Ngành quản lý nhà nước về Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh - 60 năm xây dựng và trưởng thành (02/8/1955-02/8/2015)
Ngày đăng: 04/12/2013
Sau khi hòa bình lập lại, căn cứ vào ý kiến của Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Nghị định số 556/NĐ-CP ngày 02/8/1955 về việc thành lập Ban Tôn giáo (một đơn vị trong Ban Nội chính của Chính phủ, trực thuộc Thủ tướng Chính phủ - tiền thân của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay) để “nghiên cứu kế hoạch, thi hành những chủ trương chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo và liên hệ với các tổ chức tôn giáo”.

Do yêu cầu của công tác quản lý nhà nước (QLNN) về tôn giáo nên Ban Tôn giáo đã từng bước được kiện toàn. Ngày 11/6/1964, Ban Tôn giáo được đổi thành Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng (theo Thông tư số 60/TTg ngày 11/6/1964 của Phủ Thủ tướng), đến ngày 27/3/1985, Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng được kiện toàn và đổi tên thành Ban Tôn giáo của Chính phủ (theo Nghị định số 85/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Ban Tôn giáo của Chính phủ). Sau nhiều lần được củng cố về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, ngày 12/02/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/2015/QĐ-TTg, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo trực thuộc Bộ Nội vụ. Ban Tôn giáo Chính phủ có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo trong phạm vi cả nước và thực hiện các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tôn giáo theo quy định của pháp luật. Để phát huy vai trò và truyền thống của ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, động viên cán bộ công chức của ngành, theo đề nghị của Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 27/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 445/QĐ-TTg về việc lấy ngày 02/8 hàng năm là "Ngày truyền thống Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo".

Gắn liền với từng giai đoạn xây dựng và trưởng thành của ngành tôn giáo cả nước và sự phát triển của tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, ngành tôn giáo tỉnh Quảng Ninh đã phát triển và trưởng thành qua các giai đoạn:

- Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1992: Cơ quan làm công tác tôn giáo cấp tỉnh do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đảm nhiệm.

- Giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2008: Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, tháng12/1992, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh, phân công 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm làm Trưởng Ban. Đến tháng 3/2001, thực hiện Đề án “Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; căn cứ Thông tư Liên tịch số 771/TTLT-UBDTMN-TGCP ngày 20/10/1998 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các cơ quan Dân tộc - Miền núi ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,  UBND tỉnh ban hành quyết định về việc thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo tỉnh.

- Giai đoạn từ năm 2008 đến nay (năm 2015):

+ Năm 2008, bộ phận làm công tác tôn giáo thuộc Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh được sáp nhập vào Sở Nội vụ, thành lập Phòng Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ, 01 Phó Giám đốc Sở được phân công phụ trách công tác tôn giáo. 

+ Đến tháng 11/2011, do yêu cầu của tình hình mới, ngày 16/11/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3568/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Tôn giáo trên cơ sở phòng Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ, với cơ cấu tổ chức gồm 03 phòng chuyên môn: Phòng Hành chính - Tổng hợp; Phòng Phật giáo - Cao đài; Phòng Công giáo - Tin lành (theo Thông tư số 04/2010/TT-BNV ngày 20/5/2010 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 04 tôn giáo đang hoạt động: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài với số lượng chức sắc, tín đồ trên 190.000 người, chiếm hơn 16% dân số toàn tỉnh. Quảng Ninh là tỉnh có các khu du lịch mang tầm cỡ Quốc gia và Quốc tế (di tích chiến thắng Bạch Đằng, khu di tích danh thắng Yên Tử, khu di tích thương cảng cổ Vân Đồn, khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều và di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long); có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng; có các trung tâm lớn về tôn giáo và nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng khác phân bổ trên địa bàn toàn tỉnh (Trung tâm Phật giáo Yên Tử, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử; chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm; các chùa: Ba Vàng, Lôi Âm, Long Tiên, Xuân Lan; đền Trần Quốc Nghiễn, đền Cửa Ông,…), hàng năm thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, hành lễ cùng với đó là các hoạt động tôn giáo diễn ra thường xuyên trong năm ở hầu hết các địa phương thuộc Tỉnh.

Xác định được vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo trên địa bàn tỉnh, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hướng dẫn chuyên môn của Ban Tôn giáo Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương; đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ, công chức, nhân viên, thời gian qua, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:

Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đã từng bước củng cố, kiện toàn, phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh qua các thời kỳ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được quan tâm, thực hiện. Nhất là, đã giải quyết và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh giải quyết tốt, đạt kết quả cao các vụ việc tôn giáo khó, nhạy cảm; trong đó có một số vấn đề tồn động do lịch sử để lại như việc xây dựng không phép, việc mất đoàn kết nội bộ, việc sử dụng nhà riêng làm cơ sở thờ tự ở một số địa phương…; giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của tổ chức, cá nhân các tôn giáo, như: việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc các tôn giáo; xây mới và cải tạo cơ sở thờ tự; tổ chức các cuộc lễ lớn, các cuộc lễ ngoài chương trình đăng ký hàng năm...

Ban Tôn giáo tỉnh cũng đã tích cực, chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với chính quyền các cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và của tỉnh, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và thống nhất trong hành động của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo; thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình tôn giáo tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tôn giáo tại địa phương. Công tác cải cách hành chính được quan tâm, thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời và triển khai toàn diện, có hệ thống từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Đối với cấp tỉnh, Ban đã tham mưu cho Giám đốc Sở, UBND tỉnh đưa toàn bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo vào Trung tâm Hành chính công tỉnh và công bố trên cổng thông tin điện tử, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên hệ, giải quyết công việc.

Đặc biệt, dưới sự quản lý, hướng dẫn và định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, nhiều chức sắc, tín đồ các tôn giáo những năm qua đã phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có những đóng góp to lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có việc duy trì, phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống; hoạt động từ thiện xã hội; duy trì và thực hiện tốt các mô hình, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng giáo (“Xứ đạo tiên tiến”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Xứ đạo sáng, xanh, sạch, đẹp”; “Chùa cảnh tinh tiến”, “Tâm sáng hướng thiên”…), được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương lao động, Huân chương Đại đoàn kết, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của UBND tỉnh, Giấy khen của các Ban, ngành thuộc tỉnh.

Bên cạnh đó, Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của các tổ chức, cá nhân tôn giáo; nắm bắt và giải quyết tốt các vấn đề tôn giáo phát sinh ngay từ cơ sở. Chính từ chủ động, sáng tạo và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; sự phối hợp của các cấp, các ngành; sự đồng thuận của chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo và nhân dân mà trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã không để xẩy ra các vụ việc phức tạp, các điểm nóng về tôn giáo hay việc lợi dụng tôn giáo gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhiều năm liền, tỉnh Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Với những kết quả đã đạt được, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng cho tập thể và các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tôn giáo như: Cờ Thi đua của Ban Tôn giáo Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, UBND tỉnh, Ban Tôn giáo Chính phủ,…

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội của tỉnh. Các thế hệ cán bộ, công chức, nhân viên ngành quản lý nhà nước về tôn giáo tỉnh đã có nhiều cống hiến, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tập thể Ban Tôn giáo và nhiều cán bộ, công chức, nhân viên của ngành đã được nhận những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là động lực để cán bộ, công chức, nhân viên Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Tự hào nhìn lại chặng đường 60 năm đã đi qua, Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh càng thêm quyết tâm, vững bước tiến lên phía trước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh./.

Nhữ Văn Nguyện