Bức tranh nhân quyền ở Việt Nam: Sự thật và bịa đặt
Ngày đăng: 02/05/2019Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã luôn nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu bảo đảm cho mọi người dân được hưởng các quyền của mình và có cơ hội phát triển toàn diện, làm cho cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội… Chỉ điểm qua những thành tựu trên một số lĩnh vực mà Việt Nam đạt được cho thấy sự thật không thể phủ nhận và là bằng chứng bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, bịa đặt về nhân quyền ở Việt Nam.
Tại Phiên họp thứ 32 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) từ ngày 21/01 - 01/02/2019, Nhóm làm việc về Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) tiến hành rà soát tình hình về nhân quyền ở 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong phiên họp ngày 22/01/2019, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu đã trình bày Báo cáo quốc gia về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III. Tại khóa họp lần thứ 125 của Ủy ban nhân quyền LHQ về Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) trong hai ngày 11 và 12/3/2019, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu đã trình bày báo cáo Phúc trình lần thứ ba về các nội dung liên quan. Các báo cáo của Việt Nam đã nêu bật những thành tựu về nhân quyền mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, bảo đảm Nhà nước Việt Nam sẽ khắc phục hạn chế trong thời gian sớm nhất. Báo cáo của Việt Nam đã được các thành viên tham dự các kỳ họp đánh giá cao và bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ đạt nhiều thành tựu hơn nữa về lĩnh vực nhân quyền.
Trong mấy thập kỷ qua, đất nước phát triển nhanh chóng, uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế… Vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền phát triển, quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động, Nhà nước Việt Nam đã ban hành, tích cực triển khai nhiều chương trình quốc gia trọng điểm nhằm giảm nghèo bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người dân, mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn 5,35%, thu nhập của hộ nghèo tăng từ 15 đến 20%. Tính đến tháng 3/2018, hơn 570 nghìn hộ nghèo ở nông thôn được hỗ trợ về nhà ở; hơn 14 nghìn hộ nghèo tại miền Trung được hỗ trợ xây dựng nhà ở để phòng chống bão lụt; 982 dự án với quy mô 190.841 hộ thuộc chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn thành… Hằng năm, Nhà nước chi hàng chục tỷ đồng để mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT; đến năm 2017, cả nước có hơn 34,2 triệu người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới sáu tuổi được cấp thẻ BHYT; riêng năm 2017 có hơn 66 triệu lượt người nghèo, hơn 15 triệu lượt người cận nghèo khám, chữa bệnh với tổng chi phí được quỹ BHYT thanh toán khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Theo thống kê đến ngày 31/12/2017: 99,4% số xã trên cả nước đã có đường ô tô tới trung tâm xã, 100% số xã và 97,8% số thôn được điện lưới quốc gia bao phủ; 99,7% số xã có trường tiểu học, trường mẫu giáo; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 60,8% số xã có chợ; 58,6% số xã có nhà văn hóa…
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ngày càng được đảm bảo, nhất là từ khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân; 60 cơ sở đào tạo tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hòa Hảo. Các tổ chức tôn giáo được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi tham gia hoạt động xã hội hóa về y tế, giáo dục; đã thành lập hơn 450 cơ sở y tế, 270 trường mầm non; hỗ trợ chăm sóc 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội. Các tôn giáo có 12 báo và tạp chí về lĩnh vực tôn giáo được xuất bản, hầu hết các tổ chức tôn giáo đều có website riêng. Chỉ tính trong bốn năm (2015 - 2019) đã có hơn 3.000 đầu ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hơn 10 triệu bản in, hàng triệu đĩa CD, DVD bằng nhiều loại ngôn ngữ. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức thành công ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản LHQ (Vesak) 2014, 500 năm Cải chánh đạo Tin Lành 2017. Từ ngày 12 -14/5/2019, Đại lễ Phật đản LHQ (Vesak) 2019 được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) với sự tham dự của Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký LHQ, bộ trưởng một số nước và khoảng 60 đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và sẽ có khoảng 1.500 đại biểu quốc tế, 20.000 đại biểu trong nước với khoảng 398 bài tham luận bằng tiếng Anh, 110 tham luận bằng tiếng Việt.
Thực tế thanh thiên bạch nhật như vậy, nhưng các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn ngoan cố luôn vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhằm tác động tiêu cực tới dư luận quốc tế, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam,… “Bàn tay không che nổi mặt trời”, dư luận không lạ gì những tổ chức, cá nhân đã “nhẵn mặt” và xấu hết mức từ lâu luôn thể hiện thái độ thù địch với Việt Nam như: Tổ chức theo dõi Nhân quyền (HRW), Phóng viên không biên giới (RSF), Nhà tự do (FH), Ân xá Quốc tế (AI), tổ chức khủng bố “Việt Tân”… với sự phụ họa của những kẻ “Vô công rỗi nghề” như: BBC, VOA, RFA, RFI… cố tình bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen được các thế lực thù địch với Việt Nam tạo dựng, tuyên truyền trên mạng xã hội,… HRW là một trong số các tổ chức vu khống về nhân quyền có hạng câu kết với các thế lực thù địch tìm cách phục vụ âm mưu chống phá Việt Nam. Từ đầu năm 2019 đến nay, HRW đã tăng cường các luận điệu xuyên tạc, vu khống Việt Nam thông qua các “báo cáo”, “thông báo”… Cái gọi là “Báo cáo nhân quyền toàn cầu năm 2019” ngày 17/01/2019 dựa trên thông tin bịa đặt. Ngày 01/02/2019, HRW lại tiếp tục ra thông cáo chỉ trích Việt Nam “đệ trình một hình ảnh rất sai thực tế về hồ sơ nhân quyền tại Hội đồng nhân quyền (HĐNQ) LHQ ngày 22/01/2019”... Kể từ khi thành lập vào năm 1978 đến nay, HRW thường xuyên bị dư luận thế giới chỉ trích mạnh mẽ luôn thông tin sai sự thật nhằm chống lại một số nước, phục vụ truyền thông phương Tây nhưng vẫn “ngựa theo đường cũ” không thay đổi thái độ thiếu thiện chí chống Việt Nam.
Cũng không thể không nói đến nhân quyền ở một số nước trên thế giới thường tự cho mình cái quyền phán xét nhân quyền ở các nước khác trong khi ở chính nước họ có nhiều vụ trấn áp, bắt giam người vi phạm pháp luật đảm bảo cuộc sống bình an cho người dân và thế giới không cho rằng hành động đó là vi phạm nhân quyền nhưng với các nước không theo ý họ… thì lại bị gán cho tội “vi phạm nhân quyền”? Ngày 23/1/2019, Cảnh sát bang New York (Mỹ) đã bắt giữ 4 nam thanh niên trong độ tuổi từ 16-20 có âm mưu tấn công cộng đồng người Hồi giáo sống không xa thị trấn Greece, thu giữ 3 thiết bị nổ và 23 vũ khí tại nhà của các đối tượng. Ngày 28/6/2018, giới chức Mỹ đã bắt giữ hơn 570 phụ nữ vì tiến hành biểu tình ngồi “trái phép” nhằm phản đối chính sách nhập cư cứng rắn của chính phủ khiến hàng nghìn gia đình bị chia tách.
Một nhóm tự xưng là “Giáo phái” sức khỏe và chữa bệnh Genesis II lên kế hoạch tổ chức buổi họp mặt tại khu nghỉ dưỡng Icicle Village ở Leavenworth, bang Washington, Mỹ vào sáng 20/4/2019 để quảng bá “thuốc thánh” chữa khỏi 95% bệnh tật bằng cách cho mọi người uống chất tẩy công nghiệp MMS, kêu gọi người dân đến tham dự cái gọi là “phương pháp chữa bệnh thay thế hiệu quả”, “có thể cứu sống bạn hoặc cứu sống người thân yêu của bạn đang nằm chờ chết” và yêu cầu mỗi người tham dự sự kiện đóng góp 450 USD để trở thành thành viên của tổ chức, nhận các gói chất tẩy mà họ gọi là “bí tích”… hay những vụ đốt nhà thờ ngay trên đất nước “tự do”, chẳng lẽ chính quyền Mỹ làm ngơ?
Ngày 19/6/2018, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi HĐNQ LHQ. Trước đó vào tháng 10/2018, Mỹ đã quyết định rút ra khỏi UNESCO với lý do chỉ có một số nước thành viên Hội đồng chia sẻ các giá trị “nhân quyền” với nước Mỹ?. Ngày 18/6, đại diện của Cao ủy Nhân quyền LHQ Zeid Ra'ad al-Hussein đã kêu gọi Washington ngừng chính sách “không thể chấp nhận” trên. Mỹ từng từ chối tham gia HĐNQ LHQ khi cơ quan này được thành lập vào năm 2006 để thay thế cho Ủy ban Nhân quyền ngừng hoạt động trước đó cùng năm. Năm 2009, dưới thời Tổng thống B. Obama Mỹ đã gia nhập Hội đồng này và từ ngày 19/6/2018, Mỹ đã trở thành quốc gia thành viên đầu tiên quyết định rút khỏi Hội đồng kể từ khi tổ chức này được thành lập.
Tháng 4/2019, Sở Cảnh sát London đã bắt giữ 682 người trong bối cảnh các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường quy mô lớn đã diễn ra tại thủ đô của Anh trong 5 ngày liên tiếp. Theo giới chức Anh. sự gián đoạn nghiêm trọng mà các cuộc biểu tình gây ra cho người dân ở London là không thể chấp nhận được, Tại Pháp, chính quyền đã bắt giữ hàng trăm người thuộc phe “Áo vàng” tổ chức nhiều cuộc biểu tình gây thiệt hại lớn về tài sản,… người biểu tình Paris bị cấm tới khu vực đại lộ Champs-Elysees, nơi từng chứng kiến bạo lực bùng phát trong một số cuộc biểu tình trước đó. Tại thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp, không khí căng thẳng khi lực lượng cảnh sát dùng súng hơi cay và lựu đạn khói để ngăn chặn đoàn người biểu tình trong khi những người biểu tình đốt phá nhiều dụng cụ xây dựng và một xe tải. Đây là cuộc biểu tình đầu tiên kể từ khi Tổng thống Macorn ký ban hành luật tăng cường quyền lực cho lực lượng an ninh trấn áp hoạt động biểu tình.
Kể từ khi trở thành thành viên của LHQ cách đây gần 4 thế kỷ, Việt Nam đã và luôn là thành viên rất tích cực của tổ chức lớn nhất hành tinh này. Có thể nói những đóng góp của Việt Nam trên cả 3 trụ cột hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển và quyền con người đều được LHQ và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trên lĩnh vực hòa bình, an ninh, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ”. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 dù là lần đầu tiên tham gia nhưng Việt Nam đã phát huy được rất tốt vai trò của mình, đồng thời tham gia rất tích cực trong giải quyết các vấn đề được thảo luận tại Hội đồng Bảo an, góp phần tăng cường hòa bình, an ninh trên thế giới. Hiện nhiều nước đang ủng hộ Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 sẽ là một minh chứng cụ thể. Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, các sĩ quan của Việt Nam được đánh giá rất cao về tính kỷ luật, chuyên nghiệp, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Trong lĩnh vực phát triển, Việt Nam luôn được coi là một hình mẫu trong thực hiện các chương trình nghị sự lớn của LHQ, như thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hay việc thực hiện Sáng kiến về thống nhất hành động của LHQ.
Việt Nam đã được bầu là thành viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ (ECOSOC) 2 lần. Trong năm cuối cùng nhiệm kỳ gần đây nhất (2016-2018), Việt Nam đã rất tích cực triển khai chương trình nghị sự của LHQ về phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững cho đến năm 2030. Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam cũng được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Có thể nói, thông qua tất cả các hoạt động tại LHQ, Việt Nam đã khẳng định được chủ trương của Đảng và Nhà nước, khẳng định là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, chủ động tham gia một cách có trách nhiệm vào những hoạt động chung để xây dựng một thế giới hòa bình và phồn vinh.
Các nước thành viên và bạn bè quốc tế tin tưởng Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, hy vọng Việt Nam sẽ đóng góp lớn hơn nữa, xứng đáng với sự phát triển, với vị thế của Việt Nam trong những công việc chung của thế giới. Đây cũng là thông điệp quan trọng nhất mà Việt Nam muốn gửi tới bạn bè quốc tế thông qua những hành động cụ thể tại LHQ./.
Đặng Tài Tính