60 năm xây dựng và trưởng thành của Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang
Ngày đăng: 03/12/2013
Ngay từ ngày đầu đất nước giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã kế thừa những tinh hoa, tư tưởng của lịch sử loài người và truyền thống đoàn kết của ông cha. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (03/9/1945), Bác Hồ đã đề nghị Chính phủ tuyên bố: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Nhằm mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, giành độc lập dân tộc.

Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mới ra đời, phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc, với yêu cầu “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không bỏ sót một người dân nào” để góp thành lực lượng của cách mạng. Do đó hàng loạt chính sách về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng của Đảng và Nhà nước lúc đó được ban hành. Ngày 02/3/1946 hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được Quốc hội khoá I thông qua đã nêu “Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”. Như vậy ngay từ  những năm đầu tiên giành được độc lập, chính quyền cách mạng đã có những chính sách đúng đắn về vấn đề tôn giáo ở nước ta, tạo ra nền tảng cho đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta từ đó đến nay. Một chính sách đúng đắn về tự do tín ngưỡng tôn giáo, trên cơ sở đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.

            Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, coi việc tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền lợi của nhân dân và luôn tôn trọng giúp đỡ nhân dân thực hiện quyền tự do đó được thuận lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 234/SL ngày 14/6/1955, về vấn đề tôn giáo đã nêu: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do thờ cúng, quyền theo hoặc không theo tôn giáo nào”.

            Ngày 02/8/1955 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 566/TTg về việc thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc phủ Thủ tướng (tiền thân của Ban Tôn giáo Chính phủ ngày nay); đồng thời thành lập hệ thống Ban Tôn giáo trên thuộc các Ủy ban hành chính khu, các Ủy ban hành chính tỉnh, cũng là tiền thân của hệ thống ngành Quản lý nhà nước về tôn giáo sau này. Ban Tôn giáo có nhiệm vụ: “Nghiên cứu kế hoạch thi hành những chủ trương, chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo, giúp thủ tướng phối hợp với các ngành ở TW và theo dõi, hướng dẫn đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện những chính sách của Chính phủ về vấn đề tôn giáo và các tổ chức tôn giáo”.

            Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đất nước ta bị chia cắt làm hai miền. Cách mạng hai miền có nhiệm vụ khác nhau, nhưng có mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc và thống nhất đất nước. Nhiệm vụ công tác tôn giáo trong thời kỳ này là: Vận động tín đồ, chức sắc và tổ chức tôn giáo tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ, Ngụy quyền Sài Gòn phá hoại hiệp định Giơnevơ và âm mưu cưỡng ép tín đồ, chức sắc tôn giáo di cư vào Nam; động viên chức sắc, nhà tu hành tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

            Miền Nam được giải phóng đất nước thống nhất, nhân dân tưng bừng phấn khởi trong hoà bình độc lập tự do bước vào xây dựng cuộc sống mới. Lúc này hàng triệu tín đồ các tôn giáo Việt Nam mong muốn được thống nhất tổ chức tôn giáo trong cả nước, để cùng nhau chung sức, xây dựng ngôi nhà chung của các tôn giáo Việt Nam. Công tác tôn giáo thời kỳ này là giúp các tôn giáo, thống nhất tổ chức giữa hai miền, xây dựng hiến chương điều lệ theo đường hướng hành đạo gắn với dân tộc, đã góp phần tích cực vào thống nhất các tổ chức tôn giáo trong toàn quốc. Năm 1980 Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập ra thư chung: “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”; Năm 1981 Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập với đường hướng: “Đạo pháp dân tộc chủ nghĩa xã hội”.

Sáu mươi năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc phủ Thủ tướng, ngày 02/8/1955, được sự hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm đến công tác tôn giáo và quản lý Nhà nước về tôn giáo, do đó cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo ở Bắc Giang từng bước được củng cố và hoàn thiện.

Vào cuối những năm 70 và những năm 80 công tác QLNN về tôn giáo ở Hà Bắc do Ủy ban Mặt trận và Ban Dân vận Tỉnh uỷ theo dõi. Năm 1983 Ban Dân vận Tỉnh uỷ thành lập Tiểu Ban tôn giáo (tiền thân của Ban tôn giáo chính quyền sau này). Trên thực tế Tiểu Ban Tôn giáo của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, vừa làm công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ triển khai các Nghị quyết của Đảng, vừa giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về các hoạt động tôn giáo. Đội ngũ cán bộ làm công tác Tôn giáo lúc đó ở các cơ quan Đảng, chính quyền như Ban Dân vận Tỉnh uỷ, UBMT Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đã tích cực vận động các chức sắc, nhà tu hành trong tỉnh, xây dựng đường hướng hành đạo gắn với dân tộc, tổ chức thành công Đại hội Phật giáo và Ủy ban đoàn kết Công giáo tỉnh Hà Bắc góp phần vào thành công đại hội thống nhất toàn quốc của các tôn giáo Việt Nam khi đất nước đã thống nhất.

Ngày 10/12/1992, UBND tỉnh Hà Bắc, ban hành Quyết định số 979/QĐ-UB thành lập Ban Tôn giáo tỉnh Hà Bắc, Ban Tôn giáo có nhiệm vụ chủ yếu là: Làm tham mưu giúp Tỉnh uỷ về công tác tôn giáo; giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước các tôn giáo, theo tinh thần Nghị quyết  của Bộ chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư TW và Nghị định số 69 của Hội đồng Bộ trưởng.

Về cơ cấu bộ máy, Ban Tôn giáo có tính chất kiêm nhiệm, chỉ có một số cán bộ chuyên trách: Phó Trưởng Ban Dân vận kiêm Trưởng ban, Phó trưởng ban và cán bộ ở các ngành kiêm nhiệm; Ban có con dấu riêng, trụ sở đặt tại Ban Dân vận Tỉnh uỷ. Ngày 20/8/1994, UBND tỉnh Hà Bắc ra Quyết định số 239/QĐ-UB, thành lập 10 Ban Tôn giáo các huyện, thị, Trong đó có 06 huyện ở tỉnh Bắc Giang là: huyện Lục Nam; Tân Yên; Hiệp Hoà; Việt Yên; Yên Dũng và Thị xã Bắc Giang. Tháng 01/1997 tỉnh Bắc Giang được tái lập, Ban Tôn giáo chính quyền tỉnh Bắc Giang tiếp tục được thành lập.

Mặc dù hệ thống quản lý Nhà nước về tôn giáo chưa được hoàn chỉnh, bộ máy làm công tác tôn giáo ở tỉnh và huyện thị còn kiêm nhiệm, song được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh và sự kết hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng, UBMT Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Ban Tôn giáo các cấp đã có nhiều cố gắng tham mưu cho Tỉnh và UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai và tổng kết kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Chính phủ đạt kết quả.

Năm 1997 Ban Tôn giáo đã tham mưu cho Tỉnh uỷ ra Kế hoạch tổng kết Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị định 69 của Hội đồng Bộ Trưởng về công tác tôn giáo, năm 1998 giúp Tỉnh uỷ xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 37/CT-TW của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong thời kỳ mới. Sau gần 5 năm thực hiện, năm 2002, Tỉnh uỷ đã tổ chức sơ kết Chỉ thị 37 và Nghị định 26 của Chính phủ. Ngày 30/5/2003, Ban Tôn giáo đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, xây dựng chương trình hành động số 41-CT/TU về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng khoá IX về công tác tôn giáo.

Thực hiện Nghị định số 22/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 25/2004 của Bộ Nội vụ về việc kiện toàn tổ chức Bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc UBND các cấp. Ban Tôn giáo đã phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng đề án kiện toàn Ban Tôn giáo. Ngày 10/8/2004 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 103/QĐ-UB quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo tỉnh, hiện nay Ban Tôn giáo đã cơ bản hoàn chỉnh có lãnh đạo ban có các phòng thuộc ban và được tăng cường đội ngũ cán bộ, có 03 huyện thành lập phòng Dân tộc - Tôn giáo là huyện Sơn Động; Lục Ngạn; Yên Thế. Các huyện khác có cán bộ làm công tác tôn giáo thuộc văn phòng UBND các huyện, thành phố.

Năm 2005 đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 428/KH-UB ngày 30/3/2005, việc triển khai thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 22/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh và mở hội nghị cán bộ chủ chốt của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và lãnh đạo các huyện và thành phố; đồng thời tổ chức tuyên truyền cho các chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo.

Ngày 26/3/2008, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 285-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang. Sau khi Tỉnh ủy có Nghị quyết, ngày 31/3/2008 UBND tỉnh có Quyết định số 26/QĐ-UBND về việc sáp nhập Ban Tôn giáo, Ban Thi đua – Khen thưởng; chuyển chức năng quản lý Nhà nước về công tác Văn thư, Lưu trữ từ Văn phòng UBND tỉnh về Sở Nội vụ. Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo tại các huyện, thành  phố do phòng Nội vụ các huyện, thành phố phụ trách.

Ngày 30/6/2008, UBND tỉnh có Quyết định số 59/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang. Theo Quyết định này, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo được củng cố và đã từng bước hoàn thiện. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo hiện nay gồm: Trưởng Ban, 02 Phó Trưởng Ban, 02 phòng chức năng là phòng Hành chính Tổng hợp và phòng Nghiệp vụ với 12 công chức và người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, tận tụy với công việc đáp ứng yêu cầu công tác QLNN về tôn giáo trong thời kỳ hiện nay, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của nhân dân các dân tộc và các tôn giáo trong tỉnh, góp phần tích cức thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương.

Năm 2014 Ban Tôn giáo đã tham mưu cho Tỉnh ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về công tác tôn giáo

            Với những thành tích trên, các cá nhân, tập thể Ban Tôn giáo đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, UBND tỉnh, Ban Tôn giáo Chính phủ tặng nhiều bằng khen, đặc biệt năm 2009 Ban được tặng cờ thi đua xuất sắc trong cụm đồng bằng Trung du Bắc Bộ. Đây là nguồn cổ vũ động viên có ý nghĩa đối với những người làm công tác QLNN về tôn giáo ở tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, chúng ta cần nghiêm túc nhận thấy công tác quản lý Nhà nước còn những mặt yếu kém cần sớm khắc phục. Công tác tôn giáo còn chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; Tổ chức bộ máy chưa đồng bộ thống nhất thành một hệ thống, dẫn đến việc đề xuất về công tác tôn giáo cho cấp uỷ, chính quyền đôi lúc còn chậm, không kịp thời; Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo còn thiếu, nhận thức về tôn giáo còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm và không được đào tạo cơ bản. Một số địa phương còn xem nhẹ, chưa quan tâm đúng mức về công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế nêu trên, công tác QLNN về tôn giáo; Chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

- Cơ quan QLNN phải chủ động đề xuất và tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, quán triệt phổ biến tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách về công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước, giúp cho cán bộ, nhân dân và chức sắc, tín đồ, thấy được quan điểm về tôn giáo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó phát huy được truyền thống, khơi dậy niềm tự hào của đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiếp tục đóng góp công sức trong công cuộc đổi mới đất nước. Tăng cường đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân, tạo môi trường lành mạnh cho quê hương phát triển, ổn định và bền vững.

- Cơ quan QLNN phải là đầu mối liên hệ giữa các cấp chính quyền với các tổ chức, tín đồ tôn giáo. Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo phải nắm được pháp luật và hiểu biết về tôn giáo tạo lập và duy trì được mối liên hệ với các tổ chức tôn giáo và đồng bào các tôn giáo. Luôn có thái độ ứng xử đúng mực, phải gần gũi với tín đồ, chức sắc tôn giáo, nắm bắt nguyện vọng của đồng bào. Kịp thời đề xuất với chính quyền, giải quyết yêu cầu chính đáng của đồng bào.

- Kinh nghiệm công tác tôn giáo trong những năm qua cho thấy: Việc tìm ra sự đồng thuận giữa các cơ quan chính quyền với các tổ chức, tín đồ tôn giáo sẽ là một nhân tố quan trọng, thực hiện thắng lợi, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng tôn giáo phá hoại đoàn kết dân tộc.

- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo, phải là nòng cốt trọng sự phối hợp giữa các ngành, các cấp ở địa phương, trở thành sức mạnh tổng hợp, cả hệ thống chính trị làm công tác tôn giáo. Bảo đảm sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, do đó giải quyết các công việc về tôn giáo đỡ phức tạp và lúng túng. Thực tiễn chứng minh nơi nào, cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nắm vững chính sách tôn giáo, thống nhất về nhận thức, nơi đó hoạt động tôn giáo được bình thường, ít sẩy ra các mâu thuẫn về tôn giáo. Từ đó động viên đồng bào các tôn giáo, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, làm tốt việc đạo, làm tròn nghĩa vụ công dân, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội ở địa phương./.

Đỗ Văn Hùng