Bố thí hay tặng cho tài vật theo quan điểm Phật giáo
Ngày đăng: 14/08/2021
Ảnh minh họa
Hiện nay, hoạt động từ thiện đang được cổ vũ và thực hiện mạnh trong xã hội, nhằm chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giúp đỡ người qua cơn hoạn nạn, chung tay chia sẻ gánh nặng với xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động này đang bị lợi dụng vì mục đích không trong sáng của một số cá nhân. Chúng tôi muốn làm rõ ý nghĩa của việc làm từ thiện mà cụ thể là việc bố thí hay tặng cho tài vật qua góc nhìn từ giáo lý, kinh điển Phật giáo.

Thế nào là bố thí

Khái niệm bố thí, nguyên nghĩa trong Sankrit và Pàli ngữ là dāna, người Hán phiên âm là đàn na (檀那). Kết hợp cả cách phiên âm Phạn - Hán và dịch nghĩa Hán gọi là đàn thí (檀施) hoặc đàn tín (檀信). Hán dịch mới và quen dùng là bố thí (布施).

Ý nghĩa ban đầu của bố thí là dùng bốn thứ cúng dường (vật thực, quần áo, sàng tọa, dược liệu) để dâng cúng các bậc có đức hạnh cao cả hoặc để tặng cho những người nghèo có cơm ăn, áo mặc và những đồ cần thiết để thụ dụng. Chính vì có tâm phân biệt với hai đối tượng khác nhau này nên người ta thường dùng hai từ khác nhau để chỉ cho cùng một hành động: cúng dàng (cho bậc đức hạnh) và bố thí (cho người nghèo đói). Thực ra, chỉ có một nguyên nghĩa từ kinh điển Phật giáo Nguyên thủy đó là dāna, là bố thí. Việc cho tặng vật phẩm, tiền bạc, các hoạt động từ thiện về bản chất là thực hành bố thí.

Về bố thí, Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa có sự khác biệt. Trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy, bố thí  được Đức Phật tuyên thuyết và ghi lại ở nhiều kinh, đó luôn là nội dung đầu tiên Phật thuyết cho đối tượng cư sỹ tại gia, bố thí là một trong Tứ nhiếp (Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự), và chia ra hai loại bố thí là: bố thí tài vật (còn gọi là tài thí) và bố thí pháp (còn gọi là pháp thí). Trong kinh điển Phật giáo Đại thừa, bố thí là một trong Lục niệm tâm (Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thiên, niệm Thí), cũng là một trong Lục ba la mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định, Trí tuệ), và bố thí bao gồm ba nội dung: bố thí tài vật, bố thí pháp (hai nội dung này giống Phật giáo Nguyên thủy) và bố thí vô úy (còn gọi là thí vô úy). Như vậy, dù là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Phát triển thì quan điểm về bố thí tài vật (hay cúng dàng, hoặc là tặng cho - trong bài này, chúng tôi dùng thống nhất khái nhiệm bố thí với ý nghĩa bao hàm cả hai nét nghĩa này) là giống nhau và nó được áp dụng với mọi người trong xã hội. Hai loại bố thí còn lại (pháp thí và vô úy thí) để thực hiện cần những điều kiện cao hơn, nó đòi hỏi người thực hiện phải là hàng thiện tri thức, người có hiểu biết cao, các bậc hướng đạo, những người tu tập hay những bậc mà Phật giáo gọi là thượng căn. Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ xin đề cập đến việc bố thí tài vật dưới góc nhìn của Phật giáo Nguyên thủy được ghi chép trong kinh tạng Pàli.

Chúng ta đều biết, không phải là sản phẩm riêng có của Phật giáo, bố thí là hành động thường thấy trong truyền thống Ấn Độ cổ cũng như trong nhiều quốc gia, trong các tôn giáo trước Phật giáo và trong nhiều tôn giáo khác. Thậm chí trong xã hội hiện đại, với những cộng đồng không phải tín đồ tôn giáo thì hành động bố thí cũng vẫn được thực hiện, nhưng nó được gọi với tên gọi khác mang tính xã hội, như thiện nguyện, từ thiện, tế bần, chia sẻ, chung tay, giúp đỡ người nghèo khó.... Trong Phật giáo, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy khái niệm bố thí được Phật Thích Ca nhắc nhiều và được ghi chép lại ở nhiều kinh điển khác nhau. Như trong kinh Tăng chi bộ, Phật dạy: “Này các Tỷ kheo, có hai loại bố thì này. Thế nào là hai? Bố thí tài vật và bố thí pháp”[1]. Trong đoạn kinh này, chúng ta chưa thấy xuất hiện của vô úy thí, cho dù trong thực tiễn, Phật Thích Ca và các đồ đệ của ngài đã thực hiện điều đó.

Nói về bố thí, tác giả Thích Chơn Thiện, trong cuốn Phật học khái luận, cho rằng: “Bố thí chỉ là phương thức xả bỏ tâm keo rít, tham ái của tự thân người bố thí, vừa nuôi dưỡng các từ tâm, tâm bao dung, vừa được tạo công đức có thể sinh về cõi trời sau khi mệnh chung. Mặt khác, bố thí đem lại nhiều lợi ích cho người nhận của bố thí, giúp họ thoát khỏi cảnh lầm than của túng quẫn, nghèo đói hay mê muội. Như thế, pháp bố thí là pháp hành đem lại an vui cho đời, cho xã hội, cần được xiển dương rộng rãi[2].

Như vậy, để hành động bố thí có thể được thực hiện thì cần ba điều kiện cơ bản: người bố thí, người nhận bố thí và vật bố thí. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu ba điều kiện này theo đúng tinh thần của giáo lý Phật giáo.

Người bố thí

Đức Phật đã chỉ ra có những loại người bố thí khác nhau với những động cơ và mục đích khác nhau, sẽ nhận được kết quả khác nhau sau khi thực hành hành động tương thích với mỗi động cơ và mục đích đó.

Khi Phật Thích Ca ở Campà, bên bờ hồ Gaggara, vào ngày lễ Trai giới (uposatha), Tôn giả Sàriputta (Xá Lợi Phất) dẫn nhiều cư sỹ ở Campà đến để nghe Thích Ca thuyết pháp, và được Thích Ca nói về các hạng người bố thí: “Có người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc (về kết quả), bố thí với tâm mong cầu được chất chứa, bố thí với ý nghĩ tôi sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”[3]. Với hạng người bố thí này, Thích Ca không cổ vũ, không khuyết khích, vì cho rằng còn có tâm mong cầu và có mục đích, còn ngã chấp, còn đặt cái tôi trong việc bố thí, vì thế mà không thu được quả lớn, không được phước báo lớn, không được lợi ích lớn, không phải là mục đích và tinh thần tối hậu của Phật giáo. Thích Ca nói tiếp về hạng người bố thí thứ hai: “Có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí với tâm không mong cầu chất chứa, bố thí không với ý nghĩ tôi sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau, bố thí không với ý nghĩ lành thay sự bố thí. Nhưng vị ấy bố thí để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm”[4]. Thích Ca khuyến khích những người bố thí có tâm như vậy. Người bố thí như thế đã phá được ngã chấp, không còn cái tôi, không vì cái tôi, hạng người bố thí như vậy, theo Thích Ca, sẽ được quả lớn, quả tối thắng, được lợi ích lớn. Đó chính là mục đích của bố thí trong Phật giáo.

Đức Phật đã chỉ ra, cơ bản có hai hạng người bố thí, đó là hạng có tâm mong cầu, có tư ý trong hành động bố thí - hạng người thứ nhất, hạng người này dù vẫn đạt được lợi ích (không lớn) nhưng không phải là hạng người Phật giáo mong muốn; và hạng không tâm, không ngã chấp, hoàn toàn không có tư ý trong việc bố thí - loại người thứ hai, chính là hạng người mà Phật giáo hướng đến vì những lợi ích lớn cho cả cá nhân và xã hội.

Khi nói về động cơ của việc bố thí, Đức Phật chỉ rõ có tám loại: “Vì có người đến nên bố thí;  vì sợ hãi nên bố thí; vì nghĩ rằng người ấy đã cho ta nên bố thí; vì nghĩ rằng người ấy sẽ cho ta nên bố thí; vì nghĩ rằng bố thí là tốt nên bố thí; vì nghĩ rằng ta nấu, những người này không nấu, thật ta không xứng đáng là người nấu lại không cho người không nấu nên bố thí; vì nghĩ rằng do ta cho bố thí này thì tiếng tốt được truyền đi nên bố thí; vì trang nghiêm tâm, trang bị tâm nên bố thí”[5]. Ở một chỗ khác, khi chỉ bày cho các vị tỷ kheo đệ tử của mình, Đức Phật cũng chỉ ra tám nguyên nhân thúc đẩy việc bố thí: “Vì lòng dục nên bố thí; vì sân hận nên bố thí; vì ngu si nên bố thí; vì sợ hãi nên bố thí; vì nghĩ rằng trước tổ tiên đã bố thí, trước đã làm, ta không xứng đáng là người để truyền thống này bị bỏ phế nên bố thí; vì nghĩ rằng sau khi cho bố thí này, thân hoại mạng chung sẽ được sinh lên thiên giới nên bố thí; vì nghĩ rằng khi ta bố thí này tâm được tịnh tín, do hân hoan, hỷ được sinh nên bố thí; để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm nên bố thí”[6]. Trong cả hai trường hợp này, bảy lý do, bảy nguyên nhân đầu của việc bố thí không được Thích Ca khuyến khích, vì nó có tư ý, có mục đích, có điều kiện, có ngã chấp và không gặt hái được nhiều lợi ích. Riêng nguyên nhân, hay động cơ thứ tám luôn là điều Thích Ca khuyến tấn, người thực hiện bố thí chỉ vì mục đích trang nghiêm tâm, trang bị cho tâm vô lượng của mình, không vì bất cứ một mong cầu hay động cơ cá nhân nào thì việc bố thí mới đạt được thành tựu viên mãn, mới mang lợi lạc vô lượng cho tha nhân và chính mình.

Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động từ thiện xã hội hiện nay, dù cũng có những người thực hiện không vì mục tiêu mong cầu cá nhân, nhưng vẫn có một số lớn người thực hiện vì đánh bóng tên tuổi, vì muốn làm đẹp cho hình ảnh cá nhân hay tổ chức, vì muốn cộng đồng, xã hội ghi nhớ đến mình, hoặc vì nhiều lý do với các ý đồ, điều kiện cụ thể khác, nên đã làm giảm ý nghĩa đích thực của hành động thiện nguyện cao cả.

Vì bố thí là một pháp hành của Phật giáo, và người bố thí là người chủ động thực hiện để mong đạt được lợi lạc qua hành động bố thí nên Thích Ca đặc biệt quan tâm đến việc khuyến tấn hành động bố thí và giáo huấn người bố thí đúng pháp.

Để hướng cho đệ tử và tín đồ Phật giáo xây dựng hình mẫu một người bố thí (hay còn gọi là tín thí, nay quen gọi là thí chủ) đúng với chánh pháp, được lợi ích vô lượng và quả báo thù thắng, khi tăng đoàn trú ở thành Sàvatthi (Xá Vệ), trong rừng Jetavana (Kỳ Đà lâm), khu vườn của ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc), Thích Ca đã chỉ ra ba điều bắt buộc phải có đối với người bố thí: “Này các tỷ kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí cảm thấy hoan hỷ[7]. Điều này có nghĩa là, đối với người bố thí, trước khi thực hiện tâm phải hoàn toàn vui vẻ, không tham đắm, không sân hận, không mê muội, không ngã chấp; trong khi thực hiện bố khí tâm phải thanh tịnh hoàn toàn, không dấy khởi bất kỳ mong cầu, mục đích hay điều kiện nào; sau khi thực hiện bố thí phải thấy tâm hoan hỷ trong chánh pháp và hoàn toàn hỷ xả, không níu kéo hay trông đợi điều gì dù tốt đẹp được nhận lại sau khi hành động bố thí đã được thực hiện. Chỉ có như vậy, hành động bố thí đó mới là nguồn sinh phúc báu, và thiện quả, mới đưa đến hạnh phúc và an lạc. Phật giáo xem đó là công đức lớn, là vô lượng thành quả.

Người nhận bố thí

Như trên đã nói, cơ bản có hai đối tượng người nhận bố thí, thứ nhất là các bậc đức hạnh, các bậc tu hành đáng được cúng dàng; thứ hai là những người nghèo khổ, khốn khó, túng quẫn, sa cơ cần được trợ cấp các vật dụng và nhu phẩm thiết yếu để giữ gìn sinh mệnh và bình ổn cuộc sống. Với đối tượng thứ hai, Phật giáo không chú trọng các tiêu chí quá khắt khe ngoài hai nội dung, với người bố thí, phải nhớ ân đức và tìm cơ hội báo đáp; với vật bố thí phải thụ dụng đúng pháp, tiết kiệm, không hoang phí, có lợi ích và đặc biệt dù túng quẫn, đói khổ đến đâu cũng không được tự tiện lấy vật không cho. Điều này, Thích Ca đã nhắc đi nhắc lại đến 14 lần trong kinh Chuyển luân thành vương sư tử hống, thuộc Trường bộ kinh Nykaya: “Người này lấy vật không cho của người khác, tức là ăn trộm”[8]. Bất kỳ lý do nào, lấy vật không cho, lấy đồ chưa được phép của người khác là không thể chấp nhận được. Đó là ăn trộm, là phạm vào một trong năm giới của Phật tử tại gia, cũng là giới trọng của người xuất gia, sẽ tạo nên ác nghiệp, sẽ phải nhận hậu quả xấu vị lai. Vì vậy, người nhận bố thí chỉ được nhận đồ bố thí khi người bố thí đã đồng ý hay tự nguyện dâng tặng.

Đối với người xuất gia theo Phật giáo, những người không tạo ra của cải vật chất mà chỉ thụ dụng từ sự cúng dàng của tín đồ, ngoài những yêu cầu đặt ra đối với người Phật tử, người xuất gia là hàng tăng sỹ phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn với tư cách là người nhận cúng dàng. Trong kinh chép lại rằng, khi nữ gia chủ người Velukandaki, mẹ của Nanda chuẩn bị vật thí để cúng dàng Phật và chư tăng đang trú trong Kỳ Viên tịnh xá, Đức Phật đã giáo huấn các đệ tử rằng: “Ở đây, này các tỷ kheo, những người nhận bố thí, đã được ly tham, hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si, hay đang thực hành hạnh ly si. Đây là ba điều (bắt buộc) đối với người nhận bố thí[9]. Nói ra điều này, Thích Ca có ba ý muốn đồ chúng đệ tử ghi nhớ. Thứ nhất, người nhận bố thí là hàng tăng sỹ phải thực sự xứng đáng nhận được sự cúng dàng. Người tu sỹ phải tinh tấn hành trì giới luật, có đời sống thanh tịnh, an lạc, có đời sống tinh thần và mục đích cao thượng, đã phá diệt hay đang trừ bỏ tham lam, sân hận và si mê, xứng đáng là chỗ dựa, là bậc hướng đạo cho cư sỹ Phật tử. Thứ hai, người nhận bố thí phải luôn ghi nhớ bằng những hành động cụ thể của thân, khẩu, ý để đem lại lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho thí chủ - người cúng dàng. Thứ ba, người nhận bố thí không được có tâm phân biệt thí chủ là ai, giàu hay nghèo, vị trí xã hội cao hay thấp; không được có tâm phân biệt đồ vật bố thí là quý giá hay tầm thường, là nhiều hay ít. Người nhận bố thí phải có tâm bình đẳng, không tham chấp, phải hoan hỷ thụ dung để thành tựu công đức cúng dàng của thí chủ.

Vật bố thí

Đối với tài sản nói chung và tài thí nói riêng, Phật giáo quy định rất cụ thể về việc hình thành tài vật và sử dụng tài vật, nhất là vật bố thí để tạo nên công đức của người bố thí và người nhận bố thí. Trong kinh Tăng Chi bộ, tập 4, Phật dạy: “tầm cầu tài sản đúng pháp, tầm cầu tài sản không dùng sức mạnh, chia sẻ tài sản và làm các công đức (bố thí), hưởng thọ tài sản không tham đắm không có mê loạn”[10]. Như vậy, theo Phật giáo, tài sản phải được tạo lập một cách chính đáng, bằng nghề nghiệp chính đáng, không dùng sức mạnh đế cướp đoạt, không dùng xảo trí để lừa lọc, không dùng quyền chức để tham ô, không dùng các điều kiện không trong sạch để đánh đổi, hay dùng các tà mạng để có được. Thêm nữa, tài sản đó phải được thừa kế, được tặng cho, được trao quyền sử dụng một cách hợp pháp, chính đáng và phải được pháp luật bảo hộ. Khi đó, tài sản mang dâng cúng mới trở thành thanh tịnh tài thí.

Khi mang ra bố thí, tài vật đó được đặt trong mối quan hệ với người bố thí và người nhận bố thí. Trong quan hệ ấy, tùy vào điều hiện của bên cho và bên nhận mà tài thí liên đới và mang ý nghĩa thanh tịnh hay không thanh tịnh. Đức Phật dạy rằng: “Có bốn loại thanh tịnh thí vật. Thế nào là bốn? Có bố thí, thanh tịnh từ người cho, không thanh tịnh từ người nhận. Có bố thí, thanh tịnh từ người nhận, không thanh tịnh từ người cho. Có bố thí, không thanh tịnh từ người cho, cũng không thanh tịnh từ người nhận. Có bố thí, thanh tịnh từ người cho, cũng thanh tịnh từ người nhận”[11]. Như vậy, tùy vào người cho và người nhận có giới, có thiện pháp hay không có giới, không có thiện pháp mà hành động bố thí, vật bố thí trở thành thanh tịnh hay bất tịnh. Phật nhấn mạnh loại thứ tư:“Người bố thí có giới, theo thiện pháp, và người nhận cũng có giới, theo thiện pháp. Như vậy là thanh tịnh vật thí, người cho thanh tịnh và người nhận cũng thanh tịnh”[12]. Đây chính là hình thức bố thí mà Phật giáo chủ trương. Trong hình thức bố thí này, cả người cho, người nhận và vật thí đều thanh tịnh. Chỉ có như thế công đức, lợi ích và phúc báo của hành động bố thí mới được thành tựu viên mãn và mới thể hiện chân giá trị.

Nói tóm lại, theo tinh thần Phật giáo, để thành tựu pháp hành bố thí thì cả ba đối tượng đều phải thỏa mãn các tiêu chí cụ thể: người bố thí phải thanh tịnh,vô cầu; người nhận bố thí phải thanh tịnh, có thiện pháp; và vật bố thí phải thanh tịnh, được tạo lập chính đáng. Khi đó, bố thí mới đúng chánh pháp và có lợi lạc.

Trong thực tế, hầu hết tài vật được mang ra làm từ thiện, cứu giúp người nghèo, người gặp khó khăn... đều được tự nguyện đóng góp từ các mạnh thường quân có lòng hảo tâm, có thiện nguyện và với tài sản chính đáng của họ. Tuy nhiên, cũng có không ít các doanh nghiệp làm ăn phi pháp, các cá nhân chiếm dụng tài sản phi pháp rồi mang tài sản đó làm từ thiện với mưu đồ “rửa tiền”, đánh bóng tên tuổi. Hay có nhiều hoạt động dán mác thiện nguyện nhưng lại có điều kiện rõ ràng gây phản cảm trong dư luận và tạo sức ép với người nhận. Đó đều là các hành động thiện nguyện không chân chính và trái với tinh thần Phật giáo.

Có thể nói, từ thiện nhân đạo, chung tay chia sẻ khó khăn với người cần giúp đỡ hay đóng góp cho xã hội, cho đất nước những khi cần thiết là những hành động đẹp, có ý nghĩa nhân văn cao cả, được xã hội trân trọng và đánh giá cao. Những hành động đó đã góp phần chia sẻ khó khăn, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là truyền thống “lá lành đùm lá rách” là đạo lý “một miếng khi đói bằng một gói khi no” để chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ cùng nhau phát triển của dân tộc ta. Truyền thống đó khi kết hợp với tinh thần từ bi cứu khổ của Phật giáo đã hun đúc hình thành giá trị văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, cũng có không ít người vì sự thiếu hiểu biết, vì cái tôi cá nhân quá lớn, hay vì một mục đích, điều kiện không trong sáng nào đó đã làm cho hành động thiện nguyện này đang bị mất dần ý nghĩa cao đẹp vốn có của nó. Chúng tôi thiết nghĩ, nếu như những người đã, đang và sẽ thực hiện các hoạt động bố thí, cúng dàng, từ thiện nhân đạo bằng tài vật, hiểu rõ và thực hành đúng tinh thần của giáo lý Phật giáo sẽ tạo nên các hoạt động vô cùng ý nghĩa và mang lại lợi ích xã hội lớn lao hơn, đúng như tinh thần câu ca dao “dẫu xây chín bậc phù đồ[13], chẳng bằng làm phúc cứu cho một người”./.

Lê Trung Kiên

 

Tài liệu tham khảo

  1. Đại tạng kinh Việt Nam (1991), Kinh Trường bộ, tập 2, Viện NCPH Việt Nam ấn hành;
  2. Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Viện NCPH Việt Nam ấn hành;
  3. Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 3, Viện NCPH Việt Nam ấn hành;
  4. Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 4, Viện NCPH Việt Nam ấn hành;
  5. Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb Phương Đông, Tp.HCM.
 

[1] Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Viện NCPH Việt Nam ấn hành, trang 168

[2] Thích Chơn Thiện (2009), Phật học khái luận, Nxb Phương Đông, Tp.HCM, trang 516

[3] Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 3, Viện NCPH Việt Nam ấn hành, trang 357

[4] Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 3, Viện NCPH Việt Nam ấn hành, trang 360

[5] Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 3, Viện NCPH Việt Nam ấn hành, trang 607

[6] Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 3, Viện NCPH Việt Nam ấn hành, trang 608

[7] Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 3, Viện NCPH Việt Nam ấn hành, trang 91-92

[8] Đại tạng kinh Việt Nam (1991), Kinh Trường bộ, tập 2, Viện NCPH Việt Nam ấn hành, trang 365-371

[9] Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 3, Viện NCPH Việt Nam ấn hành, trang 92

[10] Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 4, Viện NCPH Việt Nam ấn hành, trang 485

[11] Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Viện NCPH Việt Nam ấn hành, trang 706-707

[12] Đại tạng kinh Việt Nam (1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Viện NCPH Việt Nam ấn hành, trang 708

[13] Phù đồ: nguyên gốc chữ Sankrit là stupa, Hán phiên âm là phù-đồ, dịch nghĩa là tháp.