Cà Mau phát huy vai trò của chức sắc, sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về vấn đề dân tộc, tôn giáo
Ngày đăng: 27/09/2021Vấn đề dân tộc, tôn giáo và nhân quyền luôn là ba “ngòi nổ” quan trọng mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng, nhằm kích động, chống phá thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Việc phát huy vai trò của chức sắc, sư sãi người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer khu vực Tây Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, tổ chức thực hiện và bước đầu đã mang lại kết quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của chức sắc, sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, góp phần đấu tranh phản bác làm thất bại các luận điệu sai trái của thế lực thù địch, cần quan tâm hơn nữa về những giải pháp trong tổ chức thực hiện thời gian tới. Từ thực tiễn tại địa phương tỉnh Cà Mau, chúng tôi muốn chia sẻ một số kinh nghiệm, góp phần cùng cả nước thực hiện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Phật giáo Nam tông Khmer ở tỉnh Cà Mau
Phật giáo Nam tông được truyền vào Việt Nam theo con đường của các nhà truyền giáo từ Ấn Độ đi theo đường biển tới Srilanca, Myanma, Thái Lan tới vùng sông Mê-kông (Campuchia) và vào vùng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (phía Nam) của Việt Nam, được đông đảo người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer đón nhận, trở thành tôn giáo của người Khmer, do đó gọi là Phật giáo Nam tông Khmer. Phật giáo Nam tông đã có mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long từ rất sớm (vào khoảng thế kỷ thứ IV). Đến thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đại bộ phận các phum (xóm), sóc (nhiều xóm hợp thành) của người Khmer đều có chùa thờ Phật. Theo số liệu thống kê của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thì Phật giáo Nam tông Khmer có 462 chùa, 45 Salatel và một Học viện; trên 7.000 chư tăng. Tập trung tại 15 tỉnh khu vực phía Nam, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa –Vũng Tàu, Cà Mau, thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Đồng Nai, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tây Ninh và Vĩnh Long[1].
Ở Cà Mau, Phật giáo Nam tông Khmer có mặt cùng với sự quần cư của người Khmer đi khai hoang, mở đất, lập phum, sóc. Ngôi chùa đầu tiên được xây dựng vào năm 1786 là chùa Saray Mongkol (chùa Rạch Giồng), tiếp đến là chùa Saray Chumbotummenchay (chùa Đầu Nai) xây dựng năm 1814 thuộc huyện Thới Bình. Từ năm 1922 đến năm 1964, xây dựng thêm 4 ngôi chùa nữa còn tồn tại đến ngày nay, đó là: Saray Melchey (chùa Cao Dân), thuộc huyện Thới Bình; Chumprasat (chùa Rạch Cui) và chùa Sarayvongsa Bopharam (chùa Tam Hiệp), thuộc huyện Trần Văn Thời; Monivongsa Bopharam, Phường 1, thành phố Cà Mau. Năm 2003, có thêm chùa Công đức Lâm Phật tự sinh hoạt theo truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.
So với các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ, đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau có số lượng không đông 9.571 hộ, 26.110 nhân khẩu. Phân bố không đồng đều tại các huyện trong tỉnh. Nhiều nhất là huyện Trần Văn Thời có 7.194 người, huyện Thới Bình 4.513 người, huyện Đầm Dơi 3.937 người, huyện U Minh 3.733 người, thành phố Cà Mau 2.143 người[2], … Toàn tỉnh có, có 400 gia đình có công với cách mạng, 200 gia đình Liệt sĩ, 150 gia đình thương binh, 04 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 02 nữ Anh hùng lực lượng vũ trang[3]. Nhiều nhà sư tham gia kháng chiến cống hiến cho cách mạng, như: Liệt sĩ Hòa thượng Hữu Nhem, nguyên là tăng trưởng chùa Cao Dân, cố vấn Hội đoàn kết sư sãi yêu nước (HĐKSSYN) Khu Tây Nam Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Hòa thượng Tăng Nê, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt; Hòa thượng Tăng Hô; Đại đức Kim Cơ và nhiều vị sư khác đã tích cực vận động sư sãi, tín đồ Phật tử trong khu vực tham gia cách mạng, góp phần cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc.
Hiện nay, trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau có 07 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, trên 25.000 tín đồ và 10 Salatel được xây dựng tại địa bàn 5/9 huyện trong tỉnh (Cái Nước có 01 Salatel, Đầm Dơi 05, U Minh 02, Năm Căn 01 và Phú Tân 01). Đây là nơi để đồng bào Khmer tổ chức các nghi lễ truyền thống và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer có 25 vị sư, trong đó 02 Hòa thượng, 01 Thượng tọa, 05 Đại đức, 10 vị Tỳ khưu và 07 Sadi[4].
Bên cạnh đó, một tổ chức hội có vai trò rất quan trọng trong tập hợp khối đại đoàn kết, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đó chính là HĐKSSYN. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đồng bào Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Có nhiều tổ chức ra đời trong thời điểm này để hoạt động ủng hộ kháng chiến như: Hội ủng hộ Isarrak (Hội Khmer đoàn kết kháng chiến) ở Sóc Trăng (năm 1948); Ban Khmer vận ở Trà Vinh (năm 1948). Thời điểm đó, ở Cà Mau cũng tổ chức thành lập các Ban, như: Hoa vận (Chỉ thị của Tỉnh ủy ngày 25/5/1952), Khmer vận, Tôn giáo vận (Nghị quyết của Tỉnh ủy ban hành ngày 12/01/1954 về công tác Khmer vận. Trong đó, nghị quyết chỉ rõ: Thực chất công tác Khmer vận là vận động giai cấp trung - bần - cố nông, là công tác Nông vận, là công tác Tôn giáo vận. Vì hầu hết người dân tộc Khmer đều là trung - bần - cố nông, tín đồ Phật giáo)[5].
Năm 1964, Mặt trận Giải phóng dân tộc (MTGPDT) miền Nam Việt Nam ra đời, Khu ủy khu Tây Nam Bộ chủ trương thành lập HĐKSSYN ở 3 cấp (cấp khu, tỉnh và huyện). Được sự chỉ đạo của MTGPDT miền Nam Việt Nam khu Tây Nam bộ, Đại đức Thạch Xom và Đại đức Hữu Nhem đã tiến hành các bước chuẩn bị tổ chức đại hội thành lập HĐKSSYN tỉnh Cà Mau. Ngày 15/9/1966, tại vùng dân tộc Khmer chùa Rạch Cui (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời ngày nay), đại hội HĐKSSYN lần thứ I đã được tổ chức. Đại hội đã bầu ông Kim Nol, Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc tỉnh Cà Mau làm Chủ tịch, đồng thời trụ trì chùa Rạch Cui. Nơi đây trở thành căn cứ chỉ đạo các hoạt động của hội trong tỉnh. Ông Kim Nol đã tổ chức được 59 cuộc hội nghị để tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được dân tộc và tầng lớp nhân dân ủng hộ. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát huy tinh thần đoàn kết, một lòng theo Đảng; đóng góp sức người, sức của xung phong tham gia các đoàn thể, lực lượng vũ trang để đánh Mỹ - Ngụy giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước[6]. Trong thời gian này, HĐKSSYN hoạt động dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Ủy ban Mặt trận, Ban Khmer vận tỉnh và Ban Khmer vận khu Tây Nam Bộ.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, HĐKSSYN tiếp tục động viên đồng bào dân tộc, sư sãi phát huy truyền thống yêu nước, tích cực đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày 18/4/1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị số 68-CT/TW về công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer, trong đó có nội dung củng cố, thành lập HĐKSSYN ở các tỉnh.
HĐKSSYN được xác định là tổ chức xã hội đặc thù trong giới sư sãi Khmer do Đảng có chủ trương thành lập, hoạt động như tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Phương thức và nội dung hoạt động chủ yếu của Hội là tuyên truyền, vận động sư sãi, đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer đoàn kết tham gia và ủng hộ cách mạng đấu tranh chống Mỹ, Ngụy. Trong thời kỳ kháng chiến nhiều ngôi chùa ở Cà Mau là cơ sở cách mạng như: Chùa Rạch Cui, chùa Tam Hiệp, huyện Trần Văn Thời; chùa Cao Dân, huyện Thới Bình.
Thực hiện chủ trương của Đảng, HĐKSSYN ở Cà Mau tiếp tục được củng cố và hoạt động trở lại. Ngày 03/12/1993, HĐKSSYN tỉnh Minh Hải tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II (Đại hội lần thứ I năm 1966 thành lập Hội), để tổng kết tình hình hoạt động của Hội từ khi tổ chức đại hội lần I. Đồng thời, thảo luận, thông qua điều lệ, phương hướng hoạt động của Hội và tiến hành bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 1993-1997.
Ngày 18/12/1997, HĐKSSYN tiến hành tổ chức Đại hội nhiệm kỳ III (1997-2002), để tiến hành đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ II, bầu Ban Chấp hành Hội gồm có 9 vị. Trong nhiệm kỳ này, Đại đức Thạch Hà trụ trì chùa Phường 1, thành phố Cà Mau được bầu làm Hội trưởng. Đại hội đã thông qua và ban hành Điều lệ hoạt động của hội có 8 Chương, 16 Điều; đề ra chương trình hành động của hội; quy chế hoạt động của hội. Trong đó, xác định HĐKSSYN tỉnh Cà Mau là tổ chức đoàn thể xã hội của giới sư sãi và tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất hành động của giới sư sãi, gắn bó mật thiết với đồng bào Khmer. Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, có mối quan hệ chặt chẽ với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Cà Mau.
Ngày 01/12/2003, HĐKSSYN tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, đánh giá kết quả nhiệm kỳ III và đề ra phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV (2003-2008). Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hội gồm 28 vị, Thượng tọa Thạch Hà tiếp tục được bầu giữ chức Hội trưởng.
Ngày 15/3/2011, HĐKSSYN tỉnh Cà Mau tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ (2011-2016), đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hội gồm 37 vị, Thượng tọa Thạch Hà[7] tiếp tục được bầu giữ chức vụ Hội trưởng.
Hiện nay, Ban Chấp hành HĐKSSYN tỉnh Cà Mau có tổng số 37 ủy viên, trong đó có 01 ủy viên có trình độ Thạc sĩ, 02 vị có trình độ Đại học, 11 vị có trình độ THPT, còn lại 23 vị có trình độ từ lớp 9 đến lớp11. Đây là một trong những thuận lợi để HĐKSSYN hoạt động ngày càng phát triển hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay.
Trong các nhiệm kỳ qua, với vai trò là tổ chức nồng cốt, HĐKSSYN đã tập hợp sư sãi và tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer, phát huy truyền thống, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn giáo; thực hiện tuyên truyền các chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với dân tộc, tôn giáo, tạo điều kiện để tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer nắm bắt và tổ chức thực hiện; góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.
2. Nắm vững chủ trương của Đảng, Nhà nước, nâng cao và phát huy vai trò của chức sắc, sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau
2.1. Vai trò của chức sắc, sư sãi Phật giáo Nam tông đối với cộng đồng trong tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
Đối với đồng bào dân tộc Khmer, Phật giáo Nam tông có vai trò rất quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống. Phật giáo đã góp phần làm cho cuộc sống của người Khmer hướng tới từ bi, bác ái, tự do và bình yên. Vị trí của ngôi chùa trong cộng đồng dân tộc Khmer là trung tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, chùa còn là nơi để tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động. Chùa còn là chỗ dựa về mặt tinh thần đối với đồng bào Khmer. Hầu hết đồng bào Khmer dù có vào chùa tu hay không vào chùa tu, họ đều nguyện xem mình là tín đồ của đạo Phật. Tự nguyện gắn bó cuộc sống của mình với nhà chùa từ lúc còn sống và ngay cả khi chết đi, hài cốt còn đặt vào tháp lưu cốt trong chùa.
Theo truyền thống của người Khmer, gia đình nào có con trai từ 12 tuổi trở lên đều cho vào chùa tu, thời gian từ 3 tháng hoặc 3 năm, 4 năm hay trọn đời là tùy duyên của từng người. Người đi tu là để học kinh, học chữ, rèn luyện thành người có trí thức, đức hạnh, tích phước cho cha, mẹ, gia đình và bản thân. Nếu người con trai nào không qua giai đoạn tu trong chùa thì bị xã hội, gia đình cho là bất hiếu và lớn lên rất khó lấy vợ. Bởi vì, người con gái Khmer đến tuổi lấy chồng, thường chọn những chàng trai đã qua tu luyện trong chùa hiện đã hoàn tục. Theo họ, đó là người đã hoàn thành nghĩa vụ và học được cách làm người, nhất là biết chữ nghĩa, được mọi người trọng vọng.
Đối với người Khmer, các vị sư sãi có vị trí rất quan trọng và sức ảnh hưởng lớn. Nhà sư được coi là đại diện cho Đức Phật để truyền dạy và giáo hóa chúng sanh. Vì vậy, chư tăng luôn là người thầy được tôn kinh và tin tưởng. Đại bộ phận các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã trở thành nơi hội tụ, sinh hoạt tôn giáo, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong phum, sóc của người Khmer.
Thực tế cho thấy vai trò của chức sắc, sư sãi trong Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau rất quan trọng. Họ là những người có tầm ảnh hưởng cả về đời sống vật chất, lẫn đời sống tinh thần (tín ngưỡng, tôn giáo) của đồng bào. Có thể thấy, vai trò của chức sắc, sư sãi trong Phật giáo Nam tông Khmer thể hiện qua một số nội dung, như sau:
Thứ nhất, các vị chức sắc đã có nhiều đóng góp trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có nhiều vị là ngọn đuốc sáng, niềm tự hào trong lòng người dân Khmer vùng Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng, như: sư cả Kim Cơ, Hòa thượng Hữu Nhem, 04 liệt sĩ đại đức Lâm Hùng, Danh Hoi, Danh Tấp, Danh Hom, …. những vị Tăng sĩ đã thắp sáng truyền thống yêu nước, Trí - Dũng bất khuất của lịch sử Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ XX. Các vị chức sắc, sư sãi là động lực to lớn cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào vận động đồng bào tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, chức sắc, sư sãi là cầu nối hiệu quả giữa chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Như trên đã đề cập đa số các vị chức sắc, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer là người luôn được trọng vọng, người biết nhiều ngành nghề, như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, am hiểu về văn hóa của dân tộc, … Nên trong gia đình hoặc phum, sóc có khó khăn, vướng mắc, có tranh chấp, đồng bào thường đến hỏi những vị chức sắc để được những lời khuyên, hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, thông qua chức sắc, sư sãi mà chính quyền các cấp sẽ nắm bắt được tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của đồng bào để kịp thời phản ánh với cấp có thẩm quyền và đề xuất điều chỉnh, chủ trương, chính sách cho phù hợp vói thực tế.
Thứ ba, các vị chức sắc, sư sãi có vai trò là trung tâm, nòng cốt quan trọng trong việc phối hợp với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể vận động đồng bào Khmer thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những phong trào do địa phương phát động. Ngoài tín ngưỡng dân gian, thì Phật giáo luôn là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu được đối với người dân Khmer. Đặc biệt, các chức sắc, sư sãi có tầm ảnh hưởng, chi phối không nhỏ trực tiếp đến đời sống văn hóa tinh thần của họ. Thông qua các buổi sinh hoạt tại chùa, các chức sắc, sư sãi sẽ lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới đồng bào. Vận động đồng bào thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế hộ gia đình, nêu cao cảnh giác, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc (tiếng nói, chữ viết, điệu múa, hoa văn, kiến trúc, ...). Theo Báo cáo tổng kết hàng năm của Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, từ năm 2016 – 2020, chức sắc, sư sãi tại các chùa trong tỉnh đã phối hợp với Ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức dạy chữ Khmer cho con em đồng bào được 165 lớp, 3.790 người theo học. Lớp học được mở tại các điểm chùa, điểm tập trung đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trong tỉnh.
Thứ tư, các vị chức sắc, sư sãi được xem như các “luật sư”, “trọng tài” thực hiện tổ chức hòa giải, tranh chấp, xích mích trong cuộc sống gia đình, tại phum, sóc của người Khmer. Đối với người Khmer, ngôi chùa là nơi sinh hoạt cộng đồng, cũng là nơi thể hiện, bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình đối với Phật giáo. Bất kỳ người Khmer nào từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi đều trọn đời gắn bó với ngôi chùa. Nó là trung tâm văn hóa của cộng đồng, là thiết chế truyền thống của người Khmer dưới sự hướng dẫn của các vị chức sắc, sư sãi trụ trì tại chùa. Họ là người gần gũi với các tín đồ, nên dễ nắm bắt, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống của tín đồ. Vì vậy, đa phần các vụ việc mất đoàn kết trong cộng đồng người dân tộc Khmer đều được giải quyết hợp lý, hợp tình dưới sự điều hành của “luật sư”, “trọng tài” là những chức sắc, sư sãi trụ trì của chùa.
Thứ năm, các chức sắc, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer có vài trò quan trọng trong định hướng tư tưởng của tín đồ Phật tử trong sinh hoạt văn hóa, trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng. Tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, thuyết giảng về giáo lý nhà Phật, chức sắc, sư sãi Nam tông Khmer thường lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho tín đồ, như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chống rác thải nhựa; phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; phong trào toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội; phổ cập giáo dục các cấp, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc; vận dụng khoa học, kỹ thuật công nghiệp vào xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình; tổ chức thực hiện các hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo; chia sẻ, tiếp nhận thông tin trên môi trường mạng xã hội cần sàng lọc, không tin theo kẻ xấu xúi dục, …Nhờ đó, mà các hoạt động của tín đồ, đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Cà Mau trong thời gian qua không xảy ra điểm nóng, phức tạp về dân tộc, tôn giáo.
2.2. Vai trò của người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc Khmer
Ngày 01/02/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg về phá huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó xác định: “Cần xác định rõ người có uy tín là người được đồng bào dân tộc thiểu số tín nhiệm, tự nguyện đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ ý kiến; có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có khả năng tác động, chi phối, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số. Người có uy tín có thể là người cao tuổi hoặc trẻ tuổi, là trí thức hoặc là người thành đạt trong lao động sản xuất kinh doanh, trong hoạt động xã hội hoặc người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[8].
Tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, quy định người có uy tín phải đảm bảo các điều kiện, như: (a) Là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú ở vùng dân tộc thiểu số; (b) Được nhân dân nơi cư trú bầu chọn là người gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú; (c) Được chính quyền xã xác nhận là người có nhiều công lao, đóng góp xây dựng và bảo vệ thôn (thôn, làng, bản, buôn, phum, sóc), xã, địa phương nơi cư trú; (d) Được Hội nghị dân cư và liên ngành thôn (Chi ủy, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể thôn) bầu chọn; Ủy ban nhân dân xã duyệt công nhận[9].
Ngày 06/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, tiêu chí lựa chọn người có uy tín phải đảm bảo các quy định: (a) Là công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại Việt Nam; (b) Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; (c) Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc; (d) Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; (đ) Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, đươc người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo[10].
Ngày 07/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Quyết định quy định NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo các tiêu chí: (a) Là công dân Việt Nam, cư trú hợp pháp, ổn định ở vùng dân tộc thiểu số; (b) Bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú; có nhiều công lao, đóng góp xây dựng và bảo vệ thôn, bản, buôn, làng, phum, sóc, ấp, tổ dân phố và tương đương (sau đây gọi là thôn), giữ gìn đoàn kết các dân tộc; (c) Là người tiêu biểu, có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc, thôn và cộng đồng dân cư nơi cư trú; có mối liên hệ chặt chẽ, gắn bó với đồng bào dân tộc, hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo[11].
Tỉnh Cà Mau luôn xác định vận động và phát huy vai trò của NCUT là nội dung quan trọng trong thực hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước. Do đó, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp trong tỉnh luôn chủ động, lập kế hoạch, chương trình tiến hành thường xuyên, liên tục, nhằm phát huy mạnh mẽ mặt tích cực vai trò của NCUT. Thông qua đó, vận động đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.
Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản để triển khai, tổ chức thực hiện, như: Từ năm 2011 – 2021 ban hành 10 Quyết định (Quyết định số 679/QĐ-UBND ngày 09/5/2012, Quyết định số 413/QĐ-UBND ngày 25/3/2013, Quyết định số 353/QĐ-UBND ngày 12/4/2014, Quyết định số 325/QĐ-UBND ngày 10/3/2015, Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 02/3/2016, Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 02/3/2017, Quyết định số 969/QĐ-UBND ngày 14/6/2018, Quyết định số 2291/QĐ-UBND và Quyết định số 2292/QĐ-UBND ngày 26/12/2019, Quyết định số 1425/QĐ-UBND ngày 17/12/2020 phê duyệt danh sách NCUT), để tổ chức thực hiện cho từng năm. Ban hành 10 Kế hoạch (Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 10/5/2012, Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 25/3/2013, Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 23/5/2014, Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 01/4/2015, Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 25/3/2016, Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 27/4/2017, Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 06/7/201, Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 14/02/2019, Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 02/3/2020 và Kế hoạch số 40/KH-UBND) cụ thể để tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương, trên cơ sở bám sát với tình hình thực tế tại địa phương[12].
Trong thời gian 10 năm qua (từ năm 2011 – 2021), tỉnh Cà Mau đã thực hiện bình xét, phê duyệt 721 lượt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, 667 lượt người nam, 54 lượt người nữ; 95 lượt người là trưởng thôn, bản và tương đương, 49 lượt người là cán bộ hưu trí, 41 lượt người là sư sãi, chức sắc tôn giáo, 202 lượt người là đảng viên, 103 lượt người là người sản xuất, kinh doanh giỏi, 419 lượt người là thành phần khác. Đồng thời, tỉnh cũng đã thực hiện các chính sash đối với NCUT theo quy định của Trung ương, như: cung cấp thông tin, báo chí miễn phí (Báo Dân tộc và Phát triển, Chuyên trang Dân tộc thiểu số miền núi, chuyên đề Đoàn kết và phát triển, …); tổ chức các Hội nghị phổ biến cung cấp thông tin cấp tỉnh, huyện, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng được 178 đợt, thu hút hơn 2.000 lượt người tham dự; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên; thăm hỏi, tặng quà các dịp lễ, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số; thăm hỏi lúc ốm đau, phúng điếu, … Tổng kinh phí tổ chức thực hiện đến nay trên 8 tỷ đồng.
Do thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, trong thời gian 10 năm qua, tỉnh Cà Mau đã phát huy có hiệu quả vai trò của NCUT. Luôn đề cao vai trò của NCUT trong việc tham gia góp ý kiến vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương và cùng chính quyền vận động, tổ chức đồng bào tích cực tham gia thực hiện.
Qua tình hình thực hiện tại địa phương, chúng tôi nhận thấy vai trò NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất, họ là cầu nối để tiếp nhận và truyền tải thông tin, phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của bà con với chính quyền các cấp. Thông qua các hoạt động này, NCUT đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, hòa giải, giải thích để đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đúng chủ trương và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước. Tự nguyện, tích cực tham gia các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sông văn hóa khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phối hợp với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong việc quản lý, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật tại các ấp, khóm.
Thứ hai, NCUT đã thể hiện rõ vai trò của mình đối với cộng đồng. Họ tích cực đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cá nhân và gia đình của NCUT trở thành những lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập và giúp đỡ hộ nghèo.
Thứ ba, NCUT giữ vai trò quan trọng trong công tác đóng góp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ cơ sở, thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đối với NCUT là cán bộ hưu trí, là hội viên, đoàn viên rất tích cực tham gia công tác ở cơ sở, tham gia Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Tổ hòa giải, Tổ an ninh, Tổ dân cư, …
Thứ tư, NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng nồng cốt của các phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, NCUT còn tích cực tuyên truyền, vận động con cháu, dòng họ và nhân dân các dân tộc tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tham gia phòng chống và tố giác tội phạm; vận động nhân dân bảo vệ môi trường, đăng ký khu dân cư không có tội phạm, không có ma túy, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Cung cấp thông tin có giá trị cho ngành chức năng, kịp thời đáu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Người có uy tín phối hợp với chính quyền địa phương hòa giải thành công nhiều vụ việc phức tạp, góp phần xây dựng tình làng nghĩa xóm và tình đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
3. Một số giải pháp phát huy vai trò của chức sắc, sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước
Thứ nhất, Phật giáo Nam tông Khmer có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển nâng cao dân trí, xây dựng lối sống lành mạnh của phum, sóc, góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa cộng đồng, có nhiều hoạt động thiết thực trong hoạt động từ thiện – xã hội, trong đó vai trò quan trọng nhất là các vị chư tăng, trụ trì tại các cơ sở thờ tự. Vì vậy, để nâng cao vị trí, vai trò của các vị chức sắc, sư sãi trong cộng đồng dân tộc Khmer thì giải pháp đầu tiên nhất cần tập trung nâng cao trình độ, phẩm chất đạo đức cho sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer.
Chính các chức sắc, sư sãi là người “truyền lửa” trong các hoạt động, các phong trào phát động của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tại địa phương. Là người dạy chữ cho con em đồng bào, hướng dẫn phật tử tu học, trau dồi đạo đức, giáo lý của nhà Phật, thuyết phục, cảm hóa góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng.
Thứ hai, tạo điều kiện để các vị sư tham gia các lớp học về Phật pháp tại các trường, học viện của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer mở trong khu vực Tây Nam Bộ; vận động các vị tích cực tham gia các hoạt động trong ngôi nhà chung của GHPGVN bảo vệ và phát triển Giáo hội; nêu cao tinh thần cảnh giác, không tin theo kẻ xấu lợi dụng kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
Thứ ba, cung cấp thông tin, sách, báo liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước đầy đủ, kịp thời. Tạo môi trường tiếp cận thông tin chính thống cho chức sắc, sư sãi và NCUT trong đồng bào dân tộc, như mở các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, cách tiếp cận và xử lý thông tin trên môi trường mạng Internet, …
Thứ tư, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer một cách đồng bộ, dân chủ, công bằng. Các chính sách phải sát với thực tế của địa phương, mang lại hiệu quả cao trong cộng đồng dân cư, tránh sự so bì giữa đồng bào các dân tộc thiểu số này với đồng bào các dân tộc thiểu số khác. Đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong đồng bào.
Thứ năm, tiếp tục nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình tiêu biểu tại ấp, khóm văn hóa trong đồng bào dân tộc; kịp thời biểu dương, khen thưởng chức sắc, sư sãi, NCUT đã có nhiều đóng góp trong việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cộng đồng. Cần quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người thân của chức sắc, sư sãi, NCUT để họ tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình trong cộng đồng.
Thứ sáu, tiếp tục rà soát, đánh giá những đóng góp của cộng đồng trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đặc biệt là tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo Nam tông Khmer để đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ trùng tu, sửa chữa hoặc xây dựng mới; đồng thời, lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh, cấp trung ương đối với cơ sở có công. Như đã phân tích ở trên, ngôi chùa luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, gắn kết cộng đồng; nơi bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc; là trường học đạo, học chữ của người Khmer; là nơi chư tăng cầu phúc cho người mới sinh ra và lưu trữ tro cốt của người đã khuất.
Thứ bảy, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng. Thực hiện hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Củng cố, kiện toàn bộ máy cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ quản lý là người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong giai đoạn phát triển mới.
Tóm lại, qua tình hình thực tế và kết quả thực hiện việc phát huy vai trò chức sắc, sư sãi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc tại địa phương tỉnh Cà Mau trong thời gian qua đã thể hiện hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Chức sắc, sư sãi và người có uy tín trong đồng bào Khmer tỉnh Cà Mau tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh thực hiện: “Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, tôn giáo. Đấu tranh chống mọi âm mưu lợi dụng dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để chia rẽ khối địa đoàn kết toàn dân. Vận động đồng bào tôn giáo, chức sắc, chức việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án nhằm huy động nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số”[13]./.
Trần Thanh Liêm
*Chú thích:
(1) Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo cáo công tác hỗ trợ hoạt động Phật giáo Nam tông Khmer, Tài liệu Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ IX, tr3, Vĩnh Long, tháng 12/2020.
(2) Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, Báo cáo số 116/BC-BDT ngày 26/5/2021 tổng kết 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2011-2021.
(3) Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ Danh Thị Tươi, Anh hùng lực lượng vũ trang Lâm Thị Hol.
(4) Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau, Báo cáo số 24/BC-HĐKSSYN ngày 20/11/220 kết quả hoạt động HĐKSSYN tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2018 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.
(5) Xem Ban Dân vận, Lịch sử công tác dân vận Đảng bộ tỉnh Cà Mau 1930 – 2010 (sơ thảo), Nxb Phương Đông, tr 115.
(6) Xem: Lịch sử Chùa ChumpaSath (Rạch Cui), xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
(7) Hiện nay, Hòa thượng Thạch Hà, là Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Trưởng Ban trị sự GHPGVN tỉnh Cà Mau, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau khóa IX nhiệm kỳ 2015 – 2020, khóa X nhiệm kỳ 2021 – 2026.
(8) Xem Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(9) Xem Quyết định số Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
(10) Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
(11) Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
(12) Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, Báo cáo số 116/BC-BDT ngày 26/5/2021 Tổng kết 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn năm 2011 – 2021.
(13) Đảng bộ tỉnh Cà Mau, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tháng 11 năm 2020, tr81.