Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi thực hiện phương tu “Cư trần bất nhiễm trần”
Ngày đăng: 20/01/2011
Pháp môn Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi do ông Ngô Minh Chiêu sáng lập ở Cần Thơ vào những năm 1924-1926.

           Ông Ngô Minh Chiêu là người Việt Nam đầu tiên được Đức Cao đài chọn làm đệ tử để phổ khai Cao đài Đại đạo tại miền Nam Việt Nam, truyền dạy cách thờ phượng Thiên nhãn và có công khai sinh ra nền Đại đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Sau khi Hội thánh Cao đài Tây Ninh (lúc này là Hội thánh duy nhất của đạo Cao đài) được thành lập năm 1926, ông Ngô Minh Chiêu không nhận phẩm vị Giáo tông do Đức Cao đài thiên phong mà trở về Cần Thơ tu tịnh. Ông Ngô Minh Chiêu đã truyền bí pháp cho 20 đệ tử cấp nhất và coi nhau như anh em, không phân biệt cao thấp. Những đệ tử tiêu biểu như Lê Minh Huẩn (đắc đạo tại thế được xem như anh cả trong hàng môn đệ), Bùi Minh Huy, Trần Trọng Nghĩa, Nguyễn Thiện Niệm, Nguyễn Minh Huỳnh, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Thành Tựu, Nguyễn Văn Thượng, Nguyễn Minh Dương, Nguyễn Văn Mười, Phạm Văn Thới, Trần Thị Ngữ, Nguyễn Thị Lưu, Huỳnh Minh Trình, Ngô Thị Nguyệt… Ông Ngô Minh Chiêu truyền dạy cứ trên mười đạo hữu tu Chiếu Minh là có thể thiết lập một đàn cơ, các đệ tử tự chọn lựa ở một tư gia nào đó thuận tiện cho đạo hữu tu học đạo. Nơi đàn cơ có Ban Hành sự thừa hành phận sự truyền đạo cho người được thọ pháp. Ban Hành sự của mỗi đàn gồm có: Chủ đàn (chủ tư gia, lo việc cúng kính Thiên bàn), người chỉ kiểu tu (chỉ truyền pháp đạo), người chứng minh đạo và Thư ký. Thời kỳ đầu, Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi gồm các Đại đàn như: Đàn Tổ đình (Chiếu Minh đàn - Cần Thơ) do bà Minh Hồng và một số đệ tử tạo dựng, nay là Thánh Đức Tổ đình ở Cần Thơ; Đàn Phú Lâm ở sau chợ Phú Lâm (quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) tư gia nhà ông Thới, nay không còn nữa; Đàn Chiếu Minh đàn Chợ Lớn ở số 23 đường Phú Thọ, phường 1, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh do ông Trọng và bà Ngữ xây dựng; Đàn Minh Cảnh ở Tây Ninh do ông Đốc Lý thành lập…

Năm 1932, ông Ngô Minh Chiêu liễu đạo, bổn đạo Cao Đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi đã xây dựng Thánh Đức Tổ đình làm nơi thờ tự Trung ương của cơ Tuyển độ và lập Bửu tháp. Theo pháp tu vô vi do ông Ngô Minh Chiêu truyền dạy, người tu phái Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi thực hiện theo tâm pháp chơn truyền, sống thanh bần lạc đạo, không thâu tiền của thập phương bá tánh, không khoe khoang về đạo, không lập giáo hội, không có chức sắc, áo mão mà chỉ chuyên lo tu hành học đạo.

 

Người tu theo Cao đài Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi không phân biệt thành phần xã hội, độ tuổi phải từ 16 trở lên đến 64 tuổi, sau khi được dung nhận là đệ tử Chiếu Minh thì thực hiện theo lời nguyện của bản thân không còn quyến luyến cuộc sống cõi trần, vinh hoa, phú qúi phải từ bỏ để sống một nếp sống thanh đạm theo luật đạo, ăn chay trường cả cuộc đời, trong sinh hoạt phải tịnh luyện hàng ngày theo tứ thời Tý - Ngọ - Mão - Dậu, ngủ ngồi. Bề ngoài người tu Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi không biểu lộ một dấu chỉ khác thường, nhưng bên trong hằng bữa phải đều đều sáng suốt, công phu tịnh luyện đúng phép "tánh mạng song tu" để lần lần đến chỗ "diệt ngã" mà qui về Đạo mầu là cảnh hư vô tuyệt đối:

 

Vô vi không luận thấp cao,

Không cao mà lại trùm bao đất trời.

Vô vi không nói một lời,

Một lời không nói mà trời đất theo.

Nhiệm màu cái đạo vô vi,

Nên Thầy khuyên trẻ hãy đi đến cùng.

 

Đến nay, các nhà đàn của Cao đài Chiếu Minh đã phát triển và hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố, gồm các đàn: Thánh Đức Tổ đình (Cần Thơ), Đàn Khai nguyên (Kiên Giang), Đàn Khuyết Linh (Bến Tre), Đàn Cam Ranh (Khánh Hoà), Thánh tịnh Chiếu Minh (Bình Dương), Đàn Minh Cảnh (Tây Ninh), Pháp Bửu đàn (Tây Ninh)… với hàng trăm nhà tu hành, hàng ngàn người tu. Để giữ gìn chơn truyền tâm pháp của ông Ngô Minh Chiêu, các Nhà đàn đã thống nhất tu hành theo pháp môn Cao Đài Chiếu Minh nhằm hướng dẫn đạo hữu tu tịnh, giữ vững chơn truyền. Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh cùng các nhà đàn hướng dẫn đạo hữu, người tu tịnh chỉ chuyên khoa tu kỷ luyện đơn, tu tâm luyện tánh, khẩu khuyết tâm truyền, nhập định tham thiền, trầm tư mặc tưởng để sưu tầm chỗ diệu lý thiên cơ, ẩn vi cao thượng.                           

            Sau nhiều năm hoạt động độc lập ở các nhà đàn, đến nay với mục đích giữ gìn chơn truyền tâm pháp của ông Ngô Minh Chiêu, các Nhà đàn đã đoàn kết, thống nhất tu hành theo pháp môn Cao Đài Chiếu Minh nhằm hướng dẫn đạo hữu tu tịnh, giữ vững chơn truyền của nền Đại đạo. Sự thống nhất cơ tuyển độ Cao đài Chiếu Minh thể hiện sự đoàn kết, thương yêu, gắn bó tạo thành sức mạnh. Các Nhà đàn tham gia Pháp môn sẽ được đảm bảo về mặt pháp lý có tư cách pháp nhân để hoạt động tôn giáo. Đồng thời những mặt tu hành, sinh hoạt tôn giáo mang đặc điểm của Chiếu Minh Tam Thanh được giữ gìn, thống nhất theo truyền thống của Đạo. Hoạt động của các nhà đàn vẫn độc lập như trước, Pháp môn không can thiệp vào tổ chức, tài sản, tài chính, cách thức thờ phượng của các Nhà đàn. Pháp môn chỉ hướng dẫn về tâm pháp, quản lý hoạt động tu hành của các nhà đàn. Tinh thần của Pháp môn là đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau để các nhà đàn cùng có trách nhiệm chung trong việc giữ gìn và phát triển cơ Tuyển độ.

           Khi tham gia Pháp môn, các nhà đàn có trách nhiệm thực hiện theo Quy chế của Pháp môn, đảm bảo các hoạt động của nhà đàn theo quy định về sinh hoạt, tổ chức. Trước đây, các nhà đàn chuyên tu tịnh, ít quan tâm đến các hoạt động cộng đồng. Nay, các nhà đàn phải đảm bảo thực hiện việc hành chánh như lập danh sách người tu, đăng ký quyền sử dụng đất, kiện toàn tổ chức Ban Quản lý hoặc Ban Hành lễ để hướng dẫn người tu…

 

             Ngày 25, 26/4/2010, Pháp môn tổ chức Đại hội Đại biểu toàn phái Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi để hợp nhất các nhà đàn. Trải qua nhiều khó khăn và còn một số nhà đàn chưa đồng thuận tham gia, nhưng với quyết tâm, sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể bổn đạo cùng quý vị Ban Hành lễ ở các nhà đàn đã đoàn kết, thống nhất để thành lập Pháp môn. Đại hội đã bầu Ban Hành lễ Pháp môn Trung ương gồm 18 vị. Ban Hành lễ Pháp môn là cơ quan quan trọng nhất của Pháp môn có trách nhiệm chăm lo việc tu hành, hướng dẫn đạo hữu giữ gìn chơn truyền của Đạo. Thành viên Ban Hành lễ Pháp môn Trung ương được Đại hội thông qua sẽ tại vị suốt đời; Bầu Hội đồng Điều hành Pháp môn theo nhiệm kỳ gồm 18 vị. Hội đồng Điều hành có trách nhiệm điều hành các hoạt động của Pháp môn; Thông qua dự thảo Quy chế hoạt động của Pháp môn; Thống nhất chương trình hoạt động của Pháp môn trong thời gian tới.

 

           Đại hội cũng vinh dự được Tiến sỹ Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ trao Giấy chứng nhận hoạt động tôn giáo cho Pháp môn Cao đài Đại đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi. Đây là sự kiện trọng đại của những người tu Cao đài Chiếu Minh, tạo niềm tin tưởng, không khí vui mừng phấn khởi đối với toàn thể người tu hành theo cơ Tuyển độ.

 

            Pháp môn sẽ thực hiện những hoạt động trọng tâm trong nhiệm kỳ đầu tiên là:

 

            - Kiện toàn về tổ chức Ban Hành lễ và Hội đồng Điều hành Pháp môn, duy trì sinh hoạt và phát huy năng lực, trách nhiệm của từng thành viên trong việc hướng dẫn, điều hành hoạt động của Pháp môn.

 

- Quan hệ gắn bó với các Nhà đàn cùng giữ gìn chơn pháp của Tôn sư Ngô Minh Chiêu.

 

            - Củng cố tổ chức và giúp đỡ sự tu hành ở các nhà đàn.

 

            - Tổ chức các khoá tu, chăm lo tinh thần, vật chất cho các nhà đàn.

 

            - Giúp đỡ các nhà đàn trong việc xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự.

 

            - Động viên bổn đạo tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo xã hội ở địa phương.

 

            - Liên giao với các Hội thánh và tổ chức Cao đài trên tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau./.

           

                                                                                   

            Minh Truyền