Vài nét về quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành QLNN về tôn giáo tỉnh Thái Bình
Ngày đăng: 03/12/2013
Ngày 02/8/1955 Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 566/TTg thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc phủ Thủ tướng (tiền thân của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay). Do yêu cầu của công tác quản lý nhà nước (QLNN) về tôn giáo nên Ban Tôn giáo đã từng bước được kiện toàn, theo Thông tư số 60/TTg ngày 11/6/1964 của phủ Thủ tướng, Ban Tôn giáo được đổi thành Ban Tôn giáo phủ Thủ tướng. Đến ngày 27/3/1985, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 85/HĐBT về việc thành lập Ban Tôn giáo của Chính phủ.

Gắn liền với từng giai đoạn xây dựng và trưởng thành của ngành QLNN về tôn giáo cả nước và sự phát triển của tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành QLNN về tôn giáo của tỉnh Thái Bình đã phát triển và trưởng thành qua các giai đoạn:

            Từ năm 1954 đến ngày thống nhất đất nước năm 1975: Cũng như các tỉnh ở miền Bắc, công tác QLNN về tôn giáo được đặt trong Ban Dân vận - Mặt trận, có chức năng giúp chính quyền các cấp thực hiện chủ trương, chính sách về tôn giáo. Thời kỳ này, những người làm công tác tôn giáo cùng các đoàn thể vận động đồng bào Công giáo ở lại quê hương; phối hợp với chính quyền, đoàn thể những nơi có đồng bào di cư quản lý ruộng đất, nhà cửa, vườn tược, tài sản của những gia đình di cư vào Nam; tích cực vận động bà con giáo dân vào tổ đổi công và Hợp tác xã nông nghiệp; vận động các tăng ni, nhà chung hiến ruộng cho Hợp tác xã. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc đã động viên đồng bào các tôn giáo tích cực sản xuất, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 một dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc và miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Từ cuối năm 1977 công tác QLNN về tôn giáo được thực hiện thống nhất trong toàn quốc, trên cơ sở những quy định tại Nghị định 297/CP của Chính phủ.

Vào cuối những năm 70 đầu những năm 80, Ban Dân vận - Mặt trận có một bộ phận theo dõi về công tác tôn giáo do một Phó Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh lãnh đạo. Văn Phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có cán bộ ở Phòng Nội chính làm nhiệm vụ tham mưu công tác QLNN về tôn giáo trên một số mặt như: Phối hợp với một số cơ quan thẩm định hồ sơ xin xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự của tôn giáo, trình UBND tỉnh; tiến hành các thủ tục cần thiết trình cấp có thẩm quyền về việc chấp thuận phong Linh mục, Giám mục, đối với các tu sĩ, giáo sỹ Công giáo; xem xét danh sách và tham mưu cấp có thẩm quyền có ý kiến về việc tấn phong hàng giáo phẩm của Hội Phật giáo tỉnh; tham mưu đề xuất với lãnh đạo một số huyện, thị xã giải quyết quyền lợi kinh tế, chính trị hợp pháp của một số nhà tu hành; theo dõi tình hình giảng dạy và học tập của các tăng ni trong các lớp hạ An cư...

Năm 1990 Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác tôn giáo trong tình hình mới, cắm dấu mốc quan trọng thể hiện quan điểm đổi mới của Đảng về công tác tôn giáo. Đây là lần đầu tiên Đảng ta đưa ra quan điểm: Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài, tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân... Nhằm thể chế hóa Nghị Quyết của Bộ Chính trị, ngày 21 tháng 3 năm 1991 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 69/NĐ-HĐBT về công tác tôn giáo, là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất của Nhà nước về tôn giáo trong thời kỳ đó. Phòng Nội chính Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ chính trị và Nghị định của Chính phủ.

Căn cứ hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ tại công văn số 114/CV-TGCP ngày 31/3/1992; UBND tỉnh đã quyết định có chuyên viên chuyên trách làm công tác QLNN về tôn giáo trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh với nhiệm vụ chủ yếu là: Làm tham mưu giúp Tỉnh ủy chỉ đạo về công tác tôn giáo, giúp UBND tỉnh quản lý các tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 66 của Ban Bí thư Trung ương và Nghị định số 69 của Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1998 Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thành lập Phòng Tôn giáo trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh với 03 lãnh đạo và chuyên viên.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ công tác tôn giáo trong tình hình mới và tình hình các tôn giáo ở Thái Bình, ngày 28/11/2001 Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình có Tờ trình số 89/TT-UB gửi Thủ tướng Chính phủ xin thành lập Ban Tôn giáo chính quyền trực thuộc UBND tỉnh. Chấp thuận đề nghị của tỉnh, ngày 07/2/2002 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 30/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Tôn giáo tỉnh Thái Bình trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở Phòng tôn giáo trực thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Căn cư Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 527/QĐ-UB ngày 08/4/2002 “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo tỉnh”. Về tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo gồm Trưởng ban, 01 Phó Trưởng ban và các phòng Nghiệp vụ, phòng Hành chính tổng hợp; biên chế được giao là 10 người; Trụ sở của Ban Tôn giáo đặt tại số 6, phố Bồ Xuyên, thị xã Thái Bình.

Sau khi được thành lập từng bước Ban Tôn giáo đi vào hoạt động ổn định, song để giúp cho việc tham mưu, quản lý và hoạt động có hiệu quả đối với từng tôn giáo, Ban Tôn giáo đã đề nghị và được UBND tỉnh có Quyết định số 41/QĐ-UB ngày 04/1/2006 tách Phòng Nghiệp vụ thuộc Ban Tôn giáo tỉnh thành 2 phòng là phòng Phật giáo và phòng Công giáo-Tin lành.

Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04//2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân tỉnh Thái Bình có quyết định số 774/QĐ-UBND ngày 04/4/2008 về việc sáp nhập Ban Thi đua – Khen thưởng và Ban Tôn giáo vào Sở nội vụ  và  có tên Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) Thái Bình. Ban Tôn giáo do một Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gồm 13 người. Hệ thống làm công tác QLNN về tôn giáo cấp huyện và cơ sở do một người lãnh đạo phụ trách và một công chức thực hiện.

Trong suốt những năm qua các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý và tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo ở Thái Bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều đó được khẳng định và ghi nhận của Ban Tôn giáo Chính phủ, của Bộ Nội vụ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở ban ngành, các địa phương và của chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong tỉnh. Ban Tôn giáo tỉnh cũng đã nhận được 03 Cờ thi đua của Ban Tôn giáo Chính phủ; nhiều lượt cá nhân và tập thể được nhận Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Tôn giáo Chính phủ, của Bộ Nội vụ, của UBND tỉnh và năm 2014 Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) Thái Bình đã được Thủ Tướng Chính phủ tặng  Bằng khen. 

Sự cống hiến và thành quả đã đạt được bên cạnh sự nỗ lực phân đấu của những người làm công tác QLNN về tôn giáo tỉnh Thái Bình còn có sự phối hợp, cộng tác có trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, đoàn thể, của UBND, UBMT Tổ quốc các huyện, thành phố; Đặc biệt, có sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ. Nhìn lại chặng đường 60 năm vẻ vang đã qua của ngành QLNN về tôn giáo ở Thái Bình, chúng ta có quyền tự hào về truyền thống quý báu được tạo dựng, vun đắp bởi nhiều thế hệ cán bộ kế tiếp nhau; tự hào về những đóng góp có phần thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng, có hiệu quả của đội ngũ những người làm công tác tôn giáo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Thái Bình ngày càng ổn định và phát triển.

Vui mừng với những thành tích đã đạt được, song thời gian tới nhiệm vụ công tác tôn giáo cũng hết sức nặng nề đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, với niềm tin của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, của chức sắc, đồng bào các tôn giáo và nhân dân trong tỉnh./.

Phạm Đức Cải