Phật giáo chia sẻ mất mát của đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng mưa lũ
Ngày đăng: 21/10/2022Tương thân, đoàn kết là truyền thống ngàn đời của người Việt Nam. Những ngày tháng 10 năm 2022, người dân miền Trung, nhất là các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Nghệ An…đang liên tiếp hứng chịu thiên tai. Mưa lũ dồn dập sau bão số 4, số 5 và số 6 khiến nhiều người, nhiều gia đình bị ảnh hưởng và điêu đứng trong thường nhật cũng như sinh kế. Trong hoạn nạn, sự xích lại của cộng đồng tô đẹp thêm truyền thông tương thân của người Việt. Các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc, tín đồ…tích cực chung tay sẻ chia cơn nguy khó của đồng bào.
Miền Trung liên tiếp hứng chịu thiên tai
Sau đợt mưa lớn xảy ra trên diện rộng do ảnh hưởng của bão số 5 gâp lũ ở Nghệ An và ngập lụt lịch sử ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, THừa Thiên Huế…,khu vực miền Trung tiếp tục chịu ảnh hưởng của mưa lũ sau bão số 6. Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Trung tâm Dự báo khi tượng thủy văn Quốc gia, trong những ngày sau bão số 6 và đến cuối năm 2022, mưa lớn và lũ dồn dập vẫn có thể tiếp tục xay ra ở miền Trung.
Về tình hình mưa, theo các dự báo của các cơ quan khí tượng thì tổng lượng mưa trong tháng 11 ở khu vực Bắc Trung Bộ cao hơn so với cùng kỳ của nhiều năm từ 15-30%, riêng khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, cá biệt có nơi trên 70%...
Theo các chuyên gia, từ nay đến tháng 1/2023, trạng thái La Nina (nước biển lạnh so với thông thường) tiếp tục duy trì với xác xuất khoảng từ 80-90%, sau đó giảm dần. Với dự báo đó, từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023, dự báo trên khu vực biển Đông sẽ có khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền, vùng ảnh hưởng là khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.
Mưa bão gây thiệt hại nặng cho người dân. Theo tính toán sơ bộ đến hết ngày 18/10, riêng TP Đà Nẵng bị thiệt gần 1.500 tỷ đồng. Vẫn tại địa phương này, số nhà dân bị ngập khoảng 70.000 căn nhà và làm 4 người chết. Đa số các hộ dân trên địa bàn bị ngập nước và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản khi có trên 2.000 ô tô và trên 30.000 xe gắn máy bị ngập nước. Mưa lũ cũng gây hư hỏng hàng hóa, máy móc, trang thiết bị của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Trên 74 ha rau màu các loại bị ngập úng. Gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, chết gần 60.000 con. 14 trường học trên toàn thành phố bị ngập, làm hư hỏng trang thiết bị giáo dục. Về giao thông, nhiều tuyến đường bị sạt lở….
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai thì tỉnh đến ngày 15/10 tại Quảng TRị có trên 1.300 ngôi nhà bị ngập từ 0,3-1m nước. Thừa Thiên Huế có gần 20.000 ngôi nhà ngập sâu từ 0,3-0,8m.
Tình người trong lũ
Khi bão số 4 và số 5 vào đất liên đã có hàng trăm cá nhân, tổ chức tình nguyện dành dành nhà cửa, cơ sở của mình để làm nơi trú ngụ cho hàng ngàn người bị ảnh hưởng. Ông Phạm Thế Phương ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng dành trọn ngôi nhà 4 tầng của mình để hỗ trợ miễn phí cho hơn 30 người. Không ít cá nhân, tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau kêu gọi những người cơ nhỡ, xa quê…đến nhà, cơ sở của mình để tránh mưa bão, đồng thời cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu. Hàng loạt khách sạn, nhà hàng, quán ăn ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã thực hiện miễn phí toàn bộ phòng ở cho những du khách bị mắc kẹt.
Tại TP Đà Nẵng, khi nước rút có hàng ngàn xe máy, ô tô bị hư hỏng, lập tức đội quân tình nguyện sửa xe miễn phí từ các cửa hàng sửa xe của nhiều quận, huyện trên toàn địa bàn thành phố “xung phong” xuống đường chia sẻ với đồng bào để những chiếc xe được vận hành trở lại. Trong “đội quân” này có không ít thợ sửa xe từ Quang Nam chạy ngược ra tương trợ với người Đà Nẵng. Họ mang theo dụng cụ, trang thiết bị lập nên những “trạm” sửa xe lưu động. Cùng với lực lượng sửa xe miễn phí, người dân Đà Nẵng cũng thành lập các đội cứu hộ xe miễn phí.
Những ngày đầu tháng 10 khi mưa lũ đang tàn phá Nghệ An, không ít tổ chức cá nhân bất chấp hiểm cho sức khỏe, tính mạng của mình kịp thời có mặt bên cạnh những hoàn cảnh bi thương. Theo đó, một nhóm thanh niên đã bất chấp mưa lũ, dầm mình trong nước để tìm kiếm, vận chuyển hàng trăm gia súc, gia cầm bị cuốn trôi trở về với nhiều hộ dân ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu. Đồng thời, họ cũng lội lũ để hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho nhiều hộ gia đình ở xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu.
Tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu, gần 4.000 con gà của một trang trại bị chết do mưa lũ. Cảnh tượng gà chết la liệt khiến nhiều người thương xót. Người dân trong xóm đã chung tay khắc phục hâu quả giúp gia chủ bằng việc vặt lông, mổ gà, làm sạch để bán thịt gà, vớt vát phần nào vật chất…
Thương người như thương mình
Phật Thích ca dạy “Đạo đức là từ bi, với tinh thần đó và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn chia sẻ, đồng hành cùng đồng bào trong cơn hoạn nạn.
Ngày 18/10, đại diện Ban Trị sự GHPGVN TP. Vũng Tàu, Ni sư Thích nữ Nguyễn Xuân, Trưởng ban Từ thiện-Xã hội Phật giáo TP. cùng tăng, ni và các phật tử đã có mặt tại tỉnh Nghệ An.
Đoàn đã trao quà đến người dân tại 2 địa điểm ảnh hưởng trong cơn lũ sau bão Noru vừa qua, trong đó 300 phần quà tại Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. 400 phần quà tại Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Tại mỗi điểm, chư tôn đức tăng ni có lời hỏi thăm sức khỏe, động viên và cầu chúc người dân sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Mỗi phần quà gồm 500.000đ, gạo, mì gói và các nhu yếu phẩm khác. Được biết đây là lần thứ 2, Ban trị sự GHPGVN TP Vũng Tàu ủng hộ đồng bào bị thiên tai tại miền Trung trong mùa mưa bão năm nay.
Trước đó, ngày 12/10, Thượng tọa Thích Thanh Dũng, Trưởng ban trị sự GHPGVN TP Ninh Bình cùng các nhà tâm đã đến tặng quà, động viên người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ sau bão Noru tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Đoàn đã trao 220 phần quà, mỗi phần gồm 500.000đ và các vật dụng thiết yếu khác. Ngay sau đó, ngày 13/10, tăng, ni, phật tử chùa Yên Thái (Nghệ An) và các chùa Tường Vân, chùa Phước An và chùa Đặng Sơn (Hải Dương) do Đại đức Thích Tâm Ngọc làm trưởng đoàn đã đến thăm, trao các suất quà tình nghĩa tới các hộ gia đình không may bị thiệt hại trong lũ tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Được biết, đoàn đã trao 310 xuất quà, trị giá mỗi suất gần 1 triệu đồng, gồm 500.000đ tiền mặt và các nhu yếu phẩm…
Trong các ngày 7-9/10, đoàn từ thiện chùa Lá (Gò Vấp, TP.HCM) cùng các nhà hảo tâm đã đến thăm, động viên và hỗ trợ người dân vùng mưa lũ tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) và huyện Nam Giang (Quảng Nam) sau bão Noru. Theo đó, ngày 7/10, đoàn đã tặng trên 200 phần quà đến người dân và quà khuyến học cho học sinh tại 2 xã La Dê và Đắt Tôi. Ngày 9/10, đoàn tiếp tục trao tặng 300 phần quà, mỗi phần 500.000đ, 20 chiếc xe đạp và 40 phần quà khuyến học cho học sinh nghèo tại huyện Kỳ Sơn.
Trong trận mưa lũ lịch sử năm 2020 tại miền Trung, cùng với các tôn giáo khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kêu gọi chức sắc, tăng, ni tổ chức nhiều đoàn cứu trợ người dân miền Trung với giá trị vật chất nhiều tỷ đồng. Trên đây chỉ là vài ví dụ trong hàng triệu hành động tương thân với đồng bào trong cơn hoạn nạn của Phật giáo Việt Nam xuyên suốt chiều lịch sử./.
Bùi Quý