Khái quát về Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc)
Ngày đăng: 11/10/2013
Đạo Tin lành được các nhà nghiên cứu cho rằng truyền vào Việt Nam từ thế kỷ XVII, tuy nhiên công cuộc truyền giáo thực sự được đẩy mạnh vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

 

Công cuộc truyền giáo đầu tiên phải kể đến là Hội Liên hiệp Cơ đốc và Truyền giáo (The Christian and Missionary of Alliance - CMA) là tổ chức truyền giáo liên hệ phái của Tin lành thành lập vào cuối thế kỷ XIX ở Mỹ. Dấu mốc hình thành tổ chức đầu tiên vào năm 1911 ở Đà Nẵng được xem là mở đầu lịch sử của đạo Tin lành ở Việt Nam. Năm 1927 tổ chức Tin lành của người Việt Nam được thành lập với tên gọi ban đầu là Hội Tin lành Đông Pháp, năm 1945 đổi tên là Hội thánh Tin lành Việt Nam. Sau hơn 40 mươi năm truyền đạo, từ năm 1911 đến năm 1954, trong cả nước có khoảng 60.000 tín đồ, 132 mục sư, truyền đạo cùng 154 chi hội.

Sau Hiệp định Geneve (7/1954), đất nước bị chia cắt do lịch sử,  giáo hội Tin lành chia thành 2 tổ chức là Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) kéo dài cho tới hiện nay. Cùng với thời gian, do truyền giáo ở bên ngoài vào và hình thành từ trong nước, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều tổ chức Tin lành khác nhau, theo thống kê có khoảng hơn 70 tổ chức Tin lành với khoảng trên 1 triệu người tin theo.

Cuối năm 1954, đầu năm 1955 ở miền Bắc với chiến dịch cưỡng ép di cư của các thế lực thù địch, một số tín đồ chức sắc đạo Tin lành đã di cư vào Nam. Đến năm 1955, số tín đồ Tin lành ở miền Bắc chỉ còn gần 1000 người ở 20 chi hội và gần 20 mục sư, truyền đạo. Từ ngày 10 đến 12/4/1955 số mục sư truyền đạo đã tiến hành Đại hội đồng địa hạt Bắc kỳ với khoảng 200 đại biểu để bàn công việc của hội thánh trong hoàn cảnh miền Bắc đã độc lập, mục sư Dương Tự Ấp làm chủ nhiệm địa hạt. Tuy Đại hội đồng mang tính chất địa hạt nhưng được coi là Đại hội đồng lần thứ nhất của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Trụ sở của giáo hội đặt tại Nhà thờ số 2 Ngõ Trạm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động theo đường hướng tiến bộ "Kính Chúa và Yêu nước".                      

Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) là tổ chức giáo hội được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hướng dẫn, giúp đỡ, có tư cách pháp nhân từ năm 1958, qua một thời gian soạn thảo và tu chỉnh Điều lệ đã chính thức thông qua tại Đại hội đồng lần thứ 8 họp tại Hà Nội từ  ngày 13-15/3/1963. Bản Điều lệ này được sử dụng cho đến 11/2004.

Giai đoạn từ 1954 đến 1975, nhiều bà con tín đồ tham gia các phong trào cách mạng góp phần bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, có những tín đồ, chức sắc được Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu, Huân huy chương cao quý như mục sư Bùi Hoành Thử, mục sư Hoàng Kim Phúc, liệt sỹ Âu Trọng Cừ… Do thiếu chức sắc, người hướng dẫn việc đạo, giáo hội không có sự tăng trưởng lớn về số lượng tín đồ. Tính đến năm 2004, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) có hơn 6 ngàn tín đồ, 3 mục sư, 9 truyền đạo, 14 chi hội ở 10 tỉnh, thành phố (Lạng Sơn: 1 chi hội, Hà Nội: 2 chi hội, Hải Phòng: 3 chi hội, Nam Định: 2 chi hội, Hải Dương: 1 chi hội, Hà Nội (Hà Tây cũ): 1 chi hội, Vĩnh Phúc: 1 chi hội, Hà Nam: 1 chi hội, Thái Bình: 1 chi hội, Thanh Hoá: 1 chi hội). Ngoài ra còn có các nhóm tín đồ nhỏ lẻ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên...

 Từ năm 1984 đến 11/2004, với nhiều lý do nên Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) không tổ chức Đại hội đồng mỗi năm một lần như Điều lệ quy định. Đặc biệt sau khi Mục sư Hoàng Kim Phúc, nguyên Hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) qua đời ngày 20/7/2001 dẫn đến việc Tổng hội bị khủng hoảng về nhân sự lãnh đạo.

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức Đại hội đồng lần thứ 32 trong 3 ngày từ 30/11 đến 2/12/2004 tại trụ sở Tổng hội - Nhà thờ Tin lành, số 2 phố Ngõ Trạm, Hà Nội. Đại hội đồng lần thứ 32 đã tu chỉnh Điều lệ cho phù hợp với bối cảnh mới trên cơ sở kế thừa truyền thống đường hướng "Kính Chúa, yêu người", Điều lệ (2004) gồm 10 chương, 76 điều và bầu ra Ban Trị sự Tổng hội gồm 13 vị  (2 mục sư, 7 mục sư nhiệm chức, 4 tín đồ) do mục sư Phùng Quang Huyến làm Hội trưởng.

Sự phục hưng của giáo hội thực sự vào sau Đại hội đồng lần thứ 32 với việc củng cố lại tổ chức, nhân sự lãnh đạo. Đặc biệt, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) đã từng bước vươn lên thiết lập về tổ chức với số tín đồ là đồng bào Hmông theo đạo Tin lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc nâng tổng số tín đồ của Hội thánh hiện nay lên trên 100 ngàn người. Đến nay giáo hội có 15 chi hội, 13 nhà thờ, gần 1000 điểm nhóm, 11 mục sư, 16 mục sư nhiệm chức, hoạt động trong 27 tỉnh, thành phố ở miền Bắc.

Cùng với việc củng cố tổ chức ở cấp cơ sở, vấn đề nhân sự đứng đầu tại các chi hội, điểm nhóm được Ban Trị sự Tổng hội quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2007, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) đã chọn và cử tuyển được một số sinh viên theo học Viện Thánh Kinh Thần học, đồng thời Hội thánh mở được 6 lớp bồi dưỡng giáo lý cho các trưởng điểm nhóm. Tháng 6/2013 Nhà nước đã chấp thuận cho giáo hội thành lập Trường Thánh kinh Thần học Hà Nội để đào tạo chức sắc chuyên nghiệp trình độ cử nhân và cao đẳng, đến nay trường đã chiêu sinh và khai giảng được khóa I với 25 sinh viên ở cấp đại học. Những hoạt động tôn giáo khác như in ấn kinh sách, xuất bản bản tin Thông công, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự và hoạt động đối ngoại cũng được Ban Trị sự Tổng hội thúc đẩy thực hiện. Việc giao lưu, hợp tác với các tổ chức Tin lành và các đoàn khách quốc tế được đẩy mạnh, nhất là với Tin lành ở Mỹ và Hàn Quốc. Hội thánh tích cực, chủ động tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân do nhà nước tổ chức giúp khẳng định chính sách tự do tôn giáo của Nhà nước ta. Các công việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở số 2 Ngõ Trạm (Hà Nội), sửa chữa nhà thờ ở Thành phố Thanh Hoá, việc xây dựng nhiều nhà thờ ở Chi hội khu vực đồng bằng, thành lập chi hội Thái Bình, thành lập Trường Thánh Kinh Thần học… được chính quyền các các cấp tạo điều kiện giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngày 2/10/2013, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức Đại hội đồng lần thứ 34 với các nội dung chính như Bồi linh, tổng kết nhiệm kỳ cũ, bàn phương hướng nhiệm kỳ tới trong đó có vấn đề thảo luận việc thống nhất giáo hội, sửa đổi Hiến chương (Điều lệ).

Sau gần 60 năm hình thành tổ chức với tư cách độc lập, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) đã có những bước phát triển toàn diện. Các hoạt động mục vụ của giáo hội luôn kế thừa được truyền thống đồng hành cùng dân tộc mà các chức sắc tiên khởi của Hội thánh đã xác lập. Với lịch sử truyền thống như trên mọi người đều tin tưởng trong tương lai, Hội thánh sẽ và phát huy và đạt được những thành quả như mong đợi./.

 

Thanh Long