Tín ngưỡng Tổ Nghề trong đời sống người Việt ở Hà Nội
Ngày đăng: 05/08/2019
Trong thực tế, sự tôn vinh những vị tổ nghề là một việc làm phổ biến của người dân các làng nghề ở Việt Nam, ca ngợi những anh hùng lao động giỏi, tri ân đến những người đã có công gây dựng, phát triển ngành nghề. “Việc thần thánh hóa những người thợ thủ công tài giỏi, những ông tổ sư các nghề vốn là một đặc điểm phổ biến của truyền thuyết ở nhiều nước.

Về ý nghĩa, nó thể hiện nguyện vọng của nhân dân muốn biểu dương, ca ngợi những thành quả lao động, lý tưởng hóa, nâng lên thành những mẫu mực đẹp đẽ. Nhưng riêng ở Việt Nam lại mang một màu sắc khác: đó là biểu hiện cao đẹp của truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, truyền thống ghi nhớ công ơn của tổ tông, gần là ông bà, cha mẹ mình, xa hơn chung hơn là tổ tiên của dân tộc mình” (1). Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề có ảnh hưởng to lớn tới đời sống kinh tế xã hội, văn hóa của cộng đồng cư dân người Việt ở khu phố cổ Hà Nội trong xã hội truyền thống.

1. Trong đời sống kinh tế xã hội

Trong bảo vệ uy tín của nghề

Từ sự cố kết với nhau trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề có ảnh hưởng lớn đến những hoạt động buôn bán, kinh doanh của phường nghề, như: tiêu thụ sản phẩm, nguyên vật liệu, kỹ thuật, mở mạng lưới chợ để mua bán. Để giữ uy tín cho sản phẩm, mỗi nghề đều có những quy định riêng buộc các thành viên phải cam kết thực hiện. Mỗi thành viên trong nghề phải có trách nhiệm bảo vệ uy tín của phường nghề và giữ gìn chữ tín trong sản xuất kinh doanh, bởi sự hưng thịnh hay suy vong của mỗi nghề đều từ xuất phát chữ tín mà nên. Chữ tín chính là niềm tin của khách hàng dành cho họ. Khi có được niềm tin sẽ có bạn hàng, đối tác, công việc làm ăn buôn bán mới suôn sẻ, phát đạt. Để giữ uy tín của phường nghề, thợ kim hoàn ở Châu Khê, phố Hàng Bạc đã xây dựng Điều lệ phố chợ kim ngân. Điều 52, nêu rõ: “Nghề riêng của phố ta là của báu quốc gia, từ trước đã thành khuôn thước, phải giữ phép phụng sự việc công không thể xem nhẹ. Nếu có ai nhộn nhạo, xem thường phép tắc, bản phố tra xét mà đúng thì sẽ bị phạt một con trâu giá 5 quan, hoặc viên nào đi tra xét có ý thiên lệch cũng bị phạt như trên” (2).

Để có sự ràng buộc lẫn nhau, mỗi nghề đều bầu ra những ông trùm hoặc những người đứng ra đăng cai nhận sản phẩm rồi giao lại cho từng hộ cá thể. Điều 43, quy định: “Lệ về thu tiền thuế nhận đúc vàng để lấy tiền làm lễ hội vào tháng 4. Hễ trong phố có ai nhận đúc vàng, mỗi lượng thu 36 văn tiền (thu từ 5 tiền trở lên). Vàng mỗi hốt không kể tốt xấu thu tiền 30 văn. Người ngoài ngụ cư ở phường thì thu một nửa, nếu việc chi dùng còn thiếu thì thu thêm. Người nào cố tình gian lận thì bất kể người già, phụ nữ, chánh thứ mà bị bản phường tra rõ thực trạng sẽ bị phạt 1 con lợn giá 1 quan 8 mạch. Còn tiền công đúc vàng thì bị truy thu để giữ nguyên tục lệ” (3). Họ cũng đặt ra các quy định bắt buộc các hộ làm nghề phải có cam kết giữ chữ tín của nghề mình. Điều 48: “Bản phố tuân thủ, duy trì lệ cũ, đã phân làm tam trực để ứng phó công vụ, luân lưu. Hễ đến đương trực nào nếu có mua bán, nhận đúc vàng thì trực đó nhận lo việc cho chu tất, nếu trực nào chậm trễ, khất lần để kéo dài càng làm phức tạp thêm thì bị phạt không tha” (4).

Những quy định chặt chẽ đều xuất phát từ uy tín, chất lượng sản phẩm của mỗi phường nghề, đòi hỏi mỗi người sản xuất kinh doanh phải luôn có tâm trong nghề nghiệp để tạo dựng lòng tin, cùng nhau xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của nghề mình. Đó là hình thức cam kết của người sản xuất với khách hàng nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Trong mở mang mạng lưới chợ

Do môi trường sản xuất, kinh doanh chật chội, mỗi gia đình hầu như vừa sản xuất, lại vừa tận dụng mặt bằng hè phố để bán hàng. Điều này sẽ hạn chế việc tăng năng suất và tiêu thụ sản phẩm. Để có thể giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đến được với người tiêu dùng, những người thợ thủ công ở Thăng Long đã liên kết lại và lập những khu phố riêng để bán hàng. Một người châu Âu đến Thăng Long TK XVI đã nhận xét: “Trong thành phố này, mỗi thứ hàng có phố quy định riêng để bán, y hệt kiểu các công ty hay hợp tác ở các thành phố châu Âu” (5).

Còn lái buôn nước ngoài, năm 1925, nhận xét: “Cứ 6 ngày lại có một phiên chợ Hà Nội. Lái buôn và thợ thủ công đủ các loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới. Những người bán tơ lụa tới phố Hàng Đào, những người làm cuốc xẻng tới phố Hàng Đồng, những người làm mũ tới phố Hàng Mũ, tóm lại thợ gì tới phố dành cho thợ ấy (6).

Ngoài những chợ tự phát như trên, để tận dụng công năng, mỗi phường nghề đều sử dụng ngôi đình chung của phường (vừa là nơi thờ cúng tổ nghề, vừa là nơi họp chợ vào những ngày phiên để bán những sản phẩm) như: chợ Tú Đình bán đồ thêu của dân Quất Động, chợ đình Đồng Lạc bán đồ tơ lụa, cổ yếm (phố Hàng Đào), chợ Hoa Lộc bán sản phẩm nghề nhuộm của dân Đan Loan, phố chợ Kim Ngân bán đồ vàng bạc. Những tấm bia hiện còn trong các di tích thờ tổ nghề đã minh chứng cho điều này. Bia Đan Loan Hoa Lộc thị bi ký, tại đình Hoa Lộc cho biết: từ thời Lê Vĩnh Thịnh (1705 - 1719), những người dân xã Đan Loan đã lập chợ Hoa Lộc để bán sản phẩm của nghề nhuộm: “Dân làng tụ họp ở nơi phồn hoa như thế nên đặt tên là chợ Hoa Lộc, gọi đình là Hoa Lộc đình, làng ta có chợ, chợ ta có đình, như vậy đã từ lâu lắm rồi. Làng có lệ làng, chợ có lệ chợ” (7).

Bia Tú Đình trùng tu bi ký, niên hiệu Bảo Đại (1933) tại đình Tú Thị cho biết những người thợ thêu của làng Quất Động di cư ra Thăng Long đã lập chợ Tú Đình ở phố Hàng Mành để bán sản phẩm thêu. Bia Bản nghệ cúng đề bi ký liệt kê các hội chủ của chợ Tú Đình đã bỏ tiền công đức để trùng tu đình Tú Thị thờ tổ nghề thêu: “Chợ Tú Đình, thôn Yên Thái, Hà Nội sửa từ vũ. Các vị công đức bản nghệ cúng tiến tiền của” (ghi tổng cộng 26 người đã bỏ tiền sửa từ vũ). Hoặc ngôi đình Đồng Lạc tại số 38 Hàng Đào là chợ bán yếm lụa: “Đình Chợ bán yếm lụa do Hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Lê Thị Từ Thiết đứng ra xây dựng từ đời Lê, quy mô rộng rãi”(bia đình Đồng Lạc).

Có thể thấy, sản xuất thủ công của Thăng Long - Hà Nội vốn nhỏ lẻ, manh mún và mang tính chất tự phát, không có sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước. Muốn cho nghề phát triển và đứng được ở chốn kinh đô, đòi hỏi sự liên kết của từng phường thợ để tạo đầu ra cho sản phẩm. Ngoài những phố hàng thì những ngôi đình chợ chính là địa chỉ hữu hiệu cho các phường nghề, vừa mang chức năng thờ cúng, vừa mang chức năng là chợ bán hàng.

Tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh

Trong sản xuất, kinh doanh, mỗi phường nghề đều có những hoạt động nhằm giúp đỡ lẫn nhau khi trong phường nghề có người gặp khó khăn về nguồn vốn, nguyên vật liệu, khách hàng, hoặc việc làm. Phường chạm bạc Đồng Xâm ra phố Hàng Bạc làm nghề từ xưa có quy định thành lệ: “Thợ Đồng Xâm hành nghề trong thiên hạ. Một ngày nào đó, nếu thấy xuất hiện một người - dù không quen biết, trên tay cầm một chiếc lông gà hoặc hòn than, ấy là dấu hiệu kêu cứu của thợ bạn đang gặp nạn. Nếu họ cần tiền hãy giúp tiền, cần sức hãy giúp sức. Nếu họ chưa có việc làm thì tạo công ăn việc làm cho họ tùy khả năng mình có (8).

Tinh thần tương trợ ấy xuất phát từ tình cảm gắn bó, ràng buộc lẫn nhau của mỗi phường thợ, tình đồng hương, tình làng nghĩa xóm của những người xa quê hay nói khác đi chính là tình người, tình cảm tốt đẹp của người Việt Nam từ ngàn đời nay trong việc tương thân, tương ái…

Việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất, buôn bán được các phường nghề gặp gỡ vào dịp giỗ tổ nghề, hoặc lễ tế xuân thu nhị kỳ. Đối với mỗi phường nghề, lễ giỗ tổ là ngày quan trọng nhất (nếu phường nghề nào không có ngày giỗ tổ thì lấy 2 kỳ lễ xuân thu làm ngày lễ chính). Trong những ngày này, ngoài thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân cũng là dịp đoàn viên của các phường nghề để ôn lại quá trình sản xuất trong một năm, trao đổi, phổ biến những kinh nghiệm hay, những bí quyết nghề để, cải tiến chất lượng sản phẩm. Và quan trọng hơn cả, trong những dịp lễ, các phường nghề thường có lễ trình nghề, một hình thức giới thiệu, tiếp thị những sản phẩm mới của nghề mình. Qua đó, nhiều mối làm ăn, buôn bán được thiết lập, tạo dựng niềm tin, thương hiệu của mỗi nghề.

2. Trong đời sống văn hóa tinh thần

Trong giáo dục đạo đức truyền thống

Tín ngưỡng tổ nghề có vai trò nhất định trong đời sống văn hóa tinh thần, đặc biệt là đối với nhóm xã hội nghề nghiệp. Trong quan niệm của mỗi người, bất cứ một nghề nào đều có những ông thày để làm điểm tựa tinh thần cho họ trong những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Hình tượng tổ sư/tổ nghề có thể bằng xương bằng thịt, có thể là nhân vật huyền thoại nhưng đều là những người học rộng tài cao, hiểu sâu biết rộng, thông minh, thức thời, nhạy bén. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng vượt qua và thành công trong sự nghiệp. Hơn thế, đa số các vị tổ nghề đều có vai trò với đất nước. Họ vừa là tổ nghề, vừa là một viên quan mẫn cán, một trí thức bậc cao, cũng có những vị tham gia vào các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, dẹp lọan cứu dân… Người đời sau vì thế mà tôn vinh, noi gương, lấy đó để mà phấn đấu, học tập. Bởi vậy thờ cúng tổ nghề luôn có vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho các thế hệ con cháu cách ứng xử trong văn hóa, lòng tri ân, tự hào, ngưỡng mộ, tinh thần hướng về cội nguồn dân tộc, ham học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, vượt mọi khó khăn để đi đến thành công.

Giáo dục đạo đức truyền thống trong thờ cúng tổ nghề còn là sự nhắc nhở những thành viên cùng có trách nhiệm trong việc duy trì, thực hiện những nghi thức sinh hoạt văn hóa tâm linh đối với tổ nghề như: ngày giỗ tổ, ngày tuần tiết, sóc vọng… Một tấm bia không tên dựng năm Duy Tân thứ 8 (1914) tại đình Hà Vĩ (số 2, phố Hàng Hòm) cho biết: “Xã Hà Vĩ, tổng Tín Yên, huyện Thường Tín, theo lệ cũ vì ở tách riêng nên xây một ngôi đình ở hộ thứ 2, phố Hàng Hòm, Hà Thành để làm nơi thờ vọng, hàng năm phải rước thánh về cúng tế.

Hay bia Vũ Du Tiên sư bi ký, niên hiệu Gia Long 13 (1814) quy định “Cứ đến ngày 12 - 6, thợ thêu các làng sắm lễ vật, rước kiệu về làng Ngũ Xã để tế tổ. Năm Cảnh Hưng (1740) được nâng bậc trong bách thần, ghi vào điển lễ. Năm Bính Dần (1746) vâng chiếu chỉ ban áo lễ của nhà vua, phong làm Thượng đẳng phúc thần, cho phép 5 xã tổng Vũ Du và quan Khang Công Phiên làm chủ tế lễ việc công”.

Trong sinh hoạt văn hóa tâm linh

Sinh hoạt văn hóa tâm linh vốn là sợi dây cố kết những thành viên trong cộng đồng làm nghề một cách chặt chẽ, hữu hiệu nhất. Mọi công việc lớn nhỏ của phường nghề đều được họp bàn tại chốn đình chung của phường hội. Đối với mỗi phường nghề, ngôi đình, đền hoặc nhà thờ tổ nghề vừa là nơi thờ cúng tổ nghề nhưng cũng là nơi mà tất cả những thành viên đều được tham gia hội họp để bàn những công việc chung trong sản xuất, kinh doanh, trong trùng tu, sửa chữa di tích cũng như những nghĩa vụ của mỗi thành viên nhằm duy trì những tập tục của địa phương.

Sinh hoạt văn hóa tâm linh được thể hiện rõ nét nhất qua ngày giỗ tổ, ngày lễ xuân thu nhị kỳ, những ngày tuần tiết, sóc vọng. Đây là dịp để mỗi người thợ thể hiện lòng tri ân với tổ nghề, đồng thời củng cố tính cộng đồng, xây dựng tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tạo niềm tin trong làm ăn, buôn bán, cách ứng xử của mỗi thành viên trong phường nghề. Những nghi thức thờ cúng, tế lễ… chính là sự kết nối giữa con người với thế giới thần linh để tạo nên sự thiêng hóa của vị tổ nghề.

Góp phần làm đa dạng bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Văn hóa kinh kỳ vốn là sự hội tụ của nhiều nền văn hóa từ các địa phương khác để rồi kết tinh, chọn lọc, kế thừa, giao lưu và tỏa sáng. Tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề trong khu phố cổ Hà Nội từ khi ra đời, tồn tại đến nay cũng luôn phải vận động để thích nghi với cuộc sống đô thị. Tuy là tín ngưỡng của một bộ phận người Việt (nhóm xã hội nghề nghiệp) nhưng nó có vai trò và ảnh hưởng đến diện mạo văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, nó mang đặc trưng, sắc thái riêng biệt gắn với mỗi nghề truyền thống trong khu 36 phố phường của Hà Nội xưa.

Giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề còn thể hiện ở khía cạnh bản sắc tộc người, thông qua các phong tục, tập quán, nghi lễ, lệ làng, hương ước được các cộng đồng làm nghề mang từ nhiều vùng quê về Thăng Long - Hà Nội. Người ta đều có thể nhận ra, sau mỗi một tên phố có chữ Hàng là cả một mô hình tổ chức xã hội nông thôn được những người thợ thủ công đưa từ quê đến đây với đầy đủ các thiết chế văn hóa truyền thống được duy trì, kết tinh qua hàng trăm năm để trở thành văn hóa đất kinh kỳ thanh lịch và hào hoa. Đó là sự hội nhập của nhiều hình thái tôn giáo, tín ngưỡng các tộc người trong một môi trường mới - môi trường đô thị. Sự tồn tại của tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề đã tạo nên chất hồn của khu 36 phố phường xưa, Kẻ chợ buôn bán sầm uất với nhiều nghề thủ công. Nếu thiếu đi tín ngưỡng này và những di tích thờ cúng tổ nghề thì những chữ Hàng bắt đầu từ tên phố sẽ mất đi nguồn gốc lịch sử và giá trị văn hóa truyền thống lâu đời nơi phố cổ Hà Nội.

______________

1. Kiều Thu Hoạch, Văn học dân gian người Việt góc nhìn thể loại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.

2, 3, 4. Đinh Khắc Thuân, Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.

5, 6. Chu Xuân Giao (chủ biên), Thăng Long từ TK XVII đến TK XIX qua tư liệu người nước ngoài, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.

7. Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Ban Hán Nôm, Tuyển tập văn bia Hà Nội, tập 1, 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

8. Bùi Văn Vượng, Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997, tr.67.

 

Tạp chí VHNT số 385, tháng 7-2016

Theo: vanhien.vn