Du lịch Thiền – tiềm năng và giải pháp phát triển ở Khánh Hòa
Ngày đăng: 06/08/2020Tóm tắt: Du lịch Thiền là hình thức tổ chức cho khách du lịch tham gia vào các hoạt động văn hóa mang tính Thiền nhằm giúp con người thư giãn hay nhận diện ra một lối sống mới thông qua nhiều hình thức: luyện yoga, vãn cảnh chùa, trà đạo, cắm hoa, vẽ tranh Thiền, họa thơ Thiền, ẩm thực chay, tập sống theo cuộc sống của nhà tu hành. Hiện nay, du lịch Thiền phát triển mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, nhưng tại Khánh Hòa – nơi được ví như một Thiên đường du lịch, thì loại hình du lịch này phát triển dè dặt, chưa tương ứng với nguồn tài nguyên du lịch Thiền vốn có của tỉnh. Trên cơ sở khẳng định: Khánh Hòa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng thích hợp cho loại hình du lịch Thiền, tác giả gợi ý một số giải pháp thu hút khách, góp phần phát triển mạnh loại hình du lịch Thiền ở Khánh Hòa. Từ khóa:Thiền, du lịch Thiền, các loại hình nghệ thuật Thiền, các điểm du lịch Thiền ở Khánh Hòa.
DẪN LUẬN
Là nơi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Khánh Hòa có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các loại hình du lịch, như du lịch tự nhiên, du lịch biển đảo, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nghiên cứu, học tập, du lịch giảm cân…. Nhưng, loại hình du lịch Thiền vẫn chưa được phát triển mạnh như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Quảng Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, dù Khánh Hòa là nơi có nhiều cơ sở chùa, tịnh xá, thiền viện và nhiều khu, điểm du lịch tự nhiên gắn liền với cảnh quan núi rừng, thiên nhiên thơ mộng… là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch Thiền. Để du lịch Thiền phát triển, đòi hỏi sự hợp tác nghiên cứu nghiêm túc của nhiều ngành, cấp và những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và văn hóa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
NỘI DUNG
1.Tài nguyên du lịch Thiền ở Khánh Hòa
1.1. Khánh Hòa có nguồn tài nguyên du lịch Thiền phong phú, đa dạng
1.1.1. Một số chùa, tịnh xá, thiền viện và điểm du lịch tiêu biểu ở Khánh Hòa có mô hình du lịch Thiền
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Di tích và Danh lam thắng cảnh ở Khánh Hòa, đến ngày 31/12/ 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.104 di tích và địa chỉ có dấu hiệu di tích, được phân bố đều khắp: thành phố Nha Trang: 227; thị xã Ninh Hòa: 281; huyện Vạn Ninh: 149; huyện Khánh Vĩnh: 20; huyện Diên Khánh: 296; thành phố Cam Ranh: 75; huyện Cam Lâm: 49; huyện Khánh Sơn: 07. Trong số các di tích và địa chỉ có dấu hiệu di tích nêu trên đã có 16 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 173 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 56 di tích đã tiến hành kiểm kê nhưng chưa xếp hạng[8].
Loại di tích |
Xếp hạng |
|
Cấp quốc gia |
Cấp tỉnh |
|
Khảo cổ |
1 |
0 |
Lịch sử |
9 |
46 |
Kiến trúc nghệ thuật |
3 |
125 |
Danh lam thắng cảnh |
3 |
2 |
Bảng 1. Thống kê các loại hình di tích ở Khánh Hòa
[Nguồn: Tác giả]
Về nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch Thiền, theo thống kê của Ban Thông tin Truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 280 chùa, tịnh xá, thiền viện, được phân bố đều khắp ở các địa phương trong tỉnh[7]:
Địa phương |
Số lượng |
Thành phố Nha Trang |
95 |
Thị xã Ninh Hòa |
81 |
Huyện Diên Khánh |
45 |
Thành phố Cam Ranh |
29 |
Huyện Cam Lâm |
22 |
Huyện đảo Trường Sa |
6 |
Huyện Khánh Sơn |
1 |
Huyện Khánh Vĩnh |
1 |
Tổng cộng: |
280 |
Bảng 2. Tình hình phân bố chùa, tịnh xá, thiền viện ở Khánh Hòa
[Nguồn: Tác giả]
Phần lớn các chùa, tịnh xá, thiền viện phân bố không đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh, chủ yếu tập trung ở đất liền, trong đó mật độ dày đặt nhất là ở thành phố Nha Trang (95 cơ sở) và thị xã Ninh Hòa (81 cơ sở); các huyện hải đảo và miền núi rất ít chùa, ít nhất là hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Tuy huyện đảo Trường Sa có 6 cơ sở, nhưng vì lý do an ninh chính trị, quốc phòng nên những nguồn tài nguyên du lịch ở đây chưa được khai thác du lịch.
Các chùa, tịnh xá, thiền viện có khả năng phát triển du lịch Thiền tập trung ở thành phố Nha Trang (chùa Long Sơn, chùa Hải Đức, chùa Kỳ Viên, chùa Từ Tôn, Tòng Lâm Lô Sơn Tịnh độ, Trúc Lâm Tịnh viện, Phật học Ni viện Diệu Quang, Tịnh xá Ngọc Hải, Tịnh xá Ngọc Sơn, Tịnh thất Linh Sơn…), thị xã Ninh Hòa (chùa Đức Hòa, chùa Viên Ngộ, chùa Trường Thọ, chùa Tiên Du, chùa Hội Phước, chùa Phật Ấn, chùa Linh Ứng, Tịnh xá Ngọc Hiệp…), thành phố Cam Ranh (chùa Đại Giác, Tịnh xá Ngọc Hải, chùa Từ Vân…), huyện Diên Khánh (chùa Ân Phước, chùa Diên Thọ, chùa Linh Sơn, Pháp viện Thánh Sơn…), huyện Vạn Ninh (chùa Thiên Ân, chùa Pháp Ân, chùa Long Sơn, chùa Giác Hải…), huyện Cam Lâm (chùa Bảo Quang, chùa Bửu Lâm, chùa Linh Sơn Pháp Ấn, Tịnh thất Thanh Nghiêm…), chùa Phật giáo huyện Khánh Sơn và chùa Phật giáo huyện Khánh Vĩnh.Có thể nói, hệ thống các chùa, tịnh xá, thiền viện ở Khánh Hòa rất đặc sắc và có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển du lịch Thiền. Đặc biệt, các cơ sở đó đều là những nơi có quy mô lớn, cảnh quan hấp dẫn, không gian thoáng đạt, tạo nên sự hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Khánh Hòa, góp phần đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm và các loại hình du lịch đặc thù, trong đó có du lịch Thiền.
Địa điểm |
Vị trí |
Mô tả |
Chùa Thiên Ân |
Xã Đầm Môn, Vạn Ninh |
Ẩn mình trên ngọn đồi nhô ra vịnh biển Đầm Môn. |
Chùa Giác Hải |
Xã Vạn Hưng, Vạn Ninh |
Nằm trên núi Phổ Đà – ngọn núi hình voi nằm sát biển. |
Chùa Thiên Bửu |
Xã Ninh Bình, Ninh Hòa |
Là nơi lưu dấu nhiều nhân vật, sự kiện liên quan đến sự hình thành và phát triển đạo Phật vùng đất Khánh Hòa nói riêng, vùng đất phía Nam nói chung. |
Chùa Linh Phong |
Xã Ninh Phú, Ninh Hòa |
Nằm bên dòng suối Tiên Du, gần Căn cứ cách mạng Hòn Hèo, Trung tâm Du lịch suối Hoa Lan và đầm Nha Phu. |
Chùa Long Sơn |
Phường Phương Sơn, Nha Trang |
Nằm dưới chân đồi Trại Thủy. Giữ 2 Kỷ lục Việt Nam: Tượng Phật Thích Ca (lộ thiên) và cặp nến. |
Thiền viện Trúc Lâm |
Phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang |
Toàn bộ công trình làm bằng gỗ lim chạm trổ hoa văn tứ linh. Tượng đài Quan Âm Nam Hải nặng 10 tấn. |
Pháp viện Thánh Sơn |
Xã Diên Lâm, Diên Khánh |
Là công trình kiến trúc độc đáo, với hàng trăm bức tượng Phật chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo Trung Đông. |
Chùa Suối Đổ |
Xã Suối Hiệp, Diên Khánh |
Nằm kề bên dòng suối trong xanh, thác nước đổ trắng xóa và màu xanh bạt ngàn của rừng cây. |
Chùa Từ Vân |
Phường Cam Linh, Cam Ranh |
Nổi bật với Tháp Bảo Tích, 18 tầng địa ngục và Bát Nhã hoa viên. |
Bảng 3. Một số cơ sở Phật giáo tiêu biểu ở Khánh Hòa
[Nguồn: Tác giả]
Ngoài các cơ cở Phật giáo, ở Khánh Hòa còn có nhiều điểm du lịch mang tính tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên, thuận lợi phát triển loại hình du lịch Thiền, như:
Địa điểm |
Vị trí |
Mô tả |
Sông Cái Nha Trang và Làng cổ Phú Vinh |
Thành phố Nha Trang |
Nép mình bên con sông Cái là những xóm làng yên ả, thanh bình với những nếp nhà xưa ngói phủ rêu xanh, im vắng, xen lẫn giữa những cánh đồng lúa xanh bát ngát và mấy rặng tre già. |
Hòn Bà |
Nằm trên ranh giới giữa xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh và xã Suối Cát, huyện Cam Lâm |
Được mệnh danh là “Đà Lạt thứ 2” – khí hậu mát mẻ và hệ thống thực vật đa dạng và phong phú. |
Suối Hoa Lan |
Xã Ninh Phú, Ninh Hòa |
Một không gian nhẹ nhàng, thư thái với tiếng chim líu lo, tiếng suối chảy róc rách, xen lẫn giữa những tán cây xanh cùng hương sắc của hàng trăm loại hoa lan. Bốn mùa trên đảo Hoa Lan là bốn mùa hoa khác nhau, với những cánh đồng hoa cải, hoa hướng dương, hoa lan thi nhau đua nở theo mỗi mùa. |
Suối Ba Hồ |
Xã Ninh Ích, Ninh Hòa |
Được ví là “Tuyệt tình cốc” phiên bản Nha Trang, với ba hồ nước xanh trong, mát lạnh giữa núi rừng hoang dã. Mỗi hồ nối với nhau bằng những triền suối cheo leo, nước chảy tràn xuống như thác, khiến cảnh vật thêm lung linh, huyền ảo. |
Thác Yang Bay |
Xã Khánh Phú, Khánh Vĩnh |
Ấn tượng với đồi hoa mặt trời lung linh, vàng rực huyền ảo giữa núi rừng bạt ngàn cỏ, cây và thác nước. |
Thác Yang Ly |
Xã Yang Ly, Khánh Vĩnh |
Các dòng suối khi băng qua vô số triền đá, khe núi và những khu rừng già, lúc lại dịu dàng trôi trên những viên cuội tròn trĩnh, tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ ảo, xen lẫn những chiếc lều mái lợp lá cọ - kiểu nhà sàn của đồng bào Raglai. |
Thác Tà Gụ |
Xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn |
Nhìn từ xa, thác giống như chiếc ngà voi trắng xóa nổi bật trên màu nâu của đá, màu xanh của núi rừng. |
Mũi Đôi – Hòn Đầu |
Xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh |
Danh lam Thắng cảnh Quốc gia. Là điểm cực Đông và là nơi đón ngày mới sớm nhất trên đất liền của Việt Nam. |
Bảng 4. Một số điểm du lịch mang tính tự nhiên tiêu biểu ở Khánh Hỏa
[Nguồn: Tác giả]
1.1.2.Một số loại hình nghệ thuật Thiền trong các chùa, tịnh xá, thiền viện và điểm du lịch có mô hình du lịch Thiền
Các loại hình nghệ thuật Thiền như trà Thiền, tranh Thiền, thư pháp, ẩm thực chay… đều đang tồn tại trong các chùa, tịnh xá, thiền viện ở Khánh Hòa. Đa số các tác phẩm được trưng bày trong chùa và các nhà trưng bày của chùa, trong cửa hàng lưu niệm… nhưng vẫn còn hạn chế.Tác giả là các bậc thầy chân tu và Phật tử của chùa.
Nhìn chung, các loại hình nghệ thuật Thiền ở Khánh Hòa mới chỉ hoạt động trong nội bộ chùa, tịnh xá và thiền viện, phục vụ cho đời sống và quá trình tu học của các Sa di mà chưa được phát triển rộng rãi, chưa đủ sức để trở thành một sản phẩm du lịch Thiền riêng biệt.
Khách hành hương, vãn cảnh có thể thưởng thức trà và ẩm thực chay tại chùa, nhà hàng, các tiệm ăn trong khuôn viên của chùa, tịnh xá, thiền viện hay trong nội thành Nha Trang, như Sen Thiền quán, Hoa Đăng, Trường Lưu Thủy, Thiên Ý, May, Hoàng Tú… với mục đích khỏa lấp cơn đói, khát và cái mệt nhọc trong quá trình tham quan, mà không hiểu dùng thiện, uống trà theo phong cách Thiền, do đó trà Thiền, ẩm thực chay chưa trở thành sản phẩm đặc trưng trong du lịch Thiền ở Khánh Hòa.
Ngoài hệ thống nhà hàng, tiệm ăn chay nổi tiếng xứ Trầm, ở Khánh Hòa còn có nhiều câu lạc bộ Thiền, như Câu lạc bộ Thiền định Hương Sen Nha Trang , Câu lạc bộ Dưỡng sinh Thiền định Khánh Hòa, Câu lạc bộ Dưỡng sinh Trường Sinh học Khánh Hòa… tập luyện theo phương pháp ngồi thiền, đẩy lùi bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tâm được bình an, trí tuệ sáng suốt và cuộc sống ngày càng hữu ích hơn, giảm thiểu đi gánh nặng cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Đây chính là những tài nguyên thuận lợi để phát triển du lịch Thiền xứ Trầm.
1.2. Đánh giá chung về tiềm năng du lịch Thiền ở Khánh Hòa
1.2.1. Những mặt mạnh
Khánh Hòa có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa rất đa dạng và độc đáo, nhiều di tích có giá trị đặc biệt đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó đa số cơ sở chùa, tịnh xá, thiền viện được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, như chùa Long Sơn, chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa, chùa Từ Vân, Pháp viên Thánh Sơn, chùa Linh Phong, chùa Giác Hải… Đây là tiềm năng lớn, tạo điều kiện phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có du lịch Thiền. Các cơ sở ấy có thể khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau từ giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đến giá trị khảo cổ, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh nhà. Nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình, tiêu chuẩn trong chất lượng, các di tích lịch sử, văn hóa là cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch ở Khánh Hòa trong hiện tại và tương lai, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Các chùa, tịnh xá, thiền viện và các điểm du lịch có mô hình du lịch Thiền ở Khánh Hòa phân bố ở các khu vực khác nhau dọc theo chiều dài của tỉnh, từ Vạn Ninh đến Cam Ranh. Đa số các điểm ấy đều tập trung ở đất liền, có khuôn viên rộng, được bao quanh bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, thơ mộng, không khí trong lành, thoáng đãng, rất thích hợp để du khách thư giãn, tập thiền và luyện yoga.
Hệ thống cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật ngày càng hoàn thiện, góp phần phục vụ hiệu quả cho sự phát triển du lịch. Phần lớn hệ thống giao thông đến các chùa, tịnh xá, thiền viện và các điểm du lịch có mô hình du lịch Thiền rất thuận lợi. Các câu lạc bộ Thiền định, cơ sở lưu trú, các dịch vụ về nhà hàng, tiệm ăn chay, trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí… có chất lượng tốt, một số đang được đầu tư xây dựng, nâng cấp.
Các loại hình du lịch ở Khánh Hòa có điều kiện phát huy tốt nhờ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa thông qua Quy hoạch phát triển du lịch, Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa đã được phê duyệt.
1.2.2. Những hạn chế
Số lượng khách du lịch đến các chùa, tịnh xá, thiền viện và các điểm du lịch có mô hình du lịch Thiền chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị của nguồn tài nguyên du lịch Thiền vốn có của Khánh Hòa. Nguồn khách tham quan không thường xuyên. Một số điểm hội đủ yếu tố để phát triển du lịch Thiền, nhưng chưa được khai thác và phát huy giá trị như: chùa Suối Đổ (xã Suối Hiệp, Diên Khánh), chùa Nghĩa Lương, Tổ đình Nam Trung, Tịnh xá Ngọc Hải, Tịnh xá Ngọc Sơn (xã Vĩnh Lương, Nha Trang), suối Lách (xã Giang Ly, Khánh Vĩnh), suối Đá Giăng (xã Suối Cát, Cam Lâm), suối Trường Bơi (xã Ninh Lộc, Ninh Hòa), hồ Hoa Sơn (xã Vạn Long, Vạn Ninh), chùa Phật giáo huyện Khánh Sơn và chùa Phật giáo huyện Khánh Vĩnh…
Hoạt động du lịch chỉ phát triển về bề rộng, chưa đi vào chiều sâu. Thiếu các dự án du lịch cao cấp, đặc biệt là những dự án du lịch Thiền, để thu hút khách quốc tế có mức chi tiêu cao. Không gian cho du lịch Thiền tại các chùa, tịnh xá, thiền viện và các điểm du lịch có mô hình du lịch Thiền chưa được quy hoạch cụ thể. Các loại hình nghệ thuật Thiền chưa được chú trọng đầu tư khai thác và phát huy các giá trị vốn có của nó.
Hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh các điểm du lịch Thiền đến với công chúng chưa sâu rộng, chưa xây dựng được các chương trình du lịch Thiền đặc trưng. Các tuyến, điểm du lịch Thiền phát triển tự phát, chưa có sự liên kết giữa các điểm du lịch Thiền trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.Nguồn nhân lực ở các điểm du lịch Thiền chưa đảm bảo yêu cầu về số lượng và tính chuyên nghiệp trong quá trình quản lý và khai thác du lịch.
Hệ thống hạ tầng cơ sở, kỹ thuật ở một số chùa, tịnh xá, thiền viện còn thiếu thốn, kém phát triển, chưa có sự đầu tư, tôn tạo. Một số cơ sở, địa điểm được tôn tạo, trùng tu nhưng thời gian kéo dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động thu hút khách. Các dịch vụ nhà hàng, tiệm ăn, menu ẩm thực chay, cửa hàng quà lưu niệm… chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Chưa tạo được sự liên kết giữa các điểm du lịch Thiền với các dịch vụ khác, gây cản trở lớn đến khả năng thu hút và giữ chân du khách.
Tình trạng bán hàng hóa, nạn chèo kéo, ăn xin ở các chùanhư chùa Long Sơn, chùa Từ Vân, Pháp viện Thánh Sơn, Tịnh xá Ngọc Tòng, chùa Linh Phong, Tịnh độ Ni giới, Tịnh xá Ngọc Sơn, chùa Linh Ứng… vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt là vào những ngày mùng Một, ngày Rằm và những ngày lễ lớn củaPhật giáo.
2. Gợi ý một số giải pháp phát triển du lịch Thiền ở Khánh Hòa
Ở Việt Nam, các tour du lịch Thiền thường kết hợp hoạt động tham quan chùa, tịnh xá, thiền viện với các lớp học yoga, liệu pháp spa. Mỗi chuyến đi, du khách được trải nghiệm bằng cách tham gia vào đời sống hàng ngày của các nhà tu hành, thưởng thức các sản phẩm của nghệ thuật Thiền và những hoạt động giải trí, mang lại sự tĩnh tâm cần thiết, giúp du khách tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Du lịch Thiền hiện rất phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều công ty du lịch ở đây có những tour du lịch đưa khách đến những địa điểm đẹp, yên tĩnh, phối hợp mời các chuyên gia, bác sĩ uy tín tư vấn về các loại bệnh của người già như tiểu đường, cao huyết áp, sinh lý tuổi già, trao đổi những vấn đề về cuộc sống và hướng dẫn cho du khách phương pháp hít thở an tịnh. Tại Nha Trang, các công ty du lịch đã thiết kế và đưa vào hoạt động tourdu lịch Thiền – Yoga, thu hút nhiều lượt khách tham gia. Du khách sẽ được trải nghiệm ở các địa điểm Hòn Bà, suối Đổ, Khu du lịch suối Hoa Lan, Ba Hồ, vịnh Vân Phong, bãi biển Xuân Đừng, Đầm Môn… là những nơi thiên nhiên còn hoang sơ, yên tĩnh, không khí trong lành thích hợp cho du khách tập yoga, ngồi thiền, tận hưởng các liệu pháp spa giải tỏa căng thẳng
Mỗi tour chỉ kéo dài từ 1 - 3 ngày, nhưng nó thực sự là khoảng thời gian rất quý cho những ai từng tham gia. Trong không gian yên tĩnh, du khách nghe hướng dẫn về kỹ thuật hít thở, luyện tập yoga và thực hành thiền. Khách sẽ ngồi thiền trên các bãi cỏ xanh, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách và lắng nghe hơi thở của mình hòa quyện cùng nhịp sống thiên nhiên. Ngoài ra, du khách còn được viếng thăm các di tích, danh lam thắng cảnh của Khánh Hòa; tìm hiểu những lợi ích của việc tập luyện thiền… Anh Trần Thiên Phước – một doanh nhân đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia tour Thiền – Yoga ở Nha Trang,bày tỏ: “Công việc tại công ty rất căng thẳng, mệt mỏi nên tôi bị stress và mắc chứng mất ngủ vì phải lo lắng quá nhiều chuyện. Chính vì vậy, việc ngồi yên lặng và quan sát hơi thở của mình làm tôi cảm thấy dễ chịu, thư thái hơn, đồng thời có nhiều điều kiện nhận diện lối sống mới hữu ích hơn”[9].
Tuy mới đưa vào khai thác trong những năm gần đây, nhưng tour du lịch Thiền - Yoga đã gây ấn tượng tốt trong lòng du khách. Tuy nhiên, hoạt động du lịch Thiền chưa phát triển tương xứng với nguồn tài nguyên vốn có của tỉnh. Để loại hình du lịch Thiền ở Khánh Hòa phát triển mạnh,chúng ta cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
2.1. Nhóm giải pháp dành cho chính quyền tỉnh
2.1.1. Bảo vệ và phát huy giá trị tài nguyên du lịch Thiền sẵn có
Giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người dân trong khu vực có các công trình phục vụ du lịch Thiền nhận thức đúng giá trị, ý nghĩa quan trọng về việc giữ gìn giá trị của các công trình đó, từ đó nâng cao tinh thần tự giác bảo vệ giá trị của các điểm du lịch Thiền và những cảnh quan có liên quan.
Có những chính sách pháp luật phù hợp để bảo vệ các điểm du lịch Thiền. Kiên quyết tiến hành giải tỏa lấn chiếm tại các chùa, tịnh xá, thiền viện và các điểm du lịch có mô hình du lịch Thiền nhằm tôn tạo, trả lại mỹ quan vốn có của nó. Xây dựng, nâng cấp các phòng truyền thống, phòng tiếp khách, phòng trưng bày sản phẩm nghệ thuật Thiền.
Nghiêm cấm các hành vi phá hoại đến cảnh quan, môi trường xung quanh chùa, tịnh xá, thiền viện và các điểm du lịch Thiền. Nghiêm cấm hành vi xả rác bừa bãi làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, phá hủy môi trường và không gian Thiền.
Có biện pháp tăng cường, phát huy các loại hình nghệ thuật Thiền một cách hợp lý, làm cho nó trở nên quen thuộc với mọi người, phát huy được các giá trị vốn có của nó như mở rộng không gian cho việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của các Thiền sư, nhà tu hành, thành lập câu lạc bộ về các loại hình nghệ thuật Thiền để mọi người đến thưởng lãm…
2.1.2. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động du lịch, hợp tác phát triển du lịch
Tăng cường công tác quản lý tại các di tích cũng như các điểm du lịch Thiền để bảo vệ và kiểm tra thường xuyên tình hình hoạt động du lịch ở đây.Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt trong khâu dịch vụ phục vụ khách đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của khách.
Liên kết với các cơ quan chức năng khác trong việc phát triển du lịch sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tài nguyên du lịch Thiền của tỉnh, các địa phương có tài nguyên du lịch Thiền với các công ty lữ hành trong việc xây dựng và phát triển các tour du lịch Thiền.
Tổ chức hội thảo chuyên đề về Thiền học, tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch Thiền, các sản phẩm du lịch Thiền, kết hợp khảo sát, trao đổi, tọa đàm với các doanh nghiệp và khách hàng trong việc khai thác các tour du lịch Thiền để khai thác tiềm năng vốn có của tỉnh.
Có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm hiện tượng bán hàng không đúng quy định, nạn chèo kéo, bắt chẹt khách, nạn ăn xin… tại các điểm du lịch Thiền, gây ấn tượng không tốt trong lòng du khách.
2.1.3. Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thiền
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về vùng đất và con người xứ Trầm trên các ấn phẩm của cơ quan báo chí, truyền thông. Đổi mới các trang web về du lịch với nhiều nội dung mới mẻ, hấp dẫn. Mở thêm các chuyên trang, chuyên mục định kỳ để tuyên truyền, quảng bá toàn diện và có chiều sâu.
Phối hợp với Đài Phát thanh, Đài Truyền hình làm các phóng sự ảnh về tài nguyên cũng như hoạt động du lịch Thiền ở Khánh Hòa. Tăng cường hoạt động quảng bá du lịch Thiền trên internet, các website, youtube, facebook, blog…
Phát hành sách, tập gấp, CD, VCD bằng nhiều thứ tiếng với nội dung về các chương trình du lịch Thiền ở Khánh Hòa, các điểm di tích, thắng cảnh và các sản phẩm nghệ thuật Thiền… để tiếp cận du khách ở nhiều nước. Ngoài ra, chúng ta cần lắp đặt các pano quảng cáo về du lịch Thiền dọc các con đường chính, tại các điểm tài nguyên du lịch Thiền, các ngã ba, ngã tư, vòng xoay và những nơi tập trung đông người.
2.1.4. Quy hoạch không gian Thiền
Ở các cơ sở như chùa Từ Tôn, chùa Nghĩa Lương, Tịnh xá Ngọc Hải, chùa Linh Ứng, chùa Thiên Bửu, chùa Thiên Ân, chùa Giác Hải, Tịnh xá Ngọc Tòng… cần quy hoạch những công trình dành cho hoạt động du lịch Thiền, như xây dựng vườn Thiền, Thiền đường dành riêng cho du khách tu tập Thiền, xây dựng giảng đường làm nơi thuyết pháp, xây dựng hệ thống nhà hàng, tiệm ăn, cửa hàng lưu niệm… để du khách đến thưởng thức ẩm thực chay và mua quà lưu niệm.
Các điểm có mô hình du lịch Thiền cũng phải được đầu tư xây dựng mở rộng thêm không gian Thiền, như các khu vườn Thiền, khu vực đọc sách Phật… Bên cạnh đó, các điểm du lịch ấy cần mở rộng nhà nghỉ, nhà ăn, nhà vệ sinh, bãi đổ, đậu xe…
2.1.5. Xây dựng sản phẩm du lịch Thiền
Hiện nay, ởchùa Long Sơn, chùa Kỳ Viên, chùa Từ Vân, chùa Linh Phong, Pháp viện Thánh Sơn, chùa Suối Đổ… tuy vẫn có vườn Thiền, nhưng vẫn còn đơn giản, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thưởng lãm của du khách, cần đầu tư xây dựng thêm hồ nước, hòn non bộ, trồng thêm nhiều cây xanh mang lại không khí trong lành, thoáng đãng. Ngoài ra, ở một số cơ sở Phật giáo khác và ở các địa điểm có mô hình du lịch Thiền như Tịnh độ Ni giới, chùa Đức Hòa, Hòn Bà, suối Hoa Lan, hồ Hoa Sơn… cần quy hoạch không gian vườn Thiền đặc trưng, mở các lớp học vẽ tranh Thiền, viết thư pháp, thơ Thiền, trà Thiền, xây cất trai đường… phục vụ du khách khi tham gia tour Thiền.
2.1.6. Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Thiền
Thường xuyên mở các lớp đào tạo ngắn và dài hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch, trang bị cho họ đầy đủ kiến thức về Thiền và du lịch Thiền.
Mở các lớp đào tạo ngắn hạn để nâng cao nghiệp vụ du lịch cho ban nghi lễ các chùa, tịnh xá, thiền viện và chủ sở hữu các điểm du lịch có mô hình du lịch Thiền.
Nâng cao chất lượng tính chuyên nghiệp cho đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên tại điểm và nhân viên phục vụ theo hướng khai thác du lịch tại các điểm du lịch Thiền, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và trình độ ngoại ngữ, ưu tiên tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Hàn, tiếng Nhật và tiếng Thái.
2.2. Nhóm giải pháp dành cho các chủ sở hữu của chùa, tịnh xá, thiền viện và các điểm du lịch có mô hình du lịch Thiền
2.2.1. Mở các khóa tu ngắn hoặc dài ngày để thu hút mọi đối tượng tham gia. Trong quá trình tu học, học viên sẽ được tham gia các hoạt động như tọa Thiền, học giáo lý, viết thư pháp, nghe thuyết pháp, trà Thiền…
2.2.2. Rút ngắn thời gian tôn tạo, trùng tu, nhanh chóng đưa các điểm du lịch Thiền vào khai thác phục vụ du khách.
2.2.3. Xây dựng phòng trưng bày để giới thiệu sản phẩm của các loại hình nghệ thuật Thiền trong khuôn viên của cácđiểm du lịch, tạo điều kiện cho khách tham quan hiểu rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của Thiền và du lịch Thiền trong đời sống, từ đó đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch này.
2.2.4. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ở các điểm du lịch Thiền, như mở rộng đường sá, bãi đậu xe, phòng ngủ, nhà vệ sinh…
2.3. Nhóm giải pháp dành cho các công ty du lịch, lữ hành
2.3.1. Học tập mô hình và kinh nghiệm phát triển du lịch Thiền ở các tỉnh bạn. Tăng cường liên kết các tuyến điểm du lịch Thiền: Tuy mới đưa vào hoạt động trong những năm gần đây, nhưng du lịch Thiền ở Khánh Hòa mang nét đặc trưng riêng, đã tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách. So với một số tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, hoạt động du lịch Thiền ở Khánh Hòa có tuổi đời ngắn hơn, do đó Khánh Hòa có thể học tập, kế thừa và phát huy mô hình và kinh nghiệm tổ chức, phát triển du lịch Thiền từ các tỉnh bạn. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải liên kết các tuyến điểm du lịch Thiền trong tỉnh lại với nhau thành một chương trình du lịch tổng thể, hoàn thiện.
Các chương trình du lịch Thiền như tu tập Thiền, học nấu các món chay, vẽ tranh, viết thư pháp, hội họa… không phải chỉ được thực hành tại một địa điểm nhất định mà có thể liên kết giữa các chùa, tịnh xá, thiền viện, các điểm du lịch có mô hình du lịch Thiền hay thậm chí cả những nơi có không gian rộng, gần gũi với thiên nhiên, tĩnh lặng để thực hiện từng hoạt động trong chương trình tour. Đưa các điểm du lịch Thiền là chùa Long Sơn, chùa Đá Lố, Pháp viện Thánh Sơn, chùa Từ Vân, chùa Kỳ Viên, chùa Linh Ứng, chùa Linh Phong, chùa Giác Hải, chùa Thiên Ân, hòn Bà, suối Lách, thác Yang Bay, suối Ba Hồ, suối Trường Bơi, hồ Hoa Sơn, suối Hoa Lan… và một số địa điểm khác có khả năng phát triển loại hình du lịch Thiền vào chương trình du lịch của các công ty du lịch, lữ hành.
2.3.2. Tiến hành khảo sát các điểm có tài nguyên phát triển du lịch Thiền, thiết kế các tour du lịch Thiền đặc trưng, sau đó chào bán trên thị trường để thu hút công chúng.
2.3.3. Phối hợp du lịch Thiền với các loại hình du lịch khác: Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Khánh Hòa, phát triển với nhiều loại hình du lịch như du lịch tự nhiên, du lịch biển, du lịch tham quan nghiên cứu, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch giảm cân…, tuy nhiên loại hình du lịch Thiền chưa phát triển mạnh. Để các loại hình du lịch cùng phát triển thì cần phải liên kết các loại hình này với nhau, tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn du khách khi đến Khánh Hòa du lịch. Chẳng hạn, chúng ta có thể kết hợp các điểm du lịch của Khánh Sơn, như điểm du lịch chùa Phật giáo huyện Khánh Sơn, Thung lũng Tử thần, đàn đá Khánh Sơn, thác Tà Gụ, nhà Dài của đồng bào Raglai ở thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp, đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ cùng đồng bào Raglai… thành một tour tổng hợp, với đầy đủ loại hình du lịch Thiền, du lịch tự nhiên, du lịch về nguồn, du lịch mạo hiểm và du lịch văn hóa.
KẾT LUẬN
Ngày nay, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, đời sống vật chất của người dân tăng cao nhưng đối với đời sống tinh thần, con người lại chịu nhiều sức ép bởi những lo toan của cuộc sống, làm chohọ thiếu đi sự thoải mái và thư giãn. Vì vậy, rất nhiều người tìm đến sự tĩnh lặng và thanh bình để lấy lại cân bằng tâm lý, thư giãn, phục hồi năng lượng… Và, du lịch Thiền đủ khả năng đáp ứng được những nhu cầu đó.
Tỉnh Khánh Hòa, ngoài thế mạnh là du lịch biển đảo, thì nơi đây còn sở hữu hệ thống chùa, tịnh xá, thiền viện, đình, miếu với giá trị văn hóa lâu đời, cùng với các loại hình nghệ thuật Thiền như thư pháp, thơ Thiền, ẩm thực chay… là một tiềm năng lớn để Khánh Hòa khai thác và phát triển loại hình du lịch Thiền - là hướng phát triển mới cho sản phẩm du lịch của xứ Trầm – đảo Yến, góp phần tạo một dấu ấn mới cho ngành du lịch Khánh Hòa nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung ngày càng bền vững, phát huy được bản sắc văn hóa của người Việt.
Nguyễn Duy Trường
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Địa chí Khánh Hòa, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.
[2]. Nguyễn Thị Kim Hoa (Chủ nhiệm đề tài, 2014), Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu các địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu tỉnh Khánh Hòa phục vụ giáo dục giáo dục truyền thống và quảng bá phát triển du lịch”.
[3]. Nguyễn Đình Hòe, Du lịch Thiền (zentourism) – Một hình thức Du lịch mới và thân thiện Môi trường, Tạp chí Du lịch Việt Nam, tháng 4/2007.
[4]. Nguyễn Văn Khánh (2001), Di tích và danh thắng Khánh Hòa, Sở Văn hóa – Thông tin Khánh Hòa.
[5]. Nguyễn Thị Thống Nhất, Bàn về vấn đề khai thác hợp lý tiềm năng du lịch văn hóa, Tạp chí Văn hóa Quảng Nam, số 51/2005.
[6]. Đào Minh Ngọc, Phát triển Du lịch Thiền ở Việt Nam, Tạp chí Du lịch Việt Nam, tháng 5/2008.
[7]. http://phatgiaokhanhhoa.vn truy cập ngày 25/7/2020.
[8]. http://tinhuykhanhhoa.vn truy cập ngày 28/7/2020.
[9]. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/4469truy cập ngày 30/7/2020.