Một số hoạt động tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các tôn giáo ở Việt Nam
Ngày đăng: 15/10/2020

Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nội dung cơ bản trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội, trong đó có sự tham gia của các tôn giáo ở Việt Nam.

 

Trong thời gian qua, bằng những hoạt động sôi nổi, thiết thực, các tôn giáo ở Việt Nam đã thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm công dân, chung tay, sát cánh cùng lực lượng vũ trang và đồng bào cả nước quyết tâm đấu tranh bảo vệ biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.

Thông qua các hoạt động tôn giáo, các tôn giáo ở Việt Nam đã thường xuyên tuyên truyền các chức sắc, chức việc, tín đồ về vị trí, vai trò, trách nhiệm công dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đặc biệt tại các vùng biển, đảo có đông đồng bào theo các tôn giáo theo đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đường hướng hành đạo “đồng hành cùng dân tộc” của tôn giáo; thường xuyên có những lời kêu gọi, thông điệp về hòa bình, hướng tín đồ đoàn kết, sát cánh cùng nhân dân cả nước nhận diện và đấu tranh với các biểu hiện vi phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nhân sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam năm 2014, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ trong bức thông điệp về hòa bình ở Biển Đông đã nêu rõ: “Trên tinh thần từ bi và yêu chuộng hòa bình, chúng tôi kêu gọi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thông qua các hành động cụ thể, kêu gọi chư vị tôn túc lãnh đạo, tăng ni, phật tử Phật giáo trên thế giới, kêu gọi Hiệp hội Phật giáo thế giới hãy cùng nhau lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc thực hiện các cam kết theo đúng quy định của luật pháp quốc tế…, thực hiện trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, trong đó có Việt Nam chúng tôi”. Các tôn giáo hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi tín đồ không nghe lời kích động và tham gia biểu tình trái phép. Ngoài ra, các tạp chí lớn của các tôn giáo như: Văn hóa Phật giáo, Người Công giáo Việt Nam, Mục vụ (Đạo Tin lành), Cao Đài, Hương Sen (Phật giáo Hòa Hảo)…), truyền hình An Viên (Phật giáo), các trang thông tin điện tử, website của các tôn giáo cũng thường xuyên đưa tin về các hoạt động liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói chung, sự tham gia của các tôn giáo nói riêng.

Thông qua các hoạt động quốc tế về tôn giáo (đối thoại, đối ngoại tôn giáo, đối thoại nhân dân, diễn đàn, trao đổi kinh nghiệm) được tổ chức ở Việt Nam hay đại biểu các tôn giáo ở Việt Nam tham gia các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài, các tôn giáo ở Việt Nam đã tranh thủ vận động các tôn giáo đồng đạo trên thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng.

Thông qua các sự kiện liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, các tôn giáo đã có nhiều hoạt động tâm linh, ủng hộ vật chất và tinh thần cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ nơi “đầu sóng, ngọn gió”, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Các tôn giáo đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tâm linh như: Đại lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Biển Đông; Lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc nói chung, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng (cả trong nước và ở nước ngoài); Lễ tưởng niệm tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Nhà giàn DK1; Trồng cây bồ đề trên đảo Trường Sa; Tặng những nắm cát được mang về từ đất Phật (dãy Himalaya) cho các chùa ở Song Tử Tây, Nam Yết….

Hàng năm, các tôn giáo cũng thường xuyên cử các chức sắc, chức việc, tín đồ tham gia các đoàn công tác ra thăm, động viên, tặng quà các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân (trong đó có đồng bào có đạo) đang ngày đêm bám biển, thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhất là ở Trường Sa, Nhà giàn DK1. Sau mỗi chuyến đi đó, các chức sắc, chức việc, tín đồ được tận mắt chứng kiến những khó khăn, phức tạp của công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền, kêu gọi tín đồ, nhân dân cả nước cùng bè bạn quốc tế có cách nhìn khách quan, từ đó ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam.

Bên cạnh đó, với sự sẻ chia sâu sắc, các tôn giáo đã quyên góp, ủng hộ được hàng tỷ đồng vào Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” (nay là “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”), cùng với các cấp chính quyền, mạnh thường quân thăm hỏi, tặng quà, xây nhà tình nghĩa, tình thương cho các gia đình chính sách, gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa có hoàn cảnh khó khăn….

Hiện nay, tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là tình hình Biển Đông. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo giữa các nước trong khu vực diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, mất ổn định. Các thế lực thù địch ra sức lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Trong điều kiện kinh tế, ngân sách có hạn, chúng ta chưa thể cùng lúc đầu tư xây dựng được ngay các lực lượng quản lý, bảo vệ biển đủ mạnh, trang thiết bị, phương tiện còn hạn chế, khó duy trì sự hiện diện thường xuyên, liên tục trên toàn bộ vùng biển rộng lớn. Vì vậy, chúng ta cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách để tăng cường, bổ sung nhân lực, vật lực đảm bảo ngày càng tốt hơn công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để tiếp tục phát huy vai trò của các tôn giáo trong tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay cần thường xuyên tuyên truyền về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam, về trách nhiệm công dân tham gia bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo; đề cao cảnh giác và tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội, bất mãn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vùng ven biển có đông đồng bào có đạo để phá hoại nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Việt Nam; tiếp tục vận động các tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ, thăm hỏi, động viên bản thân và hậu phương cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.