Bảo tồn các giá trị của Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng
Ngày đăng: 29/09/2022
Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL Nông Quốc Thành trao Bằng chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng cho lãnh đạo huyện Vĩnh Tường
Lễ hội xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian gồm chuỗi các thực hành văn hóa (tế lễ, hội, tiệc, trình diễn…) của cộng đồng cư dân 2 làng Bích Đại và Đồng Vệ xưa (Đại Đồng ngày nay).

Sáng 27/9 huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng”

Tham dự có ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh và đông đảo du khách thập phương.

Lễ hội xã Đại Đồng được hình thành từ lâu đời nhằm tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng Bán Thiên Đại Vương Đinh Thiên Tích, một vị tướng tài thời Vua Hùng thứ 6 có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược và dạy dân trăm nghề nông trang (cày ruộng, cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm…), giúp nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, phồn thịnh.

Đến nay, trải qua những thăng trầm và biến thiên lịch sử, Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng vẫn duy trì 3 hội lễ truyền thống được tổ chức định kỳ là Lễ hội “trâu rơm bò rạ” (ngày 4 tháng Giêng), Lễ hội rước kiệu ngày tiệc sinh Thánh (ngày 20 tháng Giêng), Lễ hội Tiệc mừng công - Lễ rước kiệu (tháng 9 âm lịch). Lễ hội được tổ chức trên quy mô cấp xã, trung tâm là không gian các di tích như đình Bích Đại, miếu Đồng Vệ, đình Đồng Vệ - nơi diễn ra hoạt động chính, chủ yếu của lễ hội.

Lễ hội “Trâu rơm bò rạ” diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng hằng năm. Vào ngày này, chủ tế và các quan viên tế sẽ thực hiện các nghi thức cúng tế Thành hoàng làng. Nhân dân 2 làng lập thành 2 đội trình nghề, dùng rơm rạ tết thành những con trâu, con bò đồng diễn tại miếu Đồng Vệ. Người dân hóa trang thành nông dân, thợ rèn, lái buôn, thầy đồ, học sinh… tham gia đồng diễn các hoạt động thường nhật như dắt trâu đi cày, ném mạ, câu ếch, câu cá, cuốc phát bờ, tát nước, dạy học…

Không kém phần đặc sắc so với lễ hội “trâu rơm bò rạ" là lễ hội rước kiệu. Trước đây, nhân dân Đại Đồng tổ chức rước kiệu 2 lần/năm vào ngày 20 tháng Giêng (ngày sinh của Thánh) và ngày mùng 10 tháng 9 (ngày Thánh xuất cung xem xét dân tình).

Để chuẩn bị cho lễ hội, cách đó vài tháng, dân làng đã lựa chọn chủ tế và các quan viên tế là các bậc cao niên trong làng, hiền lành đức độ, có sức khỏe tốt, gia đình song toàn và không có tang; đồng thời, lựa chọn những thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh, con nhà hiền đức trong làng làm các chân kiệu (người khiêng kiệu). Trước ngày hội chính, các quan viên làm lễ cúng thần, thực hiện các nghi thức lau rửa ngai kiệu, chồng kiệu, phong cờ, phong y, làm lễ cáo yết xin phép Thành hoàng cho con dân được mở hội.

Kiệu gồm 2 cỗ, một kiệu Văn (8 người rước) và một kiệu Thánh (16 người rước), ngự tại miếu Đồng Vệ. Trên kiệu Văn đặt bản trúc văn, một buồng cau đẹp cùng hương hoa phẩm oản. Trên kiệu Thánh đặt long ngai bài vị, bên ngoài phủ tấm vải lụa đỏ. Sau khi làm lễ, đến đầu giờ chiều, dân làng tổ chức nghi lễ rước kiệu.

Đoàn rước đi theo thứ tự: Cờ lễ, phường bát âm, chấp kích, kiệu Văn, kiệu Thánh, quan viên tế, sau cùng là nhân dân. Kiệu khởi hành từ miếu Đồng Vệ và hạ ở đình Bích Đại. Trên đường đi, đoàn rước kiệu phải tuân thủ theo hiệu lệnh của người cầm trịch (người cầm trống khẩu). Đoàn rước về đến đình Bích Đại, kiệu hạ ở sân đình. Chủ tế long trọng rước long ngai, bài vị Thánh lên thượng cung, chỉnh đốn khăn áo, bước vào làm lễ tế yên vị. Ngày hôm sau, đoàn rước tập trung tại đình Bích Đại để rước kiệu hoàn cung, thực hiện nghi thức tế yên vị, kết thúc lễ hội.

Lễ hội truyền thống xã Đại Đồng là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được thực hiện từ xa xưa và duy trì qua các thế hệ, nhằm củng cố tinh thần đại đoàn kết cộng đồng và tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng Bán Thiên Đại Vương Đinh Thiên Tích.

Với giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật dân gian, giá trị văn hóa truyền thống độc đáo…Lễ hội xã Đại Đồng được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1735, ngày 27/5/2021.

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, việc đưa lễ hội truyền thống xã Đại Đồng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của nhân dân xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, cũng như của huyện trong những năm tới đây.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Đại Đồng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh triển khai tổ chức thực hiện tốt các biện pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa đối với di sản văn hóa đã được xếp hạng một cách khoa học. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị của di tích, di sản; xây dựng kế hoạch khai thác những giá trị của lễ hội với việc đẩy mạnh quảng bá giới thiệu để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển lĩnh vực kinh tế du lịch…

 

LA