Đua ghe Ngo trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Khmer
Ngày đăng: 18/10/2022
Sắc màu trong lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng
Lễ hội đua ghe Ngo không chỉ là hoạt động thể thao, thể hiện tính cộng đồng, mà còn có ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc biệt với đồng bào Khmer. Đua ghe Ngo là phần hấp dẫn nhất trong lễ hội Ok Om Bok, một trong 3 lễ hội lớn của người Khmer, bên cạnh Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay và lễ cúng ông bà Sene Dolta.

Đây được coi là hoạt động rước đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước, thể hiện sự biết ơn đối với thần nước đã phù hộ cho người dân một mùa màng bội thu. Không chỉ vậy, phong tục đua ghe Ngo chứa nhiều ý nghĩa thiêng liêng đối với đồng bào Khmer đang sinh sống tại vùng đất trù phú Đồng bằng sông Cửu Long.

Đua ghe Ngo trong lễ hội Ok Om Bok diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, được thể hiện dưới 2 hình thức, nghi thức tế lễ ở gia đình hoặc ở chùa và hội đua ghe Ngo diễn ra trên sông Maspéro, trung tâm Thành phố Sóc Trăng. 

Trong tiếng Khmer, “Ok” nghĩa là đút, nuốt hay đút cho ăn; còn “Om Bok” là cốm dẹp. Lễ hội Ok Om Bok là lễ hội “đút cốm dẹp”, hay lễ cúng trăng. Theo quan niệm của đồng bào Khmer Nam Bộ, mặt trăng là vị thần cai quản mùa màng. Sau mỗi vụ mùa sản xuất, cần làm lễ cúng trăng để tạ ơn một năm mưa thuận gió hòa, thu hoạch tốt, nhà nhà trong phum, sóc ấm no, hạnh phúc. Cốm dẹp là loại lễ vật quan trọng nhất, không thể thiếu khi dâng cúng lên thần mặt trăng bên cạnh các loại hoa quả, đặc sản khác do chính người nông dân Khmer làm ra. 

Cùng với Lễ cúng trăng, đua ghe Ngo là hoạt động chính, nổi bật trong Lễ hội Ok Om Bok. Khởi thủy là chiếc thuyền độc mộc, làm bằng cây sao, sau này ghe được cải tiến nối thêm đầu và đuôi đều cong, người Khmer gọi là Tuk Ngô (Tuk là ghe, Cong là ngô - đọc trại thành Ngo). Ghe Ngo từ chiếc thuyền độc mộc đơn giản ban đầu cho đến hôm nay là một chặng đường dài biến đổi mục đích sử dụng của một phương tiện phục vụ lao động sản xuất, trở thành phương tiện phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí. Và cuộc đua ghe Ngo qua hằng năm, tính cạnh tranh thứ hạng càng trở nên mạnh mẽ, vì vậy, người thợ đã không ngừng cải tiến kỹ thuật đóng ghe, để chiếc ghe Ngo lướt nhanh nhất có thể. Đây cũng là lý do, những năm trở lại đây, ghe Ngo được đóng dài hơn với chiều dài từ 30-31m, có sức chứa từ 55-60 người, thay vì chỉ từ 22-27m như trước đây.

Ghe Ngo có nhiều khoang, trên mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang dài 1,2m, làm băng ngồi vừa đủ 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song gồm 25 đôi. Ghe Ngo có dầm riêng, làm theo nhiều kích cỡ, tùy theo từng vị trí người bơi. Đặc biệt, nghe Ngo có hai cây kềm chịu lực, thường là thân cây tràm vì cây này có độ dẻo, hai cây kềm chịu lực này giúp cho ghe nhún nhảy và phóng nhanh đồng thời giúp giữ chặt ghe không bị gãy đôi. Hai cây này có đường kính 0,2m. Một cây kềm dài suốt lòng ghe, một cây kềm lái (từ giữa thân thân ghe về phía sau) gọi là Đon Sonh-Tuôch (cây cần câu).

Thân ghe được chà đi chà lại cho thật trơn bóng và sơn màu đen. Trên be sơn một lằn trắng, đỏ hoặc vàng, có độ dài khoảng 5cm. Hai bên be chạm trổ hoặc vảy rồng, rắn theo mô típ Naga hay hoa lá cách điệu. Ở hai bên mũi ghe vẽ hình các con thú như: Rồng, chim Công, Sư tử, Cọp, Voi... vừa tượng trưng cho vẻ đẹp, đồng thời biểu hiện cho sức mạnh của ghe mình.

Ngày nay, những thân cây sao bằng 2 người ôm hầu như không còn nữa nên ghe Ngo hiện đại được đóng bằng ván cây sao. Có lẽ do kết cấu của ghe ngày nay mỏng và nhẹ hơn ghe truyền thống nên nhiều người nhận định rằng ghe ngày nay lướt nhanh hơn ghe độc mộc ngày xưa. Những những năm gần đây, các đội ghe nữ cũng tham gia tranh tài đã làm cho cuộc đua thêm phần hào hứng. Đó là kết quả của quá trình vận động, thuyết phục kiên trì của các ban, ngành hữu quan nhằm biến đổi những quan niệm cổ xưa, đem lại sự bình đẳng cho nữ giới, đồng thời là sự cải tiến, phát triển lễ đua ghe Ngo để phù hợp với nhu cầu sinh hoạt văn hóa của xã hội đương đại.

Hội đua ghe Ngo ở Sóc Trăng mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người Khmer. Cộng đồng tổ chức đua ghe Ngo nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần của mỗi thành viên và được giữ gìn cho muôn đời sau. Hình thức tổ chức hội đua ghe Ngo phản ánh được tự nhiên, vũ trụ, con người và vạn vật cũng như văn hóa tộc người... Trải qua những thăng trầm của thời gian và biến cố xã hội, về cơ bản, hội đua ghe Ngo vẫn giữ được những nội dung phản ánh ban đầu của cư dân nông nghiệp lúa nước, đó là bày tỏ lòng tri ân của mình và cầu xin sự “tha thứ” của thần Đất và thần Nước về những việc làm của con người đã ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Lễ hội ra đời trong dân gian, gắn liền với lịch sử hình tộc người và đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian nên phần lễ là sự phản ánh khát vọng cầu mùa, cầu sức khỏe của cộng đồng người Khmer. Giá trị lịch sử của lễ hội được biểu hiện trong các nghi lễ dâng cúng lễ vật lên thần linh. Có thể nhận thấy, những lễ vật xuất hiện nhiều và quen thuộc với các sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi gắn với khai thác tự nhiên. Địa điểm tổ chức phần lễ cũng như vị trí đua ghe bao giờ cũng ở vị trí linh thiêng, trung tâm.

Hội đua ghe Ngo là sự phản ánh ước nguyện về một cuộc sống dân an, vật thịnh qua việc khấn cầu vị thần Mặt Trăng và tổ chức đua ghe. Ngoài ra, các trò chơi dân gian khác cũng phần nào nói lên sự gắn bó của lễ hội với môi trường tự nhiên và xã hội của người Khmer. Các trò chơi được thể hiện một cách độc đáo, đặc sắc có sự tham gia, cổ vũ mạnh mẽ của các thành viên trong cộng đồng. Đối với đồng bào người Khmer, mỗi thành viên trong cuộc đời đều trải qua ít nhất một lần được tham dự hội đua ghe, để cầu may cho bản thân, cũng như các thành viên trong gia đình.

Hội đua ghe Ngo còn có ý nghĩa góp phần giáo dục con người về tính tập thể, tinh thần kỷ luật, ý chí vươn lên, rèn luyện thể chất, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người. Đồng thời thể hiện tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết tạo thành một sức mạnh. Lễ hội được phổ biến trong cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận và được chính cộng đồng lưu giữ, bảo tồn. Hội đua ghe này góp phần lưu giữ bản sắc, đặc trưng của cộng đồng dân tộc Khmer ở Sóc Trăng.

Hiện nay, đua ghe Ngo ở Sóc Trăng trở thành sự kiện du lịch đặc biệt hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hằng năm, hội đua ghe diễn ra thu hút hàng vạn lượt người đến tham gia, cổ vũ, tìm hiểu, nghiên cứu. Đua ghe Ngo trong lễ hội Ok Om Bok đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách, góp phần tăng thu nhập cho người dân Sóc Trăng.

Lễ hội đua ghe Ngo của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 01/2022 nhằm tôn vinh các giá trị lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người Khmer. Lễ hội đua ghe Ngo trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tạo động lực để bà con Khmer tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị lễ hội truyền thống đặc sắc./.

 

Thu Thủy