Giáo hội Phật giáo Việt Nam với việc phòng, chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS
Ngày đăng: 26/11/2020
Cơ sở từ thiện xã hội Phật giáo chùa Kỳ Quang 2, TP.Hồ Chí Minh, nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi, trong đó có nhiều trẻ nhiễm HIV/AIDS. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Bệnh HIV/AIDS là gì? Điều 2 của Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV/AIDS), quy định thuật ngữ HIV và AIDS được hiểu như sau:

- HIV là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV có thể lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, sinh đẻ và cho con bú.

- AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và dẫn đến chết người.

- Nhiễm trùng cơ hội là những nhiễm trùng xảy ra nhân cơ hội cơ thể bị suy giảm miễn dịch do bị nhiễm HIV.

Hiện nay, dưới sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, HIV/AIDS được hiểu sâu sắc hơn như sau:

- HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người.

- AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong. Thời gian từ khi nhiễm HIV đến biến chuyển thành bệnh AIDS tùy thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người nhưng tựu chung lại trong khoảng thời gian trung bình là 5 năm.

Hậu quả của căn bệnh HIV. Căn bệnh HIV là một “thảm họa” với nhân loại ở nhiều phương diện từ ốm đau, mất sức lao động, tốn kém tiền của, nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, nguyên nhân làm băng hoại các giá trị đạo đức văn hóa, tới chết người hàng loạt,..Hậu quả của căn bệnh này khó có thể nói hết. Đối với sức khỏe và sự sống của con người căn bệnh HIV ở người được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem  là “đại dịch”. Từ khi phát hiện ra người nhiễm HIV vào năm 1981 cho đến năm 2006, thế giới đã có hơn 25 triệu người chết. Theo số liệu của (WHO) năm 2006, khoảng 0,6% dân số thế giới bị nhiễm HIV. Theo thống kê của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), tới nay trên thế giới có khoảng 37,9 triệu người đang sống chung với virus nguy hiểm này và 23,3 triệu người bệnh đang điều trị bằng thuốc kháng HIV (ART). Ở Việt Nam Tính đến hết ngày 30/9/2019, cả nước có 215.661 người nhiễm HIV được các tỉnh báo cáo hiện đang còn sống và 103.616 người nhiễm HIV đã tử vong. Tuy nhiên, trong số 215.661 người hiện đang báo cáo nhiễm HIV được phát hiện, có khoảng 10% người nhiễm HIV trùng lặp hoặc đã tử vong nhưng chưa được ghi nhận [Cục phòng chống HIV/ AIDS ngày 4/12/2019]. Trong số hơn 215 nghìn người nhiễm HIV hiện còn sống tại Việt Nam, đa số trong độ tuổi 16 đến dưới 40, chủ yếu là nam giới và đang tiếp tục tăng.

HIV/AIDS hiện là vấn đề đặt ra đối với sức khỏe cộng đồng, là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có 10.000 người nhiễm HIV mới và 2.000-3.000 người tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. [Nhân tháng hành động Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2019), VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế].

Nguyên nhân của căn bệnh HIV/AIDS? HIV lây truyền có thể từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, qua truyền máu từ nguồn đã bị nhiễm bệnh, qua dùng chung kim tiêm với người nhiễm bệnh (tuy nhiên muỗi đốt không làm lây HIV), từ mẹ sang con trong khi mang thai, khi sinh (lây chuyền chu sinh), hoặc khi cho con bú,...

Phòng chống lây nhiễm HIV, phòng và chống HIV là chương trình được cả thế giới quan tâm và thực hiện đồng bộ quyết liệt nhằm bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc con người và phát triển xã hội lành mạnh, thông qua các hoạt động từ xã hội tới cá nhân, mục đích để: mỗi người hiểu được căn bệnh và tác hại của căn bệnh; cơ chế lây truyền bệnh; ý thức tự bảo vệ cho mình và người thân phòng và tránh căn bệnh; thái độ và ứng xử đối với người bị bệnh. Phòng căn bệnh HIV hiện nay là chương trình hành động rộng khắp và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì sức khỏe và hạnh phúc con người vì một xã hội an toàn lành mạnh.

Nhiều những hoạt động phòng và chống HIV mang tính quốc gia và quốc tế đang diễn ra ngày một chất lượng, hiệu quả. Hoạt động quan trọng nhất với mỗi mỗi cá nhân và cộng đồng sử dụng và truyền máu an toàn, sử dụng kim tim an toàn, quan hệ tình dục an toàn, sống và ứng xử hiểu biết đúng mức với người lây nhiễm HIV/AIDS,…  là thiết thực và hiệu quả quan trọng để kiểm soát sự lây lan của căn bệnh  này.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam với căn bệnh “thế kỷ” này.

Thực hiện hạnh “từ bi” thương người như thể thương thân, với phương châm “nhập thế” hoạt động của Phật giáo không ngoài cứu khổ độ sinh cho thế gian. Phật giáo Việt Nam với truyền thống trên hai ngàn năm gắn bó thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, đạo đức từ bi, tình thương yêu chúng sinh của Phật giáo đã hòa quện với tình thương yêu của người Việt kết tinh thành những giá trị văn hóa, đạo lý cao đẹp luôn tương trợ giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn: “lá lành đùm lá rách , “ tối lửa tắt đèn có nhau”,… người Việt luôn quan tâm giúp đỡ người khó khăn, ốm đau bệnh tật. Trước đại dịch HIV, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thể hiện truyền thống cao đẹp đó với những người gặp hoàn cảnh éo le qua nhiều hoạt động ủng hộ các chương trình của Chính phủ, Bộ Y tế đối với phòng chống HIV/AIDS từ vận động cứu trợ giúp đỡ về vật chất tới động viên an ủi về tinh thần người bị nhiễm bệnh tới giáo dục lối sống tốt đẹp chung thủy trong xã hội,...

Từ năm 2006, khi Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc và tổ chức Bắc Âu tổ chức Hội ngh đại biu các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tham gia phòng chống HIV/AIDS vào tháng 11 năm 2006 tại Cố đô Huế với chủ đề "Phát huy vai trò của các tôn giáo trong phòng, chống HIV và AIDS". Hội nghị  có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích lợi thế, nêu cao vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng hưởng ứng, tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Tại Hội nghị này đã thống nhất thông qua Bản cam kết chung của các tôn giáo tham gia phòng, chống "Căn bệnh thế kỷ" HIV/AIDS ở Việt Nam.

Ngay sau Hội nghị, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đưa vào chương trình hành động trong công tác Phật sự hàng năm của Giáo hội nhằm phát huy thế mạnh của Phật giáo, thực hiện phương châm "Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật" đồng thời thể hiện tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian Pháp” mọi hoạt động của Phật giáo đều vì hạnh phúc của thế gian. Từ cam kết với Chính phủ và các tôn giáo cả nước, Chức sắc, tín đồ Phật giáo Việt Nam xem phòng chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ cao đẹp vì hạnh phúc con người vì an lành xã hội, mỗi người con Phật chung tay tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS qua năm nội dung cụ thể, đó là:

     1. Tăng cường củng cố nền tảng đạo đức gia đình Việt Nam, phát huy những giá trị tích cực của Phật giáo, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đàn bản sắc dân tộc góp phần ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS.

     2. Tích cực tham gia công tác truyền thông, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với pháp luật, đặc điểm giáo lý và điều kiện cụ thể của Phật giáo. Từng bước lồng ghép chương trình giáo dục phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng Phật học.

     3. Phát triển các mô hình và mở rộng hoạt động tư vấn, chăm sóc và hỗ trợ về thể chất và tinh thần đối với những người bị nhiễm HIV và bệnh AIDS.

     4. Giáo dục tình yêu thương, tinh thần đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng đối với những người bị nhiễm. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với những người bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS dưới mọi hình thức.

     5. Mở rộng hợp tác giữa các tôn giáo trong nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS để đạt được mục tiêu tiếp cận toàn diện về phòng ngừa, điều trị và chăm sóc hỗ trợ cho trẻ em và người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.

HIV/AIDS là một căn bệnh nguy hiểm, thách thức tiến bộ của khoa học và đạo đức lối sống của nhân loại. Quy mô không ngừng tăng và tác động ở mức huỷ hoại đời sống và nhân phẩm của con người, tác động mạnh tới phát triển kinh tế - xã hội, cộng đồng, gia đình và mỗi cá nhân. HIV/AIDS gia tăng đã và đang làm cho gánh nặng xã hội tăng thêm, tình trạng đói nghèo, khó khăn gia tăng nhất là ở khu vực đời sống vật chất, văn hóa thấp kém. Bằng rất nhiều n lực, hiện nay, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam có chững lại, giảm tốc độ tăng so với các năm trước đây do thực hiện các biện pháp can thiệp có hiệu qủa, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ, bởi vì nó đã và đang từng bước lan từ nhóm có hành vi nguy cơ cao ra các cộng đồng dân cư khác, nhiều tỉnh, thành phố có 100% số xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/ AIDS. Điều đáng quan tâm hiện nay khi Việt Nam đang thực hiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, điều kiện lao động, học tập, quan niệm về đạo đức có nhiều thay đổi, số người nhiễm HIV giảm ở một số đối tượng, nhưng tăng trong học sinh, sinh viên, công chức, công nhân lao động, người làm nghề tự do. Đây chính là vấn đề cấp bách cần tiếp tục được quan tâm giải quyết. Mặt khác, Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á là khu vực đang chịu nhiều tác động mạnh mẽ theo chiều hướng dịch chuyển của đại dịch HIV/AIDS trên thế giới.

Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo HIV/ AIDS không chỉ là vấn đề y tế mà còn là vấn đề xã hội, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân, các cấp, các ngành, các tôn giáo cùng tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Trong lịch sử, chưa có loại dịch bệnh nào mà khiến cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ phải dành sự quan tâm đặc biệt như HIV/AIDS; và cũng chưa có dịch bệnh nào mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ phải ban hành các văn bản có tính pháp lý cao nhất để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện như HIV/AIDS. Trong tất cả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đều thể hiện sự trao quyền để các cơ quan Nhà nước, MTTQ, các tổ chức, cá nhân và các tôn giáo tham gia.

Với phương châm "Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội", Giáo hội Phật giáo Việt Nam qua chương trình hành động cụ thể, đã động viên tăng, ni phật tử cả nước tích cực thực hiện các hoạt động Phật giáo phụng sự xã hội, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động, đặc biệt là các hoạt động từ thiện nhân đạo, thực hiện giáo lý từ bi, cứu khổ của Đạo Phật, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam. Trong nhiều năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổng kết đánh giá, khen thưởng nhiều tấm gương điển hình của tập thể, cá nhân thực hiện tốt chương trình phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Bắc Giang,… có Câu lạc bộ Phật tử giúp người nhiễm HIV/AIDS, Câu lạc bộ Nhân ái,…trở thành gương điển hình về tình yêu thương và trách nhiệm với con người vì một xã hội tốt đẹp.

Phát huy truyền thống nhân ái, khẳng định hạnh nguyện “cứu khổ độ sinh” Phật giáo Việt Nam đã đang và sẽ còn tiếp tục làm nhiều việc ích đạo lợi đời hơn nữa vì hạnh phúc chúng sinh, vì xã hội an lành và vì phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp./.

TS. Bùi Hữu Dược