Giới thiệu nét cổ truyền Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long
Ngày đăng: 14/06/2021
Triển lãm giới thiệu nét truyền thống của Tết Đoan Ngọ tại Hoàng thành Thăng Long Ảnh: TTXVN
Ngày 10/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm “Tết Đoan Ngọ xưa và nay - Gió lành Đoan Dương” theo hình thức trực tuyến tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long nhằm giới thiệu nét cổ truyền của Tết Đoan Ngọ đến đông đảo công chúng.

Triển lãm năm nay có nhiều nét mới như: Lần đầu tiên trưng bày, giới thiệu chiếc quạt mang đậm tính chất cung đình rộng 2,4 mét đề bài thơ của Vua Lê Hiến Tông viết trên quạt năm 1503; một số mẫu quạt dành cho nhà Vua, Hoàng hậu và các quan được phỏng dựng dựa trên nguồn tư liệu; những chiếc bùa ngũ sắc được phục hồi dựa theo hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly (Cộng hòa Pháp) và không gian đầy màu sắc của một cửa hàng thuộc phố Hàng Mụn xưa (phố Hàng Bút hiện nay).

Ngoài ra, các phong tục ngày Tết Đoan Ngọ như: Hái lá thuốc Nam, gội đầu bằng nước lá thơm, lá xông giải cảm… cũng được giới thiệu cùng với những chiếc lá ngải hình con trâu tương ứng năm Tân Sửu.

Dù được triển khai theo hình thức trực tuyến nhưng triển lãm giúp du khách không có điều kiện đến Hoàng thành Thăng Long do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn có thể tiếp cận nội dung trưng bày bổ ích, tìm hiểu phong tục độc đáo trong cung đình, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh trong dân gian.

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn "dương" là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Không chỉ riêng ở Việt Nam mà ở nhiều nước châu Á cũng có Tết Đoan Ngọ. Vì vậy Tết Đoan Ngọ thực chất là một phong tục lễ Tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Tết Đoan Ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau. Theo đó, một năm nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.

Dân làng đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây.

Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ nhưng ông lão đã đi đâu mất.

Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày 'Tết diệt sâu bọ', có người gọi là 'Tết Đoan Ngọ', vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Một số món ăn thường dùng trong Tết đoan ngọ

Theo quan niệm cổ truyền, có thể giết sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5. Cách trừ sâu bọ trong người như sau: mọi người sáng ngủ dậy không được đặt chân xuống đất phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc. Rồi bước chân ra khỏi giường ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Giết sâu bọ, đeo bùa ngũ sắc, mặc áo dấu, xâu lỗ tai cho bé gái, nhuộm móng tay móng chân, đổ bệnh cho cây, khảo cây, đi sêu… là những phong tục riêng của Tết Đoan Ngọ xưa.

Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên Đán, có lẽ "Tết giết sâu bọ" là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân... vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.

 

Văn Cường t/h