Tập trung ưu tiên cho đồng bào các dân tộc còn rất ít người
Ngày đăng: 25/06/2019
Ngày 24/6, tại huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách pháp luật phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người, thực trạng và giải pháp”.

Tham dự hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; lãnh đạo các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người: Nghệ An, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Kon Tum, Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng quan về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người và trao đổi, thảo luận, thống nhất đánh giá về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người để có những kiến nghị, đề xuất xác đáng cho thời gian tới, qua đó góp phần nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị hội thảo cần xác định, đánh giá tình hình thực hiện chính sách và cần có giải pháp quyết liệt thực hiện chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, trong đó cần tập trung cao cho việc đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội 5 dân tộc còn dưới 1.000 người là: Sila, Pu Péo, Ơ đu, Brâu, Rơ Măm từ nay đến năm 2030.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần thống nhất một số giải pháp cấp bách để báo cáo Quốc hội. Theo đó, ưu tiên lo đất ở, nhà ở cho số đồng bào các dân tộc còn rất ít người, gắn với việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng từ thôn, bản, bổ sung quy hoạch theo định hướng tiêu chí nông thôn mới; quan tâm đến việc phát triển sản xuất.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề cập đến việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, y tế như chu cấp cho việc học tiếng Việt từ lớp mầm non, tiểu học, trung học, có chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người có trình độ đại học trở lên; thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, đào tạo nữ hộ sinh, chống tảo hôn ở dân tộc thiểu số rất ít người. Đặc biệt, các cấp, các ngành và các địa phương cần quan tâm đến việc sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của 16 dân tộc thiểu số rất ít người, kể cả văn hóa ăn, văn hóa ở, văn hóa mặc, tiếng nói, chữ viết, văn hóa tín ngưỡng, gắn với xây dựng nếp sống mới, xóa các hủ tục lạc hậu; thực hiện tốt cuộc vận động an ninh cơ sở, không nghe, không đi, không làm theo kẻ xấu; có những giải pháp rất đặc biệt để tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, không cào bằng về trình độ, về đánh giá chất lượng với các dân tộc khác, để đến năm 2030, dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã nêu một số chỉ tiêu, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. Theo đó, thời gian tới tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người. Phấn đấu đến năm 2025, mức sống bình quân của các dân tộc rất ít người tương đương với các dân tộc khác trong vùng, dân tộc nào cũng có cán bộ tham gia trong hệ thống chính trị cơ sở. Đến năm 2025, 100% thôn, bản vùng dân tộc thiểu số rất ít người có hệ thống cầu, đường giao thông đi được 4 mùa trong năm tới trung tâm xã; có lớp học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và nhà sinh hoạt cộng đồng; có điện, công trình nước tập trung, thủy lợi tưới tiêu phục vụ sản xuất theo định hướng tiêu chí nông thôn mới.

Để đạt được chỉ tiêu trên, các địa phương cần đảm bảo nguồn lực để giải quyết dứt điểm khó khăn, bất cập tại vùng đồng bào dân tộc rất ít người theo hướng đồng bộ và toàn diện, bao gồm cải thiện sinh kế, thu nhập hộ gia đình, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông, trung tâm y tế và trường học. Cùng với đó là ưu tiên hạ tầng giao thông đi lại đến các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc bị chia cắt, cô lập như: Lai Châu, Hà Giang và Kon Tum. Các địa phương cần xây dựng chính sách bảo vệ và phát triển dân tộc thiểu số rất ít người theo hướng nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc. Ngoài ra, các địa phương cần đổi mới nội dung, chính sách an sinh xã hội cho đối tượng đặc thù về sinh kế và việc làm, tiếp cận với dịch vụ công của cộng đồng các dân tộc thiểu số rất ít người ở các vùng miền, địa phương; tiếp tục đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào; chăm lo đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2009, nước ta có 16 dân tộc thiểu số là dân tộc rất ít người, tập trung trên địa bàn 93 xã, thuộc 37 huyện của 12 tỉnh. Trong đó, có 5 dân tộc dưới 1.000 người (Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo); 6 dân tộc từ 1.000 người đến dưới 5.000 người (Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao và Ngái); 6 dân tộc từ 5.000 đến dưới 10.000 người (Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, Phù Lá, La Hủ).

Những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành và tổ chức thực hiện một số chính sách riêng, đặc thù cho vùng dân tộc rất ít người như: Chính sách hỗ trợ phát triển cho 5 dân tộc dưới 1.000 người và nhóm 7 dân tộc dưới 5.000 người (La Ha, Lự, Bố Y, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Chứt); đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao; đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015. Song song với đó, thực hiện 6 dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010 cho 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người, trên địa bàn 13 thôn, bản của 5 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Hà Giang và Kon Tum; Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025.

Cùng với các chính sách của Trung ương, một số địa phương, bộ, ngành cũng đã có chính sách hỗ trợ cho vùng dân tộc rất ít người. Tỉnh Quảng Bình đã xây dựng, triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào Rục. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện cuộc vận động “Mái ấm cho người nghèo biên giới, hải đảo”, xây dựng nhà tình nghĩa, công trình dân sinh, dự án thủy lợi cho đồng bào dân tộc rất ít người. Dự án “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ” ở huyện Mường Tè (Lai Châu); Dự án làm lúa nước cho đồng bào Rục xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình)…

Những cố gắng trên đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc rất ít người phát triển; hạ tầng cơ sở từng bước được cải thiện, đời sống mọi mặt được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Đồng bào dân tộc rất ít người được tiếp cận thông tin, hưởng thụ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, trẻ em được đến trường, học tập, rèn luyện, giảm dần các tệ nạn xã hội, phong tục tập quán lạc hậu, trật tự an toàn xã hội, an ninh khu vực biên giới cơ bản được giữ vững, đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố. Đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 

Lược theo TTXVN