Những điểm mới cơ bản của Nghị định số 95/2023/NĐ-Cp ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
Ngày đăng: 27/09/2024
Ngày 29/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 95/2023/NĐ-CP). Nghị định này có hiệu lực ngày 30/3/2024 và thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Nghị định số 162/2017/NĐ-CP). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định nhiều nội dung mới, khắc phục được các tồn tại, khó khăn trong hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thời gian qua, đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Bài viết giúp độc giả bước đầu tìm hiểu về Nghị định số 95/2023/NĐ-CP và giới thiệu những điểm mới cơ bản của Nghị định.

Một là, giải thích từ ngữ

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP trên cơ sở kế thừa nội dung giải thích về công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ của các văn bản pháp luật trước đây[1] đã bổ sung nội dung giải thích các cụm từ này để bảo đảm phản ánh đầy đủ hơn, chính xác và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện các hoạt động có liên quan. Cụ thể:

- Công trình tín ngưỡng là công trình xây dựng theo quy định của pháp luật do cộng đồng dân cư đầu tư xây dựng để làm cơ sở tín ngưỡng; làm tượng đài, bia và tháp thuộc cơ sở tín ngưỡng; dòng họ đầu tư xây dựng để làm nhà thờ dòng họ.

- Công trình tôn giáo là công trình xây dựng theo quy định của pháp luật do tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đầu tư xây dựng để làm cơ sở tôn giáo; làm tượng đài, bia và tháp thuộc cơ sở tôn giáo.

Cách giải thích về các công trình này tại Nghị định số 95/2023/NĐ-CP theo hướng liệt kê các công trình phải gắn với các chủ thể được quyền đầu tư xây dựng công trình như cộng đồng dân cư, dòng họ nếu xây dựng công trình tín ngưỡng và tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc nếu đầu tư xây dựng công trình tôn giáo. Việc quy định này sẽ tạo thuận lợi hơn trong việc xác định trách nhiệm, thẩm quyền và biện pháp quản lý đối với các công trình cũng như tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng các công trình này trong thực tiễn.

Đối với công trình phụ trợ, so với cách giải thích tại Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, cách giải thích tại Nghị định số 95/2023/NĐ-CP đã bổ sung cụm từ “xây dựng” vào sau cụm từ “công trình” và quy định cụ thể các công trình phụ trợ phải trong khuôn viên cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo Công trình phụ trợ là công trình xây dựng không sử dụng cho việc thờ tự của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo gồm nhà ở, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, tường rào và các công trình tương tự khác trong khuôn viên cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo[2].

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo cũng như làm căn cứ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực tiễn thực hiện, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP đã bổ sung cách giải thích về giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp “Giấy tờ chứng minh có địa điểm hợp pháp là văn bản, tài liệu về quyền sử dụng hợp pháp đối với đất đai, nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở và dân sự”[3].

Hai là, việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP bên cạnh các nội dung kế thừa của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP đã có sự thay đổi đối với quy định về việc bảo đảm và quản lý kinh sách; thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ được thực hiện theo nội quy, quy chế của cơ sở quản lý, giam giữ. Nghị định giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc ban hành nội quy, quy chế của cơ sở quản lý, giam giữ thuộc phạm vi quản lý.

Ba là, thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung từ địa bàn xã này sang địa bàn xã khác của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung là công dân Việt Nam

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định trước khi thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung đến địa bàn xã khác, người đại diện nhóm có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp xã nơi dự kiến có địa điểm mới. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hợp lệ, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản về việc thay đổi địa điểm; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bốn là, thay đổi người đại diện, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam

Đây là một trong những nội dung mới, tiến bộ và được các tổ chức, cá nhân nước ngoài đánh giá là điểm sáng của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP. Theo đó, cũng giống như nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của công dân Việt Nam, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam nếu có nhu cầu về việc thay đổi người đại diện hoặc thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung thì đăng ký nếu thay đổi người đại diện hoặc đề nghị nếu thay đổi địa điểm với UBND cấp tỉnh nơi có địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Năm là, đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Điểm c khoản 1 Điều 31 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định một trong các trường hợp bị giải thể đó là “Hết thời hạn bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ”. Trên cơ sở quy định này của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP đã quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Quy định này nhằm hoàn thiện các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về giải thể tổ chức tôn giáo.

Sáu là, đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo

Điểm c khoản 1 Điều 42 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định một trong các trường hợp cơ sở đào tạo tôn giáo bị giải thể đó là “Hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động đào tạo tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ”. Trên cơ sở quy định này của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP đã quy định một trong các trường hợp cơ sở đào tạo tôn giáo bị đình chỉ hoạt động đào tạo tôn giáo đó là vi phạm nghiêm trọng một trong các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như quy định về đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, quy định đình chỉ hoạt động đào tạo tôn giáo của cơ sở đào tạo tôn giáo nhằm hoàn thiện quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo.

Bảy là, phục hồi toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; phục hồi hoạt động đào tạo tôn giáo của cơ sở đào tạo tôn giáo

Bên cạnh việc quy định đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo có thể phục hồi hoạt động nếu khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ.

Tám là, trách nhiệm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc đình chỉ, phục hồi hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo

 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định trách nhiệm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng khi các tổ chức, cơ sở đào tạo bị giải thể và quy định trách nhiệm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng khi các tổ chức, cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoặc được phục hồi hoạt động. Trách nhiệm này thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoặc phục hồi hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo. Về nội dung công bố gồm tên, trụ sở tổ chức, cơ sở bị đình chỉ hoặc được phục hồi; lý do bị đình chỉ hoặc được phục hồi; thời gian bị đình chỉ hoặc được phục hồi hoạt động.

Chín là, quyền khiếu nại của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo khi bị đình chỉ hoạt động

Điều 21 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc bị đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo theo quy định tại Điều 12; cơ sở đào tạo tôn giáo bị đình chỉ hoạt động đào tạo theo quy định tại Điều 16 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP không đồng ý với quyết định đình chỉ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo không được thực hiện hoạt động tôn giáo, hoạt động đào tạo tôn giáo.

Mười là, xác định công trình phụ trợ thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng

Điều 22 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định việc xác định công trình phụ trợ thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng được thực hiện theo quy định tại khoản 30 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020. Trường hợp quy định về các công trình được miễn giấy phép xây dựng tại Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được sửa đổi, bổ sung thì việc xác định công trình phụ trợ thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng sẽ thực hiện theo văn bản sửa đổi, bổ sung.

Mười một là, hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định hai trường hợp quyên góp của người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Theo đó, nếu người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức quyên góp để thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo sẽ thực hiện theo quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều 25 của Nghị định, nếu quyên góp để thực hiện hoạt động từ thiện xã hội sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các quy định của pháp luật có liên quan.

Mười hai là, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài

Điều 26 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài để hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về tôn giáo cho người chuyên hoạt động tôn giáo; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo; tổ chức các nghi lễ tôn giáo hoặc cuộc lễ tôn giáo; xuất bản, nhập khẩu kinh sách, văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo.

Nội dung của quy định này so với quy định của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP hoàn toàn mới và rất thuận lợi cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc khi thực hiện. Theo đó, các tổ chức tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài để hỗ trợ các hoạt động nêu trên phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với việc tiếp nhận, quản lý các khoản tài trợ.

Ngoài ra, tùy địa bàn hoạt động của các tổ chức, Điều 26 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP cũng quy định trước khi tiếp nhận tài trợ 20 ngày, các tổ chức tiếp nhận tài trợ phải thực hiện thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương hoặc cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh; các nội dung cụ thể của văn bản thông báo; trách nhiệm gửi báo cáo kết quả sử dụng các khoản tài trợ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trách nhiệm kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện các nội dung theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều 26 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP; cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức dừng tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản tài trợ và xử lý theo quy định của pháp luật nếu việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản tài trợ không đúng quy định tại Điều 26 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, điều này cũng khẳng định các khoản tài trợ nêu tại Điều 26 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP không được xác định là viện trợ của nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho Việt Nam.

Mười ba là, hình thức tổ chức hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ

Đây là một trong các quy định mới của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP. Theo đó, hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ đã thông báo, đăng ký hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP khi thay đổi từ hình thức thực hiện từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc kết hợp hình thức trực tiếp với hình thức trực tuyến thì thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc trước ngày thực hiện hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ.

Nếu hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ chưa thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký hoặc đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì khi lựa chọn hình thức thực hiện trực tuyến hoặc kết hợp hình thức trực tuyến với hình thức trực tiếp thì tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại các điều, khoản tương ứng của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP.

Các hoạt động tôn giáo, hoạt động quyên góp, tiếp nhận tài trợ bằng hình thức trực tuyến hoặc kết hợp hình thức trực tiếp với hình thức trực tuyến phải tuân thủ Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định số 95/2023/NĐ-CP, quy định của pháp luật về thông tin, truyền thông và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mười bốn là, tiếp nhận hồ sơ

Trên cơ sở kế thừa các quy định về tiếp nhận hồ sơ của Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, Điều 28 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định cụ thể nhiều nội dung liên quan đến tiếp nhận hồ sơ. Các quy định này bao gồm tổ chức, cá nhân khi thực hiện trình tự, thủ tục hành chính theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo một trong các hình thức như trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc ủy quyền theo quy định của pháp luật. Điều 28 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về việc thông báo kết quả tiếp nhận hồ sơ để các tổ chức, cá nhân có liên quan biết và thực hiện.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân bổ sung hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời hạn trả lời.

Mười lăm là, quy định việc nộp bản sao các giấy tờ, văn bản có liên quan đến các hồ sơ thủ tục hành chính

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP cũng quy định khi thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP, đối với các thủ tục quy định các văn bản, giấy tờ trong hồ sơ là bản sao thì khi nộp hồ sơ, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm xuất trình bản chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đối chiếu.

Cũng liên quan quy định này, Điều 9 và Điều 10 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thay đổi tên, thay đổi trụ sở của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc quy định hồ sơ các tổ chức gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cần nộp bản sao quyết định công nhận tổ chức tôn giáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bản sao văn bản chấp thuận thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc hoặc văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bản sao văn bản thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc của tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc quản lý trực tiếp.

Mười sáu là, thời hạn sử dụng phiếu lý lịch tư pháp

Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định phiếu lý lịch tư pháp quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trước thời điểm nộp hồ sơ không quá 06 tháng.

Mười bảy là, biểu mẫu sử dụng trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo

So với số lượng biểu mẫu được quy định tại Nghị định số 162/2017/NĐ-CP là 53 biểu mẫu, thì Nghị định số 95/2023/NĐ-CP có 60 biểu mẫu.

Mười tám là, các nội dung chuyển tiếp

Điều 30 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định về các trường hợp thực hiện chuyển tiếp, bao gồm:

- Đối với các công trình liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đã tồn tại trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, khi cải tạo, nâng cấp, xây dựng được thực hiện như sau:

+ Đối với các công trình do cộng đồng dân cư quản lý, khi cải tạo, nâng cấp, xây dựng thì người đại diện cộng đồng dân cư là đại diện chủ đầu tư để thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về cải tạo, nâng cấp, xây dựng như công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo.

+ Đối với các công trình do tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo quản lý, khi cải tạo, nâng cấp thì người đại diện cho tổ chức là đại diện chủ đầu tư để thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về cải tạo, nâng cấp như công trình tôn giáo.

- Đối với các thủ tục hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ trước ngày Nghị định số 95/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 162/2017/NĐ-CP.

- Việc tiếp nhận tài trợ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc quy định tại Điều 26 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP được thực hiện kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Mười chín là, phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật

Điều 31 của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định trong việc thực hiện các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP, những trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc quyết định theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Những trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các cấp, cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cùng cấp có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình UBND hoặc quyết định theo phân cấp, ủy quyền của UBND, trừ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng, quản lý, sử dụng khoản thu từ việc tổ chức lễ hội tín ngưỡng được quy định tại các Điều 13, 14 và Điều 15 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Quy định này của Nghị định số 95/2023/NĐ-CP là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào tình hình thực tiễn phân cấp hoặc ủy quyền các quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình được quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95/2023/NĐ-CP cho các cơ quan, đơn vị cấp dưới để đảm bảo thuận lợi trong thực hiện cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ.

TS. Nguyễn Thị Định

Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ

Chú thích:

[1] Nghị định số 22/2005/NĐ-CP; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP.

2 Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP.

3 Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 95/2023/NĐ-CP.