Uỷ ban MTTQVN huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình: Nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo, dân tộc
Ngày đăng: 08/10/2018
Những năm qua, Mặt trận các cấp huyện Bố Trạch đã tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và đồng bào Công giáo đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới.
Huyện Bố Trạch có ĐBDTTS sinh sống tập trung và rải rác ở 04 xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Sơn Trạch và thị trấn Nông trường Việt Trung, với dân số đồng bào dân tộc thiểu số toàn huyện có 684 hộ với 3.234 khẩu. Đồng bào Công giáo sống trên địa bàn huyện có 8 xã, gồm 08 giáo xứ, 19 giáo họ và 04 cụm giáo dân với 6604 hộ, 2717 khẩu.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Bố Trạch cho biết: "Để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc, tôn giáo, trên cơ sở nắm bắt những diễn biến về tư tưởng, tâm trạng, dư luận của các tầng lớp nhân dân, Ủy ban MTTQVN huyện đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, phân công đưa cán bộ xuống xã và khu dân cư để bám sát dân, địa bàn, nhằm tuyên truyền, khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của ĐBDTTS, đồng bào có đạo, cổ vũ và động viên bà con thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cụ thể, cán bộ Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã hướng dẫn đồng bào cách làm ăn và tổ chức cuộc sống mới, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới; tuyên truyền, vận động bà con không nghe theo lời kẻ xấu, không theo đạo trái pháp luật, không truyền đạo trái phép; vận động đồng bào các bản biên giới đăng ký tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện đã trích kinh phí 315 triệu đồng để hỗ trợ 27 con bò giống sinh sản cho các hộ nghèo là ĐBDTTS ở bản Rào Con, xã Sơn Trạch, bản Khe Ngát, thị trấn Nông trường Việt Trung và bản 61, xã Thượng Trạch. Cử cán bộ phối hợp với Ban quản lý các dự án huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng 37 căn nhà cho ĐBDTTS ở 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, bảo đảm hoàn thành trước mùa mưa bão... Cử cán bộ phối hợp với Ban quản lý các dự án huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng 37 căn nhà cho ĐBDTTS ở 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch, đảm hoàn thành trước mùa mưa bão...Thực hiện Đề án 85 của Ủy ban MTTQVN tỉnh về việc hỗ trợ bò giống sinh sản cho hộ nghèo vùng thường xuyên bị ngập lụt trên địa bàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN huyện tổ chức trao 56 con bò giống sinh sản cho 56 hộ nghèo, trong đó có 35 hộ nghèo là bà con giáo dân tại 4 xã: Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch, Hưng Trạch.
Năm 2017, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận huyện Bố Trạch đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và thống nhất với Ban Thường trực UBMT các xã chọn 4 khu dân cư làm mô hình điểm giao lưu kết nghĩa giữa các khu dân cư trong toàn huyện, đó là: khu dân cư thôn Nội Hải xã Hải Trạch kết nghĩa với thôn Thanh Bình 3 xã Hưng Trạch; Thôn Bắc Hồng xã Nhân Trạch kết nghĩa với thôn 1 Phúc Khê xã Phúc Trạch.
Năm 2018, huyện Bố Trạch chỉ đạo nhân rộng mô hình và có hướng triển khai tốt hơn. Cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận huyện đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận TQVN xã Phúc Trạch và Đức Trạch tổ chức Lễ giao lưu kết nghĩa nhân dân giữa thôn Thượng Đức xã Đức Trạch và thôn Chày lập xã Phúc Trạch.
Các thôn Thanh Bình 3, thôn 1 Phúc Khê, Chày Lập là khu dân cư Công giáo, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Với hoạt động giao lưu kết nghĩa khu dân cư lương – giáo trên địa bàn huyện Bố Trạch nói chung, có ý nghĩa thiết thực, phát huy tinh thần đoàn kết hỗ trợ các khu dân cư xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển nhanh và bền vững, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, từng bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh.
ĐBDTTS, đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện Bố Trạch đã luôn đoàn kết một lòng xây dựng bản, làng văn minh, tiến bộ, sống “tốt đời đẹp đạo”. Đời sống của nhân dân ngày càng dần được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững đã tạo động lực cho ĐBDTTS và đồng bào Công giáo vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện…
Nhà thờ giáo xứ Đồng Troóc, xã Phúc Trạch trong một buổi sinh hoạt tôn giáo
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Bố Trạch nhấn mạnh: "Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, già làng trưởng bản tiêu biểu, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong vận động ĐBDTTS và đồng bào Công giáo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hôi trên địa bàn; đồng thời đề cao ý thức trách nhiệm của đồng bào tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Có thể khẳng định việc Nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo, dân tộc đã góp phần quan trọng trong tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng để xây dựng huyện Bố Trạch nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung ngày càng phát triển giàu mạnh, văn minh.
Theo baoquangbinh.vn