Vài nét về tôn giáo ở Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất
Ngày đăng: 09/04/2019TS. Nguyễn Văn Dũng Giáo hoàng Phanxicô đã có chuyến tông du đến Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất trong 3 ngày, từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 2 năm 2019. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử người đứng đầu Giáo hội Công giáo Rôma thực hiện chuyến tông du đến vùng đất bán đảo Arập, nơi tuyệt đại đa số cư dân là tín đồ Islam giáo. Ngài tới đây theo lời mời của Thái tử Abu Dhabi Mohammed bin Zayed Al Nahyan để tham dự Hội nghị Liên tôn diễn ra vào ngày 4 tháng 2 năm 2019. Chuyến tông du của Giáo hoàng Phanxicô tại Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất đã kết thúc ngày 5 tháng 2 năm 2019 bằng một thánh lễ tại sân vận động Zayed (Zayed Sports City Stadium) của thủ đô Abu Dhabi với sự tham gia của khoảng 135.000 người.
Nhân dịp này xin phác họa đôi nét về đất nước và tôn giáo (chủ yếu là Công giáo) ở Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất. Sở dĩ chúng tôi chủ yếu chỉ đề cập tới Công giáo ở một đất nước mà Islam giáo là quốc giáo bởi vì: một là, bài viết này liên quan đến chuyến tông du của người đứng đầu Giáo hội Công giáo Rôma; hai là, theo một số nhà quan sát, tỉ lệ người Công giáo trên tổng số dân ở Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất cao hơn tỉ lệ người Islam giáo trên tổng số dân ở các nước Châu Âu[1].
Vài nét về Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất
Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất có tên tiếng Anh là United Arab Emirates, viết tắt là UAE. Đây là quốc gia liên bang quân chủ chuyên chế nằm trên bán đảo Arập, giáp vịnh Ba Tư, có biên giới trên bộ về phía đông giáp với Oman, về phía nam giáp với Arập Saudi (Arập Xêut) , về phía tây có biên giới đường biển với Qatar và về phía bắc với Iran.
Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất được thành lập ngày 2 tháng 12 năm 1971 sau khi Chính phủ Anh không còn đủ khả năng cai quản và bảo hộ cho các quốc gia trên bán đảo Arập theo hiệp ước ký năm 1892 và buộc phải triệt thoái hoàn toàn khỏi khu vực này vào tháng 12 năm 1971. UAE gồm 7 tiểu vương quốc do 7 vị tiểu vương đứng đầu. Người đứng đầu nhà nước liên bang là quốc vương do Hội đồng Tối cao Liên bang bầu ra trong số các tiểu vương của các tiểu vương quốc. Quốc vương hiện nay của Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất là Zayed Bin Sultan Al Nahyan. Ngoài tiếng Arập là ngôn ngữ chính thức, tiếng Anh và tiếng Ấn Độ là hai ngôn ngữ phổ biến ở UAE.
Số liệu thống kê năm 2017 của Liên Hợp Quốc cho thấy dân số UAE có khoảng 9.400.000 người, trong đó chỉ có 22% là công dân nước này, số còn lại (88%) là người nhập cư đến từ các nước Ấn Độ, Ai Cập, Pakistan, Philippine, và một số nước khác, trong đó có Việt Nam[2], v.v..
Trong lịch sử, vùng đất UAE, Oman, Bahrain, Syria là vùng Kitô giáo toàn tòng. Có tới 6 vị giáo hoàng trong lịch sử là những người xuất thân từ vùng đất này. Năm 630, Muhammad đã gửi mật sứ đến thuyết phục các nhà hoạt động chính trị người Oman. Những người này được đưa sang Medina cải đạo sang Islam giáo và bí mật về nước khởi nghĩa lật đổ vương triều Sassanid. Sau khi lên nắm quyền họ thực thi chính sách Islam giáo hóa toàn vùng bằng biện pháp bạo lực.
Năm 632, Muhammad từ trần, Islam giáo rơi vào sự chia rẽ và tranh giành quyền lực giữa những người ủng hộ Ali ibn Abi Talib và những người ủng hộ Abu Bakr và từ đây hình thành hai giáo phái là Shiite và Sunni. Những người theo giáo phái Shiite là những người ủng hộ Ali ibn Abi Talib, còn những người theo giáo phái Sunni là những người ủng hộ Abu Bakr. Sự chống đối lẫn nhau giữa những tín đồ Islam giáo của hai giáo phái Shiite và Sunni đã gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu từ trong lịch sử cho tới tận ngày nay trên bán đảo Arập và toàn vùng Trung Đông.
Hiện nay, UAE là nước có nền kinh tế đa dạng nhất trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh. Mặc dù vậy, kinh tế nước này vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên với trữ lượng đầu mỏ đứng thứ 7 và trữ lượng khí đốt tự nhiên đứng thứ 17 thế giới. UAE được đánh giá là một cường quốc trong khu vực và cùng với những thay đổi cởi mở đang diễn ra, nước này sẽ nhanh chóng có được vai trò quan trọng trên diễn đàn kinh tế - chính trị khu vực và thế giới.
Vài nét về tôn giáo ở Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất
Islam giáo là tôn giáo có đông tín đồ nhất và là quốc giáo tại Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất. Theo số liệu của Pew Rerearch Center, tín đồ Islam giáo chiếm 77% dân số UAE. Số còn lại: Kitô giáo chiếm 12%, Ấn Độ giáo (Hindu giáo) chiếm 4%, Phật giáo chiếm 2%, các tôn giáo khác chiếm 1%, không tôn giáo chiếm 1%[3].
Tại UAE, trong số công dân của nước này, người Islam giáo dòng Sunni chiếm đa số (khoảng 85%), tiếp đó với số lượng không nhiều (khoảng 15%) là những người Islam giáo dòng Shiite, chủ yếu tập trung tại hai tiểu vương quốc Sharjah và Dubai[4]. Hầu hết các di dân Oman theo Islam giáo dòng Ibadi. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của dòng Sufi[5]. Các tín đồ Baha’i giáo và Druze giáo ở nước này cũng được coi là tín đồ Islam giáo[6].
Mặc dù Islam giáo chiếm đa số nhưng Chính phủ Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất luôn thực hiện chính sách khoan dung tôn giáo đối với các tôn giáo khác và ít khi can dự vào hoạt động của những người không phải là tín đồ Islam giáo[7]. Ngược lại, Chính phủ UAE hy vọng rằng tín đồ các tôn giáo khác cũng không can dự vào các vấn đề của Islam giáo ở nước này.
Tuy ít khi can dự vào hoạt động của những người không phải là tín đồ Islam giáo nhưng Chính phủ UAE vẫn áp đặt các hạn chế việc truyền bá các tôn giáo khác dưới bất kỳ phương thức truyền thông nào. UAE cũng thường bị chỉ trích về nhân quyền do việc áp dụng luật Sharia của Islam giáo trong hệ thống luật pháp của nước này, nhất là các cách thức kỳ thị chống lại phụ nữ. Chẳng hạn: Phụ nữ phá thai bị đánh 100 roi và có thể ngồi tù đến 5 năm; phụ nữ đi ra đường phải có nam giới tháp tùng, vì vậy khó có thể xảy ra việc người phụ nữ có thể tự mình đến thánh đường; người phụ nữ đã có gia đình mà ngoại tình với người đàn ông khác có thể bị ném đá đến chết; hay việc kết hôn giữa một người phụ nữ Islam giáo với một người đàn ông không phải tín đồ Islam giáo được coi là một hình thức “gian dâm”; v.v..
Ngoài hệ thống các tòa án dân sự, tại Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất còn có hệ thống các tòa án Sharia (tòa án theo luật Islam giáo) với thẩm quyền chuyên biệt đối với các vụ án liên quan đến gia đình và luân lý. Những người không phải là tín đồ Islam giáo cũng bị chi phối bởi luật Sharia và tòa án Sharia. Ngoại kiều khi mắc vào tội báng bổ Islam giáo cũng bị xử theo luật Sharia, tùy theo mức độ, nhẹ thì bị trục xuất, nặng thì bị ngồi tù, nghiêm trọng thì bị lãnh án tử hình. Bội giáo được coi là tội nặng nhất và án tử hình luôn được áp dụng cho loại tội này. Ngoài ra, tội đồng tính luyến ái cũng được khép vào tội trọng và nếu thoát án tử hình thì cũng bị phạt tù từ 10 đến 15 năm và nhiều người đã phải chết trong tù vì bạo lực của các bạn tù.
Các tội ngoại tình, tình dục trước hôn nhân, tiêu thụ các đồ uống có cồn luôn phải chịu các hình phạt đánh roi hay ném đá. Ăn uống hay hút thuốc công khai trong khoảng thời gian từ bình minh đến hoàng hôn trong tháng Ramadan cũng bị coi là phạm pháp. Tại UAE các tòa án Sharia vẫn còn áp dụng những bản án cắt cụt chân tay hay đóng đinh.
Ngoài các thánh đường Islam giáo hiện diện trên khắp các tiểu vương quốc, tại UAE có một đền thờ của Hindu giáo tại khu vực Bur Dubai, một đền thờ của Sikh giáo (Sikh Gurudwara) ở Jebel Ali, một chùa của Phật giáo ở Al Garhoud.
Về Công giáo ở Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất
Trên toàn lãnh thổ Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất có khoảng 31 nhà thờ Kitô giáo, riêng đối với Công giáo có 9 nhà thờ trong tổng số 13 nhà thờ trên toàn Miền Giám quản Tông tòa Nam Arập, 4 nhà thờ còn lại trên lãnh thổ Oman. Với con số 9 nhà thờ Công giáo được xây dựng và hoạt động trên lãnh thổ UAE, một quốc gia chọn Islam giáo làm quốc giáo cho thấy sự cởi mở và khoan dung tôn giáo của chính phủ nước này đối với các tôn giáo ngoài Islam giáo nói chung và đặc biệt đối với Công giáo nói riêng.
Ngay từ khi Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất được thành lập năm 1971, Chính phủ UAE đã hỗ trợ cộng đồng Công giáo, không chỉ cấp đất cho họ để xây dựng nhà thờ mà còn cấp đất để xây dựng trường học Công giáo từ mẫu giáo đến trung học. Chẳng hạn, hiện nay, tại Abu Dhabi, Dubai, Shariah và Fujairah có tới hơn 8.500 học sinh đang theo học tại các trường Công giáo. Một trường học mới sẽ được khánh thành vào tháng 9 năm 2019 tại Ras Al Khaimah. Trước đó, vào tháng 8 năm 1981 Giám mục Gremoli đã cho khởi công xây dựng một ngôi nhà thờ mới trên lô đất do Quốc vương Zayed Bin Sultan Al Nahyan tặng cho Giáo hội Công giáo tại Mushrif. Ngôi nhà thờ mới này đã được thánh hiến vào tháng 2 năm 1983.
Miền Giám quản Tông tòa Nam Arập bao gồm Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Oman và Yemen được thành lập ngày 31 tháng 5 năm 2011 trên cơ sở chia tách Miền Giám quản Tông tòa Arập thành hai miền: Miền Giám quản Tông tòa Nam Arập và Miền Giám quản Tông tòa Bắc Arập gồm Bahrain, Qatar, Arập Saudi và lãnh thổ phía bắc của Kuwait.
Trụ sở của Tòa Giám mục Miền Giám quản Tông tòa Nam Arập đặt tại Nhà thờ Thánh Giuse ở Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất. Theo Niên giám Tòa Thánh năm 2014, trong toàn vùng Miền Giám quản Tông tòa Nam Arập có 942.000 tín đồ Công giáo trong tổng số dân là 38.185.000 người. Đến năm 2018, theo con số ước tính của Liên Hợp Quốc số tín đồ Công giáo toàn miền là 1.300.000 người trong tổng số dân là 42.948.063 người. Tất cả số tín đồ Công giáo này đều là những người lao động nước ngoài thuộc khoảng 150 quốc tịch khác nhau[8].
Giám quản Tông tòa hiện nay của Miền Giám quản Tông tòa Nam Arập là Giám mục Paul Hinder, người Thụy Sĩ, thuộc dòng Anh em Hèn mọn Capuchin. Trước đó Giám mục Paul Hinder được Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa Arập, cai quản Giáo hội Công giáo tại 6 quốc gia trên bán đảo Arập gồm Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Bahrain, Oman, Qatar, Arập Saudi và Yemen. Với những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong suốt thời gian cai quản Giáo hội Công giáo tại vùng đất nhạy cảm này, Giám mục Paul Hinder đã được trao giữ nhiều vai trò cố vấn và là thành viên trong các Hội đồng Giáo hoàng khác nhau tại Vatican. Ngài cũng là thành viên của phái đoàn Công giáo trong cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Công giáo - Islam giáo được tổ chức tại Rôma vào tháng 11 năm 2008.
Ngoài Giám mục Paul Hinder, tại Miền Giám quản Tông tòa Nam Arập còn có 67 linh mục và khoảng 100 nhân viên mục vụ thuộc dòng Anh em Hèn mọn Capuchin đến từ tỉnh Tuscan, Italia. Việc cử hành các Thánh lễ và giảng dạy giáo lý ở đây được thực hiện bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như: tiềng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italia, tiếng Arập và tiếng các di dân đến từ nhiều nước khác nhau.
Theo số liệu chính thức của Tòa Thánh Vatican, hiện nay tại Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất có khoảng 1.000.000 tín đồ Công giáo đang sinh sống. Vatican news đưa ra những số liệu thống kê sau: “ Tại Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất hiện có 8 giáo xứ và 15 trung tâm mục vụ, tại đây có khoảng 70 linh mục đang phục vụ. Mỗi một trung tâm như thế nuôi dưỡng hơn 39.000 tín đồ. Hơn 1.500 giáo lý viên - giáo dân trợ giúp cho các linh mục và tu sĩ. Người Công giáo điều hành 27 trường học với hơn 20.000 học sinh theo học; Giáo hội cũng điều hành 2 phòng khám ngoại trú và 2 trung tâm tư vấn gia đình”[9]. Ngoài ra, Tòa Thánh cũng tuyên bố hy vọng sẽ mở rộng sự hiện diện của Giáo hội Công giáo tại UAE.
Trở lại chuyến tông du của Giáo hoàng Phanxicô tới Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất. Đây là lần đầu tiên Giáo hoàng đặt chân đến bán đảo Arập nhưng không phải là lần đầu tiên Ngài tới các quốc gia Islam giáo và trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục có những chuyến tông du như thế.
Bên cạnh những người ủng hộ, trong cộng đồng quốc tế cũng có những ý kiến bày tỏ sự không hài lòng và phê phán chuyến tông du tới Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất của Giáo hoàng. Một số người cho rằng, UAE là quốc gia đứng đầu trong liên minh các quốc gia trên bán đảo Arập tham gia vào cuộc chiến tranh ở Yemen. Một số người khác lại nhận xét rằng, sự gần gũi với Islam giáo như vậy có thể được hiểu như là sự gắn bó của Công giáo với các tôn giáo khác và điều đó góp phần làm gia tăng số lượng tín đồ Islam giáo ở Châu Âu vốn sắp tới ngưỡng chịu đựng của châu lục già này.
Theo dự báo của các nhà phân tích, tới năm 2050 tỉ lệ người Islam giáo ở các nước Châu Âu sẽ chiếm xấp xỉ 11% dân số. Tuy nhiên, nếu con số 1.000.000 tín đồ Công giáo ở Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất mà Tòa Thánh Vatican đưa ra là đáng tin cậy thì sự gia tăng tín đồ Islam giáo ở Châu Âu hoàn toàn có thể so sánh với tỉ lệ tín đồ Công giáo ở UAE, và rất có thể tỉ lệ gia tăng này sẽ ít hơn tỉ lệ gia tăng tín đồ Kitô giáo ở các nước vùng vịnh Péc Xích (hay còn gọi là Vịnh Ba Tư). Theo các số liệu gần đây, hiện nay tại các nước trên bán đảo Arập có khoảng 2.000.000 tín đồ Kitô giáo đang sinh sống. Dân số trên bán đảo Arập năm 2014 là 77.584.000 người. Như vậy, tín đồ Kitô giáo chiếm gần 3% dân số trong vùng. Theo nhiều nguồn số liệu khác nhau, hiện nay tại Tây Âu có từ 4 đến 5% dân số theo Islam giáo. Những nước có nhiều tín đồ Islam giáo ở Tây Âu: đứng đầu là Pháp, tiếp đến là Đức, sau đó là Anh. Tại các nước này có từ 4,5 đến 7% dân số theo Islam giáo[10].
Cả người Công giáo lẫn các chuyên gia quốc tế đều có chung nhận xét rằng, sự gia tăng các tín đồ Kitô giáo trên bán đảo Arập trong những thập niên gần đây là do sự gia tăng làn sóng người lao động nhập cư đến từ Ấn Độ, Philippine và một số nước khác. Theo số liệu của Tòa Thánh Vatican, năm 2007, khi Giáo hội Công giáo Rôma thiết lập quan hệ ngoại giao với Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, tại đây số tín đồ Kitô giáo chiếm 8,7% dân số UAE. Trong số đó, tín đồ Công giáo chiếm 4,5%, tín đồ Chính Thống giáo chiếm 3,2%, tín đồ Tin Lành giáo chiếm 1%.
Hiện nay, dân số Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất vào khoảng 10.000.000 người. Trước đó, vào năm 2016 con số này là 9.269.612 người. Theo nhận xét của nữ học giả người Nga - Milena Faustova, nếu tin theo con số của Tòa Thánh Vatican, hiện tại ở UAE có 1.000.000 tín đồ Công giáo đang sinh sống và làm việc thì hóa ra là tỉ lệ tín đồ của Giáo hội Công giáo Rôma đã chiếm tới gần 10% dân số nước này. Và như vậy, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, chẳng bao lâu nữa tỉ lệ tín đồ Công giáo ở Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất sẽ dễ dàng vượt qua tỉ lệ tín đồ Islam giáo ở Châu Âu[11].
Nhưng ở đây có một điều cần nói rõ ràng rằng, những tín đồ Kitô giáo là người lao động nhập cư rất khó có thể, thậm chí là không thể trở thành công dân chính thức ở các nước vùng vịnh Péc Xích, nơi mà Islam giáo ngự trị với tư cách là quốc giáo. Điều đó có nghĩa là sự có mặt của những tín đồ Kitô giáo lao động nhập cư ở vùng đất này chỉ là tạm thời do liên quan đến việc làm. Trong khi đó, các tín đồ Islam giáo ở Châu Âu lại dễ dàng hơn nhiều trong quá trình tìm kiếm tư cách công dân của các nước ở châu lục già này. Đây là một nghịch lý cần lưu ý khi so sánh sự tăng trưởng tín đồ Kitô giáo trên bán đảo Arập và sự tăng trưởng tín đồ Islam giáo ở các nước Châu Âu.
[1] Xem: MilenaFaustova. Tỉ lệ người Công giáo ở UAE cao hơn tỉ lệ người Islam giáo ở Châu Âu (tiếng Nga). www.ng.ru/ng_religii/2019-02-05/11_458_oae.html
[2] Source: Apostolic Vicariate of Southern Arabia Programme of the Visit of Pope Francis to The United Arab Emirates (3-5 February 2019)
[3] Pew Research Center’s Religion & Public Life Project: United Arab Emirates. Pew Research Center, 2010; United Arab Emirates. International Religious Freedom Report 2007. State.gov. Retrieved 27 September 2013
[4] United Arab Emirates. International Religious Freedom Report, Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor (2009). U.S. Departement of State
[5] “Islam: Sunnis and Shiites”,investigativeproject.org. 23 February 2004
[6] United Arab Emirates. International Religious Freedom Report, Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor (2009). U.S. Departement of State
[7] “International Religious Freedom Report for 2012 - United Arab Emirates”. Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor
[8] Source: Apostolic Vicariate of Southern Arabia Programme of the Visit of Pope Francis to The United Arab Emirates (3-5 February 2019)
[9] Trích theo: MilenaFaustova. Tỉ lệ người Công giáo ở UAE cao hơn tỉ lệ người Islam giáo ở Châu Âu (tiếng Nga). www.ng.ru/ng_religii/2019-02-05/11_458_oae.html
[10] Theo: MilenaFaustova. Tỉ lệ người Công giáo ở UAE cao hơn tỉ lệ người Islam giáo ở Châu Âu (tiếng Nga). www.ng.ru/ng_religii/2019-02-05/11_458_oae.html
[11] MilenaFaustova. Tỉ lệ người Công giáo ở UAE cao hơn tỉ lệ người Islam giáo ở Châu Âu (tiếng Nga). www.ng.ru/ng_religii/2019-02-05/11_458_oae.html