Từ tháp Chăm đến chùa làng
Ngày đăng: 22/02/2018Chùa làng là một dấu ấn lớn trong văn hóa dân tộc Việt, là nét đẹp của sự gắn kết Phật giáo và dân tộc, biểu hiện sự hòa quyện giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Đặc điểm độc đáo hơn, chùa làng ở miền Trung có mối liên hệ thú vị với những đền tháp Chăm qua việc tiếp nhận và chuyển hóa những tượng thần Hindu giáo hay đức tín Quan Thế Âm...
Tiếp biến
Việc tiếp nhận và chuyển hóa các tượng thần Hindu trong tín ngưỡng dân gian làng xã Việt được biểu hiện khá rõ qua sự thay đổi hình dạng, đặc trưng nhân chủng, và y trang của hệ thống tượng thờ. Cụ thể như ba pho tượng ở chùa làng Thành Trung (Thừa Thiên -Huế), hiện nay không rõ về mặt nguồn gốc.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, đây là tác phẩm có sự giao lưu tiếp nối Chăm - Việt, và đã diễn ra một sự chuyển hóa về tên gọi, nét tạo hình, lẫn chức năng khi nằm trong không gian chiêm bái từ ngôi chùa làng ở đây. Tượng Visnu vốn là một trong tam thần của trục tâm linh Ấn giáo, đã được chuyển hóa thành tượng Quan Âm, và người dân Việt trong làng quen gọi là Bà.
Những biến điệu bằng cách bồi đắp thêm y trang, bệ tượng, những thiết trí chầu hầu và vầng hào quang phía sau... đã làm biến dạng toàn bộ những dấu ấn đặc trưng của lối tạo hình tượng thờ Ấn giáo.
Có thể nhìn thấy những cách thức xử lý trong quá trình Việt hóa như sau: Thiết kế thêm phần khung hậu cho tượng và phù điêu vốn có. Tất cả đều được đóng khung nghiêm chỉnh, cân đối theo cách thờ tự người Việt. Bọc lại gần như toàn bộ những chi tiết điển hình của tượng cũ bằng các lớp vôi và sơn sống theo quan niệm Việt. Đắp thêm, chỉnh sửa phần tiền diện và giữ nguyên mặt lưng tượng. Chuyển phần lớn dáng tượng nguyên gốc từ tư thế đứng sang ngồi theo phong cách Việt.
Lấy ví dụ chùa Ưu Điềm (Thừa Thiên -Huế). Những di vật ở chùa cho thấy một cách khác của người Việt trong việc tiếp nhận những tượng thờ Hindu. Người nông dân ở đây không quan tâm đến nguồn gốc, ý nghĩa và chủ nhân đã tạo ra những tượng thờ này. Chẳng hạn, tấm phù điêu chạm khắc những vị thần tối thượng của Ấn giáo như Brahma, Visnu, Civa, Uma, cùng các vị thần quan trọng khác như Nandin, Garuda... khi hiện hữu trong ngôi miếu của khuôn viên chùa làng Việt, chúng lại trở thành bệ trang trí cho một tượng thờ khác, mà gốc gác của tượng thờ này, có khả năng chỉ là một thiết trí phụ trong bố cục điêu khắc vốn có của một ngôi tháp Chăm đã bị đổ nát trước đó.
Chính vì vậy, miếu thờ ở Ưu Điềm, tượng Mẫu đặt ở vị trí cao nhất, bên dưới là tấm lá đề trong kiến trúc tháp Chăm, xung quanh là những di vật khác như linga, bệ yoni và một vài cối cửa... Điều này đã phản ánh rõ nét việc tiếp nhận một cách hồn nhiên mang tính dung dị dân gian Việt, trong quá trình lý giải và thừa nhận những di vật của người tiền trú theo cách riêng của mình.
Hay chùa Đông Lâm (làng Câu/Cu Hoan, Hải Lăng, Quảng Trị) nổi bật với hiện vật Mukhalinga đã được Việt hóa thành Mẫu thần, với nhiều quyền năng trong việc cầu tự, gắn liền với những giai thoại thú vị về sự linh hiển của bà.
Nằm ngay bên cạnh chùa làng, Mukhaliga được thờ trong ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Cầu Tự hay miếu Bà. Vào các ngày lễ vía, có rất nhiều người đến dâng lễ cầu tự với một niềm tin rất mãnh liệt cùng sự linh diệu của nước giếng Chăm kề bên.
Ngoài ra, một bệ Yoni bị vỡ làm đôi được đặt dưới gốc nhãn trong sự mù mờ về tên gọi, nguồn gốc, lẫn chức năng, hay giá trị của bộ phận này. Rõ ràng đây vốn là đầu tượng thần Civa, gắn liền trên thân linga, với bộ ria mép còn khá rõ.
Trong quá trình lý giải và xây dựng niềm tin theo cách của mình, người nông dân Việt đã dùng sơn và vôi làm mờ đi những chi tiết nam tính để biến Civa thành Mẫu. Người ta chỉ chú trọng đến trụ đá có hình người (đầu Civa), trong lúc một bộ phận bất phân ly của trụ đá ấy là Yoni như một cặp phạm trù âm - dương lại bị người Việt "bỏ quên", và chúng đã trở thành vành đai ngăn đất vun cây ở một nơi gần đó (phía bên ngoài ngôi miếu).
Qua những hiện vật từng đề cập, chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ quá trình tiếp nhận và chuyển hóa những tượng thần Hindu cũng như sức sống của nó trong bối cảnh của ngôi miếu thờ cạnh chùa làng hay trong ngôi chùa làng Việt nơi đây. Từ một tượng thần, cho dù xa lạ trong mắt chủ đất mới, nhưng nếu họ khoác lên đó lớp áo văn hóa tâm linh trong quá trình tiếp biến, thì hiện vật ấy vẫn sẽ có sức sống bền bỉ, lẫn chỗ đứng nhất định trong lòng cộng đồng tiếp nhận sau, với đức tin, và lễ thức thờ phụng hoàn toàn không giống với những gì vốn có trước đó.
Sự phổ biến của đức tin Quan Thế Âm
Hình ảnh Quan Âm trong dân gian là một hình ảnh cứu rỗi gần gũi với quần chúng, xuất hiện dưới dạng nữ thần Avalokitesvara là một trong hai Bồ Tát phụ tá Phật A Di Đà ở Tây phương Tịnh thổ, sẵn sàng cứu vớt những ai bị tai nạn, hỏa tai, cướp bóc, thú dữ và bất đắc kỳ tử, sau này cũng mang tên Quan Âm hay Quan Thế Âm chuyển dạng nữ trên đất Trung Hoa. Và từ lúc thành nữ hoàn toàn vào đời Tống thì Bồ Tát đặc biệt bảo trợ đàn bà và ban con cầu tự.
Trên rất nhiều mặt thể hiện, kết quả khảo sát chùa làng còn cho thấy sự phổ biến của đức tin Quan Thế Âm dưới những biểu hiện đa dạng, tùy theo nét đậm nhạt của ảnh hưởng Phật giáo mà có những hóa thân như: Quan Âm Tống Tử; Quan Âm Nam Hải; Quan Âm Tịnh Thủy; Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn; Quan Âm Phục Long... Trong quá trình kế thừa từ người bản địa tiền trú với hình ảnh của nữ thần Poh Nagar (vị thần bảo trợ xứ sở nên rất phổ biến trong dân gian), người Việt đã tạo dựng hình tượng ấy trong sự gắn kết với niềm tin sẵn có, đã khiến những biểu tượng liên quan đến Mẫu, Mẹ, bà Giàng, bà Dương, Phật bà... rất gần gũi với nhau.
Thế ứng xử của người Việt đối với hệ thống tượng thờ Hindu, hoặc là không động đến, hoặc Việt hóa một cách dứt khoát theo quy luật với hằng số chung: Bà, với sự mù mờ trong quá trình nhận diện. Còn lại, các tượng thờ đều được Phật hóa, hoặc quy về "cõi Phật", khi người ta nhận thấy cần thay đổi cho phù hợp với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của chính họ.
Hình tượng Phật Bà trong giai đoạn đầu là vết nối kết những điều lạ lẫm khi người Việt tiếp xúc với các di tích Chăm và để có sự bình an, yên ổn họ đã "quy về một mối thiêng" đó chính là Phật Bà (Quan Âm, Mẫu, Thiên Hậu, hay Bà Trời áo xanh, áo đỏ...), che chở cho những người Việt xa xứ trong vòng tay bảo bọc của yếu tố Mẹ - Bà gần gũi với họ, bất chấp trước đó ngài là ai.
Từ đấy, cho thấy vấn đề tiếp biến của người Việt trước văn hóa dân gian Chăm: Từ chối ngay từ đầu hệ tượng thờ còn gắn liền với những ngôi tháp Chăm còn nguyên vẹn. Lý giải những tượng thờ không có nguồn gốc cụ thể bằng rất nhiều giai thoại, và phủ lên một "lớp thiêng" nhanh chóng. Ví như chùa Thành Trung: tượng Visnu đã được Quan Âm hóa qua bàn tay của người Việt, để trở thành một vị Bồ tát của Phật giáo, thông qua việc tạo nên bàn tay làm bằng gỗ có chốt gắn vào tượng đá theo mô thức "Quan Âm Tịnh Thủy".
Hai tượng hai bên cũng được tạo thành tượng Thích Ca đản sanh mặc xà rông (do tay bị mất hoặc bị đắp lên nhiều lớp nên không còn nhìn thấy phía tay chỉ xuống), và bên kia có lẽ là một tượng Bồ tát hay một vị thiền sư trong tư thế ngồi thiền.
Ở chùa Ưu Điềm, cách thiết trí đã cho ta thấy tất cả các tượng thần Ấn Độ giáo đều quy y Phật và trở thành Phật. Điểm nhấn của di tích này là mảng phù điêu mang hình lá đề của Tam thần chính trong đạo Hindu được đặt xuống vị trí thấp hơn, và một tượng đã bị gãy, bể được đắp lại thành một vị Bồ tát, Phật bà và chiếm vị trí quan trọng nhất trong miếu thờ cũng như chi phối đến quan niệm và niềm tin tâm linh của chính họ. Brahma, Uma, Visnu, Civa trở thành một dạng "chư thiên" đang lễ bái Phật, mặc dù, phần ngẫu tượng được gọi là Phật Bà trong thiết trí chính có thể chỉ là một tượng Apsara trong bố cục vốn có trước đó...
Hiện tượng tiếp thu, biến cải để phù hợp với văn hóa và đức tin vốn có của mình trên con đường đi về phương nam của người Việt, chính là cuộc đụng đầu giữa văn hóa Việt - Trung và Chăm-Ấn. Với tư thế là kẻ chủ động, sự chọn lọc ấy diễn ra theo chiều thuận lợi cho lớp di dân. Quá trình Việt hóa những di tích và di vật Chăm - Ấn trên vùng đất mới, đã diễn ra một cách phong phú, đa dạng, dưới nhãn quan của người nông dân Việt. Qua quá trình hành xử, hiện tượng tiếp biến ấy đã không tạo nên sự xúc phạm hay tương phản thái quá. Trên con đường chuyển hóa từ hệ tượng Ấn - Chăm (Brahma, Civa, Visnu), hay Chăm (Poh Nagar) sang hệ tượng Việt, họ đã đi qua một khâu hóa giải trung gian tương hợp, đó là "Mẫu - Phật bà - Bồ tát". Bởi hình tượng Phật vốn có mặt trong cả hai hệ văn hóa Việt - Hoa lẫn Chăm - Ấn. Sự chuyển hóa này không nằm trong tầng lớp bác học, cung đình, mà thẩm thấu, hòa nhập trong văn hóa dân gian. Chính ngôi chùa làng miền Trung là những gì chúng tôi muốn đề cập như một dạng không gian MẪU, thể hiện sự hòa nhập tài tình, hợp lý, giữa những hiện tượng tưởng như không có chỗ đứng chung trong hệ đức tin, thuộc vùng ảnh hưởng của hai nền triết học và văn minh Trung - Ấn.
|
Theo laodong.vn