Hoạt động nổi bật về môi trường của Giáo hội Công giáo
Ngày đăng: 18/10/2021
Giáo hội Công giáo Roma là tổ chức tôn giáo lớn nhất thế giới hiện nay, với khoảng 1,3 tỷ thành viên tính đến năm 2019. Giáo hội Công giáo thế giới cũng là tổ chức quốc tế lâu đời nhất và hoạt động liên tục nhất trên thế giới, với một hệ thống tổ chức toàn cầu chặt chẽ.

Với các đặc điểm và ưu thế của mình, Giáo hội Công giáo La Mã đã có nhiều hoạt động vì môi trường nổi bật trong các thập kỷ vừa qua, và có thể nói là tiên phong trên một số khía cạnh, khi các thách thức về môi trường trở thành vấn đề toàn cầu. Các hoạt động vì môi trường của Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ trong xu thế chung của Giáo hội Công giáo Roma.

Hoạt động vì môi trường của Công giáo thế giới

Sự tham gia của Công giáo trong việc chăm sóc và bảo vệ môi trường tự nhiên được xây dựng dựa trên truyền thống lâu đời của giáo huấn Công giáo về trái đất. Như được ghi chép trong Kinh thánh Cựu ước của Công giáo, trái đất là tạo tác của Thiên chúa, do đó việc chăm sóc, gìn giữ môi trường sống là vấn đề đạo đức, đồng thời là bổn phận và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi tín đồ Công giáo. Mùa Sáng tạo hàng năm bắt đầu với Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Công trình Sáng tạo vào ngày 1/9 và kết thúc vào ngày 4/10, lễ Thánh Francis Assisi, Bổn mạng của sinh thái học, được rất nhiều giáo phái Thiên Chúa giáo tôn kính, trong đó có Công giáo.    

Khi các thách thức về môi trường trở thành vấn đề toàn cầu, dưới triều đại Giáo hoàng John Paul II, tiếp tục đến Giáo hoàng Benedict XVI và giờ đây là Giáo hoàng Francis, đã có nhiều hoạt động nổi bật về lĩnh vực môi trường.  Năm 1986, tại Vương cung thánh đường Thánh Francis thành Assisi ở Ý, Giáo hội Công giáo phối hợp Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tổ chức hội nghị về biến đối khí hậu với 5 tôn giáo lớn trên thế giới là Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo và Do Thái giáo để ra tuyên bố về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Giáo hội Công giáo cũng thiết lập một trang mạng riêng về biến đổi khí hậu toàn cầu (https://catholicclimatemovement.global) nhằm thông tin, trao đổi và kết nối, hợp tác để thúc đẩy các hoạt động thiết thực cho việc giảm thiểu và thích ứng với các thách thức của biến đổi khí hậu đang diễn ra. Giáo hoàng Francis cũng đã đã tuyên bố ngày 1/9 hàng năm là ngày cầu nguyện toàn cầu cho việc chăm sóc các thụ tạo, nhằm tạo cơ hội cho mọi người suy ngẫm lại các hành động môi trường của bản thân và lối sống hài hòa với môi trường của mình.

Năm 2015, Giáo hoàng Francise đã ban hành giáo huấn cấp cao nhất trong Giáo hội Công giáo La Mã, một thông điệp của Giáo hoàng, về sinh thái và biến đổi khí hậu. Thông điệp có tựa đề “Laudato Si” (“Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”), đã đặt ra một khuôn khổ đạo đức để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Được đưa ra vào tháng 4/2015, Thông điệp được Linh mục James Martin, S.J. khái quát ngắn gọn như sau:

1) Tóm lược có hệ thống về cuộc khủng hoảng môi trường theo quan điểm tôn giáo: Với cách tiếp cận có hệ thống về phương diện tâm linh, thông điệp này mang tính đột phá nhằm mở rộng cuộc bàn luận bằng cách mời các tín hữu tham gia đối thoại và cung cấp những hiểu biết mới mẻ cho những người đã tham gia cuộc đối thoại.

2) Nhấn mạnh đến người nghèo là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu: Những người giàu có quyền lực đã đưa ra những quyết định không quan tâm đến người nghèo, bản thân người nghèo lại có rất ít nguồn lực tài chính để thích ứng với việc biến đổi khí hậu…

3) Đề nghị một sự tăng trưởng mang tính “điều độ” và mời gọi mọi người biết sống hạnh phúc với “điều ít ỏi”: Phải định nghĩa lại khái niệm về sự tiến bộ, phải xét xem những phát triển công nghệ và khoa học có thể gây ra tác động tiêu cực nào cho con người, và phải chấp nhận “giảm phát triển ở một số nơi trên thế giới, để những nơi khác được phát triển lành mạnh”.

4) Giáo huấn xã hội Công giáo phải bao gồm cả giáo huấn về môi trường.

5) Theo sách Sáng Thế, con người được kêu gọi “cầy bừa và gìn giữ” trái đất; nhưng chúng ta đã “cầy bừa” quá nhiều và không “gìn giữ” cho đủ: Hãy noi gương Đức Giêsu Kitô, Thánh Phanxicô Assisi… trong thái độ chăm sóc thiên nhiên và môi trường.

6) Nối kết con người với thiên nhiên: Chúng ta là một phần của thiên nhiên, ở trong thiên nhiên, thường xuyên tương tác với thiên nhiên”; những quyết định về sản xuất và tiêu thụ có tác động mạnh đối với thiên nhiên; việc chạy theo tiền bạc và gạt sang một bên lợi ích của những người sống bên lề xã hội sẽ dẫn đến sự huỷ hoại hành tinh này.

7) Nghiên cứu khoa học về môi trường cần phải được đề cao và áp dụng.

8) Thói dửng dưng và ích kỷ lan rộng làm cho vấn đề môi trường thêm trầm trọng: Chúng ta không thể chăm sóc thiên nhiên “nếu cõi lòng chúng ta thiếu sự nhân hậu, lòng thương xót và quan tâm đến đồng loại của chúng ta”.

9) Cần thiết phải có sự đối thoại và đoàn kết trên quy mô toàn cầu về vấn đề bảo vệ môi trường.

10) Phải thay đổi tâm hồn: Hãy có cái nhìn mới về sự vật; hãy thực hiện “cách mạng văn hoá triệt để” vì chúng ta đang làm cho trái đất trở nên “một bãi rác khổng lồ”; hãy thức tỉnh tâm hồn minh và hướng tới một “hoán cải về sinh thái”; hãy lắng nghe “tiếng kêu cứu của trái đất và tiếng khóc than của người nghèo”.  

 Thông điệp Laudatosi là một công trình đầy tính nhân văn, chạm đến trái tim và gây xúc động mạnh mẽ đến những người quan tâm đến vấn đề môi trường, đồng thời đã tạo hiệu ứng toàn cầu, nhất là trong hệ thống tổ chức của Công giáo thế giới. Hiện là có nhiều trang điện về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu từ lấy cảm hứng từ Thông điệp, như https://laudatosimovement.org, www.laudatosi.org,  https://www.laudatosi.va/en.html

Giáo hội Công giáo La Mã luôn tích cực tham gia và thúc đẩy các chương trình bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, tăng cường hợp tác liên tín ngưỡng để giải quyết các thách thức khẩn cấp về môi trường. Tại các kỳ họp thượng đỉnh G7, G20…, Giáo hội Công giáo Công giáo Roma, một cách riêng biệt hoặc cùng với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo thế giới khác, đã kêu gọi các cơ chế hợp tác đa phương này trú trọng đến việc giải quyết các thách thức về môi trường và chống biến đổi khí hậu, như đối với các vấn đề như khủng hoảng nhân đạo hay các vấn đề ưu tiên khác như chấp dứt chiến tranh, hòa giải xung đột, xóa đói giảm nghèo. 

Gần đây nhất, trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới đây, Tòa thánh Vatican ngày 4/10/2021 đã phối hợp với Anh và Ý tổ chức hội nghị "Đức tin và Khoa học: Hướng tới COP26" (“Faith and Science: Towards COP26”. Hội nghị diễn ra ở Vatican đã quy tụ khoảng 40 nhà lãnh đạo đại diện cho tất cả các truyền thống tín ngưỡng lớn trên thế giới, bao gồm Phật giáo, Cơ đốc giáo, Nho giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Kỳ Na giáo, Do Thái giáo, Đạo Sikh, Đạo giáo và Zoroastrianism, trong đó có Giáo hoàng Francis, Tổng giám mục Anh giáo Justin Welby và Thượng phụ Chính thống giáo Bartholomew.    

(Ảnh: gov.uk)

Tại hội nghị này Giáo hoàng Francis đã bảy tỏ COP26 đã thể hiện “một sự triệu tập khẩn cấp nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có và cuộc khủng hoảng về các giá trị mà chúng ta hiện đang trải qua, và theo cách này để mang lại hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai". Ông cũng nhấn mạnh rằng sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo nên được coi là sức mạnh, chứ không phải là điểm yếu, trong việc bảo vệ môi trường, “Mỗi chúng ta đều có niềm tin tôn giáo và truyền thống tâm linh của mình, nhưng không có biên giới hay rào cản nào về văn hóa, chính trị, xã hội ngăn cản chúng ta sát cánh cùng nhau”.

Hội nghị đã đưa ra lời kêu gọi chung được đồng ký bởi gần 40 lãnh đạo tôn giáo, trong đó kêu gọi thế giới đạt mức phát thải carbon bằng không càng sớm càng tốt, để hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp; đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo tôn giáo có cam kết hành động vì khí hậu mạnh mẽ hơn, đặc biệt là thông qua giáo dục và ảnh hưởng đến các tín đồ truyền thống của họ về các vấn đề môi trường, đồng thời làm xanh hóa các tài sản của các tổ chức dựa trên đức tin, chẳng hạn như các cơ sở thờ tự và các khoản đầu tư của họ. Lời kêu gọi, trong đó mô tả biến đổi khí hậu là "mối đe dọa nghiêm trọng", cũng đã được trao cho Bộ trưởng Ngoại giao Ý Luigi Di Maio và Bộ trưởng Alok Sharma của Anh, Chủ tịch COP26.   

Hoạt động vì môi trường của Giáo hội Công giáo Việt Nam

Quan điểm về môi trường của Giáo hội Công giáo Việt Nam được thể hiện qua Thư chung gửi cộng đồng dân Chúa từ năm 2009 của Hồng y John Baptist Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn. Trong Thư chung này, Hồng y John Baptist Phạm Minh Mẫn chỉ ra hiện trạng ô nhiễm sông Thị Vải do công ty Vedan gây ra và đề xuất 4 nguyên tắc của Giáo hội Công giáo về vấn đề môi trường, gồm: 

(1) môi trường thiên nhiên là quà tặng của Đấng Tạo Hóa và là tài nguyên dành cho hết mọi người,

(2) vì môi trường là tài nguyên dành cho mọi người, nên không thể nhân danh phát triển kinh tế và tích luỹ lợi nhuận cho một thiểu số mà huỷ hoại môi trường của đại đa số, nhất là của người nghèo, không có phương tiện tự vệ,

(3) vì môi trường là tài nguyên dành cho hết mọi người, nên trong phát triển kinh tế, phải quan tâm đến sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên,

(4) vì môi trường là tài nguyên dành cho hết mọi người, nên trong tiến trình phát triển kinh tế, cần phải quan tâm đến quyền lợi của người dân bản địa” và gợi ý những hành động cụ thể cho các tín đồ Công giáo trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường “...đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng”.

Hưởng ứng Thông điệp Laudato Si của Giáo hoàng Francis, các Giám mục Việt Nam trong “Thư chung gửi cộng đồng dân Chúa” năm 2015 và 2016 đã mời gọi các tín đồ Công giáo có thái độ và lối sống hài hòa với thế giới tự nhiên, tôn trọng và chăm sóc thế giới tự nhiên thông qua những hành vi nhỏ hằng ngày như tiết kiệm nước, gas, điện, giữ vệ sinh chung... (Thư chung năm 2015) và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, tắt điện khi không sử dụng, không đốt rác hay xả rác ở nơi công cộng, không xử lý chất thải bừa bãi, không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu trong sản xuất và trong canh tác nông nghiệp (Thư chung năm 2016). Thông điệp Laudato Si của Giáo hoàng Francis đã được Ủy ban Bác ái xã hội - Caritas Việt Nam chuyển ngữ tiếng Việt và xuất bản vào tháng 8/2015 bởi và phát tới các lãnh đạo nhà thờ Công giáo trên toàn quốc.

Một hướng ứng khác của Giáo hội Công giáo Việt Nam đối với Thông điệp Laudato Si là Hội thảo: Người Công giáo với vấn đề bảo vệ môi trường do Ban Bác ái xã hội – Caritas Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 28/11/2015 tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận. Tổng Giám mục Paul Bùi Văn Đọc đã tham dự và phát biểu trong phần khai mạc hội thảo, nhắn nhủ các tham dự viên ... Người tín hữu cần suy nghĩ và có hành động đáp lại Thông điệp về Môi trường của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đây là một đề tài có tầm quan trọng và cần thiết...”. 

Tất cả các giáo xứ Công giáo Việt Nam cũng đã tổ chức “Ngày cầu nguyện vì môi trường” lần đầu tiên vào ngày 1/9/2016, nhân Ngày cầu nguyện vì môi trường của Giáo hội Công giáo Thế giới. Sự kiện là dịp suy ngẫm và khắc phục sự lãng phí, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức, xả các chất thải độc hại, xả nước thải, hút thuốc lá, gây thiệt mạng các sinh vật, cây cối, thậm chí ảnh hưởng tới cả con người.

Năm 2016, Giáo hội Công giáo Việt Nam, cùng với hơn 40 tổ chức tôn giáo trong nước đã ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chương trình phối hợp này sau đó đã được triển khai ở tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Ngoài ra, theo Trang tin Caritas Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã đệ trình các khuyến nghị và các ý kiến cho các dự án phát triển của Chính phủ như dự án Bô xít Tây Nguyên, dự án phát triển khu công nghiệp Vũng Áng miền Trung, dự án đập thủy điện... ngay từ những giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, nhiều mô hình hành động cụ thể vì môi trường đã và đang được các nhóm Công giáo triển khai thực hiện, thiết thực góp phần vào việc bảo vệ môi trường.

Mô hình nhóm ve chai: được tổ chức đầu tiên bởi Linh mục Paul Nguyễn Văn Châu tại giáo xứ Vũng Tàu 19 năm trước và hiện tại mô hình này đã lan tỏa tới 12 giáo xứ khác khắp cả nước như Hàm Long (Hà Nội), Huế, Nam Định, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... nhằm khích lệ mọi người học cách sống vì người khác, khuyến khích mỗi người sống có trách nhiệm với môi trường, giữ môi trường sạch và xanh.

Mô hình giáo xứ không rác: Giữ vệ sinh chung được xem là một hành vi tốt phổ biến của người Công giáo từ xưa. Tuy nhiên, ở một số nơi và trong một số điều kiện, người Công giáo không giữ được hành vi tốt này, đặc biệt tại các giáo xứ vùng đô thị như thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, mô hình giáo xứ không rác được tổ chức nhằm giải quyết vấn đề này. Mô hình này được thực hiện trước hết tại giáo xứ Xóm Chiếu (khu phố 1, phường 15, quận 4) và đã được nhân rộng sang các giáo xứ khác như La Vang, Lộ Đức, Hương Nhiệm.

Mô hình rau an toàn: Một số giáo xứ đã thực hiện mô hình trồng rau an toàn, như tại giáo phận Đà Lạt, Ủy ban bác ái xã hội đã cùng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi một phần diện tích trồng rau sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón quá mức sang thử nghiệm cách thức trồng rau an toàn từ năm 2015. Sau một năm, số hộ đăng ký tham gia trồng rau an toàn đã tăng lên và các hộ cũ cũng mở rộng diện tích trồng rau an toàn.

Sản phẩm thân thiện môi trường: Trong những năm gần đây, các sản phẩm thân thiện môi trường, như nước rửa chén, sữa, nhang, nước uống... của các Dòng tu và các Hội tu Công giáo đã phát triển và ngày càng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Một số sản phẩm phải đối mặt với nhiều khó khăn do thói quen của người sử dụng, ví dụ như nước rửa chén của các Dòng tu thường ít bọt hơn các sản phẩm nước rửa chén trên thị trường nên gây cảm giác không tẩy sạch chén dĩa nơi người tiêu dùng. Tuy nhiên, các Dòng tu vẫn giữ các sản phẩm của mình theo tiêu chí an toàn cho sức khỏe và thân thiện môi trường theo đúng mục tiêu ban đầu của họ.

Có thể nói, Giáo hội Công giáo thế giới nói chung, Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng, vốn coi trái đất là một tạo tác thiêng liêng của Thiên chúa và cùng với thế mạnh của mình đã có nhiều hoạt động nổi bật, mang tính tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu trong thời gian qua. Dưới triều đại Giáo hoàng Francis, các hoạt động vì môi trường của Công giáo được thúc đẩy hơn nữa. Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng đã tích cực trong lĩnh vực môi trường, tích cực hưởng ứng các chương trình vì môi trường của Giáo hội Công giáo Roma và Nhà nước Việt Nam, góp phần thiết thực vào việc giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu hiện nay./.     

Bùi Quang Nhượng

----

https://caritasvietnam.org/ton-giao-trong-viec-giai-quyet-van-de-moi-truong-sinh-thai/ truy cập ngày 9/10/2021.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/hoi-thao-nguoi-cong-giao-voi-van-de-bao-ve-moi-truong-52051 truy cập ngày 9/10/2021.

https://tgpsaigon.net/bai-viet/thong-dieplaudato-sive-moi-truong-nhung-net-dac-trung-51733 truy cập ngày 9/10/2021.