhiều hơn đến việc này và khiến việc này đến sớm hơn mà thôi!

Pv: Xin cảm ơn ông!

Theo VHO.vn