Lược sử ngành quản lý nhà nước về tôn giáo tại thành phố Đà nẵng
Ngày đăng: 04/12/2013
Gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo cả nước nói chung, Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo của thành phốĐà Nẵng nói riêng đã xây dựng và phát triển qua các thời kỳ:

1. Thời kỳ 1955 - 1975

Do đặc điểm về tự nhiên và xã hội, thành phố Đà Nẵng trở thành nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố của một nước Việt Nam thu nhỏ gồm: biển, hải đảo, bán đảo, vùng núi, trung du, đồng bằng và đô thị…; với vị trí địa lý chiến lược trọng yếu, môi trường sinh thái thuận lợi, một cấu trúc xã hội có nhiều yếu tố văn hóa truyền thống phong phú,bản chất con người thuần hậu... tất cả đã hình thành nên một vùng văn hóa - xã hội Đà Thành đặc sắc, đồng thời là cơ sở quan trọng để nhiều tổ chức tôn giáo sớm tập trung, hội tụ như: Phật giáo vào Đà Nẵng khoảng thế kỷ XV, Công giáo (năm 1615), Tin Lành (năm 1911); Đạo Cao Đài xây dựng Thánh thất vào năm 1938; đạo Minh sư có mặt ở Đà Nẵng vào năm 1964… Do đó, trong thời kỳ này, tại thành phố Đà Nẵng đã có hàng vạn tín đồ với lực lượng chức sắc, chức việc các tôn giáo đông đảo. Cùng với phong trào đấu tranh Cách mạng của quân và dân thành phố, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo đã nêu cao tinh thần yêu nước. Nhiều chức sắc, tu sĩ các tôn giáo đã lấy nơi tu hành, cơ sở tôn giáo làm nơi nuôi giấu và bảo vệ cán bộ Cách mạng. Đặc biệt, đồng bào tôn giáo đã tích cực tham gia phong trào Cách mạng góp phần to lớn vào việc giải phóng thành phố Đà Nẵng (ngày 29 tháng 3 năm 1975).

Riêng về tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tại thành phố Đà Nẵng thời kỳ này được thực hiện theo tinh thần Sắc lệnh 234-SL ngày 14 tháng 6 năm 1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo và Nghị định số 566-TTg ngày 02 tháng 8 năm 1955 của Thủ tướng Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc thành lập Ban Tôn giáo - một đơn vị trong Ban Nội chính Chính phủ và trực thuộc Thủ tướng phủ - tổ chức tiền thân của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay.Theo đó, công tác tôn giáo tại thành phố Đà Nẵng thời kỳ này do Tiểu ban Tôn giáo vận trực thuộc Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phụ trách. Nhiệm vụ của Tiểu Ban Tôn giáo vận lúc bấy giờ là tham mưu giúp Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tập trung, ổn định tình hình, hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Thời kỳ 1976 - 1996

Trong giai đoạn này, để tiếp tục tăng cường công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-TV ngày 04 tháng 7 năm 1981“Về việc thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam -  Đà Nẵng”. Quyết định này nêu rõ: “Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan chuyên môn của Tỉnh ủy, có chức năng phụ trách các vấn đề công tác đoàn thể quần chúng, công tác mặt trận, vận động trí thức, nhân sỹ, tôn giáo, người Hoa...”. Do đó, thời kỳ này Tiểu ban Tôn giáo vận thuộc Ban Dân vận Tỉnh ủy, có trách nhiệm vừa tham gia thực hiện nhiệm vụ chung của Ban Dân vận vừa chuyên trách công tác tôn giáo theo quy định của Trung ương và do Tỉnh ủy giao. Ban Thường vụ cũng thống nhất về sự cần thiết phải kịp thời tăng cường đội ngũ chuyên trách công tác tôn giáo vận ở thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An, các huyện, xã, phường có nhiều người theo tôn giáo.

Sau đó, căn cứ Nghị định số 85/HĐBT ngày 07 tháng 3 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng“Về việc thành lập Ban Tôn giáo của Chính phủ”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 400/QĐ-TV ngày 29 tháng 8 năm 1985 “Về việc thành lập Ban Tôn giáo của UBND tỉnh”, trong đó, tại Điều 2 của Quyết định này nêu rõ: “Ban Tôn giáo của UBND tỉnh là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo Công tác đối với tôn giáo, giúp UBND tỉnh hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tôn giáo ở các cấp, các ngành và các tổ chức tôn giáo”. Ngay sau đó, để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động tôn giáo trên địa bàn, ngày 06 tháng 01 năm 1986, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-UB thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng do 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục ban hành Công văn số 215/CV vào ngày 17 tháng 3 năm 1986 "Về việc thành lập Ban Tôn giáo các cấp".

Đến năm 1988, thi hành Thông báo số 46/TB-TW ngày 12 tháng 12 năm 1987 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 227/HĐBT ngày 29 tháng 12 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp sếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước và Đoàn thể, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 673/QĐ-UB ngày 15 tháng 4 năm 1988 chuyển Ban Tôn giáo chính quyền hợp nhất vào Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, theo đó chuyển toàn bộ biên chế cán bộ, nhân viên và phương tiện làm việc của Ban Tôn giáo chính quyền vào Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Song, lúc này Ban Tôn giáo của UBND tỉnh vẫn được duy trì với danh nghĩa là một hình thức phối kết hợp công tác giúp Tỉnh ủy và UBND tỉnh giải quyết những công việc có liên quan đến tôn giáo.

Tiếp đến, để tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhà nước về tôn giáo, từ cuối năm 1992, Tỉnh ủy quyết định chuyển Tiểu ban Tôn giáo từ Ban Dân vận Tỉnh ủy về trực thuộc UBND tỉnh, bổ sung cán bộ và phân công 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Trên cơ sở này, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1390/QĐ-UB ngày 04 tháng 9 năm 1993 “Về việc tiếp nhận Ban Tôn giáo và kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác tôn giáo ở các cấp”. Tại Điều 4 của Quyết định này nêu rõ: “Ở thành phố Đà Nẵng, Thị xã Hội An, Tam Kỳ, các huyện Hòa Vang, Duy Xuyên thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc UBND huyện do đồng chí Phó Chủ tịch làm Trưởng ban, biên chế từ 2-3 cán bộ, có con dấu riêng để giao dịch về mặt Nhà nước công tác tôn giáo, các huyện còn lại công tác tôn giáo do đồng chí phó chủ tịch phụ trách, có 1 cán bộ giúp việc tùy theo nhu cầu công tác tôn giáo từng nơi cán bộ này có thể kiêm nhiệm”. Lúc này Ban Tôn giáo có chức năng tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với Ban Dân vận tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác tôn giáo, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các tôn giáo về việc đào tạo, phong phẩm, bổ nhiệm chức sắc, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở thờ tự...

Năm 1995, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép Ban Hướng dẫn gia đình Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng ký hoạt động tại các cơ sở thờ tự, đề nghị Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân Giáo hội Cao Đài Truyền giáo, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Đại hội Nhân sanh lần thứ nhất.

Đến thời kỳ này, qua quá trình lãnh đạo công tác tôn giáo, Tỉnh ủy xác định: tôn giáo tồn tại lâu dài; sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của bộ phận đồng bào có đạo; công tác tôn giáo vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân, vừa phải đề cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá chế độ, công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhờ đó, chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo phát huy được tinh thần yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, cùng toàn dân đoàn kết xây dựng quê hương.

3. Thời kỳ 1997 - 2008

Tại kỳ họp lần thứ X, Quốc Hội khóa IX ngày 06 tháng 11 năm 1996 đã thông qua Nghị quyết tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Thành phố Đà Nẵng lúc này bao gồm 5 quận và 2 huyện, đó là các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và 02 huyện: Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa.

Ngày 01 tháng 01 năm 1997, thành phố Đà Nẵng chính thức trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Ngay sau đó, UBND Lâm thời thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 773/QĐ-UB ngày 31 tháng 3 năm 1997 “Về việc thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc UBND thành phố Đà Nẵng”. Trong đó, tại Điều II nêu rõ: “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng thực hiện theo Thông tư Liên Bộ số 01/TT-LB ngày 11 tháng 4 năm 1994 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ và Ban Tôn giáo Chính phủ”.

Như vậy, đây là thời điểm Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng được chính thức giao nhiệm vụ một cách công khai, rõ ràng, làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động của Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn thành phố. Ngoài việc thực hiện chức năng tham mưu cho Thành ủy về mặt chủ trương và giúp cho UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các hoạt động tôn giáo, Ban Tôn giáo còn tổ chức hướng dẫn cho các địa phương và các giáo hội tôn giáo trên địa bàn thành phố thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng, các cấp chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể các cấp trong công tác vận động quần chúng là tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, góp phần vào công cuộc xây dựng thành phố trong tình hình mới.

Để công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tôn giáo được thống nhất từ thành phố đến phường, xã. Năm 1998, Thành ủy Đà Nẵng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo, dân tộc và người Hoa, gọi tắt là BCĐ T98 do Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ làm Trưởng ban, các Trưởng Ban Dân vận Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Phó Trưởng ban, cùng các lãnh đạo sở, ban, ngành có liên quan.

Trong thời kỳ này, Ban Tôn giáo thành phố  đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 83/1999/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 1999 "Về việc ban hành Quy định về quản lý nhà nước đối với một số hoạt động tôn giáo tại thành phố Đà Nẵng". Sau đó, Ban Tôn giáo thành phố tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 52/2008/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2008 "Quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng". Đây là hai văn bản quy phạm pháp luật thể hiện công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng một cách rõ nét nhất kể từ khi thành phố Đà Nẵng là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương được nhân dân và các Giáo hội tôn giáo trên địa bàn thành phố đồng tình, ủng hộ.

4. Thời kỳ 2008 - đến nay

Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ, về việc Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định 5791/QĐ-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2008 "Về việc thành lập Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng". Tại Điều 1 nêu rõ: “Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng là đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng. Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng là cơ quan chuyên môn (tương đương Chi cục)có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở Nội vụ tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương. Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Nội vụ, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Tôn giáo Chính phủ”.

Sau đó, UBND thành phố ban hành Quyết định số 4078/QĐ-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2010 "Về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng". Với văn bản trên, về cơ bản chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng được kiện toàn, củng cố theo đúng tinh thần Nghị định 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ; Thông tư số 04/2008/TT-BNV ngày 04 tháng 6 năm 2008 của Bộ Nội vụ "Về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện" và Thông tư số 04/2010/TT-BNV ngày 20 tháng 5 năm 2010 của Bộ Nội vụ "Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".

Cùng với việc sáp nhập cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở cấp tỉnh, thực hiện Nghị  định 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 04/2008/TT-BNV của Bộ Nội vụ. UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng sáp nhập cơ quan tham mưu, giúp việc trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tôn giáo trực thuộc Văn phòng UBND hoặc Ban Tôn giáo trực thuộc UBND cấp huyện vào Phòng Nội vụ các quận, huyện, với 01 Phó Trưởng phòng trực tiếp phụ trách công tác tôn giáo. Đồng thời, để giải quyết tình hình thực tế về công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tại các quận, huyện, đến tháng 01 năm 2010, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 182/QĐ-UBND bố trí thêm 01 biên chế chuyên trách làm công tác tôn giáo cho Phòng Nội vụ các quận, huyện.

 Đặc biệt, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, từ những dự báo về tình hình công tác tôn giáo và nhu cầu về nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trong giai đoạn mới, Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định 8348/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2010 về việc bổ sung chức danh công tác tôn giáo tại 20 xã, phường trọng điểm về tôn giáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng,  (năm 2014 bổ sung thêm 01 trường hợp) với tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Sở Nội vụ thành phố. Tiếp đến, vào năm 2011, Thường trực Thành uỷ chỉ  đạo thành lập Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo cấp quận, huyện và Tổ Chỉ đạo công tác tôn giáo cấp xã, phường. Đối với cấp quận, huyện có Ban Chỉ  đạo công tác tôn giáo do Phó Bí thư Thường trực quận, huyện uỷ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên là lãnh đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan. Ở phường, xã thành lập Tổ Chỉ đạo công tác tôn giáo do Bí thư Đảng uỷ phường, xã là tổ trưởng, Chủ tịch UBND phường, xã là tổ phó. Nhờ công tác kiện toàn bộ máy thông suốt như trên, công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc liên quan đến lĩnh vực tôn giáo trên địa bàn thành phố được thống nhất, xuyên suốt từ Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo cấp thành phố đến Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo cấp quận, huyện và Tổ Chỉ đạo công tác tôn giáo phường, xã tạo được sự đồng thuận, đồng bộ trong quá trình xử lý công việc.

Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 2182/QĐ-UBND ngày 08 tháng 4 năm 2014, của Chủ tịch UBND thành phố  Đà Nẵng về việc chuyển chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Văn phòng UBND thành phố sang Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ thành phố và Công văn số 1212/SNV-VP ngày 16 tháng 6 năm 2014 của Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng "Về việc thành lập Phòng Dân tộc - Tín ngưỡng thuộc Ban Tôn giáo". Vào ngày 29 tháng 10 năm 2014, Trưởng Ban Tôn giáo thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 431/QĐ-BTG, Quyết định "Về việc thành lập Phòng Dân tộc - Tín ngưỡng thuộc Ban Tôn giáo". Đây là phòng chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp lãnh đạo Ban Tôn giáo trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc, tín ngưỡng và tôn giáo khác (Minh sư, Baha’i…) trên địa bàn thành phố theo quy định của của pháp luật. Cùng với đó, chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc tại các quận, huyện cũng được chuyển từ Văn phòng UBND về phòng Nội vụ các quận, huyện. Đặc biệt, đầu năm 2015, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, Ban Tôn giáo thành phố được chuyển trụ sở làm việc về tại số 70 đường Quang Trung, phường Thạch Thang, quận Hải Châu khang trang hơn.

Đến nay, tại thành phố Đà Nẵng đã có 10 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận gồm: Phật giáo, Công giáo, Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Truyền giáo Cao đài, Hội Truyền giáo cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam, Hội thánh Báptit Việt Nam (Nam Phương), Họ đạo Cao đài Tây Ninh, Cộng đồng tôn giáo Baha’i, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo. Ngoài ra, có 14 điểm nhóm của các hệ phái Tin lành và 01 địa điểm của tổ chức Pháp tạng Phật giáo Việt Nam được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt. Tổng số cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo là 187 cơ sở.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 35 cơ sở chuyên dùng trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện xã hội của các tổ chức tôn giáo. Số lượng chức sắc là gần 1.000 người; Tổng số tín đồ các tôn giáo là khoảng 200.000người, chiếm khoảng 20% tổng số dân thành phố đang hoạt động hợp pháp, ổn định và thuần túy tôn giáo.

Riêng trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, chỉ tính riêng trong thời gian từ khi có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đến nay, UBND thành phố  đã xem xét, hướng dẫn các ngành và địa phương giải quyết cấp đăng ký sinh hoạt cho Pháp tạng Phật giáo Việt Nam, cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho 21 chùa, nâng cấp 06 giáo họ lên giáo xứ, 02 điểm nhóm lên chi hội, hội thánh cơ sở; đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương liên quan cấp đăng ký sinh hoạt cho 14 điểm nhóm Tin lành và 05 dòng tu trên địa bàn thành phố; thừa ủy quyền của UBND thành phố, Ban Tôn giáo thành phố đã xem xét, giải quyết phong chức, phong phẩm 575 chức sắc; bổ nhiệm 96 chức sắc; thuyên chuyển: 149 chức sắc; tạo điều kiện thuận lợi, cấp đất mới cho các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở thờ tự khang trang đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tu học của chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo;tiếp xúc, gặp gỡ khoảng 30 đoàn nước ngoài đến thăm, làm việc, tìm hiểu về tình hình tôn giáo và thực hiện chính sách tôn giáo trên địa bàn thành phố...

Nhìn chung, trong những năm qua, Ngành QLNN về tôn giáo thành phố Đà Nẵng luôn luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn do Thành ủy, UBND, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố giao. Hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo, chức sắc nhà tu hành, sinh hoạt tôn giáo của tín đồ các tôn giáo được tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo diễn ra bình thường, thuần túy và trong khuôn khổ pháp luật. Bên cạnh đó, việc chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo đến với cán bộ làm công tác tôn giáo, cũng như đối với chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn thành phố, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo của thành phố cũng đã từng bước được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ, công chức được đảm bảo về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng. Đặc biệt, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố, nên việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân trên địa bàn thành phố được thực hiện nhất quán, xuyên suốt. Đối với chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn thành phố, bên cạnh đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, việc sinh hoạt tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo cũng ngày càng được chăm lo, đi vào nề nếp, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân được đáp ứng thỏa đáng, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "No ấm phần xác, thong dong phần hồn”.

Qua 60 năm xây dựng và phát triển của Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo nói chung, 18 năm xây dựng và phát triển của Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo tại thành phố Đà Nẵng (1997 - 2015), với sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo đã góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của đồng bào có đạo và thực hiện tốt các chính sách về công tác dân tộc trên địa bàn thành phố, nhiều tập thể, cá nhân của Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo tại thành phố Đà Nẵng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Thành ủy và UBND và Giám đốc Sở Nội vụ thành phố tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đó không chỉ là sự ghi nhận mà cũng chính là những minh chứng cụ thể khẳng định vị trí và vai trò của Ngành quản lý nhà nước về tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa nói chung và xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng nói riêng./.

Ngô Khôi