Bảo tàng Dân tộc học – Nơi tôn vinh bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam
Ngày đăng: 20/04/2018
Nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học hiện nay đã trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với khách du lịch trong nước mà còn với khách du lịch quốc tế. Sở dĩ như vậy là bởi khi đến tham quan bảo tàng du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu về lịch sử cũng như nét văn hóa vô cùng đặc sắc của đồng bào 54 dân tộc anh em tại Việt Nam.

Với không gian thoáng và cảnh quan đẹp, Bảo tàng được chia làm ba khu trưng bày chính: Tòa nhà Trống Đồng , Khu vực trưng bày ngoài trời và khu trưng bày Đông Nam Á.

Tòa nhà Trống Đồng và Khu vực trưng bày ngoài trời do kiến trúc sư Hà Đức Lịnh (người dân tộc Tày) thiết kế, nội thất công trình do kiến trúc sư người Pháp đảm nhiệm. Tại đây hiện đang lưu giữ khoảng 15.000 hiện vật, 42.000 phim (kèm theo ảnh), hàng trăm băng video, cassette trưng bày nhiều kỷ vật phản ánh mọi mặt đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em, tái tạo thành công những sinh hoạt tôn giáo tiêu biểu cho từng tộc người.

Đám tang của người Mường

Hiện vật được trưng bày trong bảo tàng rất phong phú, từ y phục, đồ trang sức, vật dụng quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc như gùi, dao, cuốc, nông cụ… Mỗi hiện vật trong bảo tàng đều có phụ đề ghi rõ tên gọi, nguồn gốc xuất xứ, tư liệu tham khảo. Các sinh hoạt tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng như ma chay, cưới hỏi được thể hiện dưới những thước phim video sinh động và cuốn hút, có tác dụng phổ biến kiến thức rất hiệu quả.

Khu thờ cúng trong nhà người Việt

Các hiện vật ở đây được trang trí thật đơn giản, không cầu kỳ, để người xem có thể để người xem có thể cảm thụ nhiều nhất cái hay, cái đẹp, cái tinh tế của mỗi hiện vật rất bình dị, đời thường. Nhiều du khách rất thích thú khi được tìm hiểu về tục ma chay của người Mường, cách làm nón lá của người Việt, quy trình dệt vải của người Dao hay lễ nghi cưới hỏi của người Mông…

Mô hình miêu tả Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ ở Yên Bái

Qua tòa nhà Trống Đồng, du khách sẽ bắt gặp một khoảng sân lớn, đó chính là khu trưng bày ngoài trời. Đây là một vườn cây xanh trong đó có 10 công trình dân gian với các loại hình kiến trúc khác nhau.

Nhà mồ Giarai. Trong nhà mồ này có thể chôn khoảng 30 người chết. Bên trong, các ché, bát, đĩa, chai, chén và mô hình dụng cụ lao động là những đồ dùng cho cuộc sống của người quá cố.

Tại đây du khách sẽ bắt gặp những kiến trúc độc đáo của người dân tộc Bana, nhà sàn dài của người Ê đê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người Hmông, nhà ngói của người Việt, nhà sàn thấp của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ tập thể của người Giarai và nhà mồ cá nhân của người Cơtu. Nằm trong khuôn viên khu vườn đầy cây xanh còn có ghe ngo của người Khmer và cối giã gạo bằng sức nước của người Dao… Khu vực trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Dân tộc học là khu đặc biệt thu hút khách bởi đến đây, du khách sẽ được bước chân và những ngôi nhà của người dân tộc, những ngôi nhà này giữ nguyên bản kiến trúc và kích thước thật.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn chặt chẽ chuẩn quốc tế về chất lượng. Trang web du lịch số 1 của Mỹ – TripAdvisor đã ba năm liên tiếp (2012, 2013, 2014) trao chứng chỉ xuất sắc cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, xếp hạng đứng thứ 6 trong top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á.

Hiện Bảo tàng mở cửa đón khách tham quan tất cả các ngày trong tuần, trừ thứ hai. Ngoài các khu trưng bày, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động phong phú và đa dạng, là một địa chỉ lý tưởng cho những du khách muốn nghỉ ngơi, thư giãn, thưởng thức nghệ thuật và khám phá về đời sống văn hoá, tín ngưỡng phong phú của các dân tộc Việt Nam. 

Phương Thủy tổng hợp