Không phải Ai Cập, đây mới là nước nhiều kim tự tháp nhất thế giới
Ngày đăng: 02/11/2021Sudan, láng giềng của Ai Cập, mới là quốc gia sở hữu nhiều kim tự tháp nhất trên thế giới, với phần nhiều trong số đó có tuổi đời lên tới 2.700 năm.
Sudan có tới 255 kim tự tháp, gần gấp đôi Ai Cập (138). Tương tự, Sudan cũng nổi tiếng với nhiều đền thờ trải dài từ El Kurru, Jebel Barkal tới Meroe, với số lượng, quy mô nhỉnh hơn người láng giềng ở Bắc Phi.
Song giống với Ai Cập, người Kushite xây kim tự tháp để chôn cất khoảng 60 vị vua (còn được gọi là các pharaoh da đen), hoàng hậu Nubia và các công dân giàu có.
Có tới 200/255 kim tự tháp được xây dựng vào thời kỳ Meroitic tại thành phố cổ Meroe, nằm giữa sa mạc Sudan. Một trong ba thủ phủ của Vương quốc Kush cổ đại từng cai trị vùng Nubia, khu vực dọc sông Nile ở Sudan và miền Nam Ai Cập, từ thế kỷ X trước Công nguyên đến thế kỷ IV sau Công nguyên, nơi đây từng là một đô thị trù phú và thịnh vượng. Vì thế, quần thể kim tự tháp ở đây được gọi chung là Meroe.
Giờ đây, chỉ sau 4 giờ lái xe từ thủ đô Khartoum, du khách đã có thể chiêm ngưỡng thành phố cổ được coi là viên ngọc văn hóa của Sudan, Di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận từ năm 2011.
Điểm nhấn riêng
Không chỉ áp đảo về số lượng, kim tự tháp tại Sudan còn có điểm nhấn, làm nên sự khác biệt so với những kiến trúc tương tự ở nước láng giềng Ai Cập.
Đầu tiên, quần thể kim tự tháp ở Meroe chỉ có chiều cao trung bình từ 6 – 30m, thấp hơn đáng kể so với Đại kim tự tháp Ai Cập cao trung bình 138m tại Giza, Ai Cập.
Về cấu trúc, khác với “đàn anh” ở nước láng giềng, kim tự tháp Sudan không đứng một mình mà thường được xây liền kề đền thờ với thiết kế đậm nét kiến trúc Nubian: Bề mặt dốc, không nhẵn, chân đế hẹp và tường dốc ở góc 70 độ.
Các kiến trúc này cũng có màu sắc đặc trưng do làm từ đá kim sa, đá granite với hàm lượng sắt cao.
Vậy bên trong thì sao? Kim tự tháp thường chứa nhà nguyện, phòng chôn, với tường được bao phủ bởi chữ tượng hình và phù điêu, miêu tả cuộc sống của Vương quốc Kush, trong đó hoàng hậu mới là người phụ trách thờ cúng các vị thần Ai Cập. Đây chắc chắn là tư liệu lịch sử quý hiếm giới khảo cổ chẳng thể bỏ qua.
Bên trong kim tự tháp ở Meroe, Sudan là nhà nguyện, phòng chôn với các bức tường phủ đầy tượng hình, điêu khắc về cuộc sống của người Kushite. (Nguồn: DocumentaryTube)
Khám phá các kim tự tháp vào thế kỷ XIX, những nhà thám hiểm cũng tìm thấy vô số đồ tạo tác được bảo quản tốt như đồ gốm, thủy tinh màu, mũi tên...
Đơn cử như lăng mộ Vua Tanutamun nổi tiếng của triều đại Nubia, El Kurru. Du khách tham quan không khỏi choáng ngợp bởi những bức tranh tinh xảo, vừa tô điểm các bức tường, vừa kể lại nhiều câu chuyện trong vương triều.
Chẳng vậy mà từ năm 2003, quần thể kim tự tháp Meroe đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, trở thành biểu tượng, niềm tự hào của người Sudan, chứng minh cho lịch sử lâu đời và nền văn hóa rực rỡ của đất nước này.
Ngoài ra, du khách tinh mắt đến thăm các kim tự tháp ở Sudan có thể nhận ra rằng một số di tích bị mất phần ngọn trên cùng.
Đâu là nguyên nhân cho chuyện này?
Gần 40 kim tự tháp của Sudan đã bị nhà thám hiểm người Italy Giuseppe Ferlini (1797-1870) tàn phá bằng cách cho nổ tung để tìm kho báu và cổ vật những năm 1880. Trong số đó, có thể kể tới mộ của Amanishkheto, một nữ hoàng chiến binh Nubia. Đồ tạo tác, trang sức bằng vàng và bạc khai quật sẽ được người này bán lại cho bảo tàng châu Âu. Một số được Vua Louis I của Bavaria mua lại và hiện đặt trong Bảo tàng Ai Cập ở Berlin.
Bí ẩn về kim tự tháp mất ngọn đã hé lộ, nhưng nhiều uẩn khúc khác về quần thể kiến trúc này thì chưa. Liệu người Kushite có sử dụng phương pháp làm kim tự tháp của người Ai Cập? Mất bao lâu để xây kim tự tháp như vậy? Điều gì đã xảy ra với nền văn hóa người Kushite? Đây đều là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Nhiều kim tự tháp ở Meroe, Sudan đã bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của thời gian và một số kẻ trộm mộ. (Nguồn: Sues Travel)
Đi cùng năm tháng
Ít nổi tiếng hơn quần thể kiến trúc ở Ai Cập, nhưng kim tự tháp Sudan đã được bảo tồn đáng kinh ngạc sau hàng nghìn năm. Song giờ đây, nỗ lực của Khartoum nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa từ di sản này đang đối diện nhiều thách thức.
Biến đổi khí hậu khiến đất đai khô cằn hơn và bão cát xảy ra thường xuyên hơn. Các trận bão cát và những cồn cát dịch chuyển là mối đe dọa lớn nhất đối với nhiều di sản cổ xưa của Sudan.
Cát di chuyển có thể chôn vui toàn bộ ngôi nhà ở vùng nông thôn Sudan, bao phủ các cánh đồng, kênh rạch tưới tiêu và bờ sông. Cát bị gió thổi cũng làm xói mòn nhiều tác phẩm điêu khắc và đồ đá tinh xảo trên bề mặt kim tự tháp.
Hiện tượng này không phải là mới. Thậm chí, nó đã được người Sudan ghi lại từ hàng nghìn năm. Dòng chữ được tìm thấy trong một ngôi đền từ thế kỷ V trước Công nguyên đã mô tả một vị vua Kushite đang ra lệnh dọn sạch cát trên đường.
“Bệ hạ cử vô số nam nữ, cùng con cái hoàng tộc và các tù trưởng để mang cát đi. Bệ hạ đã tự tay mình mang cát đi, đứng đầu đoàn dân trong nhiều ngày”.
Tuy nhiên, một số nhà khảo cổ tin rằng chuyển động của cát giúp bảo vệ đồ tạo tác khỏi những kẻ trộm luôn rình rập khai quật các ngôi mộ cổ giữa lòng sa mạc.
Một trong những cách tốt nhất để chống lại sự di chuyển của cát và sa mạc hóa là tăng độ phủ thực vật. Do đó, Sudan và láng giềng đang thực hiện một dự án hạn chế tần suất bão bụi, làm chậm sự di chuyển của cát lên các vùng đất màu mỡ, địa điểm có giá trị lịch sử văn hóa được UNESCO công nhận ở Bắc Sudan.
Đồng thời, dự án sẽ góp phần giải quyết những đợt nắng nóng khắc nghiệt ở các khu vực bán khô hạn như thủ đô Khartoum, nơi nhiệt độ có thể lên tới hơn 40°C vào mùa hè.
Nếu thành công, dự án sẽ góp phần bảo tồn quần thể kim tự tháp Meroe, để du khách thế giới tận mắt chứng kiến, cảm nhận biểu tượng, niềm tự hào của người Sudan, chứng minh cho lịch sử lâu đời cùng nền văn hóa rực rỡ của đất nước này.
Theo CNN