Đền Hùng với việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Ngày đăng: 25/10/2019
Tín ngưỡng thờ Tổ tiên bắt nguồn từ quan niệm của con người về các vị thần linh (các lực lượng siêu nhiên) và “các linh hồn bất tử” của những người đã khuất, mà gần gũi nhất với chúng ta là: Ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, anh, chị, em trong cùng một dòng họ/huyết thống.

Người xưa cho rằng, từng cá thể sau khi khuất núi, chỉ có “thể phách/thân xác - phần sinh học là tan biến, còn phần hồn/ phần tinh anh nhất trong con người được thăng hoa và tiếp tục tồn tại trong thế giới siêu linh và trong ký ức của con, cháu cùng huyết thống bằng cách được “linh thiêng hóa” thông qua các nghi thức cúng, giỗ, hội hè do người đang sống thực hành thường xuyên hay định kỳ trong suốt cuộc đời họ. Chu trình đó được lặp lại và bổ sung qua nhiều đời để hình thành “tín ngưỡng thờ Tổ tiên với mục đích cao đẹp là thiết lập và duy trì mối quan hệ gắn bó bền chặt giữa các thế hệ con người, giữa những người đang sống và những người đã mất. Có thể coi đây là phương thức hữu hiệu làm cho quá khứ gắn chặt và hòa quyện với hiện tại, để rồi lại song hành cùng hiện tại bước tới tương lai. Đây cũng là triết lý sống, là biểu hiện giá trị nhân văn cao cả trong tín ngưỡng thờ Tổ tiên. Xét từ cấp độ quốc gia dân tộc, để tồn tại và phát triển, các cộng đồng dân tộc bao giờ cũng có nhu cầu cố kết cộng đồng, củng cố khối đại đoàn kết, tạo ra sức mạnh tổng hợp của quốc gia hướng tới những mục tiêu chiến lược:

Một là, chung sức đồng lòng cùng nhau dũng cảm đối mặt và vượt qua những thử thách khắc nghiệt của những điều kiện tự nhiên để lập quốc, xây dựng, mở rộng lãnh thổ quốc gia, tạo lập cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Hai là, cố kết cộng đồng, tạo ra phẩm chất, bản lĩnh dân tộc để dám đánh và đã đánh thắng những kẻ thù hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia do cha ông trao lại với tư cách là di sản văn hóa vật thể thiêng liêng nhất ở tầm vĩ mô.

Ba là, đủ bản lĩnh để mở cửa hội nhập, giao lưu tiếp biến văn hóa với tất cả các quốc gia khác trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại cho phù hợp với những điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa của Việt Nam, phục vụ nhu cầu sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với tư cách là các di sản văn hóa phi vật thể mà đại diện tiêu biểu nhất là “Anh hùng văn hóa Hùng Vương”, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mãi mãi khắc sâu trong tâm trí người Việt Nam ở trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài.

Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh tỉnh Phú Thọ là trung tâm phát khởi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Từ xa xưa, cộng đồng người Việt Cổ cư trú ở vùng ngã ba sông (sông Hồng, sông Lô và sông Đà) đã chọn núi Nghĩa Lĩnh để dựng đền thờ và thực hành nghi lễ tín ngưỡng gắn với tục thờ Thần Mặt Trời, Thần Lúa và Thần Núi.  Ngày nay, cũng khó xác định từ bao giờ, vì sao và bằng cách nào? Truyền thuyết về nguồn gốc “Cha rồng, mẹ Tiên” là Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc 100 trăm trứng với người con trưởng là Vua Hùng ở đất Phong Châu thu phục lòng người, xưng vương, xây dựng “Kinh đô” dạy dân “Lạc Việt” khẩn hoang, trồng lúa nước. Với truyền thuyết này, cha ông ta đã vun đắp “Biểu tượng văn hóa Hùng Vương” từ một anh hùng văn hóa thành đạo lý dân tộc - “Uống nước nhớ nguồn” đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Ban đầu, có lẽ Hùng Vương được tôn thờ với tư cách Thành hoàng làng của 49 làng thuộc 12 huyện, thị xã của tỉnh Phú Thọ mà tiêu biểu nhất là Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Theo tài liệu lịch sử thì mãi đến thời Lý - Trần, đặc biệt là thời Hậu Lê và thời Nguyễn, các vương triều phong kiến mới can thiệp sâu vào tín ngưỡng dân gian bằng cách cấp sắc phong cho các đình đền thờ Hùng Vương của các làng xã xung quanh đền Hùng nhắm đến mục tiêu quan trọng là: Quy tụ lòng người, cố kết cộng đồng quốc gia dân tộc phục vụ nhiệm vụ dựng nước và giữ nước. 

Bước tiếp theo, các vương triều phong kiến lại pháp điển hóa các nghi thức thờ cúng, cấp ruộng đất cho dân làng canh tác lấy hoa lợi để coi sóc, duy tu đền thờ và thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương. Đến đây, bước đầu có thể hiểu được quá trình hình thành và phát triển hệ thống đền thờ Hùng Vương. Có lẽ đây cũng là biểu hiện sự liên thông và hòa hợp giữa lòng dân và ý chí chính trị của các vương triều phong kiến Việt Nam - tạo cơ sở kinh tế - xã hội và văn hóa cho một loại hình tín ngưỡng dân gian.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương, phân bổ ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Theo TS Trần Thị Tuyết Mai, chỉ tính từ Việt Trì ngược lên sông Thao đến Hạ Hòa, ngược sông Đà lên đến Thanh Thủy, ngược sông Lô đến Đoan Hùng ít nhất cũng đã thống kê được 432 di tích, trong đó đền, miếu thờ Hùng Vương là 40, thờ vợ con các Vua Hùng là 77, thờ Cao Sơn Tản Viên  và các tướng lĩnh là 288 và 87 di tích khác có liên quan đến các sự kiện lịch sử thời Hùng Vương. Việc lập đền thờ Vua Hùng tại nhiều tỉnh, thành phố suốt từ Bắc chí Nam chứng tỏ Tín ngưỡng thờ “Quốc Tổ” có vai trò quan trong trong đời sống con dân đất Việt từ xa xưa đến nay. Và đặc biệt tín ngưỡng này góp phần thức tỉnh ý thức về cội nguồn dân tộc, nâng cao tinh thần độc lập tự cường và tạo nên điểm tựa tinh thần cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chúng ta chắc ai cũng biết những lời thề vang vọng núi sông gắn với Đền Hùng thiêng liêng: Theo sách Giai thoại lịch sử Việt Nam, An Dương Vương đã cho dựng cột đá thề trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, khắc ghi lời thề “Sẽ ra sức giữ gìn cơ nghiệp của tổ tông và đời đời thờ phụng các Vua Hùng”. Làm lễ tế cờ trước khi xuất trận chống quân Hán xâm lược, Hai Bà Trưng đã thề “Một xin rửa sạch quốc thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”. Nói chuyện trong buổi gặp mặt đại đoàn quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã căn dặn điều chúng ta phải khắc ghi là: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Đến đây có thể khẳng định, những lời thề thiêng liêng đã được nhắc tới là thông điệp văn hóa mà các thế hệ ông cha ta trao trách nhiệm cho thế hệ hôm nay phải tiếp tục duy trì và phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thông qua việc thực hành Nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - hiện tượng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. 

 

Nguồn: Báo Phú Thọ