Thỏa nguyện tâm linh nơi “Đầu sóng, ngọn gió”
Ngày đăng: 25/01/2018Là địa danh thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Quần đảo Trường Sa nằm cách Cam Ranh 248 hải lý, gồm hơn 100 đảo nhỏ, bãi ngầm, bãi đá san hô, bao bọc một vùng biển rộng khoảng 160-180 ngàn km2. Nơi đây đã có rất nhiều chùa, am được người Việt xây dựng và gìn giữ từ lâu. Do tác động của thời gian, thiên nhiên, đa số đã xuống cấp. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, phật tử cả nước, hiện nay, đã có nhiều ngôi chùa được trùng tu, xây dựng khang trang trên huyện đảo Trường Sa, thỏa nguyện ước lớn lao về tín ngưỡng, tâm linh bấy lâu nay của quân dân và Phật tử ở huyện đảo tiền tiêu xa xôi này.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên vị trí lịch sử và trên nguyên tắc thềm lục địa. Các bản đồ địa lý cổ Việt Nam đã khẳng định: Từ đầu thế kỷ 17, Bãi Cát Vàng bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Trong cuốn Phủ biên tạp lục của học giả Lê Quý Đôn cũng khẳng định thực tế trên và hai quần đảo trên thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Những am, miếu thờ còn sót lại nơi đây và hiện vật thu được từ các cuộc khảo cổ đã chứng minh rằng, trên các quần đảo này đã có dấu tích của cha ông ta đã đến sinh sống, lập nghiệp và Đạo Phật cùng con người đã đến đây, tồn tại ở nơi này từ rất xa xưa. Hiện nay, các đảo này thuộc địa giới hành chính huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà, Việt Nam. Vì vậy, việc chính quyền tạo điều kiện xây dựng các chùa và cho phép các nhà sư được ra Trường Sa hành đạo hôm nay như là một sự kế tục tất yếu các thế hệ cha ông đi trước, không một thế lực nào có thể phủ nhận được thực tế hiển nhiên đó.
Trong những năm vừa qua, với sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cơ quan chức năng, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã vận động tăng ni, Phật tử, nhân dân ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài công đức, đóng góp công sức, vật chất, kinh phí trùng tu, xây dựng 6 ngôi chùa ở Huyện đảo Trường Sa được khang trang, to đẹp. GHPGVN cũng đã đề nghị và được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận cho Ban Trị sự GH Phật giáo tỉnh Khánh Hòa bổ nhiệm các tăng làm Phật sự tại các chùa ở huyện đảo (ngày 22/12/2015). Trong số này, có 7 người phát nguyện tiếp tục thực hiện công tác Phật sự lâu dài tại Trường Sa, đó là: Đại đức Thích Nguyên Ngọc, Thích Tâm Tri (chùa Nam Yết); Đại đức Thích Minh Huy (chùa Sinh Tồn); Đại đức Thích Tâm Tánh (chùa Phan Vinh); Đại đức Thích Nhuận Đạt (chùa Song Tử Tây); Đại đức Thích Nguyên Tâm (chùa Sơn Ca) và Đại đức Thích Nhuận Tựu (chùa Trường Sa).
Theo nhà sư Thích Nhuận Tựu, từ xa xưa, trên các đảo giữa Biển Đông của Việt Nam đã có những am, miếu thờ do ngư dân người Việt dựng lên từ những lần ra khơi, bám biển. Họ lập ra các miếu, am này để cầu cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Trên cơ sở tín ngưỡng, tâm linh truyền thống này, hầu hết các ngôi chùa trong quần đảo Trường Sa ngày nay đều được tôn tạo, xây dựng lại từ các am thờ, miếu thờ xưa của ngư dân. Đây là những minh chứng rõ ràng nhất khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam với mảnh đất Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, theo truyền thuyết từ xa xưa, khi ngư dân nước Việt đang đánh cá ngoài khơi thì bất ngờ gặp bão tố, thuyền của họ đã bị lật, họ đã may mắn dạt vào hoang đảo nơi chùa Song Tử Tây tọa lạc hiện nay. Hai hòn đảo này được ngư dân đặt tên là Song Tử Tây và Song Tử Đông. Người Việt đã làm chủ cả quần đảo Trường Sa từ đấy.
Với sự nỗ lực, kiên trì không biết mệt mỏi của những người thợ cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của quân, dân và Phật tử trên huyện đảo, 6 ngôi chùa đã được trùng tu, xây dựng thành các ngôi chùa quy mô hoành tráng, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Mỗi ngôi chùa đều mang những nét độc đáo khác nhau: Chùa Nam Yết (đảo Nam Yết) sát bờ biển, in hình xuống bóng nước lung linh; Chùa Linh Sơn (đảo Sơn Ca) được xây dựng với mái ngói cong vút cùng các bộ hoành phi, câu đối được trạm trổ cầu kỳ, tọa lạc giữa triền cát trắng. Chùa Sinh Tồn (Đảo Sinh Tồn) được xây dựng ở một vị trí trang trọng với kiến trúc giống một ngôi chùa làng ở đồng bằng Bắc Bộ, gồm một gian hai chái, với tường bao trổ hoa, có hệ thống sân, vườn với những cây phong ba, bồ đề xanh ngắt. Ngoài nơi thờ, tụng niệm phật, trong chùa Sinh Tồn còn được đặt trang trọng tấm bia ghi danh các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận Gạc Ma (năm 1988). Chùa Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) tọa lạc giữa trung tâm thị trấn Trường Sa, nằm cạnh đường băng, đối diện Đài tưởng niệm liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc. Trong chùa có sáu bức tượng Phật được chế tác công phu bằng Phật ngọc; là quà tặng của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kèm bức thư gửi quân, dân huyện đảo Trường Sa, bức thư có đoạn:“Mong Đức Phật phù hộ độ trì: Cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi. Cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cho vùng biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển, cùng thịnh vượng”(1). Chùa Vinh Phúc Tự (Đảo Phan Vinh) với mái ngói màu nâu trầm với hệ mái cong, có đầu đao, gồm một gian hai chái, thể hiện nét đẹp bình dị nhưng thâm trầm, uy nghiêm. Trong hệ thống các chùa ở Trường Sa, Chùa Song Tử Tây (Đảo Song Tử Tây) là ngôi chùa lớn nhất. Cùng với ngọn Hải đăng và tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Chùa Song Tử Tây đã tạo thành một quần thể kiến trúc, mang giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh tiêu biểu với hoành phi, câu đối được ghi bằng chữ quốc ngữ:“Mây lành che đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử”. Điểm chung của cả 6 ngôi chùa đều được xây dựng theo phong cách truyền thống Việt Nam, chính điện được đặt theo hướng về Hà Nội. Ngoài điện thờ Phật, các ngôi chùa còn có ban thờ các anh hùng, liệt sĩ và những thế hệ người Việt đã hy sinh để bảo vệ biển đảo. Hoành phi, câu đối ở các ngôi chùa được viết bằng chữ Việt, ca ngợi sự trường tồn của dân tộc, tôn vinh cảnh quan Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển đảo này. Ngoài hệ thống các chùa, ở Trường Sa còn có Am thờ Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt đặt tại đảo Đá Tây A. Trong Am thờ đặt trang trọng phiến đá khắc bài thơ Thần "Nam Quốc sơn hà", là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam được ngư dân thờ tự bao đời hiện vẫn còn nguyên vẹn. Điều đặc biệt là, những người lính, ngư dân hay những đoàn công tác, du lịch khi có dịp ghé qua Đá Tây A đều tới thắp hương tại Am thờ như một sự tri ân và khẳng định chủ quyền biển đảo, vùng trời này là của Tổ quốc ta.
Theo Đại đức Thích Minh Huy, sự hiện diện chùa ở đảo Trường Sa không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống tâm linh của quân, dân huyện đảo mà còn khẳng định tôn giáo luôn đồng hành cùng biển đảo. Những ngôi chùa ở Trường Sa vừa là điểm hẹn văn hóa, tâm linh của con người, vừa khẳng định chủ quyền có tính lịch sử bền vững của dân tộc, sự thiêng liêng của mảnh đất mang hồn Tổ quốc ở nơi đầu sóng ngọn gió này; đáp ứng nguyện vọng lớn lao của quân dân Trường Sa. Đại đức đã khẳng định: Việc xây dựng chùa trên quần đảo Trường Sa là tất yếu, bởi chùa là nơi biểu hiện sinh động đời sống tinh thần của mỗi người dân đất Việt, góp phần làm cho tinh thần của quân và dân trên đảo được ấm áp hơn, gần gũi hơn với đất liền. Cũng như những nhà sư tình nguyện khác đến Trường Sa thực hiện công tác Phật sự, Đại đức cũng thể hiện tâm nguyện:“Cha ông đã hy sinh để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng này. Hiện nay, chúng ta tiếp tục công việc này là để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chúng tôi nguyện là những người kế tiếp, toàn ý sống còn với mảnh đất mà cha ông đã gìn giữ. Trách nhiệm đó không chỉ của tăng ni Phật giáo mà còn là trách nhiệm của đạo hữu các tôn giáo và nhân dân Việt Nam với quyết tâm gìn giữ trọn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc”.
Hàng ngày, vào 4h30 sáng, các ngôi chùa trên đảo đều ngân vang lên tiếng chuông chùa như báo hiệu một ngày mới an lành cho quân, dân trên đảo. Buổi hành lễ của chư tăng các chùa diễn ra trong không khí thiêng liêng và trang trọng. Tiếng chuông ngân vang cầu nguyện an bình cho vùng biển “Đầu sóng ngọn gió” của Tổ quốc, như rút ngắn khoảng cách giữa đảo và đất liền; là biểu tượng của khát vọng hòa bình muôn đời của người Việt Nam. Dù không phải là phật tử, nhưng hàng ngày, nhiều người dân trên các đảo đều tới chùa thắp hương, tụng kinh, niệm phật để cầu hạnh phúc, sức khỏe cho bản thân và gia đình, tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Lý giải về giờ thỉnh chuông của các ngôi chùa đều bắt đầu từ lúc 4h30 sáng và 18h chiều, Đại đức Thích Đức Hỷ (trụ trì chùa Sinh Tồn năm 2012) cho biết: "Tiếng chuông chùa lúc 4h30’ mỗi sáng khi giấc ngủ căng tròn và bình minh bắt đầu hừng hực một ngày mới, đó không chỉ là tiếng chuông thức tỉnh lương tri con người hướng về nguồn cội, mà còn là tiếng chuông báo hiệu một ngày mới an lành. Tiếng chuông lúc 6h tối như khép lại sau một ngày làm việc mưu sinh, lòng người hướng thiện, chính nghĩa"(2). Mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, mọi người cảm thấy ấm lòng hơn và thấy đất liền như gần hơn.
Cũng như Ðại lễ Phật Ðản những năm trước, mừng Ðại lễ Phật Ðản năm nay, các chùa như lộng lẫy, đông vui hơn, bà con, phật tử đến lễ chùa với tâm trạng hân hoan, phấn khởi hơn những năm trước. Mọi người ăn mặc thật đẹp, náo nức ra chùa dâng hương, lễ Phật. Từ trước Ðại lễ Phật đản, nhiều người dân đã không ngại khó đến giúp sư thầy trang hoàng chùa. Chính quyền ở các đảo cũng đến thăm hỏi, chia sẻ công việc cùng các tăng sĩ, tạo điều kiện đại lễ được hoàn tất viên mãn; góp phần vào việc bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên các đảo. Điều đặc biệt là, ngoài các lễ nghi bình thường, ở các chùa trên đảo còn tổ chức lễ cầu siêu cho các linh hồn liệt sĩ Trường Sa và các thế hệ người Việt đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo và đồng bào, bạn bè quốc tế tử nạn trên biển Đông với sự tham dự của nhiều chư tăng từ Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh…
Không biết tự bao giờ, ngôi chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh vững chãi cho quân, dân và Phật tử trên đảo Trường Sa hăng hái tham gia lao động sản xuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu nguyện ước tâm linh, tín ngưỡng của bà con đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền tỉnh Khánh Hòa quan tâm, thỏa nguyện. Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, người đã gắn bó với Trường Sa đến nay đã hơn 25 năm cho biết: “Những ngôi chùa tại Trường Sa đã có từ rất lâu. Thăm chùa, mọi người thấu hiểu thêm rằng để có những ngôi chùa nguy nga, tráng lệ này thì biết bao máu xương người Việt đã đổ xuống. Được sự quan tâm của cả nước, cũng theo ý nguyện của toàn dân trong huyện, huyện đảo Trường Sa đã củng cố lại các ngôi chùa. Bà con đi đánh bắt hải sản xa đảo, xa bờ thường lên chùa cầu may mắn. Chùa vừa góp phần bảo vệ chủ quyền vừa góp phần làm giàu kinh tế cho đảo”(3). Trung tá Trương Sỹ Nam, Chủ tịch xã Song Tử Tây thì khẳng định: “Quân và dân trên đảo luôn đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ, một lòng khắc phục khó khăn, lập được nhiều thành tích cao trong sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và xây dựng đảo”(4).
Từ đây, Trường Sa không còn là quần đảo trơ trọi giữa biển cả mà trở nên thân quen, gần gũi vô cùng. Bởi ở đó, cuộc sống đang trên đà khởi sắc, phát triển, cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân đã được quan tâm, đảm bảo ngày càng tốt hơn. Nhân dân đã an cư, lạc nghiệp, các thế hệ con cháu được sinh ra, lớn lên tiếp nối truyền thống dựng và giữ nước của ông cha ta. Những ngôi chùa trên đảo không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh của người dân nơi đây, mà còn mang thông điệp: Nhân dân Việt Nam luôn mong muốn được sống trong hòa bình, hữu nghị với nhân dân các nước.
Quốc An
Chú thích:
1, Thông điệp từ những ngôi chùa ở Trường Sa,
https://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/245/0/1869/Thong_diep_tu_nhung_ngoi_chua_o_Truong_Sa
2. Tuấn Mạnh, Tiếng chuông chùa trên đảo xa, Báo Lao động online số ra ngày 01/09/2012
3. Thái Bình, Bình yên những ngôi chùa Trường Sa, Báo VOV online số ra ngày 22/01/2012
4. Khánh Hưng, Song Tử Tây tràn đầy sức sống giữa sóng nước Trường Sa, Báo Xây dựng online số ra 24/05/2017