Cao Đài Ban Chỉnh đạo Bến Tre với sứ mệnh thiêng liêng trong nền Đại đạo Tam kỳ phổ độ
Ngày đăng: 23/11/2010
Vào đầu thế kỷ XX, (năm Bính Dần 1926), đạo Cao đài được khai sáng tại Việt Nam với tên gọi là Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, thực hiện tôn chỉ “Qui nguyên Tam giáo - Hiệp nhứt ngũ chi”, thực hành chủ nghĩa thương yêu để thống nhất tinh thần tín ngưỡng của nhơn loại, coi tất cả chúng sanh đều là anh em ruột thịt, con chung một Đấng Cha Trời mà độ dẫn nhơn sanh tu hành, làm lành lánh dữ, biết lo cư xử cho tròn nhơn đạo, xây dựng thế giới hoà bình, đại đồng tuyệt khổ.

            Năm 1934, khi đạo Cao đài trong cơ khảo thí, hai vị chức sắc cao cấp là Đầu sư Nguyễn Ngọc Tương và Đầu sư Lê Bá Trang cùng đông đảo chức sắc, tín đồ đã dời Toà thánh Tây Ninh về Bến Tre sáng lập Cao đài Ban Chỉnh đạo để thực hiện việc chỉnh đốn nền Đại đạo theo đúng Tân luật, Pháp Chánh truyền, bảo thủ chơn truyền của đạo Cao đài.

Một năm sau tại Hội Vạn linh được tổ chức ở thánh thất An Hội - Bến Tre (năm 1935), toàn thể chức sắc, chức việc và phái viên nhơn sanh đã bỏ thăm bầu Đầu sư Nguyễn Ngọc Tương làm Giáo tông và Đầu sư Lê Bá Trang làm Chưởng pháp Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo. Như vậy, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương là vị Giáo tông đầu tiên trong nền Đại đạo Tam kỳ Phổ độ được Hội Vạn linh bầu lên theo Pháp Chánh truyền. Với phương châm hành đạo chơn chánh, và đường hướng tu hành thuần tuý đạo đức, trong sáng, Cao đài Ban Chỉnh đạo dưới sự dìu dắt của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương và Chưởng pháp Lê Bá Trang đã thu hút đông đảo các thánh thất trong nền Đại đạo tham gia (96 thánh thất trên tổng số 135 thánh thất Cao đài lúc bấy giờ). Tại Bến Tre, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương thi hành lệnh của Đức Chí Tôn năm 1927 đã ngưng sử dụng cơ bút trong toàn đạo từ Trung ương Hội thánh đến Họ đạo cơ sở, mọi công việc quan trọng của đạo đều do Hội nghị Hội thánh quyết định. Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo chủ trương việc mở mang phước điền làm ruộng tập thể ở mỗi họ đạo và Trung ương để bổn đạo chung sức canh tác làm nguồn sống cho chức sắc hành đạo và người tu có công việc làm tự nuôi được bản thân. Trên cơ sở của đạo pháp, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã kế thừa và phát triển hình thức tu hành theo phương tu Tam thừa Cửu phẩm.
 
Pháp tu tam thừa của Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo gồm 3 bậc: Hạ thừa - Trung thừa - Thượng thừa.Người tu bậc Hạ thừa lấy gia đình làm nền tảng tu thân, thực hiện Tứ đại điều quy, Ngũ giới cấm, Ngũ thường, Tứ đức... căn cứ Thế luật mà hành đạo, giữ lục trai (6 ngày chay) trở lên; Người tu bậc Trung thừa hiến thân nửa đời, nửa đạo; lấy Nhà tu Trung thừa ở Toà thánh hoặc Nhà tu Trung thừa ở các họ đạo để thực hiện Chơn truyền đạo, giữ thập trai (10 ngày chay) trở lên, riêng Lễ sanh giữ Thiên ngươn (16 ngày chay) trở lên; Người tu bậc Thượng thừa hiến thân trọn đời hành đạo phụng sự nhơn sanh, lấy Nhà tu Thượng thừa ở Toà thánh để thừa hành Tân pháp, tu giải thoát theo "Thập đẳng cấp thiêng liêng", giữ trường chay.
 
Cửu phẩm Thần Tiên là chín bậc trong quá trình hành đạo tu tiến gồm: Tín đồ (Địa Thần); Chức việc (Nhơn Thần); Lễ sanh (Thiên Thần); Giáo hữu (Địa Thánh); Giáo sư (Nhơn Thánh); Phối sư (Thiên Thánh); Đầu sư (Địa Tiên); Chưởng pháp (Nhơn Tiên); Giáo tông (Thiên Tiên).       
  
Lập trường tu hành của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương là không tham gia chính trị nhưng với tinh thần trách nhiệm của người công dân với Tổ quốc, với dân tộc, ông đã thể hiện bằng việc ngầm phong chức cho chức sắc, tín đồ của Hội thánh có tư tưởng yêu nước và bãi nhiệm những chức sắc có tư tưởng thân giặc. Hai người con trai của ông đều trở thành cán bộ cách mạng tham gia kháng chiến cứu nước. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, Khu bộ phó Khu 9 và kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt, ủy viên Uỷ ban kháng chiến hành chánh Nam bộ, Phó Chủ tịch Cao đài Cứu quốc 12 phái hiệp nhất. Được sự ủng hộ của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương nên đông đảo chức sắc, tín đồ của Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo đã tích cực tham gia kháng chiến cứu quốc. Trước kế hoạch gom dân lập ấp của chính quyền xâm lược, Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo chủ trương không di chuyển, mà kêu gọi các thánh thất giữ gìn cơ sở và kiên trì sinh hoạt tôn giáo để đồng bào cóđiều kiện ở lại đấu tranh. Nếu thánh thất bị đánh phá thì đấu tranh đòi tôn trọng cơ sở tôn giáo, đòi bồi thường. Hội thánh thường xuyên cử chức sắc về các vùng bị giặc bắn phá tàn sát, động viên củng cố tinh thần và vận động toàn đạo cứu trợ lương thực, thuốc men, tiền bạc. Đặc biệt năm 1963, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Cục và Mặt trận Giải phóng khu Trung Trung Bộ, Hội thánh cứu trợ 13 tấn gạo và một số muối đến tận chân núi Trường Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Hội thánh còn vận động chức sắc, tín đồ tham gia phong trào chống dồn quân bắt lính, thâu nhận thanh niên vào thánh thất, nhà tu, tổ chức đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng, người tu không cầm súng. Kết quả vận động được trên 16.000 thanh niên không đi lính cho giặc. Ngoài ra, còn gần 300 thanh niên có đạo dù bị giặc hành hạ, o ép ở các nhà lao Quân Lao, Trung tâm Cải huấn vẫn thể hiện tinh thần cương quyết phản đối chiến tranh, chống lệnh thi hành quân dịch của chế độ Sài Gòn.
 
Hội thánh Ban Chỉnh đạo còn mở hàng trăm nhà tu Trung thừa ở Hội thánh và họ đạo để cho những gia đình nghèo cũng có thể vào tu. Ở đây, nữ giới được học nghề nữ công, mỹ nghệ, nam giới thì làm ruộng làm vườn, làm rẫy, làm thợ hồ, thợ mộc… Hội thánh đã xây dựng được nếp sống mới đoàn kết thương yêu, tương thân hòa ái cho mọi người tu hành có việc làm, có cơm ăn. Đồng thời còn mở trường dạy chữ và trường dạy Hạnh đường cho người đạo.
 
Đức Chí Tôn khai đạo Cao đài để giải khổ cho chúng sanh, Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương phụng thừa sứ mạng thiêng liêng cầm dìu mối đạo Ban chỉnh để giữ gìn và thực hành chơn truyền Tân pháp của nền Đại đạo. Đường lối hành đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương được Hội thánh tổng kết qua năm đặc điểm: Đức tin nơi Thầy, nơi đạo; cả đời hi sinh, xả thân hành đạo; Có tình thương yêu, từ bi - bác ái tràn trề từ người đến vật; cuộc đời tu hành thuần tuý đạo đức; Tích cực làm công quả âm chất mới bảo đảm cho sự tịnh luyện được thành công.
 
          Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, Cao đài Ban Chỉnh đạo có đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, ủng hộ cách mạng và tích cực tham gia kháng chiến. Qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh được Chính phủ trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì vì có thành tích: "Đã giữ vững thái độ trung thành với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vận động được đông đảo tín đồ tham gia kháng chiến cứu nước".
 
          Tiếp nối truyền thống quí báu đó, trong thời kỳ xây dựng bảo vệ Tổ quốc từ Đại hội Nhơn sanh lần thứ nhất (1997) đến nay, Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo phát huy tinh thần yêu nước vận động được đông đảo chức sắc, tín đồ tham gia các phong trào thi đua, cũng như các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương, tích cực làm từ thiện, hoạt động đạo đạt nhiều kết quả tốt, tạo được niềm tin trong chức sắc, tín đồ. Chức sắc hành đạo tại Hội thánh và các ban chuyên môn được kiện toàn; thành lập 12 Ban Đại diện trên tổng số 26 tỉnh, thành phố có Cao đài Ban Chỉnh đạo; công cử chức sắc Hội thánh, Đầu họ đạo, Ban Cai quản, Ban Trị sự của 226 thánh thất với hàng ngàn chức sắc từ phẩm Lễ sanh đến Đầu sư; vận động hoàn nguyên hàng chục họ đạo; làm lễ nhập môn cho gần vạn tín đồ; xây dựng và sửa chữa hàng trăm thánh thất, Toà thánh cũng được sửa chữa khang trang; mở được nhiều lớp bồi dưỡng giáo lý hạnh đường; in tái bản một số cuốn kinh sách phục vụ nhơn sanh và 5 số tập san hành đạo; thành lập được 168 Ban Hành thiện ở các họ đạo với 144.340 hội viên, điều trị cho hơn 1 triệu lượt người với hơn trăm ngàn thang thuốc miễn phí; tổ chức nhiều cuộc lễ lớn như Lễ vía Đức Chí Tôn, Lễ kỷ niệm sinh nhật Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, ngày khai đạo Cao đài và lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm thánh thất Thủ đô Hà Nội; toàn phái có 152 đại biểu tham gia Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp.
 
          Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo tiếp tục khẳng định phương châm hành đạo theo đường lối của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương cho đến ngày Thành đạo và hoạt động gắn bó với dân tộc, tuân thủ các qui định của pháp luật Nhà nước, vận động chức sắc, tín đồ tích cực làm từ thiện, tham gia các phong trào ở địa phương. Chức sắc, tín đồ Cao đài Ban Chỉnh đạo đoàn kết, tin tưởng Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng liêng sẽ chứng nguyện cho lòng thành của mỗi người đạo được làm tròn Thiên chức của mình. Chức sắc lãnh đạo Hội thánh có hướng sửa đổi Hiến chương cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhưng vẫn đảm bảo truyền thống của đạo Cao đài. Các Ban chuyên môn ở Hội thánh được khôi phục thành Cửu viện, xin khắc dấu Thượng hội, đặt mối quan hệ đồng đạo với các Họ đạo Cao đài Ban Chỉnh đạo ở nước ngoài, những nơi có từ 50 tín đồ trở lên mà chưa có thánh thất sẽ xin chính quyền địa phương được lập Tổ nghi lễ có Ban Trị sự chăm lo việc quan - hôn - tang - tế và xây dựng một Thiên bàn làm nơi thờ tự đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhơn sanh.
 
Những công việc lớn mà Hội thánh dự kiến sẽ thực hiện trong chương trình hành đạo nhiệm kỳ III là tiếp tục củng cố về tổ chức từ Hội thánh đến họ đạo cơ sở, đảm bảo cho toàn đạo sinh hoạt ổn định; liên giao hành đạo với các Hội thánh Cao đài để có thể lập trường đào tạo chức sắc, ra tạp chí Cao đài để thông tin chung về các hoạt động của đạo Cao đài; tập trung thuyết phục, vận động số họ đạo chưa hưởng ứng Hiến chương; xây dựng ngôi Toà thánh mới theo mô hình của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương đã định; tổ chức tốt các ngày lễ quan trọng và các lễ kỷ niệm như 75 năm ngày thành lập Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo, 60 năm ngày tịnh diệt của Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương, 10 năm ngày mất của Đầu sư Thượng Pho Thanh, 80 năm ngày sinh của kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt…
 
          Với những kết quả hành đạo đã đạt được trong thời gian qua, Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp để đạt được nhiều thành quả to lớn hơn nữa nhằm hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng cơ chỉnh đạo của Đức Chí Tôn.
 
Quang Công
 
Tài liệu tham khảo:
-          Hành đạo số 4 của Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo (tháng 3 năm 2007);
-          Tiểu sử Đức Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương của Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo xuất bản năm 1958;
-          Dự thảo văn kiện Đại hội Nhơn sanh và Đại hội Hội thánh của Cao đài Ban Chỉnh đạo năm 2007.