8 năm trên ngai tòa Giáo hoàng của Đức Phanxicô
Ngày đăng: 07/04/2021
Sau khi Đức Benedicto XVI từ nhiệm, Hồng y đoàn đã bầu Hồng y người Argentina là Hồng y Jorge Mario Bergoglio, một tu sĩ dòng Tên làm Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo. Đây là vị Giáo hoàng ngoài châu Âu sau 1200 năm kể từ đời Đức Gregrio III.

Ngay từ ngày lên ngôi, Đức Phanxicô được đánh giá là vị Giáo hoàng đơn sơ, khiêm nhường, gần gũi dân chúng. Ngài từ chối dùng xe riêng của Vatican mà vẫn đi xe bus, không ở biệt thự dành cho Giáo hoàng mà vẫn ở trọ nhà Matta và tự trả tiền trọ. Ngài vẫn đeo cây Thánh giá bằng bạc chứ không thay bằng vàng. Ngài vẫn tổ chức sinh nhật bằng cách tổ chức ăn tối với những người vô gia cư trên đường phố Roma. Vì thế , chỉ sau 1 năm, tạp chí Forber đã chọn Ngài xếp thứ 4 trong 10 người quyền lực nhất thế giới năm 2014  và tạp chí Time đã chọn Ngài là nhân vật của năm 2018.

8 năm qua, Ngài đã thực hiện 56 chuyến công du mà chuyến đi gần đây nhất đầu tháng 3-2021 đến Iraq được coi là thành công nhất vì đây là vùng đất đầy bạo lực, xung đột và thù hận ngay với người Công giáo. Ngài cũng ký nhiều thông điệp quan trọng trong đó có thông điệp đầu tay Laudato Si liên quan đến bảo vệ môi trường rất nổi tiếng. Gần đây nhất là thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả là anh em). Nếu Laudato Si nói về tình yêu của con người với thiên nhiên, vũ trụ thì Fratelli Tutti lại nói về tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. Thông điệp này đã được dịch ra tiếng Nga, nó giúp cho sự đối thoại với các tôn giáo như Chính thống, Hồi giáo rất nhiều.

Nhân 8 năm triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô, các nhà truyền thông hình ảnh đã chọn ra 8 bức ảnh ghi lại dấu ấn của Ngài. Bức đầu tiên là Ngài ra ban công chào cộng đoàn và ban phép lành cho họ ngày 13-3-2013 (ảnh trên). Bức ảnh thứ hai gây xúc động cho người xem là Đức Giáo hoàng quỳ xuống rửa chân cho các tù nhân, phụ nữ và người Hồi giáo trong lễ thứ năm Tuần thánh ngày 28-3-2013. Trước đây, theo truyền thống, người được rửa chân là những vị đạo đức, có thế giá. Nay Đức Phanxicô đã chọn lựa khác gồm cả phụ nữ, người tù và người khác tôn giáo.  Bức ảnh thứ ba là hình ảnh Đức Phanxicô ôm hôn một bệnh nhân. Đó là buổi đọc kinh Truyền tin thứ tư hàng tuần năm 2019 và Đức Phanxicô trông thấy một người đàn ông mặt bị biến dạng. Đó là ông Vinicio Rivo. Ông bị bệnh u xơ thần kinh týp 1 có tính di truyền nên mặt, đầu nổi cục u bướu. Ngài không ngần ngại tiến đến bên cạnh ông Rivo, ôm hôn ông. Facebook không dám đưa hình ảnh này vì lo người khác nhìn thấy bị ám ảnh.  Một hình ảnh khác là Đức Phanxicô đã quỳ xuống hôn chân những nhà lãnh đạo Nam Sudan trong đó có cả phụ nữ. Sudan là quốc gia ở Đông Phi. Dân chúng theo Hồi giáo và nước này liên tục rơi vào nội chiến đẫm máu dai dẳng. Hành động quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo quốc gia Sudan của Đức Phanxicô muốn gửi đến thông điệp cho nước này là hãy hòa giải, ổn định đất nước. Một thái độ của Đức Phanxicô trong triều đại của Ngài là hòa giải, đại kết với các tôn giáo bạn. Ngài đi đến Srilanca, Thái Lan để cầu nguyện với những anh em Phật giáo. Ngài tới các quốc gia Hồi giáo như Iraq, Iran để tìm về những điểm chung giữa Hồi giáo và Công giáo. Ngài qua Thổ Nhĩ Kỳ để đối thoại với người anh em Chính thống… Trong thông điệp Evangelii Gaudium, Ngài đã chỉ ra rằng, chỉ có đối thoại hòa giải với các tôn giáo bạn mới mong tìm kiếm tới Chúa. Cuộc gặp đại kết với Đức Thượng phụ Bathelomeo ngày 29-11-2014 , Ngài được Đức Thượng phụ ôm hôn và trao bình an như một dấu hiệu của đại kết giữa Công giáo và Chính thống.

8 năm ngồi ở ngai tòa Giáo hoàng, Đức Phanxicô thực tâm muốn cải cách từ tổ chức Giáo triều đến cả những quan niệm truyền thống bảo thủ. Ngài yêu cầu cải tổ hệ thống tổ chức tài chính Vatican đã gây ra nhiều tai tiếng về biển thủ công quỹ và rửa tiền. Ngài cho lập Quỹ Giáo vụ (IOR) có nhiệm vụ quản lý tài sản của Giáo hội cả động sản và bất động sản cũng như chi tiêu cho công tác tôn giáo và bác ái của Giáo hội. Phủ Quốc vụ khanh không được lập quỹ tài chính. Tòa thánh cũng bổ nhiệm 6 phụ nữ làm nhiệm vụ Giám sát tài chính của Vatican. IOR không chỉ có 3 kiểm toán viên nội bộ mà còn phải thuê kiểm toán viên bên ngoài để giám sát. Nhờ những cải tổ này, tài chính Tòa thánh có tiến bộ . Chi tiêu nội bộ giảm xuống 16 triệu uero năm 2018 so với 18,7 triệu uero năm 2017. Ngân sách của Tòa thánh đã có dư là 17,5 triệu uero năm 2018.

Giáo hoàng Phanxicô mạnh dạn bổ nhiệm nhiều phụ nữ làm việc ở Vatican. Năm 2013 có 1016 phụ nữ làm việc ở Tòa thánh chiếm 22% số người làm việc (4618 người) ở đây. Nếu năm 2010 có 38 phụ nữ làm việc ở các Bộ, văn phòng Tòa thánh thì năm 2014 đã tăng lên 649 người. Nhiều phụ nữ được bổ nhiệm là quan chức cao cấp như bà Donbera Jatla là Giám đốc Bảo tàng Vatican. Bốn phụ nữ được bổ nhiệm là phó Tổng thư ký các Bộ của Giáo triều trong đó có bà Francescio Di Giovani là Phó Tổng thư ký Phủ Quốc vụ khanh. Các quan chức nữ đã tăng gấp 3 lần ở Giáo triều trong 8 năm qua. Giáo hoàng Phanxicô cho rằng, Bộ trưởng trong Giáo triều không nhất thiết đều phải là Hồng y, Tổng Giám mục. Năm 2018, Tòa thánh bổ nhiệm TS Paulon Ruffini là một giáo dân người Ý làm Tổng trưởng Bộ Truyền thông và nữ tu Calduch Denages làm Tổng thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh.

Ngay sau khi lên ngôi Giáo hoàng, Đức Phanxicô đã lập ra Hội đồng cố vấn gồm 8 Hồng y ở 5 châu lục, sau bổ sung thêm Hồng y P.Parolin - Quốc vụ khanh là 9 vị , quen gọi là nhóm C9. Nhóm này 8 năm qua đã nhóm họp  30 lần để đưa ra hướng cải tổ Giáo triều sao cho gọn nhẹ, tăng cường quyền lực cho Giáo hội địa phương, giảm tập quyền ở Trung ương. Đã có nhiều văn phòng, Bộ bị dồn ghép. Như Bộ Phục vụ và phát triển toàn diện con người gồm các Ủy ban Công lý và hòa bình, Ủy ban Đồng tâm (Cor Unum), Ủy ban gia đình, Ủy ban bảo vệ sự sống…Nhóm C9 tư vấn để Giáo hoàng Phanxicô ra Tông hiến Pradicate evangelium (Anh em hãy loan báo Tin mừng) thay thế văn kiện Pastor Bonnus (Mục tử nhân lành) có từ 30 năm nay. Do đại dịch covid-19 nên Tông hiến này bị trì hoãn đến lễ Phục sinh 2021 mới công bố.

Giáo hoàng Phanxicô cũng mạnh mẽ lên tiếng trước các vấn đề bạo lực quốc tế. Mới đây nhất, ngày 14-3-2021, Ngài nói, nếu tôi đến Myanmar, tôi cũng sẽ quỳ xuống và nói: Xin đừng bắn người dân mà hãy bắn tôi. Đây là thông điệp mạnh mẽ với các cuộc đàn áp người biểu tình của cánh sát Myanmar. Một số nữ tu Công giáo như sơ Ann Rose Nu Tang cũng đã quỳ trước mặt cảnh sát và nói như thế.

Hiện nay, Hồng y đoàn còn 127 vị dưới 80 tuổi. Cuối năm thêm 5 vị và sang năm 2022 thêm 11 vị hết quyền bầu cử. Vậy là phải có  công nghị hồng y để bổ sung cho đủ 120 vị vào mật viện. Đức Phanxicô lại hay quan tâm đến nước nhỏ. Năm 2018, Brunei chỉ có 3 giáo xứ, 3 linh mục nhưng vị Giám mục ở đây cũng được nâng lên Hồng y. Hy vọng Việt Nam sẽ có hồng y mới thứ 7 người Việt trong công nghị này.

Triết Giang