Nghề làm báo xưa và nay đều cần cái tâm
Ngày đăng: 14/06/2018
Trong những thập niên của thế kỷ XX, vốn là một cộng tác viên từ năm 1980 của một vài tờ báo và do công việc liên quan nên nhiều lần đi công tác cùng với phóng viên của một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Trong những thập niên của thế kỷ XX, vốn là một cộng tác viên từ năm 1980 của một vài tờ báo và do công việc liên quan nên nhiều lần đi công tác cùng với phóng viên của một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Qua những chuyến đi, tôi chứng kiến cảnh phóng viên mỗi lần đi công tác với chiếc túi to đeo bên hông; trong đó có quyển sổ bằng giấy đen thường chỉ viết được một mặt, bút máy Trường Sơn hay Hồng Hà, sau này có bút bi, chiếc máy ảnh Zenit, sau này được cái Pantax là oách và quý lắm rồi… Tất cả chiếm gần hết túi xách và có phóng viên còn mang theo máy ghi âm với cái cần dài hàng mét. Nhiều khi, có nữ phóng viên lúc trèo đèo, lội suối đến các xã ở miền núi vì xe ô tô không đi được, còn vừa thở vừa bảo: Anh cầm giúp em cái túi, nặng quá. Lúc đó, bút viết, quyển sổ, máy ảnh là đồ vật luôn bên mình của phóng viên. Thời nay thì khác hẳn, ngoài chiếc máy ảnh, bút viết, quyển sổ, thậm chí không cần, phóng viên còn có thêm những phương tiện hành nghề hiện đại: Laptop, điện thoại đủ loại, máy ghi âm nhỏ xíu,... Điều kiện thuận lợi giúp các nhà báo tác nghiệp nhanh hơn, có khi vừa dự hội nghị, sự kiện, vừa làm tin bài, kết thúc có thể gửi ngay về Tòa soạn, trừ trường hợp phải đi điều tra kỹ càng những vụ phức tạp ở nhưng nơi khó khăn.... Trong một đợt tập huấn bồi dưỡng cho phóng viên, cộng tác viên, một lãnh đạo của cơ quan báo chí Trung ương khi giảng về yêu cầu của người đi điều tra cụ thể sự việc, có khi nguy hiểm đã nói vui: “đời chỉ giành cho những thằng liều”. Bởi vì, đòi hỏi nhà báo phải năng động, linh hoạt, bản lĩnh, dũng cảm để vượt qua vất vả, bất chấp hiểm nguy.

Trước kia, hầu như phóng viên đi thực tế để “nắm bắt” tình hình, tin sốt hay xác minh sự việc và có nhiều nhà báo lăn lộn với cơ sở. Ngày nay, nhà báo có thể tận dụng các trang thông tin, báo điện tử, mạng xã hội, trang cá nhân,… để tham khảo, kiểm chứng (ít đọc trong sách báo hơn) và phần nào “hỗ trợ” người làm báo có sản phẩm nhanh hơn; trong đó có những tin, bài nóng hổi hàng ngày, hàng giờ,… chậm một giây là tính thời sự giảm. Cũng phải thừa nhận, phóng viên hiện nay khá đa tài, có thể kiêm nhiều việc: Viết bài, chụp ảnh, quay phim và khả năng nắm bắt tình hình nhanh hơn, viết cũng thoáng hơn. Đó là sự thật.

Tuy nhiên, có những tin bài lại chưa thực sự chất lượng nếu không nói là viết ẩu, có một số ít “sáng tác” tin bài theo kiểu “xào nấu” chuyện trên trời dưới đất nên không ít bài khá nhạt; người đọc cảm thấy sáo rỗng. Thiết nghĩ, người làm báo cần rèn luyện bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để nâng cao trình độ, cống hiến xứng đáng với sự tin tưởng của công chúng. Muốn được như vậy, người làm báo phải luôn nỗ lực học hỏi, rèn luyện cả về ý thức lẫn kỹ năng nghề nghiệp. Tâm huyết với nghề rất quan trọng, nhưng ý thức trách nhiệm với công việc và xã hội để có tin, bài phản ánh đúng thực tế, góp phần định hướng dư luận, tuyên truyền giáo dục hoặc phê phán cái sai, cái ác đòi hỏi người cầm bút phải thực sự có cái tâm trong sáng khi đã dấn thân theo nghề.

Tôi vẫn còn nhớ khi đang công tác ở Ban Tôn giáo Chính phủ, có những phóng viên ở Thông Tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân,… khi viết tin, bài về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đều rất cầu thị. Nhiều hôm, đã 23, 24 giờ rồi nhưng có phóng viên vẫn điện hỏi về ngôn từ, thuật ngữ hay khái niệm về tín ngưỡng, tôn giáo vì họ không thật rõ. Các nhà báo thường nói với tôi, khi đưa tin, bài về lĩnh vực này cái gì không hiểu các anh giúp để có được tin, bài tốt, chính xác và tất nhiên chúng tôi luôn sẵn sàng. Ở các lĩnh vực khác cũng vậy, nhiều nhà báo rất cẩn thận, đọc nhiều lần theo cách “chậm chắc” thấy bài viết thật yên tâm mới gửi đi; vì thế, bài viết thường ít mắc lỗi. Tất nhiên thời đó, việc “xử lý” thông tin ở tất cả các công đoạn đều viết tay, tốn giấy bút vì phải viết đi viết lại bản thảo và phải mất nhiều thời gian. Từ khi có máy vi tính, người cầm bút đỡ vất vả, tiết kiệm thời gian hơn nhiều. Việc xem, chỉnh sửa, biên tập lại tin, bài cũng khá dễ dàng, nhanh chóng và không tốn nhiều giấy mực như xưa. Ấy vậy mà báo chí thời nay nhiều khi người đọc cảm thấy khó chịu khi mắc những lỗi sơ đẳng cả ở báo in, báo hình (băng chữ trên truyền hình) mặc dù đã có nhiều ý kiến tham gia. Đấy là chưa kể có những bàì phản ảnh sai sự thật làm ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân gây hậu quả không nhỏ vì những động cơ không trong sáng, vụ lợi. Có những nhà báo bị rút thẻ, bị kỷ luật vì đưa tin không chính xác hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Hiện nay, theo thống kê cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí, trong đó có một hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh truyền hình, còn lại là báo in, tạp chí và báo điện tử với khoảng 19 nghìn nhà báo được cấp thẻ, chưa kể đội ngũ cộng tác viên gắn bó ở hầu hết các tòa soạn. Trước những áp lực không nhỏ trong biển thông tin ngày nay, nhà báo phải tự kiểm soát mình. Vì thế, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là rất cần thiết và quan trọng. Nếu thiếu đạo đức, lợi dụng hành nghề vì mục đích không trong sáng thì sẽ rất nguy hại vì nó để lại những hệ lụy, hậu quả khôn lường. Nhà báo ở thời kỳ nào cũng luôn là những người tiên phong trong các vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh, trong cuộc đấu tranh thiện ác, chống lại cái xấu và nêu lên vẻ đẹp của con người, đất nước. Có thể nói, hầu hết những vụ án lớn bị phát hiện trong những năm qua có công đóng góp không nhỏ của nhà báo. Không ít vụ tham nhũng, tiêu cực ở mọi lĩnh vực được phóng viên bất chấp hiểm nguy, trở ngại điều tra làm rõ. Có nhà báo chỉ vì thẳng thắn, trung thực, quyết liệt đấu tranh với cái xấu của một hệ thống ở địa phương mà bị chịu nhiều thiệt thòi, bị trù dập, thậm chí bị hành hung. Nhưng do giữ gìn được đạo đức, nhân cách nghề nghiệp nên họ luôn vững vàng cây bút cho dù có những con sâu làm rầu nồi canh. Xã hội, nhân dân luôn cần ngòi bút chính trực của người làm báo./.

Đặng Tài Tính