Cơ hội và thách thức đối với giáo dục Phật giáo trong bối cảnh xã hội hiện nay
Ngày đăng: 26/02/2018Toàn cầu hóa và cơ chế thị trường ở nước ta trong thời kỳ mới phát triển đã và đang làm cho không ít chuẩn mực xã hội thay đổi (1). Sự thay đổi về chuẩn mực xã hội ấy đang tác động và đặt ra cho giáo dục Phật giáo nước nhà những cơ hội và thách thức mới:
Về cơ hội, điều không thể phủ nhận là cơ chế thị trường đã có những tác động mạnh, thúc đẩy hiện thực hóa nhanh các tiến bộ khoa học, đồng thời làm thay đổi tư duy theo hướng tôn trọng khách quan. Chính điều đó đã làm cho mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo có phần uyển chuyển hơn. Trước đây, trong quan hệ tôn giáo và khoa học đã từng có tư tưởng cho rằng, tôn giáo sẽ nhanh chóng thu hẹp bởi “ánh sáng khoa học rọi tới đâu, tôn giáo lùi tới đó”. Tuy nhiên thực tế đã không như thế, điều chúng ta thấy rõ thế giới đã bước sang thế kỷ XXI, khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng, nhưng tôn giáo dường như không giảm mà có chiều gia tăng. Từ thực tế cho thấy, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã tạo nên những bước tiến mới giúp con người để phát triển về nhiều lĩnh vực, từ nhận thức thế giới, chinh phục tự nhiên tới nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, mặt trái của tiến bộ khoa học kỹ thuật ấy cũng để lại không ít hệ lụy đặt con người trước những vấn đề nan giải.
Đơn cử, trước đây trong thời gian rất dài con người sử dụng công cụ lao động thủ công, tốc độ khai thác rừng và làm thay đổi bề mặt trái đất khá chậm, nhờ đó thời tiết của vỏ trái đất tuân theo quy luật khá ổn định trong năm. Ngày nay, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người khai thác rừng và vỏ trái đất bằng máy móc hiện đại, mỗi năm rừng nguyên sinh bị tàn phá 10% diện tích, chưa kể tới khai khoáng, thủy điện,…(2). Việc mất diện tích rừng bao phủ bề mặt trái đất, ngăn chặn dòng chảy của sông, suối, khai thác khoáng sản bừa bãi,… đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc hệ sinh thái bề mặt trái đất, tạo nhiều biến đổi nghiêm trọng, để lại không ít hệ lụy như: hạn hán, lũ lụt, thiên tai ngày một khốc liệt và thời tiết bất thường khó dự báo, làm ảnh hưởng thiệt hại không ít đối với cuộc sống trên hành tinh của con người.
Khoa học và nhu cầu con người thúc đẩy công nghệ không ngừng cải tiến đã giúp các lĩnh vực điện tử phát triển rất nhanh, như hệ thống Internet, nâng cấp máy tính, cải tiến điện thoại... làm tăng khả năng xử lý thông tin, lưu trữ và liên kết của con người,… giúp cho cuộc sống thêm nhiều tiện ích. Mặt trái, đi cùng với tiện ích và phát triển ấy là hệ lụy khôn lường: các thế lực cực đoan đã lợi dụng thành quả của khoa học kỹ thuật để chế tạo phương tiện, công cụ, thiết bị, vũ khí, điều khiển chiến tranh,… ngày một tăng mức độ tinh vi, nguy hiểm, trở thành mối đe dọa đối với thế giới, tạo nên nhiều bất ổn, bất an cho xã hội…
Khoa học đã thừa nhận, thế giới là vô cùng vô tận, khoa học nhận thức được vấn đề này thì vấn đề mới xuất hiện. Nhờ khoa học kỹ thuật, con người đã chinh phục được nhiều khoảng không của vũ trụ, tới được mặt trăng và đi sâu vào lòng đất, nhưng hàng loạt những cơ chế hoạt động vận hành ngay trong mỗi con người đối với khoa học vẫn còn là ẩn số bí ẩn. Với lý thuyết về tính hai mặt của sự vật hiện tượng, khoa học đã khẳng định không có bất kỳ một phát minh, phát kiến, ứng dụng khoa học nào mà không để lại hệ lụy cho con người và cuộc sống của hành tinh. Trước những hệ lụy, bất an và bất toàn ấy, trong xã hội hiện đại hôm nay, con người vẫn cần đến tôn giáo như một chỗ dựa tinh thần, để cầu mong sự bình an.
Mặt khác, khoa học kỹ thuật đã nhận diện, soi rọi tôn giáo ở một vài khía cạnh, song chính khoa học, kỹ thuật đã và đang tạo nên những cơ hội phát triển cho tôn giáo ở khá nhiều lĩnh vực như: tiến bộ trong nghiên cứu kiến trúc, vật liệu, kỹ thuật và công nghệ hiện đại..., đã giúp cho việc xây dựng các công trình tôn giáo nhanh hơn, to đẹp, tiện ích hơn; giao thông hiện đại giúp rút ngắn quảng đường, tiết kiệm thời gian cho việc truyền giáo; phương tiện nghe, nhìn đã mở rộng phạm vi, mức độ thông tin; thiết bị chuyển ngôn ngữ đã giúp cho con người của các quốc gia gần gũi nhau hơn để hòa nhập chung tôn giáo; pháp luật tương đồng giúp cho quan niệm về tôn giáo có nhiều cởi mở để tôn giáo từ nước này tới nước khác dễ dàng hơn, nhanh hơn...
Thực tế ngày nay, tôn giáo đang có nhiều cơ hội để hội nhập, phát triển, trong đó đặc biệt là Phật giáo từ sau năm 1999, sau khi được Liên Hợp quốc ghi nhận là tôn giáo điển hình về văn hóa với những giá trị bởi tư tưởng hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển. Chính từ những cơ hội cho tôn giáo phát triển mà không ít các nhà nghiên cứu tôn giáo, xã hội nhận định: “Thế kỷ XXI là thế kỷ của tôn giáo”.
Về thách thức, tuy có nhiều cơ hội, song hiện tại giáo dục Phật giáo ở nước ta đang đứng trước nhiều thách thức rất lớn:
Thứ nhất, Tạo dựng môi trường giáo dục. Trong khi giáo dục Phật giáo cần môi trường yên tĩnh, thanh tịnh nhưng xã hội hiện nay đang đứng trước nhu cầu phát triển mọi mặt, với tốc độ xây dựng, đô thị hóa tăng nhanh, quan hệ giao lưu của con người cũng đa chiều và gấp gáp hơn... Chính sự thay đổi của cơ cấu kinh tế - xã hội đã tạo nên những thay đổi mới, phức tạp và khó lường và sự thay đổi ấy đang tác động vào mọi ngõ ngách của cuộc sống từ thành thị tới nông thôn. Trong điều kiện đó, để tìm được sự yên tĩnh theo đúng nghĩa thật khó. Môi trường thanh tịnh càng khó hơn khi hoạt động xã hội muôn mặt luôn tác động khá nhanh tới mọi con người, đặc biệt là mặt trái: vấn đề xã hội được chuyển tải rất nhanh, mạnh nhờ các phương tiện truyền thông và tiện ích của tin học, sự tác động dù vô thức nhưng lặp đi lặp lại đã tạo hệ lụy làm sai lệch nhận thức hoặc kích thích nhu cầu bất thiện của con người.
Phật giáo là tôn giáo nhập thế, “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, nên từ các vị sư cho tới Phật tử đều luôn gắn cuộc sống tu tập với đời sống xã hội (ngoại trừ rất ít các vị niên trưởng, tu nhập thất hoặc tu theo pháp môn riêng). Chính vì thế, sự tác động từ phía xã hội đến nhà tu hành và Phật tử là điều tất yếu. Đặc biệt, với các Tăng Ni sinh đang tu học trong trường phần đông là tuổi trẻ, nếu chưa có nhận thức đúng và phẩm chất vững vàng, rất dễ bị tư tưởng trái chiều làm cho mất phương hướng. Cùng với hệ thống thông tin mạng, tốc độ lan truyền và ảnh hưởng của dư luận, hoạt động xã hội thời kỳ này nhanh hơn bất cứ thời kỳ nào đã qua trước đó, vì thế cần môi trường thanh tịnh, lý tưởng cho giáo dục Phật giáo quả là việc không đơn giản.
Trường học Phật giáo hiện nay là nơi lý tưởng cho giáo dục Phật giáo, bởi ở đây có môi trường được chuẩn hóa, có hệ thống giáo dục theo quy định của tổ chức Giáo hội, có sự kiểm soát, giám sát theo những chuẩn mực nhất định, có thầy hướng dẫn và kèm cặp, giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với Tăng Ni sinh tu học. Và như thế, đứng trước vấn đề xã hội đặt ra, người tu Phật xem đó như là việc thực hành nhập thế, có sự giúp đỡ và hướng dẫn của thầy. Trong giáo dục Phật giáo hiện nay, Giáo hội cần có những quy định chặt chẽ hơn, cụ thể hơn để xây dựng môi trường giáo dục phù hợp với sự phát triển xã hội và duy trì được Giới luật Phật giáo đối với cả thầy và trò.
Thứ hai, Xây dựng tấm gương trong giáo dục Phật giáo. Giáo dục Phật giáo là giáo dục qua tấm gương. Trong suốt dòng chảy lịch sử, thời nào Phật giáo Việt Nam cũng là tôn giáo nhập thế gắn bó đồng hành cùng dân tộc, thời nào cũng có những bậc đại sư, cao tăng thạc đức tài năng đức độ đứng ra giúp đời, hộ quốc, an dân, là tấm gương cho Tăng, Ni, Phật tử noi theo, học tập.
Ngày nay, Phật giáo Việt Nam vẫn giữ được truyền thống ấy, đặc biệt còn có không ít những bậc chân tu thực học, có ảnh hưởng lớn trong nước và quốc tế. Tuy nhiên do tác động của cơ chế thị trường, một số không ít người trong xã hội, trong đó có cả Tăng, Ni, Phật tử nhìn con người qua lăng kính xã hội nên trong nhìn nhận và đánh giá về con người, về nhà tu hành có sự sai lệch nhất định so với chuẩn mực Phật giáo. Sự lệch chuẩn ấy đang trở thành vấn đề đối với Phật giáo, đòi hỏi Phật giáo cần có nhìn nhận thấu đáo để điều chỉnh trong tổ chức, vững vàng trước biến động của xã hội.
Tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ra đời là một sự kiện đáng tự hào của Phật giáo Việt Nam, thể hiện tâm nguyện của các bậc tôn túc cao tăng Phật giáo từ xa xưa, thể hiện sự đoàn kết thống nhất của một tôn giáo lục hòa cộng trụ, chính tín đồng tu, duy tuệ thị nghiệp. GHPGVN là một tổ chức chung, là nơi quy tụ nhân tài, tập hợp tiềm năng nhằm tạo thành một khối để mỗi người tu Phật chung sức, chung tâm vun đắp cho lớn mạnh hơn; tất cả mọi thành viên đều có cơ hội bình đẳng trong việc góp phần xây dựng Giáo hội, xây dựng thế gian trong sự tiến tu của mỗi cá nhân càng ngày càng thành tựu, làm gương cho xã hội học giá trị đạo đức của Phật giáo mà phát triển văn hóa lối sống tốt đẹp. Theo gương xưa, vì muốn giúp đời mà Thái tử Tất Đạt Đa bỏ ngôi Thái tử đi tu tìm đạo giúp đời, Đức vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng đi tu để làm gương cho dân biết lấy đạo Phật mà cố kết nhân tâm, vun bồi trí đức, cùng nhau bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngày nay, bao nhiêu người vì muốn làm gương về đức độ, tâm, tài mà xuất gia tu Phật. Người xuất gia tu theo Phật giáo hiện nay trong tổ chức GHPGVN trên 53.000 vị sư (3), tuyệt đại đa số là những vị đạo hạnh trang nghiêm được tín đồ Phật giáo và xã hội kính trọng. Trong tổ chức chung đó, có một số ít vi phạm giới luật đã làm ảnh hưởng tới tổ chức và làm sai lệch hình ảnh của Phật giáo, thật là “con sâu làm rầu nồi canh!”.
Để giải quyết vấn đề cá biệt, giáo dục Phật giáo cần nghiêm khắc nhìn nhận và đánh giá về những hoạt động được và chưa được, để có sự điều chỉnh hợp lý, đồng thời phải có định hướng uốn nắn để xây dựng những nhân cách gương mẫu trong tổ chức Giáo hội, tin tưởng vào tổ chức GHPGVN và nhận thức rõ rằng, lệch chuẩn chỉ là vấn đề nhất thời, cá biệt, sớm hay muộn cũng được điều chỉnh bởi nhu cầu phát triển và nhận thức tiến bộ của xã hội.
Thứ ba, Giáo dục Phật giáo cần xây dựng chuẩn mực. Phật giáo cần những chuẩn mực giới luật để làm mô phạm, giúp định hướng đạo đức tu tập và lối sống, trí tuệ chính tín của quần chúng Phật tử. Thực tế cho thấy, cơ chế thị trường ở Việt Nam tuy mới nhưng đã tác động vào đời sống xã hội khá mạnh, làm lệch chuẩn nhiều giá trị truyền thống của văn hóa, đạo đức xã hội. Trước những tác động ấy, điều đáng mừng là trong nội bộ Phật giáo vẫn có rất nhiều các bậc chân tu đạo hạnh, rất nhiều các vị nghiêm trì giới luật để giữ gìn giềng mối, duy trì đạo đức Phật giáo trong xã hội. Tuy nhiên, Phật giáo cũng cần nghiêm túc nhìn nhận trước tình trạng một số ít cá nhân (có thể là những thành phần giả danh hình thức tu sĩ Phật giáo!), lợi dụng cơ chế thị trường để thực hiện lối sống theo quy luật “cung cầu” của xã hội, tạo cá biệt “giàu thì thân, nghèo thì sơ”. Phật giáo chân chính vốn chủ trương chính tín, lục hòa, bát chính đạo, nhân quả..., nhưng một số ít “giả danh” biến Phật giáo trở thành phương tiện thần thánh, cúng kiếng, bói toán, bùa phép, trừ tà ma... làm cho một bộ phận quần chúng Phật tử, vì không hiểu rõ chân giá trị triết lý, đạo đức của Phật giáo, chạy theo.
Từ xa xưa, những việc làm không mang tính Phật giáo ấy chỉ là phương tiện để đưa người chưa biết đạo Phật tới chùa, khi người đến chùa đã bước đầu hiểu và tin Phật pháp, nhà sư hướng dẫn họ bỏ dần mê tín mà theo chính tín tam bảo chứ không ai tới chùa mãi mà vẫn thực hành mê tín. Phật Hoàng Trần Nhân Tông hơn 700 năm trước, “khi tu hành đắc đạo đã chống gậy trúc đi khắp nơi khuyên dân dẹp bỏ dâm từ” (bỏ mê tín dị đoan) (4). Ngày nay khoa học phát triển, những việc thiếu khoa học trong Phật giáo, những việc làm theo các tín ngưỡng Lão, Nho đã được nhiều bậc chân tu viết thành sách, giảng thành bài ghi băng đĩa để cho xã hội biết mà tránh, để làm theo Phật giáo chính tín. Do vậy, với những việc làm chỉ mang tính phương tiện dẫn dụ ấy, trước nguy cơ đang bị một số thành phần lợi dụng, tổ chức Phật giáo cũng nên có các biện pháp nhằm hạn chế, và đi đến bỏ dần để hướng tín đồ Phật tử tới niềm tin Phật giáo theo đúng nghĩa nâng cao nhận thức về triết lý nhân sinh, chuyển hóa nội tâm cho tốt, thay đổi hành động cho đúng để lợi lạc cho chúng sinh và xã hội.
Trong hướng dẫn sinh hoạt của GHPGVN đầu năm 2018 gửi tới tổ chức Giáo hội địa phương và tăng, ni, Phật tử đã có ghi rõ: các chùa không được thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, không đốt vàng mã,…(5). Quy định đó là rất phù hợp để tăng, ni, Phật tử và đông đảo nhân dân, nhận ra mê tín mà bỏ, biết đúng việc thiện việc tốt mà theo. Phật giáo ngày nay đang gương mẫu góp phần cải biến xã hội. Để việc làm đó hiệu quả hơn nữa, Giáo hội cần có những giải pháp cần thiết đối với các biểu hiện chưa đúng chánh tín, chưa đúng với quy định và hướng dẫn của GHPGVN, đề cao các tấm gương điển hình để làm gương cho Tăng Ni, Phật tử học tập, noi theo.
Thứ tư, Giáo dục Phật giáo cần thái độ ứng xử đúng. Phật giáo là tôn giáo từ bi và trí tuệ, ứng xử trong Phật giáo luôn lấy tinh thần khoan dung, vị tha làm phương châm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khá nhiều người trong Phật giáo và trong xã hội ứng xử với những khuyết điểm của Phật giáo chưa được như phương châm đó, thể hiện thái quá ở cả hai cực: Người thì hoàn toàn vô tâm không quan tâm tới đúng sai của người khác - sự vô tâm đến vô cảm đó đang biểu hiện sự xuống cấp của đạo đức văn hóa truyền thống, bởi xã hội và con người luôn cần có sự nương tựa giúp đỡ lẫn nhau. Cực khác, chỉ một chút sơ suất nhỏ trong sinh hoạt, trong vi phạm giới luật đã bị phê phán, bị chỉ trích gay gắt, làm méo mó hình ảnh đến thảm trạng. Nghiêm khắc là tốt, nhưng nếu nghiêm quá dễ dẫn đến quy chụp, dễ làm mất cơ hội cho người mắc lỗi không còn cơ hội sửa mình. Thực tế trong Phật giáo, việc có người vi phạm giới luật, làm sai quy định của tổ chức Phật giáo là khó tránh khỏi. Tuy nhiên đó vẫn là cá biệt, cá nhân, do họ còn đang tập tu, và do nhiều nguyên nhân khác cần được xem xét kỹ để có thái độ đúng, và đưa ra nhận định cho phù hợp. Nghiêm khắc là rất cần nhưng quá khắt khe và nhận định không đúng sự thật thì dễ làm tổn thương cá nhân, dễ mất niềm tin vào Phật giáo. Trong Phật giáo từ xưa đã có câu “lệch kê lấm rửa!”. “Lệch” và “lấm” của một số cá nhân cần được tập thể giúp đỡ, được mỗi người khoan dung để làm cho “lệch” và “lấm” ấy trở lại đúng chuẩn mực. Nếu mang tinh thần và trách nhiệm của Phật giáo thì việc cùng nhau trả lại đúng chuẩn mực đối với Phật giáo không phải là việc khó, bởi những chuẩn mực đó đã có từ cả nhiều ngàn năm trước, nhưng nay “lệch” là vì sự tác động nhiều chiều của xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách công bằng rằng, việc “lệch” và “lấm” ấy một phần do nội lực của mình chưa đủ sức chống lại ngoại cảnh, chứ không phải lúc nào cũng do cơ chế thị trường tác động. Nếu mình vững thì ai có thể làm cho mình lệch? Nếu vì cơ chế thị trường thì các nước phát triển, thực hiện cơ chế thị trường từ rất lâu, sao đời sống xã hội của họ đúng chuẩn mực? Đơn giản chỉ vì cơ chế thị trường của họ được kiểm soát đúng, đảm bảo công bằng cao nhất có thể cho mỗi con người trong xã hội, và mặt khác, mỗi người ở nước họ là một tấm gương, thực hiện đúng pháp luật.
Ngày nay ở Việt Nam ta, luật pháp và mong muốn xã hội đều hướng tới chuẩn mực tốt đẹp, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều các vấn đề cần được điều chỉnh. Ai sẽ điều chỉnh? Dĩ nhiên toàn xã hội. Nhưng trong tổng thể xã hội ấy, Phật giáo là thành phần rất quan trọng của xã hội theo tương quan “Đạo - Đời”, như Hòa thượng Đệ tam Pháp chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ đã nói: “Đạo Phật ngày nay ở ta không còn cấy lúa để có gạo ăn; không trồng dâu nuôi tằm để có vải mặc; không sản xuất chế tạo vật dụng để tự túc vật dùng. Chúng ta phải nhờ Đời để có cơm ăn, áo mặc, vật dùng theo nghĩa Đời nuôi Đạo. Đạo không làm ra vật chất mà được Đời nuôi, ấy là vì Đạo làm ra được thứ mà Đời khó làm được, đó là Đạo đức chuẩn mực, Trí tuệ sáng suốt để trả lại, giúp Đời”.
Vậy nên, để góp phần xây dựng xã hội, Phật giáo phải luôn để Đời kính trọng, cần làm gương về chuẩn mực đạo đức “bỏ xấu, làm tốt” theo đúng triết lý Phật giáo. Đối với xã hội, tăng ni, Phật tử cần có thái độ phản biện, cảnh tỉnh trên tinh thần Phật giáo đối với cái sai, cái xấu. Sửa từ việc lớn đến việc nhỏ, làm tốt từ việc nhỏ đến việc lớn, làm cho các chuẩn mực tốt đẹp được trả lại đúng vị trí của nó thì cả xã hội sẽ nhắc nhau theo tấm gương Đạo trong sáng, người nhỏ không dám làm việc trái, người lớn không ỷ quyền mà làm sai.
Mặt khác, trong bối cảnh xã hội hôm nay, Phật giáo cũng cần tạo môi trường và tìm sự thanh tịnh phù hợp để đạt hiệu quả cao trong giáo dục Phật giáo, cần tạo sự thích ứng với hoàn cảnh của Phật giáo. Điều đó phù hợp với sự linh hoạt của Phật giáo theo tinh thần: khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ để Phật giáo tùy duyên mà hóa độ chúng sinh, tạo hiệu quả giáo dục trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Được như thế, Phật giáo từ đó mà vững, xã hội từ đó mà mạnh, người người kính trọng, thương yêu nhau. Lúc đó sợ gì Phật giáo không mạnh, đất nước không phát triển./
TS. Bùi Hữu Dược