Giới thiệu về lịch sử và sự phát triển của Ban Tôn giáo tỉnh Hải Dương
Ngày đăng: 03/12/2013
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/8/1955, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 566- TTg thành lập Ban Tôn giáo, một đơn vị trong Ban Nội chính Chính phủ và trực thuộc Thủ tướng phủ- tổ chức tiền thân của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay.

Ban Tôn giáo Trung ương có nhiệm vụ: “Nghiên cứu kế hoạch thi hành những chủ trương, chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo, giúp Thủ trướng phối chỉ đạo các ngành ở Trung ương để theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo, liên hệ với các tổ chức tôn giáo”. Ngày 02/8/1955 là dấu ấn đánh dấu sự ra đời của Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 27/5/2005, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 445/2005/QĐ- TTg lấy ngày 02/8 hàng năm là ngày truyền thống ngành quản lý nhà nước về tôn giáo.

Ở tỉnh Hải Dương, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương nên không thành lập Ban Tôn giáo tỉnh, mà nhiệm vụ quản lý tôn giáo của tỉnh lúc này do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thực hiện. Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 05/5/1988, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Hưng có Quyết định số 37/QĐ/TU “về việc thành lập Ban Tôn giáo UBND tỉnh”. Ban Tôn giáo UBND tỉnh là cơ quan phụ trách tôn giáo vận của tỉnh có nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, nghiên cứu, đề xuất chủ trương, biện pháp, việc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo và công tác tôn giáo. Cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo tỉnh thời kỳ này có: Phó chủ tịch UBND tỉnh theo dõi văn xã kiêm trưởng ban Tôn giáo, 01 thành viên thường trực, các thành viên tham gia Ban Tôn giáo tỉnh có UBMTTQ, Ban Dân vận, Công an. Ban Tôn giáo có trụ sở làm việc riêng nhưng thực tế, người làm công tác tôn giáo vẫn nằm trong biên chế của UBMTTQ tỉnh và kiêm nhiệm một số nhiệm vụ của UBMTTQ tỉnh. Trong thời kỳ này, Ban Tôn giáo tỉnh, huyện chưa phân cấp quản lý, khi có công việc cần giải quyết thì chuyển lên Ban Tôn giáo tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Vì vậy, Ban Tôn giáo tỉnh thường được gọi là Ban tư vấn tham mưu về vấn đề tôn giáo cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.

Từ năm 1986, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, việc củng cố, kiện toàn Ban Tôn giáo các cấp được đặt ra cấp thiết. Năm 1990, Bộ Chính trị khoá VI ra Nghị quyết về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Thực hiện chủ trương trên, ngày 01/10/1991, Tỉnh uỷ Hải Hưng có Nghị quyết điều động Phó chủ tịch UBMTTQ tỉnh sang làm Phó trưởng ban thường trực Ban Tôn giáo, Trưởng ban do Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm, Ban Tôn giáo tỉnh có con dấu riêng.

Đầu năm 1997, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa X về việc  chia tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Ngày 18/8/1997 UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định số 2048/QĐ-UB Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Ban Tôn giáo tỉnh Hải Dương. Thời kỳ, Ban Tôn giáo tỉnh có 05 biên chế. Trưởng ban do Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm. Ngày 01/01/2005 bộ máy tổ chức của Ban Tôn giáo tỉnh tiếp tục được kiện toàn với tư cách là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, có con dấu, tài khoản, phương tiện riêng; Tổ chức bộ máy có 02 phòng: Văn phòng và Phòng Nghiệp vụ. Đối với cấp huyện thành lập Ban Tôn giáo do Phó chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, cán bộ Văn phòng, HĐND-UBND huyện là Thường trực Ban Tôn giáo, các ngành MTTQ, Công an, Văn hóa - Thông tin, Hội phụ nữ... là thành viên, riêng thành phố Hải Dương và huyện Chí Linh, Bình Giang được thành lập Phòng Tôn giáo.

Thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-NĐCP ngày 04/02/2008 của Chính phủ về việc quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ngày 20/3/2008, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND về việc sáp nhập Ban Tôn giáo tỉnh vào Sở Nội vụ, thành phòng Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ, phòng có 06 công chức trực tiếp làm công tác tôn giáo. Ở các huyện, thành phố, công tác tôn giáo được sáp nhập vào Phòng Nội vụ.

Thực hiện Thông tư số 04/2008/TT-BNV ngày 04/6/2008 của Bộ Nội vụ “ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện”. Ngày 17/11/2008 UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 4231/2008/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ. Ban Tôn giáo là cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nội vụ, có chức năng giúp Giám đốc Sở tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Ban Tôn giáo có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng và có Phó giám đốc Sở kiêm Trưởng ban Tôn giáo. Tổ chức, bộ máy gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp và 02 Phòng Nghiệp vụ, hiện nay số công chức, và người lao động của Ban có 13 công chức, viên chức.

Trải qua 60 năm hoạt động, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ, các thế hệ làm công tác tôn giáo đã không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, Tôn giáo của nhân dân, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đó góp phần tích cực vào việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Tôn giáo vào thực tế cuộc sống, động viên chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các Tôn giáo phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó trong khối đại đoàn kết dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương; Nhiều vụ việc phức tạp về Tôn giáo được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

            Với những đóng góp tích cực, hiệu quả trong suốt 60 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân thuộc Ban Tôn giáo tỉnh, Ban Tôn giáo cấp huyện, phòng nội vụ các huyện, thị xã, thành phố được Chủ tịch Nước tặng Huân chương lao động, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, UBND tỉnh tặng Bằng khen và Ban Tôn giáo Chính phủ, Giám đốc Sở tặng giấy khen; 41 công chức, viên chức được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp quản lý nhà nước về Tôn giáo.

Ngọc Huân