Lễ hội Dinh Thầy Thím tưởng nhớ bậc tiền nhân
Ngày đăng: 13/10/2022Là một trong 5 lễ hội văn hóa tiêu biểu, được tỉnh Bình Thuận chọn để phục vụ phát triển du lịch của địa phương, Lễ hội Dinh Thầy Thím mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, ghi khắc công đức của các bậc tiền nhân khoảng hơn 130 năm qua, đó là nhân vật Thầy Thím.
Chiều ngày 09/10, tại Di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận đã chính thức khai mạc Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy Thím năm 2022.
Lễ khai mạc năm nay đảm bảo trang trọng với các nghi thức đọc kim sách về lịch sử đức độ của Thầy Thím, lễ dâng hương tưởng nhớ công đức Thầy Thím, đánh trống khai hội và chương trình nghệ thuật ca múa nhạc đặc sắc. Lễ hội có ý nghĩa tưởng nhớ công đức của Thầy và Thím, lúc sinh thời thường chữa bệnh cứu người, giúp ngư dân đóng thuyền đánh cá, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Đây còn là sự kiện văn hóa - du lịch hướng đến kỷ niệm 27 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 - 24/10/2022).
Rước sắc phong và Bằng công nhận di tích nhập điện
Sự tích Thầy Thím được lưu truyền trong dân gian, là 2 vợ chồng đạo sĩ tài đức, giàu lòng nhân ái, có nhiều công lao cứu giúp người dân nghèo trong cuộc sống. Sau khi họ qua đời, nhân dân địa phương không biết họ tên nên kính cẩn gọi là Thầy và Thím. Để ghi tạc công ơn của họ, nhân dân địa phương đã lập dinh thờ Thầy Thím tại khu rừng Bàu Cái.
Dinh Thầy Thím được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 32 (năm 1879), toạ lạc giữa rừng dầu trên khu cát trắng, nay thuộc thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Đến nay, Dinh Thầy Thím đã được công nhận cả hai danh hiệu là Di tích lịch sử văn hoá và Lễ hội văn hoá Dinh Thầy Thím là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Việc công nhận này đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét văn hoá truyền thống của cộng đồng, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hoá Việt Nam.
Hàng năm, tại dinh Thầy Thím tổ chức hai kỳ lễ: Lễ Tảo mộ Thầy Thím diễn ra vào ngày 05 tháng Giêng và Lễ giỗ Thầy Thím diễn ra từ ngày 14 - 16 tháng Chín Âm lịch. Lễ giỗ được coi là Lễ hội chính với nhiều nghi lễ truyền thống.
Các nghi lễ trong Lễ hội đều do Ban Tế tự của dinh thực hiện. Theo truyền thống, Ban Tế tự là những người do dân làng chọn ra, có uy tín, đạo đức, gia đình hòa thuận, gương mẫu, không có tang chế, am hiểu về tập tục và các lễ nghi liên quan đến tín ngưỡng dân gian truyền thống của cộng đồng.
Lễ vật dâng cúng Thầy Thím, ông bà, tổ tiên trong Lễ hội dinh Thầy Thím gồm những sản vật gắn với sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, trong đó phải có 01 con heo toàn sắc để dâng tế Thần linh.
Năm nay, Lễ hội diễn ra từ ngày 09 - 11/10/2022 trên mảnh đất La Gi – Hàm Tân. Trước đó, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Dinh Thầy Thím đã diễn ra nghi lễ Nghinh thần, rước Sắc phong và Bằng công nhận di tích, lễ dâng hương cùng nhiều hoạt động, trò chơi dân gian khác. Ngay từ ngày khai hội, rất đông nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh đã đến Khu di tích văn hóa Dinh Thầy Thím để hành hương và cảm nhận những giá trị tâm linh, nhân văn sâu sắc.
Lễ hội Dinh Thầy Thím là lễ hội có truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân Bình Thuận mà còn là di sản văn hóa chung của người dân nhiều tỉnh, thành lân cận ở khu vực phía Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa nhưng đến nay Lễ hội Dinh Thầy Thím vẫn được gìn giữ, bảo tồn, duy trì đầy đủ cả về thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ… tạo nên một không gian linh thiêng, huyền ảo, cùng với các trò chơi dân gian, hội thi, hội diễn… hấp dẫn theo tập tục có từ lâu đời của cộng đồng người dân địa phương
Được biết, Trong những năm gần đây, lượng du khách đến Dinh Thầy Thím ngày càng tăng, ước khoảng 600 nghìn khách/năm. Với những giá tri ̣về kiến trúc nghê ̣thuât và tín ngưỡng, tâm linh, Dinh Thầy Thím có điểm mạnh trên cả hai phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây là một trong những lễ hội văn hóa tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận chọn bảo tồn và phát triển./.
Nguyễn Ngân