Gìn giữ giá trị di sản Mo Mường
Ngày đăng: 05/10/2022
Mo là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Mường. Đó là loại hình nghi lễ gắn liền với các nghi thức tín ngưỡng do thầy Mo thực hiện, điển hình nhất là lễ tang ma của người Mường. Mo Mường là áng sử thi lớn phản ánh vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan và đời sống xã hội của người Mường cổ xưa.

Mo Mường trong mạch nguồn của đời sống văn hóa Mường

Mo Mường luôn hiện hữu trong các nghi lễ vòng đời của một con người. Từ một sinh linh bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời, thầy Mo thực hành nghi lễ cầu cho trẻ được khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Khi trưởng thành dựng nhà, lập gia đình, thầy Mo khấn cầu gia tiên hai họ tiễn dâu, đón dâu về nhà chồng để xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình. Đến khi con người về già, đau yếu, đối diện với những biến cố, hoạn nạn xảy ra, thầy Mo làm lễ vía giải hạn, cầu sức khỏe, cầu bình an, trường thọ. Khi về già, con người không thể trái với quy luật sinh tử, thầy Mo đóng vai trò là cầu nối tiễn linh hồn của người chết về với Mường Trời.  

Chính yếu tố đa dạng trong thể loại và nội dung của Mo Mường đã tạo nên sức sống bền bỉ của Mo Mường trong đời sống hiện nay. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Thiện, để tiến hành đầy đủ các nghi lễ Mo phải mất 23 ngày liên tục với 115 roóng Mo (tương đương như các chương, hồi trong tiểu thuyết) và hơn 44.000 câu thơ Mo. Và hiện nay có 3 thể loại, đó là Mo nghi lễ gồm những bài mo gắn với các nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng của người Mường; Mo kể chuyện là những bài Mo không cố định về nội dung mà phụ thuộc vào hoàn cảnh và môi trường diễn xướng của thầy Mo; Mo nhòm là loại mô tả cảnh vật, con người và cuộc sống của người Mường.

Thầy Mo chủ trì một lễ cúng

Thực hành nghi lễ Mo là sự tổng hòa của 3 yếu tố cơ bản, với vai trò chủ đạo của thầy Mo và lời Mo trong môi trường diễn xướng. Không gian và thời gian diễn xướng của nghi lễ Mo chủ yếu diễn ra vào ban đêm, cũng có nghi lễ Mo được tổ chức ban ngày, như: Mo nhà xe, Mo trâu, Mo Dun... Bên cạnh đó, đạo cụ trong Mo Mường đóng vai trò quan trọng cho một nghi lễ đặc sắc này, như: Con trâu, nhà xe, gánh gạo, vò rượu, con gà, đôi cây mía và không thể thiếu y phục và các dụng cụ của thầy Mo trong thực hành tín ngưỡng của người Mường.

Mo Mường trước nguy cơ mai một

Ngày nay, Mo Mường vẫn được các thầy Mo trong cộng đồng thực hành và trao truyền cho các thế hệ. Tuy nhiên, số lượng những thầy Mo trong các bản, làng người Mường ngày một ít, sự kế thừa và trao truyền cho các thế hệ kế tiếp, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng hiếm hơn, vì không có mấy người mặn mà theo học loại hình di sản văn hóa này. Nhiều thầy Mo tuổi cao, sức yếu, lần lượt theo nhau “về Mường Trời”. Điều đó đồng nghĩa với việc họ mang đi cả một kho tàng tri thức dân gian về bên kia thế giới. Trong khi đó, việc truyền dạy thực hành Mo Mường không phải là điều dễ dàng. Mo Mường dù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, song loại hình di sản này vẫn đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền.

Di sản Mo Mường hiện có tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Hòa Bình, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Hà Nội. Tại Hà Nội, đồng bào dân tộc Mường sống ở cả 30 quận, huyện, thị xã nhưng tập trung đông nhất tại huyện Thạch Thất và Ba Vì.

Theo kết quả Đề án "Tổng kiểm kê, bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội" công bố năm 2016, di sản Mo Mường được kiểm kê với các tên gọi khác nhau tại các địa phương như: Bài cúng ma - cúng giỗ của dân tộc Mường tại các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài, huyện Ba Vì; tập quán ma chay của người Mường ở xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai; nghi lễ tang ma của người Mường ở thôn Luồng, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất.

Hiện trên địa bàn chỉ còn có 7 thầy Mo còn đang thực hành thường xuyên. Người cao tuổi nhất là ông Đinh Công Sinh, xã Ba Trại, huyện Ba Vì, 86 tuổi. Người trẻ tuổi nhất là anh Đinh Xuân Nam, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, 28 tuổi.

Lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh Mo Mường là di sản cần bảo vệ khẩn cấp

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan, địa phương phối hợp xây dựng Bộ hồ sơ quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp. Hội nghị triển khai công tác xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường diễn ra ngày 03/10 vừa qua là một trong những khâu quan trọng trong tiến trình này.

Hội nghị do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Âm nhạc tổ chức, với sự tham dự của cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin đại diện các quận, huyện, thị xã; cán bộ văn hóa xã; đặc biệt sự có mặt của các Nghệ nhân thực hành di sản Mo Mường là các thầy mo và đại diện cộng đồng là người dân tộc Mường.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai công tác xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày 03/10/2022

Theo đó, di sản văn hóa Mo Mường sẽ được xây dựng hồ sơ quốc gia để trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại hội nghị, chuyên gia Viện Âm nhạc đã hướng dẫn, phổ biến về công tác kiểm kê theo quan điểm và yêu cầu của UNESCO đối với các di sản văn hóa phi vật thể; ứng dụng lý thuyết vào công tác kiểm kê di sản Mo Mường ở Hà Nội, hướng dẫn kiểm kê; thực hành kiểm kê thông qua việc phỏng vấn các thầy Mo.

Thông qua những kiến thức được các chuyên gia cung cấp, nhận thức về di sản Mo Mường được củng cố, nâng cao hơn trong đội ngũ cán bộ, qua đó, phục vụ tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mo Mường, hướng tới việc di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường được UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp./.

Lan Anh