Vài nét về Giáo hội Chính Thống giáo Nga
Ngày đăng: 16/07/2018Với người dân Nga, nói đến nước Nga là nói đến Chính Thống giáo. Tôn giáo và dân tộc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau với luận đề: “Nga - có nghĩa là Chính Thống giáo”. Giáo hội Chính Thống giáo Nga có tên pháp lý thay thế là Tòa Thượng phụ Moskva và toàn nước Nga. Đây là một trong các giáo hội Chính Thống giáo Phương Đông độc lập và hiệp thông với nhau. Giáo hội Chính Thống giáo Nga chính thức đứng ở bậc thứ 5 ngay sau các Tòa Thượng phụ Hy Lạp cổ là Constantinopolis, Alexandria, Antiokhia và Jerusalem.
Tín đồ thuộc Giáo hội Chính Thống giáo Nga không chỉ có ở nước Nga, mà còn có ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ước tính đến năm 2011 Giáo hội Chính Thống giáo Nga có khoảng 150 triệu tín đồ ở hơn 60 nước. Giáo hội Chính Thống giáo Nga được tổ chức trong một cấu trúc phân cấp. Mỗi nhà thờ trong Giáo hội được tổ chức thành một giáo xứ. Tất cả các giáo xứ trong một khu vực địa lý thuộc về một giáo phận. Hiện tại Giáo hội Chính Thống giáo Nga có 130 giáo phận với hơn 30 nghìn giáo xứ trên toàn thế giới. Riêng tại nước Nga, tính đến năm 2012, tín đồ Chính Thống giáo chiếm khoảng 41,1% dân số[1]. Tuy nhiên, đây chỉ là những số liệu mang tính tương đối.
1. Chính Thống giáo Nga từ khi du nhập đến khi Liên Xô tan rã
Lịch sử du nhập Kitô giáo vào nước Nga được bắt đầu vào thế kỷ X. Vào thời kỳ này, với mục đích củng cố sự thống nhất về mặt chính trị cho nhà nước Nga Kiev nhiều bộ tộc, ngay sau khi lên cầm quyền, Hầu tước Vladimir đã rất quan tâm tới việc tạo ra một hệ thống tôn giáo chung cho toàn bộ dân chúng Nga và biến thủ đô chính trị Kiev thành một trung tâm tôn giáo chung cho cả nước. Lúc đầu ông có ý định thống nhất toàn bộ các tôn giáo - tín ngưỡng bản địa và trên cơ sở đó lập vạn thần miếu (đền Parteon) chung cho cả nước. Đây là một hình thức Đa thần giáo.
Tuy nhiên, vào thời kỳ này Kitô giáo đã xâm nhập rất mạnh vào nước Nga Kiev từ vùng đất của các bộ tộc Tây Slavơ và từ Đế chế Byzantine. Nhiều sĩ quan và binh lính Nga sau khi đi chinh chiến từ Byzantine trở về đã mang theo đức tin Kitô giáo. Thêm vào đó, từ nước láng giềng Bulgaria kinh sách Kitô giáo bằng tiếng Slavơ cổ cũng được đưa vào nước Nga Kiev. Tại thủ đô Kiev đã xuất hiện những nhà thờ Kitô giáo đầu tiên. Song các hầu tước Kiev chưa vội vàng tiếp nhận Kitô giáo, bởi vì việc chịu phép rửa tội và gia nhập đạo Kitô đồng nghĩa với việc biến mình thành chư hầu phụ thuộc vào Đế chế Byzantine.
Nhưng cùng với thời gian, người đứng đầu nước Nga Kiev là Hầu tước Vladimir đã từ bỏ Đa thần giáo và đến với Kitô giáo. Tình thế thay đổi khi Hầu tước Vladimir tấn công vào bán đảo Krưm, vùng đất do Đế chế Byzantine cai quản, chiếm thành Korsun của Hy Lạp và tự mình đặt điều kiện cho Hoàng đế Byzantine, buộc người đứng đầu đế chế này phải gả công chúa Anna của Hy Lạp cho ông làm vợ. Lúc này uy tín của Hầu tước Vladimir của nước Nga Kiev trong các quan hệ quốc tế đã lên cao, không còn sự lo ngại về địa vị chư hầu phụ thuộc nữa. Năm 988, Hầu tước Vladimir đã chịu phép rửa tội và chính thức trở thành tín đồ Kitô giáo. Tiếp đó, dân chúng nước Nga Kiev lần lượt theo nhau gia nhập tôn giáo này.
Việc nước Nga Kiev tiếp nhận Kitô giáo được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử tiến bộ, bởi vì Giáo hội Nga đã giúp đỡ nhà cầm quyền củng cố nhà nước còn non trẻ, nâng cao vị thế của nước Nga Kiev trong thế giới Kitô giáo ở Châu Âu và Giáo hội Nga cũng đóng vai trò to lớn trong việc phát triển văn hóa, giáo dục, đưa đất nước tới những giá trị tinh thần cao cả.
Năm 1054 bắt đầu cuộc đại ly giáo lần thứ nhất hay còn gọi là cuộc ly giáo Đông - Tây, từ Giáo hội Kitô giáo hình thành hai giáo hội độc lập: Giáo hội Phương Đông theo văn hóa Hy Lạp với trung tâm là Constantinopolis và Giáo hội Phương Tây theo văn hóa Latinh với trung tâm là Roma, sau này tương ứng là Chính Thống giáo Phương Đông và Công giáo Roma. Giáo hội Nga thuộc Chính Thống giáo Phương Đông.
Dưới thời trị vì của Hầu tước Iaroslav Mudrưi (1019 – 1054), Giáo hội Chính Thống giáo Nga đã hình thành và hoàn thiện cơ cấu tổ chức cùng bộ máy quản lý Giáo hội, tòa án giáo hội được tách ra khỏi tòa án hầu quốc. Cũng trong thời gian này nhiều nhà thờ nổi tiếng của Chính Thống giáo Nga đã được xây dựng tại thủ đô Kiev. Để trở thành một giáo hội độc lập, không còn phụ thuộc vào Giáo hội Byzantine, năm 1051, Hầu tước Iaroslav Mudrưi đã tự mình bổ nhiệm người đứng đầu Giáo hội Chính Thống giáo Nga.
Sau khi nước Nga Kiev suy tàn, quá trình thống nhất nước Nga do các hầu tước vùng Moskva lãnh đạo và từ đây hình thành hầu quốc Moskva hưng thịnh. Trong quá trình chống quân xâm lược, thống nhất nước Nga và xây dựng một nước Nga cường thịnh, chính quyền các thời đại của nước này luôn dựa vào sự ủng hộ của Giáo hội Chính Thống giáo Nga. Do vậy, Giáo hội Chính Thống giáo Nga có một ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước.
Năm 1589, Tòa Thượng phụ Moskva và toàn nước Nga chính thức được Tòa Thượng phụ Đại kết công nhận là một Tòa Thượng phụ độc lập. Trở thành một giáo hội độc lập, các thượng phụ của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn nước Nga không còn phụ thuộc vào Constantinopolis (Byzantine) nhưng ở một mức độ nhất định khác họ lại phụ thuộc vào những người đứng đầu Nhà nước Nga là các Nga hoàng. Vì vậy, các thượng phụ của Tòa Thượng phụ Moskva và toàn nước Nga luôn ủng hộ và đồng hành cùng giới lãnh đạo cao cấp của nhà nước Nga.
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Nhà nước Xô Viết ra đời, những người Bonsevich Nga đứng đầu là V. I. Lênin đã lãnh đạo nhân dân Nga xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đối với vấn đế tôn giáo, người đứng đầu Nhà nước Nga Xô Viết chủ trương: đối với nhà nước, tôn giáo phải là một việc tư nhân, còn đối với chính đảng của những người Bonsevich Nga, thì bất luận thế nào, không thể coi tôn giáo là một việc tư nhân. Nhà nước không được dính đến tôn giáo, các đoàn thể tôn giáo không được dính đến chính quyền nhà nước. Nhà nước không được chi bất cứ một khoản phụ cấp nào cho quốc giáo, cũng như cho các đoàn thể giáo hội và các đoàn thể tôn giáo. Những đoàn thể này phải là những hội đoàn tự do và độc lập với chính quyền. Giáo hội và nhà nước hoàn toàn tách khỏi nhau và nhà trường hoàn toàn tách khỏi giáo hội[2].
Với chủ trương trên của những người Bonsevich Nga, Giáo hội Chính Thống giáo Nga không còn vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội Nga như dưới thời các Nga hoàng. Vì vậy, trong suốt hơn 70 năm tồn tại của Nhà nước Xô Viết, đặc biệt những năm từ sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đến những năm 50 thế kỷ XX, quan hệ nhà nước và giáo hội phát triển theo chiều hướng đối kháng và hậu quả dẫn đến là nhiều cơ sở thờ tự bị phá hủy không được phục dựng lại, các chức sắc tôn giáo bị hoàn tục, bị tù đày, thậm chí bị bức hại. Số lượng chức sắc, tín đồ Chính Thống giáo cũng như các tôn giáo khác giảm đi đáng kể.
Từ năm 1964, Đảng Cộng sản Liên Xô bắt đầu thay đổi chính sách ứng xử với Giáo hội Chính Thống giáo Nga. Một ban chuyên trách về tôn giáo của Hội đồng Bộ trưởng được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 ban chuyên trách về Chính Thống giáo và về công việc phụng tự ra đời từ giữa cuộc Chiến tranh Vệ quốc (1941 - 1945).
Bắt đầu từ cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ XX, khi Liên Xô bước vào quá trình tan rã, quan hệ giữa nhà nước Nga với Giáo hội Chính Thống giáo Nga đã có những cải thiện rõ nét. Nhà nước Nga đã thừa nhận sai lầm tả khuynh trong chính sách tôn giáo. Nhân đó, Giáo hội Chính Thống giáo đã khuyến nghị Chính phủ Nga giúp đỡ về vật chất để tu sửa các nhà thờ Chính Thống giáo đã bị cũ nát do thời gian và sự hủy hoại của con người thời kỳ Xô Viết.Vào cuối thời kỳ lãnh đạo của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachov, một số công trình tôn giáo bắt đầu được tôn tạo. Cũng vào thời kỳ này Giáo hội Chính Thống giáo Nga được đăng ký pháp nhân chính thức nhờ đạo luật “Tự do lương tâm và tổ chức tôn giáo”.
Năm 1988, Giáo hội Chính Thống giáo Nga kỷ niệm 1.000 năm (988 – 1988) Hầu tước Vladimir, người đứng đầu Nhà nước Nga Kiev, chịu lễ rửa tội và chính thức trở thành tín đồ Kitô giáo. Trong suốt thời gian diễn ra lễ kỷ niệm, Giáo hội Chính Thống giáo Nga đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của nhà nước Liên Xô cũng như Liên bang Nga và của chính quyền các cấp ở địa phương. Nhiều nhà thờ, tu viện cũ đã được mở cửa trở lại, những nhà thờ bị phá hủy trước đây nay được nhanh chóng phục dựng lại.
2. Quan hệ giữa những người đứng đầu Giáo hội Chính Thống giáo Nga và Nhà nước Nga từ năm 1991 đến nay
Năm 1991, Quỹ khôi phục nhà thờ Chúa Cứu Thế được lập ra và có tài khoản chính thức để tín hữu có địa chỉ cung hiến. Ngày 16 tháng 7 năm 1992, Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga Boris Eltsin ký sắc lệnh “Thành lập quỹ trùng tu Moskva”, trong đó việc đại tu nhà thờ Chúa Cứu Thế được ưu tiên hàng đầu. Được biết, cựu Tổng thống Boris Eltsin cũng là một tín hữu Chính Thống giáo sùng đạo. Ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên kể từ sau thời kỳ quân chủ tham dự các nghi lễ lớn của Giáo hội Chính Thống giáo Nga.
Cũng trong thời kỳ này, lệnh cấm tuyên truyền tôn giáo trên các kênh truyền hình nhà nước được dỡ bỏ. Lần đầu tiên trong lịch sử Liên bang Nga các lễ lớn tại các nhà thờ Chính Thống giáo được truyền hình trực tiếp. Từ đó đến nay, quan hệ giữa người đứng đầu Giáo hội Chính Thống giáo Nga với người đứng đầu Nhà nước Nga ngày càng chặt chẽ, đặc biệt từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Vladimir Putin cho đến nay.
Được biết, Vladimir Putin sinh ra trong một gia đình mà cha ông là một “người vô thần hăng hái” nhưng mẹ ông lại là một “tín hữu Chính Thống giáo nhiệt thành”. Lúc còn nhỏ ông đã được mẹ thường xuyên đưa đi dự lễ ở nhà thờ và chịu phép rửa tội để trở thành một tín đồ Chính Thống giáo. Theo tự sự của Vladimir Putin, sự chấn hưng cảm thức tôn giáo của ông diễn ra sau tai nạn xe hơi nghiêm trọng của vợ ông vào năm 1993 và đặc biệt nó càng trở nên sâu sắc hơn sau vụ hỏa hoạn nguy hiểm đến tính mạng tại ngôi nhà nghỉ của ông ở vùng nông thôn vào tháng 8 năm 1996.
Người đứng đầu Nhà nước Liên bang Nga và người đứng đầu Tòa Thượng phụ Moskva và toàn nước Nga luôn dành những lời tốt đẹp nhất cho nhau mỗi khi có dịp. Thượng phụ Alexis II khi gặp Tổng thống Vladimir Putin tại tu viện Solovki ở miền bắc nước Nga trong một “cuộc hành hương” đã ca ngợi Putin là người “đã dùng hết nghị lực đế tìm cách trả lại cho nước Nga vinh quang và hùng cường của một thời đại”[3].
Được biết, tu viện Solovki được xây dựng từ thế kỷ XV và trở thành một nơi hành hương quan trọng của tín đồ Chính Thống giáo Nga. Sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 tu viện này cũng như nhiều tu viện và nhà thờ khác của Kitô giáo nói chung, Chính Thống giáo nói riêng đều bị đóng cửa hay bị tịch thu và sử dụng vào các mục đích khác. Trong thời kỳ này vùng Solovki trở thành trại tập trung giam giữ các tù nhân chính trị và chức sắc, tín đồ Kitô giáo. Nhiều người trong số đó đa bị bức hại. Khi “hành hương” tới đây Tổng thống Vladimir Putin đã tránh không nhắc đến vấn đề nhạy cảm này. Ngược lại, Thượng phụ Alexis II lại nhắc đến những cuộc bức hại và những trại tập trung ở vùng Solovki dưới thời Xô Viết những năm 20 - 30 thế kỷ XX và cử hành thánh lễ cầu nguyện cho những người “tử đạo” tại đây. Chính vì vậy, “cuộc hành hương” của Tổng thống Vladimir Putin tới tu viện Solovki đã gây ra những cuộc tranh luận trái chiều trong xã hội Nga vào thời điểm đó.
Tiếp bước Thượng phụ Alexis II, Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Tòa Thượng phụ Moskva và toàn nước Nga hiện nay cũng luôn công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Vladimir Putin. Vào đầu năm 2012, khi các tổ chức đối lập tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối việc Vladimir Putin tiếp tục ra ứng cử và đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 3, trong một cuộc họp với những người đứng đầu tôn giáo vào đầu tháng 2 năm 2012 Thượng phụ Kirill đã nói rằng, Vladimir Putin “đã đóng một vai trò cá nhân rất lớn trong việc thiết lập quá trình lịch sử nước Nga”[4] và ngài muốn bày tỏ sự cám ơn đối với Tổng thống.
Mới đây, sau khi Vladimir Putin giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 4, tháng 3 năm 2018, Thượng phụ Kirill đã gửi thông điệp chúc mừng và gọi ông Putin là một lãnh tụ quốc gia. Trong thông điệp chúc mừng Tổng thống Vladimir Putin tái đắc cử, Thượng phụ Kirill viết rằng, chiến thắng thuyết phục của Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc bầu cử diễn ra công khai và minh bạch với tỷ lệ người đi bầu cao “minh chứng cho sự thật rằng những người Nga thuộc các dân tộc, tín ngưỡng khác nhau, các nhóm xã hội và lứa tuổi khác nhau, thậm chí là các quan điểm chính trị khác nhau, đã đoàn kết xung quanh Vladimir Putin”[5]. Kết quả lựa chọn của người dân Nga chứng tỏ rằng, các kỳ vọng của họ tương đồng với quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin về tương lai của nước Nga như là “một quốc gia yêu chuộng hòa bình và có chủ quyền, bảo đảm các quyền và tự do của con người và chịu trách nhiệm bảo toàn và phát huy các giá trị tinh thần, đạo đức và văn hóa đã hình thành nên đất nước Nga”[6].
Về phần mình, với tư cách cá nhân cũng như vai trò của người đứng đầu nhà nước Liên bang Nga, Vladimir Putin luôn bày tỏ sự tôn trọng và ủng hộ nhiệt thành người đứng đầu Tòa Thượng phụ Moskva và toàn nước Nga nói riêng và Giáo hội Chính Thống giáo Nga nói chung. Ngay từ những ngày đầu trên cương vị tổng thống nước Nga, Vladimir Putin thường xuyên có các cuộc gặp gỡ Thượng phụ Moskva và toàn nước Nga.
Tổng thống Vladimir Putin từng nói đến vai trò tích cực của Kitô giáo trong việc hình thành nước Nga. Trước mặt Thượng phụ Alexis II tại tu viện Solovki trong một “cuộc hành hương” gây nhiều tranh cãi nói trên, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố rằng, nước Nga từ lúc được khai sinh đã là một quốc gia Kitô giáo và quả quyết rằng, không có Kitô giáo, nước Nga có lẽ cũng không bao giờ được khai sinh. Ông khẳng định rằng, “tất cả các dân tộc đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa” và rằng, “tư tưởng này phải được đặt làm nền tảng của đường lối chính trị đối nội và đối ngoại của Liên bang Nga”. Ông nói thêm: “Thiên Chúa đã cứu vớt các dân tộc: chân lý đơn sơ này đã cho chúng ta xây dựng một Liên bang Nga hùng cường”[7]. Năm 2007 là năm kỷ niệm 90 năm Cách mạng tháng Mười Nga, đồng thời cũng là năm bản lề để thể hiện quan điểm về tôn giáo trong cái gọi là “Học thuyết Putin”. Trong cuộc họp báo của Tổng thống Nga ngày 1 tháng 2 năm 2007, Vladimir Putin đã tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng: “Tín ngưỡng truyền thống của nước Nga và lá chắn hạt nhân chính là các thành tố để củng cố vị thế của Nhà nước Nga, tạo nên các tiền đề cần thiết để đảm bảo an ninh cả bên trong và bên ngoài cho nước Nga”[8]
“Tín ngưỡng truyền thống của nước Nga” mà Vladimir Putin nói tới ở đây chính là Chính Thống giáo Nga. Tuy về mặt lý thuyết, các “tôn giáo truyền thống” ở Nga đều bình đẳng, nhưng trên thực tế, Giáo hội Chính Thống giáo không chỉ được tôn lên như một trong số những quyền lực ở nước Nga, mà đức tin Chính Thống giáo còn đóng cả vai trò tín điều chính trị cho cả quốc gia, trong đó có quân đội Nga. Sự có mặt của các linh mục tuyên úy Chính Thống giáo trong quân đội Nga phù hợp với học thuyết “Nền dân chủ có chủ quyền” của Tổng thống Vladimir Putin. Nước Nga trong lịch sử cũng như hiện tại luôn được cai trị bởi chế độ chuyên quyền (authoritarianism) ở các mức độ khác nhau. Mức độ chuyên quyền càng cao thì vai trò của giáo quyền càng rõ nét hơn[9]. Nếu Nhà nước Nga hiện nay thành công trong việc sử dụng tôn giáo như một trong những công cụ để giành lại vị trí siêu cường thì học thuyết “Nền dân chủ có chủ quyền” của Tổng thống Vladimir Putin rõ ràng là có tính sáng tạo.
Với luận đề: “Nga - có nghĩa là Chính Thống giáo”, những nhà lãnh đạo hiện nay ở nước Nga muốn hướng đến việc lấy tinh thần dân tộc Nga làm bệ phóng đưa nước Nga trở lại vị trí siêu cường.
TS. Nguyễn Văn Dũng
[1] “Arena: Atlas of Religions and Nationalities in Russia”. Sreda, 2012; 2012 Arena Atlas Religion Maps. “Ogonek”, No 34 (5243), 27/08/2012.
[2] V. I, Lênin. Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo. Trong cuốn: Mác, Ăngghen, Lênin bàn về tôn giáo. NXB Tôn giáo, Hà Nội 2001, tr.398 – 399 (PGS Nguyễn Đức Sự sưu tầm và biên soạn)
[3] Trích theo: Tổng thống Nga Vladimir Putin nói đến vai trò tích cực của Kitô giáo trong việc hình thành đất nước Nga. http://VNtaiwan.catholic.org.tw/01 news/thoisu99 html
[4] Trích theo: Giáo hội Chính Thống giáo Nga công khai ủng hộ ông Putin. http://www.sggp.org.vn/giao-hoi-chinh-thong-giao-nga-cong-khai-ung-ho-ong-puti-179165.html
[5] Trích theo: Thượng phụ Chính Thống giáo Nga: Bầu cử tổng thống Nga cho thấy sự đoàn kết của người dân xung quanh vị lãnh đạo quốc gia của họ.. https://btgcp.gov.vn/plus.aspx/vi/news/38/0/249/12954/thuong_phu_chính_thong_giao_nga_bau_cu_tong_thong_ng_cho_thay_su_doan_ket...html
[6] Trích theo: Thượng phụ Chính Thống giáo Nga: Bầu cử tổng thống Nga cho thấy sự đoàn kết của người dân xung quanh vị lãnh đạo quốc gia của họ.. https://btgcp.gov.vn/plus.aspx/vi/news/38/0/249/12954/thuong_phu_chính_thong_giao_nga_bau_cu_tong_thong_ng_cho_thay_su_doan_ket...html
[7] Trích theo: Tổng thống Nga Vladimir Putin nói đến vai trò tích cực của Kitô giáo trong việc hình thành đất nước Nga. http://VNtaiwan.catholic.org.tw/01 news/thoisu99. html
[8] Trích theo: Lê Đỗ Huy (tổng hợp).Yếu tố tôn giáo trong “học thuyết Putin”. https://www.vanhoanghean.vn/chuyenmucgocnhinvanhoa/nhin-ra-the-gioi/yeu-to-van-hoa-trong-hoc-thuyet-putin
[9] Báo Độc Lập, ngày 24 tháng 07 năm 2009 (tiếng Nga).