Di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang tại Hà Tiên
Ngày đăng: 24/10/2022
Vừa qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP. Hà Tiên đã khánh thành công trình di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang, tọa lạc tại đường Núi Đèn, KP3, P. Pháo Đài, TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Buổi lễ có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Giác Tường; Hòa thượng Thích Giác Ngộ, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ; bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Dân vận tỉnh Kiên Giang.

Tổ sư Minh Đăng Quang được biết đến là người sáng lập Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, mà theo lời Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN Thích Thiện Nhơn, thì “… kể từ năm 1944, Phật giáo Việt Nam có thêm hai lẵng hoa tươi đẹp có màu, có sắc, có hương, đó là Tăng-già Khất sĩ Việt Nam và Ni giới Khất sĩ Việt Nam, hoạt động hữu hiệu trong lòng Phật giáo Việt Nam”.

Tổ Sư Minh Đăng Quang thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Hườn, sinh Tân Tỵ 26 tháng 09 năm Quý Hợi 1923 tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Mùa xuân năm Giáp Thân 1944, ông tỏ sáng lý pháp “Thuyền Bát-nhã” tại Mũi Nai, Hà Tiên khi tròn 22 tuổi. Đầu năm 1946, ông được một cư sĩ cung thỉnh về Linh Bửu tự tại làng Phú Mỹ, Mỹ Tho phổ hóa nhân sinh. Tại đây, ông phát nguyện thọ trì y bát, giới Sa-di, rồi cụ túc Tỳ-kheo 250 giới, pháp hiệu Minh Đăng Quang.

Quá trình tu hành đắc đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang gắn liền với 4 di tích, khơi nguồn cho lịch sử Phật giáo Khất sĩ Việt Nam, đó là: Tổ đình Minh Đăng Quang (Tam Bình, Vĩnh Long) - Nơi sinh trưởng Tổ sư; Di tích hoằng pháp độ sanh - Tịnh xá Mộc Chơn (Phú Mỹ, Tiền Giang); Tổ đình Tịnh xá Ngọc Viên (Xóm Chài, TP. Vĩnh Long) - Nơi đánh dấu Tổ sư vắng bóng; Di tích đắc đạo tại Mũi Nai - Hà Tiên.

Tấm bia di tích tại Mũi Nai, ghi dấu nơi Tổ sư Minh Đăng Quang đắc đạo

Trong đó, di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang tại Hà Tiên là dấu tích kỷ niệm, nơi hơn 70 năm trước Tổ sư Minh Đăng Quang thiền định và chứng ngộ lý pháp. Vì vậy, đối với tăng ni và Phật tử hệ phái Khất sĩ, đây được xem là dấu ấn lịch sử rất quan trọng và thiêng liêng.

Theo các tài liệu, tại vùng biển Mũi Nai, nơi đặt dấu ấn của tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng Hệ phái Khất sĩ, vào thời gian từ cuối năm 1943 đến đầu năm 1944, trong những ngày đầu khai mở hệ phái, Tổ sư Minh Đăng Quang có nhân duyên về tịnh tu tại Mũi Nai - Hà Tiên, nay còn dấu tích nơi Tổ sư ngồi thiền định. Trong quyển Minh Đăng Quang pháp giáo xuất bản năm 1962, có ghi nhận việc này.

Toàn cảnh di tích đắc đạo Tổ sư Minh Đăng Quang nhìn từ trên cao

 

Công trình di tích Tổ sư Minh Đăng Quang đắc đạo ngày khởi công ngày 11/11/2020, dịp kỷ niệm 97 năm ngày sinh Tổ sư. Qua hai năm xây dựng, công trình đã hoàn thành. Ở giữa khu đất là hạng mục chính có diện tích 550m2, chiều ngang 20 mét 40, dài 27 mét, cao 2 tầng. Tầng trên là Chính điện Bát Chánh đạo. Giữa chính điện là bảo tháp thờ Phật bằng gỗ mít, 13 tầng cấp, cao 04 mét. Giữa bảo tháp là tượng Phật Thích Ca tọa thiền bằng gỗ Cẩm Hồng, cao 2 mét 40, an tọa trên đài sen 0.85 mét.

Phía sau tượng Phật Thích Ca là một tôn tượng bằng đá, khắc họa chân dung Tổ sư Minh Đăng Quang đang ngồi. Vách trước và hai bên hông Chính điện được bài trí hình ảnh ghi lại cuộc đời của Tổ sư từ sơ sinh đến ngày vắng bóng. Trên đỉnh mái, chính giữa là ngọn Đuốc Sen - đèn Chơn Lý thiêng liêng, xung quanh bốn góc mái là bốn hoa sen, viền đỉnh mái là những cánh sen đối xứng tươi nở.

Tầng dưới là phòng đa năng có diện tích 550m2. Từ ngoài nhìn vào tòa Chính điện, bên trái là dãy nhà Tăng, bên phải là dãy nhà khách Ni và Phật tử, mỗi bên có diện tích 369m2, cao 3 tầng. Phía sau Chính điện có hai tháp thờ lục giác cao 09 mét. Tháp bên trái tôn trí một pho tượng Tổ sư đứng trang nghiêm. Tháp bên phải tôn trí một pho tượng Tổ sư trì bình khất thực. Chính giữa là tượng Tổ sư Minh Đăng Quang ngọa thiền bằng đá marble dài 3 mét 32.

Tôn tượng Tổ sư Minh Đăng Quang

Cả công trình tựa lưng vào vách núi, có tường chắn dài 80 mét, cao 09 mét, dày 0.40 mét, khắc chữ đồng, thi hóa cuộc đời và hành trạng, cũng như những cảm tác về công hạnh của Tổ sư. Góc trái của tường chắn có thờ một pho tượng Phật chuyển Pháp luân bằng đá marble trắng, cao 04 mét 20, ngang 02 mét 50. Góc phải có tượng thờ Đại Ái Đạo Tỳ kheo ni bằng đá marble trắng, cao 02 mét 15, ngang 01 mét 20. Phía trước sát mặt biển có tấm bia di tích từ lâu đời, ghi dấu nơi Tổ sư Minh Đăng Quang đắc đạo.

Điểm di tích Tổ sư Minh Đăng Quang đắc đạo, bên cạnh ý nghĩa biểu tượng của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, còn là di tích mang tính văn hóa tâm linh nổi bật, góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa Phật giáo tại vùng đất Kiên Giang./.

Khu trưng bày di ảnh của Tổ sư Minh Đăng Quang tại di tích

Chức sắc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự Lễ khánh thành di tích

 

Hữu Hưng