Khái quát lịch sử Hội thánh Tin lành Việt Nam
Ngày đăng: 03/01/2013
Năm 2011 cộng đồng những người theo đạo Tin lành ở Việt Nam hân hoan long trọng kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành truyền vào Việt Nam. Nhân dịp sự kiện trọng đại này chúng tôi xin cung cấp một số thông tin khái quát về lịch sử hình thành là phát triển của đạo Tin lành ở Việt Nam qua Hội thánh Tin lành Việt Nam làm đại diện nhằm giúp người đọc có một cái nhìn khái quát và sơ lược về lịch sử của đạo Tin lành 100 năm qua.

Hiện nay theo thống kê ở Việt Nam có trên khoảng trên một triệu người theo đạo Tin lành với gần 100 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành khác nhau, (về giáo lý thần học thì thuộc trên 10 hệ phái), đa số các tổ chức Tin lành được hình thành chủ yếu sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ở thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước. Hiện nay đã có 9 tổ chức Tin lành đã được Nhà nước công nhận về mặt tổ chức, số còn lại thường được gọi là hội thánh, nhóm Tin lành tư gia với số lượng từ vài trăm cho đến vài ngàn tín đồ.

Như chúng ta đã biết, đạo Tin lành được truyền vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX do Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp của Mỹ (The Christian and Missionary of Alliance - CMA) truyền vào, đến năm 1911 thiết lập được tổ chức đầu tiên ở Đà Nẵng, đánh dấu mốc lịch sử cho đạo Tin lành ở Việt Nam.  Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ tập trung tìm hiểu đề cập khái quát lịch sử của Hội thánh Tin lành Việt Nam (thành lập năm 1927) là tiền thân của Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) hiện nay. Đây là hai tổ chức Tin lành chiếm khoảng khoảng trên 70% số lượng tín đồ Tin lành ở Việt Nam hiện nay.

1 . Thời kỳ trước khi thiết lập tổ chức

Từ thế kỷ XVIII, các nhà truyền giáo Tin lành phương Tây đi theo các đoàn thương gia đã đến Việt Nam truyền giáo song hầu như không thu được kết quả. Đến năm 1884, những mục sư đầu tiên người Pháp đã thiết lập một Hội thánh cho các tín hữu Tin lành Âu Châu đang sinh sống tại Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 1894 nhà thờ Tin lành đầu tiên được xây dựng, tiếp đó gần 20 năm sau có thêm 2 Hội thánh khác được thành lập tại Hà Nội và Sài Gòn (1902). Tuy nhiên sự truyền bá Tin lành đến người Việt Nam không được chú trọng vì các mục sư người Pháp chỉ tập trung cho tín đồ là người Pháp mà ít quan tâm đến việc rao truyền Tin lành cho người bản xứ. Năm 1902, Thánh Thơ Công hội (một tổ chức chuyên về phát hành, truyền giảng Kinh thánh) đã gởi ông Bonnet đến thành phố Tourane (Đà Nẵng), hoạt động.

Ngoài giáo hội Tin lành Pháp và tổ chức Thánh Thơ Công hội đã có mặt tại Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp cũng đã có tầm nhìn truyền giáo cho bán đảo Đông Dương. Năm 1892 và 1893, trong những chuyến đi du lịch, Mục sư A. B. Simpson, người sáng lập Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp đã đến Đông Nam Á tìm hiểu. Đến năm 1898, một nhà truyền giáo khác của Hội Truyền giáo Phước âm liên hiệp là ông R. A. Jaffray, đã đi dọc theo sông Hồng để đến Hà Nội. Nhưng ông cũng chưa tìm được điểm tựa để khởi sự hoạt động, ông nghĩ rằng có lẽ nếu có một người Pháp quốc tịch Canada hoạt động thì tốt hơn, vì vậy nhà truyền giáo Jaffray thuyết phục ông bà Silvian Dayan đến Việt Nam.

2 . Giai đoạn thành lập về tổ chức 

Năm 1911,  Hội Truyền giáo Phước âm liên hiệp lập được cở sở đầu tiên ở Đà Nẵng, người Việt Nam được kể là đầu tiên tin Chúa, người ta cho đó là ông Nguyễn Văn Phúc, một nhân viên bán sách của Thánh Thơ Công Hội. Các nhà truyền giáo phương Tây thời gian này cố gắng phổ biến một số đoạn Kinh thánh ra tiếng Việt. Các nhà truyền giáo đẩy mạnh hoạt động, mở thêm được một nhà thờ mới tại Hội An (Faifoo). Cho đến cuối năm 1914 thì có thêm nhà thờ Hải Phòng và Hà Nội. Mặc dù được hình thành trong sự khó khăn, nhưng Tin lành tại Việt Nam đã đặt được nền móng. Hội thánh đầu tiên đã được thành lập tại Đà Nẵng , nơi đây đã trở thành chiếc nôi của Hội thánh Tin lành Việt Nam. Sau những khó khăn buổi ban đầu, Tin lành lần lượt được truyền bá rộng rãi ra miền Bắc cũng như được rao giảng trong miền Nam.

3. Giai đoạn củng cố và phát triển

Giai đoạn 1915 đến  1927 đây là thời gian Hội thánh gặp khó khăn sau khi đã được hình thành, tuy nhiên trong giai đoạn này Hội Truyền giáo đã ghi nhận được sự phát triển. Ngoài khu vực miền Trung, các Hội thánh Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác được thành lập. Đến năm 1921, trường Kinh thánh chính thức thức tại Đà Nẵng được thành lập theo khuôn mẫu của trường Thần đạo Nyack thuộc Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp tại New York (Mỹ). Năm 1922 hội nghị tại Đà Nẵng, Hội Truyền giáo đã đề ra chương trình tự trị tự lập cho Hội thánh Tin lành Việt Nam vì nhiều Hội thánh địa phương ở cả 3 miền Việt Nam đã được hình thành và bắt đầu lớn mạnh. Về hành chính của Hội thánh địa phương, được bầu cử các chức viên Chấp sự, Ban Trị sự tuỳ theo nhu cầu của Hội thánh như vẫn còn áp dụng đến hiện nay. Tính đến cuối năm 1927 Hội thánh Tin lành Việt Nam đã có số tín đồ chính thức là 4236 người thuộc 74 Hội thánh chính và nhánh.

Giai đoạn 1927 đến 1954 là giai đoạn có nhiều biến động về lịch sử. Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp tại Đông Dương đã thành lập ra tổ chức riêng cho người Việt Nam là Hội Tin lành Việt Nam Đông Pháp. Vào tháng 3.1927, Đại hội đồng đầu tiên của Hội thánh được triệu tập tại Đà Nẵng. Đại Hội đồng này qui tụ đại biểu của tất cả các Hội thánh địa phương đã được thành lập trên toàn cõi Đông Dương, trở thành Đại hội hành chính của Hội thánh và quyết định thành lập tổ chức riêng. Ở Bắc hạt: Tái thiết 2 nhà thờ Hải Phòng và Nam Định, thêm 4 Hội thánh được mở lại (1948). Trung hạt: Có 17 Hội thánh tiếp tục bị đóng cửa vì còn ở trong vùng tranh chấp. Nam hạt: Có 38 Hội thánh vẫn tiếp tục bị đóng cửa, nhiều nơi các tín hữu nhóm trong nhà riêng. Số tín hữu chính thức thuộc Nam hạt lên đến hơn 7 ngàn tín hữu. Đến năm 1954, Bắc hạt có 12 Hội thánh chính và 7 Hội thánh nhánh, hơn một ngàn người chịu báp têm. Trung hạt có 41 Hội thánh nhưng chỉ còn 33 Hội thánh có sinh hoạt với khoảng trên 3 người . Nam hạt các Hội thánh có phát triển, thành công hơn các địa hạt khác, tổ chức được hang chục Hội đồng bồi linh và truyền giảng Tin lành và hàng trăm ban chứng đạo trong các Hội thánh.

Gia đoạn 1954-1975, đất nước Việt Nam tạm thời chia cắt làm 2 miền và Hội thánh Tin lành Việt Nam cũng bị phân chia ra 2 tổ chức là Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) hoạt động độc lập cho đến hiện nay. Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) do phần lớn tín đồ và chức sắc di cư vào miền Nam nên các hoạt động có phần chững lại, tín đồ đến năm 1975 chỉ khoảng 2000 người. Ngược lại, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) được sự giúp đỡ của chính quyền miền Nam và các tổ chức bên ngoài đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tính đến 1975 Hội thánh có khoảng trên 200 ngàn tín hữu.

Thời kỳ sau 1975, Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) hoạt động hầu như cầm chừng, không mở rộng tín đồ, nhiều chức sắc tuổi cao và qua đời nên bộ máy tổ chức có lúc lâm vào khủng hoảng. Sau 20 năm không có đại hội, Đại hội đồng lần thứ 32 (2004) đã mở ra cho Hội thánh một giai đoạn phục hưng hội thánh, đặc biệt Hội thánh đã bước đầu mở rộng bằng việc thu nhận số tín đồ người dân tộc ở khu vực miền núi phía Bắc khoảng hơn 100 ngàn người tin theo, phạm vi hoạt động ở hơn 20 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình trở ra. Sau 1975 các hoạt động của đạo Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) chưa được nhà nước công nhận tuy nhiên các hoạt động tại gia vẫn được duy trì. Sau Đại hội đồng lần thứ 43 và được Nhà nước công nhận về mặt tổ chức năm 2001, các hoạt động của Hội thánh dần được phục hồi và phát triển toàn diện hơn bao giờ hết. Đến nay số lượng người tin theo khoảng 600 ngàn người, hoạt động ở 34 tỉnh thành phố phía Nam từ Quảng Trị trở vào.

4. Vấn đề đào tạo

Để có được những chức sắc, người hoạt động chuyên nghiệp thì cần phải có cơ sở đào tạo nhằm sớm tiến tới việc tự trị, tự lập hoàn toàn cho Hội thánh. Được sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo Hội truyền giáo Phước âm Liên hiệp, một chương trình huấn luyện cấp tốc, cũng như những nhân sự trong Hội thánh được thực hiện. Đến 9.1921, nhà truyền giáo D. I. Jeffrey mở một trường Kinh thánh chính thức theo khuôn mẫu trường Thần đạo Nyack (Mỹ) của Hội Truyền giáo tại Đà Nẵng. Ngoài trường Kinh thánh tại Đà Nẵng và sau này chuyển vào Nha Trang với tên gọi Thánh kinh Thần học viện còn có 2 trường Kinh thánh cấp thấp hơn tại Đà Lạt và Buôn Mê Thuột dành cho các dân tộc thuộc khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra ở các Địa hạt còn tổ chức những khoá học Kinh thánh ngắn hạn dành cho thanh niên trong Hội thánh. 

 

5. Tổ chức

Đại hội đồng họp tại Đà Nẵng từ ngày 5-13/3/1927 , qui tụ 50 đại biểu, kể  đại diện cho 7 Hội thánh địa phương đã tự trị tự lập. Diễn giả bồi linh cho hội đồng này là Mục sư A. G. Snead, Tổng thư ký hải ngoại của Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp và Mục sư R. A. Jaffray, giáo hạt trưởng giáo khu Hoa Nam và Đông Dương. Mục tiêu của hội đồng lần này, ngoài việc bồi linh cho các đại biểu tham dự, Hội Truyền giáo muốn Hội thánh Tin lành Việt Nam hình thành một cơ cấu tổ chức, soạn thảo một nội qui để trên cơ sở đó liên hệ với chính quyền, xin được công nhận tư cách pháp nhân. Kết quả sau 8 ngày làm việc, một Ban Trị sự Tổng liên lâm thời đã được bầu ra trong thời hạn 1 năm gồm có Hội trưởng: Mục sư Hoàng Trọng Thừa, Phó Hội trưởng: Mục sư Trần Dĩnh, Thư ký: Mục sư Dương Nhữ Tiếp, Thủ quĩ: ông Trần Thành Long, Nghị viên: Mục sư Lê Văn Long.

Năm 1928, bản điều lệ đầu tiên của Hội thánh Tin lành Việt Nam được hình thành. Bản điều lệ này có 37 khoản, 157 mục, bao gồm cả phần tổ chức và tín lý của Hội thánh. Tên chính thức của Hội thánh được ghi vào bản điều lệ là: Hội Tin lành Đông Pháp. Mục đích của Hội thánh được ghi rõ trong điều lệ như sau: “Tập hợp thành một xã hội thuộc linh của người An Nam ở khắp cả xứ Đông Pháp, thờ phượng Đức Chúa Trời và tin Tin lành của Chúa Jesus Christ như đã bày tỏ trong Kinh thánh… để thiết lập các Hội thánh ở khắp Đông Dương, hầu cho những Cơ Đốc nhân An Nam có cơ hội học chung nhau thờ phượng Đức Chúa Trời ba ngôi… để giảng Tin lành và làm chứng cho mọi người An Nam trong suốt cả xứ Đông Dương và làm cho Chúa Jesus mau tái lâm”.

Trong sự tổ chức, điều lệ qui định 3 cấp hành chính: Hội thánh địa phương (cơ sở), Địa hạt liên hội (trung gian) và Tổng Liên hội (trung ương), mỗi cấp có nội qui riêng và hội đồng riêng. Về sự liên hệ giữa hội Tin lành Đông Pháp và Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp cũng được ghi rõ trong điều 1 chương 5 của điều lệ như sau: Hội Tin lành Đông Pháp công nhận Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp là mẫu hội. Hội Truyền giáo Phước âm Liên hiệp công nhận Hội Tin lành Đông Pháp là một Hội thánh tự trị tự lập. Mặc dù là 2 tổ chức riêng biệt, nhưng cả hai hiệp làm một trong mọi vấn đề thuộc lĩnh vực rao truyền Tin lành khắp xứ Đông Dương. Điều lệ năm 1928 tuy chưa trọn vẹn, nhưng đây là một hướng dẫn cần thiết cho sự phát triển của Hội thánh. Hơn 20 năm sau điều lệ này mới được tu chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

6. Truyền giảng

Nguyên tắc thứ ba của Hội Truyền giáo được ghi trong bản điều lệ năm 1927, khuyến khích Hội thánh tự truyền bá Tin lành cho nhân dân của mình. Tuy nhiên công việc này không đạt được hiệu quả cao vì thiếu kế hoạch và sự hợp tác chặt chẽ giữa Hội Truyền giáo và Ban Trị sự Tổng liên hội. Tại Bắc hạt, việc giảng Tin lành bị hạn chế ở nhiều nơi, ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng việc truyền giảng ở các khu vực ngoại thành bị thu hẹp. Đến năm 1954, tại Hà Nội đã thành lập được các Hội thánh ở Gia Lâm, Bạch Mai, Hà Đông và Cầu Giấy. Đến đầu thập niên 40 thì việc rao truyền Tin lành có những bước phát triển mới. Hội Truyền giáo gửi thêm nhà truyền giáo đến khu vực, số mục sư, truyền đạo người Việt cũng gia tăng. Có 4 gia đình tình nguyện đi truyền giáo cho các dân tộc ở phía Bắc như người Tày, Mông, Mường, Nùng, Dao.

Tại miền Trung, tình hình có phần khó khăn hơn nên công tác mở rộng hầu hết do các Hội thánh địa phương đảm nhiệm. Những khuôn mặt nổi bật trong giai đoạn này là nhà truyền giáo R. M. Jackson; I. R. Stebbins; W. A. Pruett; C. E. Travis; mục sư Hoàng Trọng Thừa, Phan Đình Liệu, Dương Nhữ Tiếp. Công việc truyền giáo cho những dân tộc thiểu số miền Trung cũng đã được khởi sự sau năm 1930, khi Hội đồng Tổng liên hội năm đó biểu quyết mở rộng công cuộc truyền giáo. Đến năm 1942 đã có các dân tộc Chơ ru, Stiêng, Kơho, Hrê, Chăm, Êđê, Jarai, Cơtu, Thái, Mường,  Tày, Nùng, Mông… ở 13 tỉnh miền Trung và Bắc biết đến Tin lành.

Tại Nam hạt, kết quả vượt trội được ghi nhận trong thập niên 3, công việc trong Hội thánh được chia thành 3 khu vực: miền Đông, miền Trung và miền Tây. Ngoài khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn, chỉ có một vài Hội thánh được thành lập trong thập niên 30 đó là Biên Hòa, Thủ Đức, Bến Cát. Riêng khu vực Sài Gòn, sau khi 2 Hội thánh được thành lập trong thập niên 20, một cho người Việt Nam và một cho người Hoa kiều. Lần lượt các Hội thánh khác trong các khu vực đông dân cư tiếp tục được thành lập. Một tàu truyền giảng Tin lành được hình thành dưới quyền điều hành của Mục sư Huỳnh Văn Ngà, đã len lỏi trong nhiều sông rạch ở miền Nam để truyền bá Tin lành.

7. Các hoạt động khác

Công việc dịch Kinh thánh do ông bà William C. Cadman , John Drange Olsen, Ông Trần Văn Dõng, Ông Nguyễn Hữu Phúc, Ông Phan Khôi bắt đầu từ năm 1914. Sau 10 năm, đên năm 1925 bản Kinh thánh bằng Việt ngữ đã được dịch xong và chuyển sang Trung Quốc để in. Năm 1926 Kinh thánh tiếng Việt được phát hành và sử dụng rộng rãi trong Hội thánh, bản dịch Kinh thánh năm 1925 không những quan trọng đối với tín hữu Tin lành tại Việt Nam mà còn là một tác phẩm đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cách hành văn quốc ngữ vào đầu thế kỷ 20.

Trường Chúa nhật là một phần trong chương trình sinh hoạt của mỗi Hội thánh. Các giáo viên Trường Chúa nhật không những là người dạy Kinh thánh thông suốt mà còn là người gây dựng đức tin cho các học viên nữa. Ngay khi các Hội thánh được thành lập và ổn định, công tác dạy Kinh thánh trong các lớp Trường Chúa nhật cũng được khai triển. Việc này không phải chỉ dành riêng cho người lớn mà các em thiếu nhi cũng được học truyện tích Kinh thánh. Vì trình độ hiểu biết của đa số thiếu nhi còn hạn chế nên công việc quan trọng này được triển khai tùy theo sáng kiến của các nhà truyền giáo và chủ tọa của các Hội thánh.

Văn phẩm Cơ đốc, sau khi nhà in Tin lành được thiết lập tại Hà Nội vào cuối năm 1920, ngoài việc in ấn các sách Tin lành, nhà in còn xuất bản bài học Trường Chúa nhật, tạp chí Tiếng gọi Đông Pháp (Anh ngữ), Nguyệt san Thánh kinh báo, Phước âm yếu chỉ, một số các truyền đạo đơn... Tổng số sản xuất là 127.807 ấn bản, gồm 3.197.300 trang trong năm 1922, đến năm 1927 lên đến 5 triệu trang”.

 

Được sự chấp thuận của Thủ Tướng Chính phủ, sự giúp đỡ của Ban Tôn giáo Chính phủ và chính quyền các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng , TP Hồ Chí Minh; Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) và Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Tin lành truyền vào Việt Nam tại 3 địa phương: Tại Đà Nẵng vào 14-16/6/2011, Hà Nội vào 20/6/2011, TP Hồ Chí Minh vào 23-24/6/2011. Đây là dịp để Hội thánh ôn lại lịch sử 100 năm qua và định hướng trong thời gian tới, khẳng định sự phát triển và cùng đồng hành với dân tộc như đường hướng Hội thánh đã tuyên xưng “Sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”.

Minh Thanh

 

Tài liệu tham khảo.

 

1.Đỗ Hữu Nghiêm, Phương pháp truyền giáo của Tin Lành giáo tại Việt Nam, Luận án cao học Sử học, Trường Đại học Văn Khoa, Sài Gòn, 1968.

2. Lê Hoàng Phu, Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, NXB TG, HN 2011

3. Lê Văn Thái, Bốn mươi sáu năm trong chức vụ, hồi ký, Cơ quan Tin Lành xuất bản, Sài Gòn, 1971.

4. Ms Bùi Hoành Thử, Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, bản viết tay,

5. Nguyễn Thanh Xuân, Bước đầu tìm hiểu Đạo Tin Lành trên thế giới và Việt Nam, Nxb Tôn giáo, HN 2004.

6. Nguyễn Thanh Xuân. (Chủ biên), Đạo Tin lành ở Việt Nam, NXB Tôn giáo, HN 2008

 

Giáo hội Tin Lành Việt Nam buỏi sơ khai

 

Đêm truyền giảng Giáng Sinh 11/12/2009

Tại TP Hồ Chí Minh của Hội thánh Tin lành Việt Nam (MN)