Lịch sử xây dựng và trưởng thành của Ban Tôn giáo tỉnh An Giang
Ngày đăng: 04/12/2013
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo không ngừng trưởng thành và phát triển, Ban Tôn giáo tỉnh An Giang thành lập vào ngày 7 tháng 4 năm 1993 được Ủy ban nhân dân tỉnh ký quyết định tại Quyết định số 105/QĐ-UB-TC, là cơ quan giúp việc Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tôn giáo. Đến nay, đã trải qua 22 năm thành lập và trưởng thành, Ban Tôn giáo tỉnh An Giang đã gắn liền với từng giai đoạn xây dựng và trưởng thành của ngành như sau:

- Năm 1947 Tỉnh ủy Long Xuyên, Châu Đốc, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng và đẩy mạnh công tác Hoà Hảo vận, Khmer vận,…”. Thực hiện chủ trương trên, Ban Hòa Hảo vận được thành lập, do Bí thư Tỉnh uỷ phụ trách. Các quận không thành lập Ban Hòa Hảo vận mà chỉ có Ban hòa giải, lần lượt các Ban hòa giải hình thành ở Chợ Mới, Tịnh Biên, Tân Châu v.v. Vận động nhân dân, đồng bào có đạo, các chức sắc tôn giáo…

- Ngày 16 tháng 6 năm 1955, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số: 234-SL, về vấn đề tôn giáo (gồm 05 chương, 16 điều), tiếp tục khẳng định quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Quan điểm, chính sách đối với tôn giáo được Đảng xác định Tôn trọng tự do tín ngưỡng, đoàn kết tất cả những người yêu nước và tiến bộ trong các tôn giáo, đoàn kết đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo để cùng nhau phục vụ sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước, xây dựng hạnh phúc chung”.

- Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, đồng bào có đạo, tín đồ, các chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo đã trực tiếp cầm súng chiến đấu, nuôi chứa, cung cấp tiền bạc, vật chất, thuốc men v.v. cho cách mạng, công lao đóng góp to lớn, quí báu đó luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, hàng ngàn người đã được Nhà nước tôn vinh khen thưởng. Đất nước đã hòa bình, độc lập, đang trong thời kỳ phát triển, hội nhập quốc tế, đồng bào có đạo, tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo tiếp tục đóng góp sức người, sức của, tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, kêu gọi mọi người sống "tốt đời, đẹp đạo", cùng Đảng, Nhà nước xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

- Đến trước tháng 4 năm 1993: Công tác tôn giáo chủ yếu do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận Tỉnh ủy thực hiện, làm công tác vận động và thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ. Công tác quản lý hành chính Nhà nước về tôn giáo chỉ có 01 Phó Văn phòng Ủy ban nhân dân kiêm phụ trách công tác tôn giáo.

- Ngày 07 tháng 4 năm 1993, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ra Quyết định số: 105/ QĐ.UB.TC về thành lập Ban Tôn giáo, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo; nhân sự ngày đầu thành lập chỉ có 02 người: Trưởng ban do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm, 01 Phó Ban Tôn giáo chuyên trách, tham mưu cho Đảng và Nhà nước thực hiện các chính  sách đối với các tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ. Tuy nhiên, do kiêm nhiệm nên có phần còn hạn chế trong công tác tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ; nên Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Ánh (tên thường gọi 5 Đức) giữ chức vụ Trưởng ban chuyên trách từ tháng 12 năm 1996 và bổ nhiệm ông Nguyễn Hoà Bình giữ chức vụ Phó Trưởng ban chuyên trách; thời kỳ này tuy có 02 cán bộ chuyên trách nhưng khối lượng công việc quá lớn, nhưng cũng phấn đấu làm tốt vai trò tham mưu, đồng thời là đầu mối phối hợp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, xem xét giải quyết các yêu cầu của tổ chức và cá nhân tôn giáo, làm tốt được công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà, từng bước hướng dẫn các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng theo qui định của pháp luật, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.

- Trong giai đoạn những năm đầu thành lập, Ban Tôn giáo tỉnh An Giang chỉ có một bộ phận nhỏ, nhưng đến năm 2002 và 2003 bộ máy làm công tác tôn giáo luôn được Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân đặc biệt quan tâm củng cố, nâng chất hoạt động, tăng thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhân lực, cơ sở vật chất để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Về nhân sự được tăng lên có 5 nhân sự, trong đó có 3 lãnh đạo (Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban) và 2 chuyên viên, là một Ban của Ủy ban nhân dân tỉnh, biên chế trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, văn phòng làm việc trong trụ sở của Văn phòng Ủy ban nhân dân; mặc dù ít nhân sự, thiếu phương tiện làm việc, nhưng hoạt động làm việc có hiệu quả, làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, không có điểm nóng xảy ra, giữ vững địa bàn.

- Do yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo và tiện để các chức sắc, chức việc tôn giáo đến liên hệ, trao đổi công việc; năm 2005 Ban xin bổ sung thêm nhân sự, là 13 người (Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban, 2 Phó Trưởng phòng, 1 Phó Văn phòng; các Phòng chức năng gồm có 3 phòng: 2 Phòng nghiệp vụ và 1 Văn phòng) và dời trụ sở làm việc ra bên ngoài khỏi trụ sở Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, có tài khoản và con dấu để hoạt động. Chính thức là một đơn vị độc lập, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, là cơ quan ngang các Sở, Ban ngành cấp tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo của đơn vị đi vào nề nếp, hoạt động tốt.

- Đến năm 2008, kiện toàn tổ chức bộ máy từ Trung ương đến cơ sở, Ủy ban nhân dân tỉnh ký Quyết định số 1548/QĐ-UBND ngày 4 tháng 8 năm 2008, về việc thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ, với số lượng được giao là 16 biên chế để hoạt động. Theo quyết định này, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo được củng cố và đã từng bước hoàn thiện tại Quyết định số 48/2010/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh. Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo gồm: Trưởng ban, 02 Phó Trưởng ban, 03 Phòng chuyên môn: Phòng Hành chính - Tổng hợp, Phòng nghiệp vụ 1 (phụ trách các tôn giáo trong nước), Phòng nghiệp vụ 2 (phụ trách các tôn giáo du nhập từ nước ngoài); Phòng có Trưởng phòng và 01 Phó Trưởng phòng.

22 năm xây dựng và trưởng thành, tuy có nhiều thay đổi về mô hình tổ chức và nhân sự, nhưng Ban Tôn giáo luôn ra sức nỗ lực, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, như:

- Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Ban Tôn giáo tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập kế hoạch triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy về công tác tôn giáo theo Nghị quyết 25 của BCHTW Đảng (khoá IX); tham mưu cho Ủy ban nhân dân ban hành các quyết định, giải quyết các yêu cầu chính đáng của các tôn giáo trong thời gian qua, được kịp thời, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật. Có biện pháp tham mưu đề xuất xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng cực đoan, đồng thời, kịp thời đấu tranh có hiệu quả, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lợi dụng tôn giáo gây mật an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra điểm nóng.

- Thực hiện tốt công tác tranh thủ chức sắc, chức việc tôn giáo và người có uy tín trong tôn giáo; tổ chức các đoàn đi thăm hỏi chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo nhân các ngày lễ trọng; biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức tôn giáo điển hình có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình tôn giáo tại cơ sở v.v

- Phối hợp với các ngành chức năng liên quan như Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ ... làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề tôn giáo, đặc biệt là tuyên truyền cho các tổ chức tôn giáo, chức sắc , chức việc, nhà tu hành. Thông qua tuyên truyền kịp thời nắm bắt được tâm tư tình cảm, các khó khăn, đề xuất Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những yêu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng có liên quan công tác tôn giáo, đặc biệt là Ban Dân vận Tỉnh uỷ đảm bảo sự thống nhất trong tham mưu, đề xuất, giải quyết tốt các vấn đề của các tổ chức tôn giáo.

- Lập đề án triển khai việc thực hiện Nghị định số: 22/2004/NĐ-CP ngày 12/01/2004, Nghị định số 13 của Chính phủ. Tuy có nhiều thay đổi, nhưng đến nay bộ máy, nhân sự Ban Tôn giáo tỉnh là 15 người trên 16 biên chế đã đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả.

Ghi nhận thành tích và những đóng góp của Ban trong những năm qua, lãnh đạo cấp trên đã có nhiều hình thức khen thưởng cho Ban Tôn giáo: Cờ Thi đua; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giấy khen của Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.

Để Ban Tôn giáo trong những năm sắp tới từng bước phát triển hơn nữa, Ban sẽ phát huy vai trò tích cực công tác quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở; phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao việc quản lý Nhà nước về tôn giáo trong tình hình mới./.

  BAN TÔN GIÁO TỈNH AN GIANG