Về thành phần tôn giáo trong Quốc hội khóa 116 của Hoa Kỳ
Ngày đăng: 30/05/2019
Năm 2006, Tổng thống George W. Bush đã chọn ngày 16 tháng 1 hằng năm là “Ngày tự do tôn giáo”. Sự kiện này liên quan tới việc thông qua đạo luật về tự do tôn giáo ngày 16 tháng 1 năm 1786 tại bang Virginia thuộc miền bắc nước Mỹ. Đạo luật về tự do tôn giáo do Thomas Jefferson soạn thảo. Trước đó, ông từng là tác giả bản dự thảo “Tuyên ngôn độc lập” của Hoa Kỳ được thông qua ngày 4 tháng 7 năm 1776. Thomas Jefferson cũng là tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ nhiệm kỳ 1801 - 1809.

Cho đến nay, các vấn đề tôn giáo luôn nhận được sự quan tâm rất lớn trong đời sống chính trị - xã hội Hoa Kỳ. Trong các bài viết trước đây như: “Vị trí của tôn giáo trong đời sống chính trị - xã hội Mỹ” và “Vấn đề tự do tôn giáo trong xã hội Mỹ” chúng tôi đã đề cập đến những vấn đề như: Tôn giáo trong các hoạt động quan phương của Nhà nước Mỹ; Tôn giáo với các cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ; Tôn giáo và sự phân chia quyền lực chính trị ở Mỹ (bao gồm các vấn đề như: Các tổng thống Mỹ là tín đồ Kitô giáo; Tín đồ các tôn giáo tại Thượng viện Mỹ; Tín đồ các tôn giáo tại Hạ viện Mỹ; Tín đồ các tôn giáo tại Tòa án Tối cao Mỹ); Tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục của Mỹ; Các giáo hội tôn giáo ở Mỹ với vấn đề kinh doanh; Khái niệm “Tôn giáo dân sự” ở Mỹ; Bức tranh đa nguyên tôn giáo ở Mỹ; Lịch sử vấn đề tự do tôn giáo ở Mỹ [1].

Trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc những số liệu mới nhất về thành phần các tôn giáo trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 dựa trên những kết quả nghiên cứu của các nhà xã hội học thuộc Pew Research Center (Trung tâm nghiên cứu Pew) ở Hoa kỳ [2] .

Như đã biết, các nghị sĩ của Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 đã bắt đầu thực thi nhiệm vụ từ ngày 3 tháng 1 năm 2019. Các nhà xã hội học thuộc Pew Research Center đã tiến hành một cuộc khảo sát, phân tích và so sánh về tôn giáo tịch và đảng tịch của các nghị sĩ trong Hạ viện cũng như Thượng viện của Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116.

1. Các nghị sĩ là tín đồ Kitô giáo

Nhìn chung, thành phần tôn giáo trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa này không có những thay đổi đáng kể so với khóa trước. Đại bộ phận các chính khách trong Quốc hội khóa 116 đều là tín đồ Kitô giáo - 471 nghị sĩ, chiếm 88,2% (bao gồm Tin Lành giáo, Công giáo, Chính Thống giáo, Mặc Môn giáo [3]  và “các giáo phái khác”). Nếu so sánh với số nghị sĩ là tín đồ Kitô giáo trong Quốc hội khóa 115, thì số nghị sĩ là tín đồ Kitô giáo trong Quốc hội khóa 116 giảm 14 người. Con số này ở khóa trước là 485 người, chiếm 90,7%.

 Đại bộ phận các nghị sĩ là tín đồ Kitô giáo trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 là tín đồ Tin Lành - 293 người, chiếm 54,9%. Trong khi đó ở Quốc hội khóa trước con số này là 299 người, chiếm 55,9%.

Trong số các nghị sĩ là tín đồ Tin Lành giáo trong Quốc hội khóa, tín đồ giáo phái Rửa Tội (Baptist) đông hơn cả với 72 người, chiếm 13,5%. Con số này không thay đổi so với khóa trước. Đứng ở vị trí thứ hai là tín đồ giáo phái Mêtôđit (Methodist) với 42 người, chiếm 7.9%, giảm 2 người so với khóa trước - 44 người, chiếm 8,2%. Số nghị sĩ là tín đồ giáo phái Thể chế Giám mục (Episcopal) giảm nhiều nhất, từ 35 người, chiếm 6,5% trong khóa trước xuống còn 26 người, chiếm 4,9% trong khóa này. Con số giảm tương tự liên quan tới các nghị sĩ là tín đồ giáo phái Trưởng Lão (Presbyterian) - cũng từ 35 người, chiếm 6,5% trong khóa trước xuống còn 26 người, chiếm 4,9% trong khóa này. Đối với các nghị sĩ là tín đồ giáo phái Luther (Lutheran) con số này không thay đổi, vẫn là 26 người, chiếm 4,9%.

Các nghị sĩ là tín đồ các giáo phái Tin Lành khác trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 chiếm một tỉ lệ không đáng kể. Những người theo giáo thuyết Giáo đoàn (Congregationalism) [4] có 4 nghị sĩ trong khóa này, chiếm 0,7%, trong khi ở khóa trước họ có 5 nghị sĩ, chiếm 0,9%. Giáo phái Ngũ Tuần (Pentecostal) vẫn có được 2 nghị sĩ, chiếm 0,4%. Số lượng nghị sĩ của giáo phái Cơ Đốc Phục Lâm (Adventists) vẫn giữ nguyên với 2 nghị sĩ, chiếm 0,4%. Còn số đại biểu của những người theo giáo phái Phục Hưng (Restorationists) giảm từ 2 người, chiếm 0,4% trong khóa trước xuống còn 1 người, chiếm 0,2% trong khóa này. Cũng giống như trong khóa trước, những người theo phong trào “Thánh khiết” (Holiness) và giáo phái “Cải cách” (Reformed) đều có 1 nghị sĩ trong khóa này. Số nghị sĩ của những tín đồ Tin Lành không giáo phái trong Quốc hội Hoa Kỳ tăng từ 8 người, chiếm 1,5% trong khóa trước lên 10 người, chiếm 1,9% trong khóa này.

Các nhà nghiên cứu của Pew Research Center cũng ghi nhận rằng, có 80 nghị sĩ trong Quốc hội khóa 116, chiếm 15% nhận mình là Kitô hữu nhưng không nêu tên giáo phái hoặc chỉ gọi mình là những người tin theo Phúc Âm (Evangelical). Những người này được các nhà nghiên cứu của Pew Research Center  xếp vào phạm trù “các giáo phái khác”. Trong Quốc hội khóa trước con số này là 64 người, chiếm 12%.

Các nghị sĩ là tín đồ Công giáo trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 giảm 5 người so với khóa trước, xuống còn 163 người, chiếm 30,5%. Nghị sĩ là tín đồ Chính Thống giáo trong Quốc hội khóa này có 5 người, chiếm 0,9%. Trong khi đó số nghị sĩ là tín đồ Mặc Môn giáo (Mormon) khóa này giảm 3 người, còn 10 người, chiếm 1,9%, con số này trong khóa trước là 13 người, chiếm 2,4%.

2. Các nghị sĩ là tín đồ các tôn giáo khác

Đại diện các tôn giáo khác trong Quốc hội Hoa Kỳ ít hơn rất nhiều so với các Kitô hữu. Chẳng hạn, trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 Do Thái giáo (Judaism) có 34 nghị sĩ, chiếm 6,4%, so với khóa trước tăng 4 người (trong khóa trước có 30 người chiếm 5,6%). Số nghị sĩ là tín đồ Phật giáo trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa này giảm 1 người, xuống còn 2 người, chiếm 0,4% - đó là Hank Johnson, thành viên của Hạ viện đến từ bang Georgia và thượng nghị sĩ Maisie Hirono đến từ bang Hawati. Cả hai người này đều là đảng viên đảng Dân Chủ. Đại diện Ấn Độ giáo (Hinduism) trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 không thay đổi, vẫn là 3 người, chiếm 0,6%. Cả 3 người này đều là thành viên của Hạ viện và đảng viên đảng Dân Chủ - đó là các nghị sĩ: Ro Hanna đến từ bang California, Raja Krnamoorthy đến từ bang Illinois và Tulsi Gabbard đến từ bang Hawati. Lần đầu tiên trong lịch sử có 2 phụ nữ là tín đồ Islam giáo được bầu vào Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 - đó là Rashid Tleyb đến từ bang Michigan và Ilhan Omar đến từ bang Minnesota. 2 nữ nghị sĩ này đã liên kết với người đồng đạo của mình là Andre Carson đến từ bang Indiana. Cả 3 nghị sĩ là tín đồ Islam giáo này đều là đảng viên đảng Dân Chủ. Những người theo phái Phổ cứu Nhất vị luận (Unitarian Universalists) [5] tăng từ 1 người trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa trước lên 2 người trong khóa này.

Ngoài những nghị sĩ thuộc các tôn giáo kể trên, trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 còn có 18 nghị sĩ, chiếm 3,4% tuyên bố rằng họ không biết mình thuộc tôn giáo nào hoặc không muốn công khai tôn giáo của mình. Con số này trong khóa trước là 10 người, chiếm 1,9%. Có ý kiến cho rằng, rất có thể những nghị sĩ này là những người không tín ngưỡng tôn giáo nhưng họ không muốn công khai điều đó. Trong nghiên cứu của mình các nhà xã hội học thuộc Pew Research Center ghi nhận rằng chỉ có 1 nghị sĩ, chiếm 0,2% trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 công khai tuyên bố rằng mình không liên quan tới bất kỳ tôn giáo nào và ủng hộ quan điểm thế tục - đó là nữ thượng nghị sĩ Kirsten Sinema thuộc đảng Dân Chủ đến từ bang Arizona.

3. So sánh về tôn giáo tịch và đảng tịch của các nghị sĩ

Về tôn giáo tịch của các nghị sĩ

Các nhà xã hội học thuộc Pew Research Center ghi nhận rằng, nếu nhìn vào tôn giáo tịch của các nghị sĩ ở Thượng viện và Hạ viện của Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116, có thể nhận thấy một điều là ở cả hai viện tín đồ Kitô giáo đều chiếm đa số: ở Thượng viện là 86 người, chiếm 86% và ở Hạ viện là 385 người, chiếm 88,7%.

Tại cả 2 viện của Quốc hội Hoa Kỳ khóa này tín đồ Tin Lành giáo đều chiếm đa số: ở Hạ viện là 233 người, chiếm 53,7%, còn ở Thượng viện là 60 người, chiếm 60%. Sự khác biệt về đại diện của các giáo phái Tin Lành tại lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 không được các nhà nghiên cứu đề cập tới. Đối với các nghị sĩ là tín đồ Công giáo trong lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ, con số so sánh có sự khác biệt. Ở Hạ viện tín đồ Công giáo nhiều hơn ở Thượng viện - 141 nghị sĩ, chiếm 32,5% ở Hạ viện so với 22 nghị sĩ, chiếm 22% ở Thượng viện. Chính Thống giáo có 5 nghị sĩ, chiếm 0,9% cùng với 3 nghị sĩ là tín đồ Islam giáo, chiếm 0,7% và 3 nghị sĩ là tín đồ Ấn Độ giáo, chiếm 0,7%, chỉ có ở Hạ viện. 2 nghị sĩ là tín đồ Phật giáo được chia đều cho lưỡng viện. Số tín đồ Do Thái giáo ở Thượng viện nhiều hơn so với ở Hạ viện của Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116. Ngoài ra, tại Thượng viện có duy nhất một thượng nghị sĩ được coi là “không liên quan đến tôn giáo”.

Về đảng tịch của các nghị sĩ

Đảng tịch của các nghị sĩ trong lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 cũng được các nhà nghiên cứu thuộc Pew Research Center phân tích và đưa ra những con số so sánh dưới đây.

Đối với đảng Cộng Hòa, các nghị sĩ Kitô giáo chiếm tuyệt đại đa số trong Quốc hội khóa 116. Trong số 252 nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa ở lưỡng viện có tới 250 nghị sĩ là tín đồ Kitô giáo, chiếm 99,2%. Trong số đó, 176 nghị sĩ là tín đồ Tin Lành giáo, chiếm 69,8%; đứng ở vị trí thứ hai là tín đồ Công giáo với 64 nghị sĩ, chiếm 25,4%. Ngoài tín đồ Kitô giáo chỉ có 2 tín đồ Do Thái giáo là nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng Cộng Hòa.

Đối với đảng Dân Chủ, tôn giáo tịch của các nghị sĩ trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 có sự khác biệt hơn so với tôn giáo tịch của các nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa. Tuy các nghị sĩ là tín đồ Kitô giáo cũng chiếm đa số - 221 nghị sĩ (78,4%), nhưng trong số 282 nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ tại lưỡng viện của Quốc hội còn có 64 nghị sĩ không phải là tín đồ Kitô giáo. Số tín đồ Tin Lành giáo là nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng này cũng ít hơn so với đảng Cộng Hòa, cụ thể là 117 nghị sĩ, chiếm 41,5%. Trong khi đó, số nghị sĩ là tín đồ Công giáo của đảng Dân Chủ lại nhiều hơn so với số nghị sĩ là tín đồ Công giáo của đảng Cộng Hòa, cụ thể là 91 người, chiếm 35,1%. Trong số các nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ không phải là tín đồ Kitô giáo, phần đông là tín đồ Do Thái giáo - 32 người, chiếm 11,3%. Tất cả các nghị sĩ là tín đồ Phật giáo (2 người), tín đồ Islam giáo (3 người), tín đồ Ấn Độ giáo (3 người) cùng nữ thượng nghị sĩ Kirsten Sinema - người không tín ngưỡng tôn giáo, đều thuộc đảng Dân Chủ. 18 nghị sĩ trong Quốc hội Hoa Kỳ khóa này trả lời “không biết” hoặc từ chối trả lời câu hỏi về tín ngưỡng tôn giáo của mình cũng đều là các đảng viên đảng Dân Chủ.

4. Một vài nhận xét

Từ những phân tích và so sánh các số liệu về tôn giáo tịch và đảng tịch của các nghị sĩ thuộc lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ khóa 116 với các khóa trước, các nhà nghiên cứu thuộc Pew Research Center đi đến kết luận rằng, bắt đầu từ năm 1961, số lượng các tín đồ Kitô giáo nói chung, cũng như số lượng tín đồ Tin Lành giáo nói riêng được bầu vào Quốc hội Hoa Kỳ tuy vẫn chiếm đa số nhưng đang trong xu hướng giảm dần.

Ngoài ra, tỉ lệ tín đồ các tôn giáo là nghị sĩ trong Quốc hội Hoa Kỳ không tương ứng với tỉ lệ dân số của quốc gia này. Những con số thống kê ở trên cho thấy, trong Quốc hội Hoa Kỳ có tới 88,2% nghị sĩ là tín đồ Kitô giáo. Điều này có nghĩa chỉ còn 11,8% nghị sĩ không phải là tín đồ Kitô giáo. Trong khi đó, theo số liệu khảo sát của Pew Research Center năm 2018, có 67% người dân Hoa Kỳ nhận mình là Kitô hữu. So sánh tỉ lệ nghị sĩ Quốc hội là tín đồ Tin Lành giáo và tín đồ Công giáo với tỉ lệ giáo dân của các tôn giáo này cho ta con số sau: 54,9% nghị sĩ là tín đồ Tin Lành giáo so với 46% dân số là tín đồ tôn giáo này; tương tự, 30,5% nghị sĩ là tín đồ Công giáo so với 18% dân số là tín đồ tôn giáo này. Như vậy, tỉ lệ nghị sĩ là tín đồ Kitô giáo đang “hiện diện quá mức” trong Quốc hội so với tỉ lệ giáo dân ở Hoa Kỳ.

Một sự khác biệt đáng kể khác khi so sánh giữa Quốc hội với xã hội Hoa Kỳ: chỉ có 1 nghị sĩ trong Quốc hội là người không tín ngưỡng tôn giáo, trong khi đó có tới 23% dân số Hoa Kỳ trả lời rằng họ “không liên quan đến tôn giáo”, có nghĩa họ là những người vô thần và bất khả tri. Đúng như tiêu đề bài viết của nhà tôn giáo học người Nga - Olga Poznyak: “Quốc hội sùng đạo hơn người dân Hoa Kỳ” [6].

 

TS. Nguyễn Văn Dũng

 


[1]  Xem trong:  Nguyễn Văn Dũng. Tôn giáo với đời sống chính trị - xã hội ở một số nước trên thế giới (sách tham khảo). NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2012, tr.7 – 77.

[2]  Các số liệu trong bài được dẫn theo: Olga Poznyak. Quốc hội ngoan đạo hơn cư dân Hoa Kỳ (tiếng Nga). www.ng.ru/ng_religii/2019-02-05/12_458_congress.html

[3]  Người Mỹ coi Mặc Môn giáo hay Mormon giáo là một giáo phái thuộc Kitô giáo

[4]  Giáo phái Giáo đoàn chủ trương nhà thờ độc lập tự chủ, tín đồ tự quản nhà thờ, tự tuyển chọn mục sư, v.v., ra đời ở Anh vào cuối thế kỷ XVI. Xem: Trần Nghĩa Phương. Thuật ngữ tôn giáo (Anh - Việt – Pháp). NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2001, tr. 78.

[5]  Những người theo thuyết Thượng đế nhất vị chống lại thuyết Tam vị nhất thể và chủ trương linh hồn của toàn nhân loại cuối cùng sẽ được cứu rỗi. Xem: Trần Nghĩa Phương. Thuật ngữ tôn giáo (Anh - Việt – Pháp). NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2001, tr. 297- 298. 

[6]  Olga Poznyak. Quốc hội sùng đạo hơn người dân Hoa Kỳ (tiếng Nga). www.ng.ru/ng_religii/2019-02-05/12_458_congress.html