Lịch sử xây dựng và trưởng thành của Ban Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc
Ngày đăng: 04/12/2013
Vĩnh Phúc là tỉnh trung du Bắc Bộ, cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội diện tích tự nhiên là 1.231 km2, dân số gần 1,2 triệu người. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, thị xã Phúc Yên và 7 huyện là Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô và Lập Thạch với 137 xã, phường, thị trấn.

Trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo lớn là Phật giáo, Công giáo và Tin lành, có mặt từ rất lâu  trước Cách mạng tháng 8. Trước thời kỳ đổi mới, Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo, kinh tế thuần nông, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập vào năm 1997 đến nay, với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo năng động và sáng suốt của Đảng bộ tỉnh, nền kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc từng bước đi lên và đạt nhiều thành tựu quan trọng.

 Ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền trong cách mạng Tháng 8 năm 1945 cho đến khi tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập vào tháng 01/1997, mặc dù chưa có một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh giúp việc về công tác tôn giáo, nhưng các cấp uỷ đảng, chính quyền trong tỉnh đã luôn chú trọng đến công tác tôn giáo, tuyên truyền, vận động tín đồ, tổ chức các tôn giáo thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo” gắn bó với dân tộc, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp thống nhất đất nước, đồng thời tích cực tham gia công cuộc xây dựng đất nước.

Tháng 12/2000 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã Quyết định thành lập Phòng Tôn giáo - Dân tộc & Miền núi thuộc Văn phòng UBND tỉnh, trực tiếp giúp lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý sinh hoạt, hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra điểm nóng liên quan đến tôn giáo ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Năm 2004, trước tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến mới, cũng là thời điểm thực hiện Nghị định số 22/NĐ –CP ngày 12/1/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc UBND các cấp và Thông tư 25/TT-BNV ngày 19/4/2004 của Bộ Nội vụ, ngày 09/8/2004UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2727/QĐ-UB thành lập  Ban Dân tộc và Tôn giáo. Trong đó xác định rõ về tổ chức, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân tộc và Tôn giáo thuộc UBND tỉnh và hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về Dân tộc và Tôn giáo ở cả ba cấp: tỉnh, huyện, xã. Cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh gồm 4 phòng: phòng Dân tộc, phòng Tôn giáo, phòng Thanh tra, Văn phòng. Ở cấp huyện có 4 huyện, thị xã được thành lập phòng Dân tộc và Tôn giáo thuộc UBND cùng cấp, các huyện, thị xã chưa đủ tiêu chí thành lập phòng thì bố trí cán bộ làm công tác tôn giáo thuộc Văn phòng HĐND và UBND cùng cấp. Ở cấp xã bố trí một uỷ viên UBND  trực tiếp phụ  trách công tác tôn giáo. Như vậy cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ công tác quản lý Nhà nước về Dân tộc và Tôn giáo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được xác định ở cả ba cấp. Sau khi thành lập, Ban Dân tộc và Tôn giáo đã bám sát nhiệm vụ chuyên môn tích cực tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quản lý tốt các hoạt động tôn giáo trên địa bàn, tích cực tham gia phối hợp cùng các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đấu tranh, ngăn chặn với các loại hình đạo lạ hoạt động trái pháp luật, giải quyết các vụ việc có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo đúng đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, tích cực triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc, tôn giáo.

Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, ngày 04/4/2008 UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về tổ chức các cơ quan chuyên môn, trong đó có việc  chuyển Bộ phận làm công tác tôn giáo từ Ban Dân tộc Tôn giáo về Sở Nội vụ. Tháng 9/2008 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 46/2008/QĐ-UBND thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ. Ban Tôn giáo có con dấu, tài khoản riêng, chính thức đi vào hoạt động độc lập từ ngày 01/01/2009 với tổng biên chế 10 người.

 Đến nay, Ban Tôn giáo Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc được giao 14 biên chế, hiện có 13 người, trong đó: 10 công chức và 03 hợp đồng lao động. Trình độ chuyên môn: 03 thạc sĩ, 09 đại học; Trình độ chính trị: 03 cao cấp, 09 trung cấp; Về ngạch cán bộ, công chức: 03 chuyên viên chính, 07 chuyên viên, 03 nhân viên. Ban Tôn giáo có cơ cấu tổ chức như sau: Lãnh đạo Ban: 03 người, trong đó Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng Ban; 02 Phó Trưởng ban; Phòng Tổng hợp Hành chính 04 người; Phòng nghiệp vụ 1 phụ trách Phật giáo gồm 03 người; Phòng nghiệp vụ 2 phụ trách Công giáo, Tin lành và Tôn giáo khác gồm 03 người.

Đối với UBND các huyện, thành, thị, Phòng Nội vụ là cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tôn giáo ở địa phương. Đến nay 9/9 huyện, thành phố, thị xã đã có lãnh đạo phòng phụ trách và chuyên viên trực tiếp làm công tác tôn giáo kiêm nhiệm một số công việc như: thi đua khen thưởng, tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ chính sách…Ở cấp xã: 100% các xã, phường, thị trấn giao một người trong số cán bộ công chức các chức danh Văn phòng - thống kê, Văn hóa – xã hội, Chủ tịch MTTQ, Trưởng quân sự,… kiêm nhiệm làm công tác tôn giáo.

Nhìn chung công tác tôn giáo từ khi thành lập tỉnh Vĩnh Phúc đến nay luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm. Trải qua các thời kỳ, hệ thống tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo tỉnh  đã ngày càng phát triển, vững mạnh và trưởng thành; công tác tôn giáo ngày càng thu được những kết quả quan trọng. Đồng bào có đạo trong tỉnh với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo” đã tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Những kết quả đạt được trước hết khẳng định đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề tôn giáo, sau đó cho thấy sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tôn giáo Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ và cộng tác chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị cơ sở và sự nỗ lực đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo trong tỉnh.

Tình hình hoạt động các tôn giáo trong cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng đang diễn ra rất sôi động và tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nếu không thực hiện tốt công tác tôn giáo sẽ có nguy cơ bị các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước ta, công tác tôn giáo trong thời gian tới còn nhiều việc cần phải giải quyết, đó không chỉ là nhiệm vụ riêng của cơ quan và cán bộ làm công tác tôn giáo mà cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do vậy trong thời gian tới đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp tốt hơn nữa của các cấp, các ngành, các đơn vị với cơ quan quản lý nhà nước về để công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh ngày càng đạt hiệu quả cao, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị  trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh./.

Nguyễn Thị Hương Lan